Hôm nay là ngày 27 Tháng Tư. Đúng ngày này, 48 năm về trước, tôi như kẻ đang ngồi trên đống lửa.
Kể từ khi đặt chân một cách “bất hợp pháp” vào khu tập trung của những người được chính phủ Mỹ di tản theo kế hoạch “Orderly Evacuation Operation” ở phi trường Tân Sơn Nhất đến giờ này cũng đã gần 48 tiếng đồng hồ, mà vẫn không nhận được tin tức gì của gia đình.
Tôi có mượn điện thoại của văn phòng DAO để gọi về nhà đôi ba lần, nhưng không ai nhấc phone, mà thuở ấy đã làm gì có cell phone để mà liên lạc! Tôi tự an ủi, chắc giờ này mọi người đang ngồi đợi ở một địa điểm nào đó để chờ được bốc lên xe? Mỗi khi có các chuyến bus mầu vàng chở người từ Sài Gòn vào là tôi lại nhờ Đức Huy cover để chạy ra điểm mặt hành khách mới đến xem có gia đình mình hay không, nhưng vẫn biệt vô âm tín!
“Giờ này Bố Mẹ đang ở đâu…?”, tôi cứ lẩm nhẩm một mình như thằng điên mỗi khi thất vọng, nhìn những chuyến xe bus thả hết người mà vẫn chẳng thấy bố mẹ và các em đâu cả!
Nhưng tôi biết giờ này trong lòng ông bà cũng lo lắng rộn ràng không kém gì tôi. Mặc dù hiện đang quây quần bên 10 đứa con khác, nhưng chắc chắn là vẫn thắc mắc, không biết số phận thằng con cả của mình giờ này ra sao? Sống chết thế nào, đã thoát được chưa hay đang ngồi tù trong quân lao?
Tôi biết chắc như vậy vì tình thương vô bờ mà ông bà dành cho các con. 11 đứa mà lúc nào cũng lo lắng, chăm sóc hết sức cẩn thận cho từng đứa một. Tôi còn nhớ lần theo Tiểu Đoàn 3/8 đi hành quân, mùa Hè đỏ lửa 1972, tôi không về thăm nhà hay liên lạc gì với gia đình cả gần ba tuần lễ, bố tôi nóng ruột lái xe xuống phòng báo chí, bộ chỉ huy sư đoàn hỏi thăm thì được biết tôi đang công tác ngoài mặt trận Phú Giáo.
Thế mà cụ theo con đường tỉnh lộ xuống tận nơi tìm con. Đậu xe ngoài ở ngoài quận, lần mò vào gần bãi chiến trường, bất chấp đạn pháo kích đang dội ầm ĩ. Đến khi gặp được tôi, cụ bảo để bố xin ông tiểu đoàn trưởng cho con về thăm nhà, lâu lắm rồi chưa đi phép! Lúc đó tôi đang ngồi với đại úy Điền, đại đội trưởng, cả bọn cùng cười rồi trấn an và khuyên cụ yên tâm ra về, vì ở đây anh em bảo bọc nhau kỹ lắm!
Cũng tương tự như thế, khi mẹ tôi vắng bóng thằng con út gần hai tháng không về thăm nhà. Nguyễn Nam Việt, nhập ngũ lúc đôn quân, chuẩn úy mới ra trường vừa tròn 18 tuổi đã “cầm quân diệt giặc”. Nhớ con, cụ năn nỉ nhờ người đưa đi thăm Việt, lúc ấy đang hành quân ở Chơn Thành.
Nôn nao ngồi đợi con nơi hậu cứ gần sáu tiếng đồng hồ, ông con trai, chuẩn úy mảnh khảnh, gầy gò, trung đội trưởng dẫn một toán quân gần 20 người trở về. Việt kể lại, cụ mừng quá ôm chầm lấy con xoa đầu, xoa tóc, xoa tay, xoa chân xem có mất gì không! Việt bảo, cả trung đội cười vỡ bụng.
Mà thật ra cũng chẳng phải chỉ có bố mẹ tôi, cha mẹ nào thì cũng thương con như vậy, những đứa con mang nặng, đẻ đau sinh ra trong thời chinh chiến nên các bà mẹ Việt Nam thường “được” khóc nhiều hơn cười!
