Ký ức tháng Tư buồn

Vâng, như chỉ mới hôm qua thôi, bởi cho đến bây giờ những gì tôi chứng kiến trong khoảng thời gian đó vẫn không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của mình, dù 46 năm đã trôi qua. Bây giờ ngồi nhớ lại, những hình ảnh hiện ra như trong một cuốn phim quay chậm…

– Ngày 18 tháng 3 năm 1975: Tình hình chiến sự Thừa Thiên Huế, trong phạm vi trách nhiệm của Sư Đoàn 1 BB nói chung vẫn được coi là yên tĩnh, nghĩa là chưa có một trận đánh lớn nào xảy ra, tuy nhiên theo ban không ảnh của Phòng 2 và từ các toán tiền đồn báo cáo là họ nhìn thấy các xe tải Molotova kể xe tăng T 54 của Bắc quân đang hoạt động không ngừng trên đường mòn HCM. Thỉnh thoảng có vài trái hỏa tiển 122 ly bắn hú họa vào thành phố và căn cứ Dạ Lê nơi đồn trú Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1BB, cách Huế 7 Km về phía Nam nhưng không ngây thiệt hại nhiều. Ngoài những trái đạn đó ra thì vẫn chưa có biểu hiện gì nghiêm trọng dù rằng tình hình quân sự có vẻ xấu đi qua tấm bản đồ trên TOC (Trung tâm hành quân) cho thấy vành đai phòng thủ của Sư Đoàn 1 BB đã bị co cụm lại và chuyển từ cấp độ màu xanh sang cấp độ báo động màu vàng, khi căn cứ Kim Quy và Bastogne đã được lệnh rút bỏ (Cấp độ màu Đỏ: Báo động cấp 3 )

Tôi chỉ là một sĩ quan cấp nhỏ thuộc Phòng truyền tin Sư Đoàn, tất nhiên sự hiểu biết chỉ có giới hạn, nhưng do công việc thỉnh thoảng chạy lên chạy xuống TOC nên nhờ đó có nghe ngóng thêm chút đỉnh như đã nói ở trên.

Nhưng tình hình mặt trận Tây Nam và Thành Phố Huế trong thực tế không phải chỉ chừng đó. Qua báo chí radio, TV đặc biệt là đài BBC tôi vừa biết thêm thành phố Ban Mê Thuột và Tây Nguyên đã bị rơi vào tay Bắc quân sau cuộc rút quân hỗn loạn của Quân Đoàn II cách đây vài ngày. Sự kiện này làm dân Huế thêm phập phồng lo sợ, đồng thời họ cũng chứng kiến hàng đoàn quân xa chở các Lữ Đoàn TQLC từ Quảng Trị rút vào Nam khiến dân Quảng Trị hốt hoảng bồng bế nhau chạy vào Huế và sự sợ hãi lập tức lan ra nhanh chóng khiến dân Huế cũng bắt đầu kéo nhau chạy vào Đà Nẵng. Nhiều tin đồn không biết từ đâu được tung ra như tin sẽ có dàn xếp để cắt ngang ở vĩ tuyến 20 đã khiến tình hình có vẻ càng trở nên hỗn loạn hơn. Hàng đoàn xe tải xe đò và đủ các phương tiện chở người tản cư từ Huế chen nhau nằm kẹt cứng từ Quốc lộ 1 lên đèo Hải Vân.

– Ngày 19 tháng 3 năm 1975: tôi nghe tin Bộ Tư Lệnh SĐ1BB có kế hoạch rút vào Đại Nội để tử thủ theo lệnh Tướng Ngô Quang Trưởng đồng thời cho phép quân nhân Sư Đoàn 1 đưa gia đình vào Đà Nẵng lánh nạn .

– Ngày 21 tháng 3 năm 1975: Phòng 4 Sư Đoàn có cấp một xe GMC để chuyên chở gia đình quân nhân thuộc phòng Truyền Tin di tản. Tôi có xin Trung Tá Tâm trưởng phòng truyền tin nghỉ phép 24 giờ để theo vào Đà Nẵng sắp xếp chỗ ăn ở cho gia đình tôi. Lúc đó tôi vẫn còn tin rằng mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp, như nó đã từng xảy ra một cách tốt đẹp trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972. Vì thế, tôi bỏ lại chiếc Honda 68 nhờ một người lính coi giùm và nói rằng chậm lắm ngày 22 tháng 3 tôi sẽ trở lại làm việc.

– Ngày 22 tháng 3 năm 1975: Không ngờ chuyến xe của tôi đi trong ngày hôm đó là một trong những chuyến xe cuối cùng từ Huế vào Đà Nẵng. Đi sáng 21 tháng 3, kẹt lại một đêm trên đỉnh đèo Hải Vân, rạng sáng hôm sau, 22 tháng 3, xe vừa đổ đèo vào thành phố Đà Nẵng thì có tin Quốc Lộ 1 bị cắt ở đoạn Phú Lộc (Khu vực căn cứ Lương Điền, gần cầu Truồi).

