Sài Gòn “trong cơn hấp hối”, 30 tháng Tư, 1975
Tôi bước đi, khi Sài Gòn trong cơn hấp hối…
Tôi bước đi, Tân Sơn Nhất lửa khói ngập trời…
Vâng, đó là những gì mà tôi đã trải qua và được ghi nhận lại trong nhạc phẩm “Xin Đời Một Nụ Cười”. Dù tôi chỉ đủ khả năng và nghị lực để viết được một cách khiêm nhường qua hai mươi dòng nhạc, nhưng phần nào đó đã diễn tả được hình ảnh của cuộc hành trình tìm tự do đầy máu và nước mắt mà dân tộc tôi, đồng bào tôi và gia đình tôi đã phải trả để đổi lấy hai chữ “Tự Do”!
_________________
Bút ký 30/4 của nhạc sĩ Nam Lộc
_________________
Tôi bước đi, khu thương xá cửa khép cuộc đời…
… những con tầu ngơ ngác ra khơi!
Đâu ngờ rằng trên một trong những “con tầu ngơ ngác” đang chết máy đó có bố tôi, chen chúc cùng hàng ngàn người khác, đợi chờ trong tuyệt vọng để mong một phép lạ, cuối cùng điều đó đã xẩy ra. Tầu Trường Xuân đã đưa bố tôi cùng nhạc sĩ Lam Phương, bạn tôi-anh Elvis Phương và hơn 5,000 người khác đến được bến tự do.
Ngày 30 Tháng Tư năm ấy, 1975, tôi đang ngồi ở đảo Guam, nghe tin mất nước mà lòng sầu vô tận. Thuở đó không có cell phone như bây giờ nên chẳng biết gia đình sống chết ra sao? Bố Mẹ, anh chị em đang trôi dạt phương nào…?
Mãi về sau mới biết ông Cụ tôi là người duy nhất trong gia đình thoát được, và phải đợi đến hai năm sau, 1977 thì cậu em út của tôi, Nam Việt, tên sĩ quan trốn “học tập cải tạo”, mới cùng người anh là Nam Ninh, mong manh trên con thuyền nhỏ bé, phải gọi là chiếc ghe thì đúng hơn, vỏn vẹn có bảy người, không kinh nghiệm hải hành, nhưng họ đã quyết định liều chết để sống.
Chẳng bao lâu, ghe hư máy lênh đênh trên biển cả, mấy ngày sau thì được tầu dầu Kuwait đến cứu và đem cả bọn vào đảo quốc nhỏ bé này tận miền Trung Đông xa xôi, nóng cháy da người. Và cũng từ những năm đó, hàng triệu người Việt đã lần lượt bỏ nước ra đi bằng đủ mọi cách, đủ mọi phương tiện, và đủ mọi hình thức.
Chỉ nội gia đình tôi, tổng cộng 12 người, cùng mấy đứa cháu, đã phải mất hơn 11 lần vượt biển, vượt biên, vượt ngục và phải trải qua chín quốc gia trên khắp bốn lục địa, ngoại trừ Úc Châu mới đến được bến bờ tự do!
Tôi bước đi, qua đường rừng chông gai, tăm tối…
Tôi bước đi, như con rết lê lết cuộc đời,
như thân bướm đôi cánh rã rời…
Đó là đoạn thứ hai của bài hát, tôi viết cho những người vượt biên bằng đường bộ, trong đó có hai cô em gái, dẫn hai đứa cháu còn nhỏ từ Sài Gòn, xuống Tây Ninh, vượt qua biên giới Cam Bốt. Hơn 10 ngày, 9 đêm đi bộ trong rừng thẳm mới đến được trại tỵ nạn Thái Lan. Sau này còn biết thêm, nhạc sĩ Trúc Hồ cũng là một trong số những “bộ nhân” vào thời điểm đó.
Tôi nép thân trên mảnh thuyền mong manh, sương gió,
Như một người tìm đường về nơi đáy mồ…
Đoạn thứ ba tôi viết cho những thuyền nhân, mà đa số anh chị em của chúng tôi cùng hàng triệu người khác đã dùng phương tiện đầy hiểm nguy này để vượt biển tìm tự do. Tôi còn nhớ, chỉ riêng năm 1979 thôi, nước Mỹ đã nhận hơn 200 ngàn người tỵ nạn Việt Nam đến định cư tại Hoa Kỳ.