6 giờ chiều ngày 27, thế là đúng hai ngày tôi ở trong căn cứ này. Đêm qua chợp mắt được khoảng ba tiếng đồng hồ thì Đức Huy đánh thức dậy để từ giã ra đi, gia đình nó đã có chuyến bay. Tôi nắm tay Huy, cảm ơn, chúc lên đường bình an và hẹn gặp lại! Thú thật tôi cũng chẳng biết có gặp nhau nữa hay không, và nếu có thì gặp ở đâu? Thế nhưng tất cả các chi tiết đó đều là những điều “xa xỉ” đối với tôi trong lúc này. Tôi chỉ muốn tìm được câu trả lời: “Giờ này Bố Mẹ đang ở đâu…?”
Huy đi rồi lòng tôi buồn vô hạn, dù công việc vẫn bận rộn và anh thiếu tá Mỹ đen vui tính tên Bob vẫn hay đùa giỡn đem niềm vui đến cho mọi người, nhưng tôi chỉ biết gượng cười. Càng bận rộn gọi tên người tới tấp lên các chuyến bay, tôi lại càng thêm nóng ruột.
Tất cả những người quen, người bạn mà tôi nhắc đến ngày hôm qua, đều đã lần lượt lên đường, đích thân tôi gọi tên từng người. Tôi lại ước ao, phải chi giờ này bố mẹ và các em đang có mặt ở đây! Không còn nỗi khổ tâm nào hơn khi mình đã tiễn cả ngàn người đi mà không có được một vài người thân trong gia đình!
Các chuyến xe bus vàng định mệnh của quân đội Mỹ lại đổ thêm hàng trăm người xuống khuôn viên DAO. Lại ồn ào, náo nhiệt, lại tiếng khóc, tiếng cười, tiếng than, tiếng nấc. Niềm an ủi duy nhất đối với mọi người lúc bấy giờ là cuộn băng cassette “Tình Khúc Ngô Thụy Miên” vừa phát hành và được đón nhận rất nồng nhiệt ở khắp mọi nơi. Đây cũng là tác phẩm đầu tay của người nhạc sĩ trẻ này.
Sài Gòn hay đâu đâu cũng vang lên những bản tình ca êm ả, lãng mạn của Ngô Thụy Miên, nhất là ở đây và trong giờ phút này. Hình như ông Trời đã sắp đặt để Ngô Thụy Miên cho ra đời băng nhạc này như là một liều thuốc an thần để an ủi người dân Sài Gòn trong cơn dầu sôi, lửa bỏng của những ngày tháng chất chứa bao khổ đau đang từ từ ập xuống!
Ngoài nhạc Ngô Thụy Miên, người ta còn cho phát liên tục bản “Nếu Xa Nhau” của Đức Huy, họ dùng ca khúc này như một lời từ giã. Từ giã người thân yêu hay từ giã nơi chôn nhau, cắt rốn để đến một nơi vô định?
Tôi may mắn được quen cả hai người nhạc sĩ khả ái này, lại còn là bạn đồng môn của trường Nguyễn Trãi trước khi đổi sang Chu Văn An năm đệ nhị cấp. Nhạc Ngô Thụy Miên và Đức Huy đa số là những bản tình ca êm đềm và thắm thiết. Họ rất ít và hình như không viết về tỵ nạn hay thân phận, ngoại trừ một số tình khúc chia ly nhẹ nhàng nhưng không kém phần chua xót.
Tin giờ chót: Anh chàng thiếu tá Bob vừa lôi tôi ra một góc kín và nói nhỏ vào tai tôi là, chương trình di tản chắc phải chấm dứt vào khuya hôm nay, vì tin tình báo cho biết, VC sẽ pháo kích phi trường Tân Sơn Nhất vào sáng sớm ngày mai, 28 Tháng Tư 1975. Nghe tin như sét đánh ngang tai, tay chân bủn rủn, rụng rời, tôi lại sống trong trạng thái bàng hoàng của hai ngày trước đó!
“Giờ này Bố Mẹ đang ở đâu…?” Tôi sẽ phải quyết định ra sao, liệu gia đình tôi có kịp vào đây không? Nếu không thì số phận họ sẽ như thế nào, còn tôi thì sẽ ra sao? Hay chỉ còn biết ngồi gục đầu “khóc một dòng sông”?
(Gửi riêng Saigon Nhỏ News)
______________