Tôi còn nhớ cùng đi chung với tôi còn có Thượng Sĩ Xuân, thường vụ phòng Truyền Tin . Đến Đà Nẵng, sau khi thu xếp chỗ tạm trú cho gia đình xong, tôi và Xuân gặp nhau bàn chuyện nên ở lại cùng với gia đình hay kiếm phương tiện trở về đơn vị. Tất nhiên chúng tôi không hề biết tình hình thực tế như thế nào để quyết định. Cuối cùng chúng tôi đến trình diện một sĩ quan cấp trên tại phòng 6 Quân Đoàn I xin ý kiến. Vị này chỉ nói là nếu chúng tôi ở lại lâu hơn 24 giờ phép thì sau này có thể bị báo cáo đào ngũ. Có thể tôi và cả Thượng sĩ thường vụ vẫn còn ảnh hưởng bởi tình hình lạc quan năm 1972 và một phần sợ bị báo cáo đào ngũ, nên sau đó chúng tôi quyết định tìm phương tiện ra lại Huế.

– Ngày 23 tháng 3 năm 1975: Ở lại Đà Nẵng một đêm, sáng 23 tháng 3 tôi và Xuân chạy đôn chạy đáo tìm phương tiện ra Huế, mãi đến chiều, chúng tôi mới biết có một chiếc Quân Vận Hạm (loại tàu đổ bộ) chuẩn bị rời bến ở Quân Cảng Đà Nẵng để ra Thuận An, Huế. Chúng tôi chạy ra bến Bạch Đằng, trình giấy tờ và lên tàu lúc khoảng 7 giờ chiều.

– Ngày 24 tháng 3 năm 1975: Tàu đi cả đêm, sáng hôm sau thì đến Thuận An. Đến lúc này hỏi ra thì mới biết chiếc này cùng với nhiều chiếc khác đến Huế để chở các đơn vị còn mắc kẹt ở Huế di tản vào Đà Nẵng.

– 2 giờ trưa: Tàu không cập bãi được. Đến trưa, tôi và Thượng sĩ Xuân cùng một vài người khác phải thuê một chiếc ghe nhờ chở vào bờ. Bãi biển Thuận An đông nghẹt người dân và lính. Vừa lên bờ thì gặp Thiếu úy Niên ở Trung tâm viễn thông Phú Bài đang ngồi bên một đống máy móc, xe cộ. Gặp tôi hắn la lên: Trời ơi mi ra làm chi nữa? Và hắn nói cho tôi biết Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 cũng vừa di chuyển từ căn cứ Dạ Lê lên trường Kiểu Mẫu nằm trên đường Lê Lợi, gần cầu Trường Tiền. Tôi và Xuân đón xe đò đi ngược về Huế, đến trường Kiểu Mẫu và vào trình diện Trung tá Tâm trưởng phòng.

Phòng ban bộ tham mưu Sư Đoàn được bố trí một dãy phòng học phía bên hông trường, tôi còn nhớ, phòng truyền tin nằm cạnh phòng thanh tra của ông Trung tá Ninh. Phòng ốc bề bộn đủ thứ giấy tờ, trông giống cái kho hơn là phòng làm việc. Ngoài Trung tá Tâm trưởng phòng chỉ còn tôi và Thiếu úy Phúc và ông Chuẩn úy Liên đã lớn tuổi thuộc ban Mật Mã. Tôi hỏi ông chuẩn úy già về tình hình thì ông cho tôi biết tình hình rất bi quan, Trung Tâm Truyền Tin đã cho phá hủy các máy móc ở Xưởng mã, bây giờ lên ở đây cũng không biết làm gì.

– 4 giờ chiều: Trung tá Tâm nói với tôi là ông sẽ đi họp với Chuẩn Tướng Điềm bên tư dinh và nhờ tôi nói với bên Trung Tâm Truyền Tin kéo cho Phòng một hướng điện thoại với TOC (Trung Tâm Hành Quân).

– 5 giờ chiều: Tìm lại được chiếc Honda do mấy người lính trong phòng đem từ Dạ Lê lên, tôi phóng về nhà tắm rửa, thủ sẵn bộ quân áo dân sự nhét trong ba lô, rồi đi một vòng quanh thành phố quan sát tình hình. Huế như một thành phố ma, hoang vắng đến rùng rợn. Các cửa tiệm trên hai đường phố lớn Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo đều đóng kín mít mà chủ tiệm thì chắc đã chạy vào Đà Nẵng. Lác đác trên đường phố phần lớn là dân tản cư từ Quảng Trị chạy vào, gánh gồng, bồng bế đi thành từng nhóm. Tôi thấy có người còn lùa cả trâu, bò đi theo.