Nhưng dù ra đi bằng cách nào chăng nữa, như chúng tôi, thời điểm 1975, như các thuyền nhân, đường bộ hay đường bay của những vị tù nhân cải tạo đến Hoa Kỳ muộn màng qua diện HO, hoặc gần đầy nhất là các tù nhân lương tâm v.v…, thì người Việt tỵ nạn đã hãnh diện gởi đến cho toàn thế giới một thông điệp mạnh mẽ về lòng quyết tâm và yêu chuộng tự do, dân chủ của chúng ta.
Tự do ơi tự do! Tôi trả bằng nước mắt,
Tự do hỡi tự do! Anh trao bằng máu xương.
Tự do ơi tự do! Em đổi bằng thân xác,
Vì hai chữ tự do, ta mang đời lưu vong.
Và đó là tất cả những tâm huyết tôi đặt vào ca khúc “Xin Đời Một Nụ Cười” cùng những bài hát khác mà tôi đã mạo muội chia sẻ cùng quý vị và các bạn mấy ngày qua. Có một chiến hữu, trung úy Sơn “Lai Khê” của Sư Đoàn 5 Bộ Binh đã viết một bài liên quan đến những sáng tác về tỵ nạn của tôi và ông gọi tôi là “người nhạc sĩ của tháng Tư”. Điều đó không sai!
Quả thật, nếu không có biến cố 30 Tháng Tư, 1975, thì có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ trở thành… “nhạc sĩ”. Nếu không có những khổ đau, gian truân, tủi nhục mà thân phận người tỵ nạn đã phải trải qua và chịu đựng, thì sẽ không bao giờ “Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt”, “Người Di Tản Buồn”, hay “Xin Đời Một Nụ Cười” được thành hình.
Những bài hát này tôi viết cho chính bản thân tôi, cho gia đình tôi, cho đồng bào tôi và cho dân tộc tôi. Vì thế ai cũng có thể sử dụng được mà không phải trả tiền, bản quyền là của quê hương, đất nước. Tôi đã để lại di chúc cho các con, các cháu để chúng hiểu và thực hiện những ý nguyện đó của tôi nếu mai này tôi ra đi.
Tôi hãnh diện với thế hệ trẻ ngày nay mà quý vị và chúng tôi, lớp người đi trước đã hy sinh để cho chúng trưởng thành và hiểu biết. Các cháu đã thành nhân, thành những người hữu dụng của xã hội tại khắp các quốc gia tự do trên thế giới đã đón nhận chúng ta. Những giờ phút lao động vất vả mà chúng ta đã trải qua, giọt mồ hôi của người thợ sửa xe hay người đứng đổ xăng, giọt nước mắt của người lao công hay đứng chùi cầu.
Những người thợ giũa móng tay, những tài xế taxi, dọn giường trong khách sạn hay chạy bàn ở nhà hàng…, họ đã dùng đồng tiền mồ hôi nước mắt đó để nuôi nấng bầy con, lũ cháu ăn học thành tài. Và bây giờ chúng sẽ là những nhân tố đóng góp tích cực vào xã hội và các quốc gia mà chúng ta đang tạm dung. Con cháu chúng ta sẽ mãi mãi và muôn đời trả những món nợ ân tình mà các chính phủ cùng những người bảo trợ tốt bụng năm xưa đã giúp đỡ và cưu mang ông bà, cha mẹ của chúng.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói của ký giả George Will trên tuần báo Newsweek năm 2007, viết về một phụ nữ Việt đã có những đóng góp tốt đẹp cho đất nước Hoa Kỳ, ông nói “Cám ơn cô đã trả món nợ mà cô nói cô nợ của nước Mỹ. Cô đã hoàn trả đầy đủ, không thiếu một xu nào, lại còn luôn cả tiền lời nữa…”!
Hôm nay là ngày 30 Tháng Tư, 2023, kỷ niệm 48 năm ngày chúng ta mất quê hương dù vẫn còn tổ quốc, kính mời quý vị và các bạn nghe lại hai phiên bản của nhạc phẩm “Xin Đời Một Nụ Cười”. Clip đầu được thu thanh đã gần 40 năm trước khi tôi vừa hoàn thành nhạc phẩm này và cùng hát với nữ ca sĩ Khánh Ly.
Phiên bản sau đó được Trung Tâm Asia thực hiện gần đây để nhắc nhở kỷ niệm xưa, nhưng cũng để gởi lời tri ân đến các xứ sở tự do đã cho chúng ta cùng thế hệ con cháu của chúng ta một tương lai và một kho tàng trí tuệ, sẵn sàng để chia sẻ cùng thế giới và đóng góp cho một Việt Nam tự do của một ngày không xa.
(Gửi riêng Saigon Nhỏ News)