– 6 giờ 30 chiều: Các phòng ban Bộ Tham Mưu SĐ được nhận mỗi người khẩu phần Ration C và thêm một khẩu M16 và vài băng đạn, còn nhận lệnh phải đào hố cá nhân chống pháo kích chung quanh phạm vi trách nhiệm.

– 7 giờ 30 chiều: Trung tá Tâm trưởng phòng đi họp bên tư dinh về, nghe nói còn có Đại tá Tuệ- Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên. Ông Tâm khoe Chuẩn tướng Điềm còn cho làm thịt con ngỗng để ăn tối sau khi họp xong. Nhưng họp làm gì và có tin tức gì mới không thì không nghe ông nói. Lúc chúng tôi đang ngồi nghe đài BBC thì có một đám cháy bùng lên phía sau trường Kiểu Mẫu gần khu vực mấy nhà kho của bên Cảnh Sát. Trung tá Tâm nói tôi chạy ra coi sao vì gần đó có dàn máy Siêu Tần Số của Tiểu Đoàn 1 Truyền Tin vừa mới chở lên hôm qua.

Thay đi vòng ra phía sau, không hiểu sao tôi lại đi thẳng lên TOC (Trung Tâm Hành Quân) đặt ở sảnh lớn giữa tòa nhà, chỉ cách chỗ chúng tôi ở khoảng 20 bước. Đến nơi thì bất ngờ tôi thấy một quang cảnh hỗn loạn khác thường. Mọi người ở đó đều hấp tấp mang súng ống, nón sắt ba lô và chạy ra cửa. Tôi hỏi một người lính là có chuyện gì vậy thì anh ta trả lời là không biết, chỉ thấy người ta chạy thì mình chạy. Đúng lúc đó tôi thấy Đại tá Thục Tư Lệnh phó từ trên cầu thang chạy xuống, ra khoảng sân phía trước, bật hộp quẹt đốt xấp hồ sơ cầm trên tay, giấy tờ cháy chưa xong, ông đã vội chạy ngược lên lại. Tôi nhìn ra ngoài đường thì thấy hàng đoàn xe GMC, xe Jeep kể cả thiết vận xa M113 và các loại xe cơ giới, xe đò, xe gắn máy, cùng người đi bộ, chen chúc nhau chạy về hướng biển. Trong cảnh ồn ào hỗn loạn lúc đó tôi nghe có tiếng ai kêu lớn: Đại úy Oanh đâu lên gặp Chuẩn Tướng gấp (Đại úy Oanh là Đại Đội Trưởng ĐĐ101 Quân Cảnh Sư Đoàn).

Tôi phóng về phòng thì thấy cả phòng truyền tin vẫn bình chân như vại đang ngồi nghe tin tức đài BBC. Tôi nói với mọi người là ở trên TOC ngưòi ta chạy hết cả rồi. Ông Tâm la lên không phải đâu hồi nãy tui còn họp với Chuẩn Tướng mà!

Không cần nghe thêm, tôi vội vã lôi cái túi xách quân trang, rồi kéo tay Thiếu úy Phúc chạy băng ra ngoài hành lang, sau lưng tôi thoáng thấy Trung Tá Tâm và vài người khác cũng chạy theo. Chiếc Honda đạp máy cả chục lần vẫn không nổ, đến khi máy nổ tôi mới sực nhớ còn quên cái xách nhỏ trong phòng. Khi tôi chạy ngược vào thì bất ngờ thấy Chuẩn úy Liên đang ngồi bên góc cửa đốt hồ sơ mật mã trong cái lò sắt. Mặc cho mọi người chen nhau chạy đi, ông là người duy nhất còn lại của phòng truyền tin vẫn bình thản ngồi làm nhiệm vụ cuối cùng của mình. Đó là thiêu hủy hết tài liệu mật mã để khỏi lọt vào tay quân địch. Khi tôi quay trở ra thì thấy người lính già vẫn còn ngồi đó. Ông bình thản đốt từng tờ giấy, từng xấp giấy với sự nhẫn nại hiện lên trên khuôn mặt một cách kỳ lạ. Hình ảnh của ông đến giờ vẫn còn trong lòng tôi…

Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 BB đã tan hàng tại trường Kiểu Mẫu Huế lúc 7 giờ 30 ngày 24 tháng 3 năm 1975. Mỗi năm đến ngày này tôi vẫn dành cho mình ít phút để tưởng nhớ lại nơi chốn tôi đã phục vụ trong sáu năm trời, nhớ đến những ngày cuối cùng của nó, nhớ đến anh em bạn bè cùng đơn vị và đặc biệt là người lính già thuộc ban Mật Mã phòng Truyền tin. Bốn mươi sáu năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ đến ông, nhớ khuôn mặt ông lúc ngồi bình thản đốt từng tờ tài liệu trong đêm hôm đó. Như chỉ mới hôm qua…

Salt Lake City, Utah, 23-4-2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: