Vượt biên: Những ngày vất vưởng ở đảo (2)

Bài 2: Thạch Sanh phá sơn lâm
Giai đoạn cuộc khủng hoảng cơn lốc thuyền nhân Việt Nam chạy trốn cộng sản đã mang đến vô vàn bi kịch khủng khiếp (ảnh: Fred Ihrt/LightRocket via Getty Images)

Sau gần một tuần ở dưới những tấm nylon giăng trên những cọc cây mắm làm mái nhà che nắng che sương, ba tôi thấy không ổn. Mọi người án binh bất động mấy ngày liền vì suy đoán rồi tin tưởng “phái đoàn Mỹ” sẽ “đến ngay” để đưa họ vào “trại tị nạn” chứ làm sao có thể bỏ họ khơi khơi trên một đảo nhỏ xíu toàn cây dừa cây mắm, nhất là không thực phẩm và không có nguồn suối nước ngọt nào cả.

Giữa Letung và Berahala có một khoảng bãi đáy cát bằng phẳng khá cao, khi nước ròng sát, mặt nước chỉ ngang lưng quần, một vài ngày trong tháng thì nước ròng sát đáy, lộ hẳn lối đi. Nhờ vậy, người tị nạn lội qua lối bãi cạn ấy sang Letung, lên núi nơi người dân chỉ dẫn có suối, nên xúm nhau mang can thùng đi lấy nước suối về dùng. Cứ đến lúc nước ròng thì nhìn thấy lũ lượt đoàn người tải nước, vác cây.

Ba tôi nhận thấy không ổn nên sau vài ngày chờ đợi phái đoàn Mỹ bằng ảo tưởng, ông quyết định bắt đám thanh niên trong nhà lội sang Letung, lên rừng đốn cây và kéo lá dừa khô rụng về… cất nhà! Ông bảo dù cất chưa xong, rồi đi cũng được, chứ không thể kéo dài chịu trận gió mưa lạnh lẽo dưới tấm nylon che thấp lè tè như vậy. Thế là mỗi ngày, 6-7 thanh niên trong nhà, tay can, tay dao tay búa, lội qua Letung lên rừng làm Thạch Sanh phá sơn lâm. Ba tôi ra lệnh cho mấy Thạch Sanh này, dù cây lớn cây bé cho kèo cột gì cũng phải chọn cây vừa dài vừa thẳng mới đốn.

Cây rừng mọc khít khao chằng chịt, cột bó cây dài cho lên vai vác đi, tới mấy khúc ngoặt xuống núi thật là khổ ải. Lá dừa khô rụng dưới gốc rất nhiều, cây nào cũng có 4,5 tàng lá khô rụng nằm chờ sẵn. Tôi chặt bỏ phần bẹ cho khỏi cồng kềnh rồi dùng dây rừng cột mớ tàu lá dính chùm lại, nhấc lên kê vai gánh, tay nắm nuột dây rừng cột bó, ghì chặt rồi ra sức bước kéo lê.

Khi về gặp lúc thủy triều đang lên, nước đã khỏi đầu khoảng một vói tay, lại chảy khá mạnh, hai chân tôi đạp nước hết sức mà không bè đi nổi đám lá quá lớn và quá nặng, tôi cùng đám lá có chiều hướng trôi tuột về hướng đáy sâu nếu chậm trễ. Không làm sao hơn, bèn hít hơi nín thở lặn xuống, hai chân đi bường dưới đáy để kéo bó lá nặng nề sao cho qua được bên kia bờ. Thằng tui trồi lên lặn xuống mười mấy hơi dài, hai bắp chuối bị cá rỉa lia chia vì đạp trúng mấy bụi san hô làm nhà của chúng, tui sắp xỉu thì đáy cát tới chỗ lên dốc sắp qua bờ bên kia, hú hồn hú vía.

Sáng hôm sau tháo bó lá ra để phơi nắng, đếm được 60 cọng tàu dừa, hèn chi nó nặng chình chịch. Khi lượm gom lại được nhiều thì ham, cột gấp kéo về, vì rừng bắt đầu âm u tối, vác lên vai nặng trĩu, nghĩ tại mình mệt sức nên thấy nặng. Sáng nay đếm 60 tàu lá thì đúng là nặng thiệt, hèn gì lúc vác xuống tới bãi cát ướt, mặt cát hít mớ ngọn lá làm lôi nó bá thở!

“Nhà chúng tôi” gồm nhiều gia đình cùng đi chung vượt biển, tổng cộng 32 người ở chung một nhà, chưa kể nhóm gia đình con người cô (chị ruột ba tôi), gia đình bên vợ chú Tư (em ruột kế ba tôi) ở rải rác gần đó, cộng thêm vào lên đến năm mươi mấy mạng. Đông người như thế, dĩ nhiên căn nhà cất phải lớn, đúng vậy, nhà tôi sau một tuần lễ cất xong trở thành lớn nhất đảo, đẹp nhất đảo, cất không khác một căn nhà lá to ở quê nhà, bên hông có thêm chái bếp rộng rãi, và có nhà tắm riêng, củi rừng chặt thành khúc vừa chụm, vừng xung quanh trong vách bếp.

Vậy là bà con ta bắt chước cất nhà ở cho ấm cúng. Thế là nhà to nhà nhỏ nhà cao nhà thấp nhà tí hon mọc lên khắp đảo. Tuy vậy vẫn còn một ít chòi nylon lẹp xẹp của mấy thanh niên độc thân “con bà phước”, có thể vì họ khỏe mạnh chịu đựng nổi gió sương, nhu cầu căn chòi quá đủ để che mưa nắng chờ phái đoàn.

Trước khi phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến hai tuần sau đó, sinh hoạt tìm thực phẩm hàng ngày quả là một tấn tuồng đầy náo loạn trông xót xa! Số là, người dân bản xứ sống nơi nhóm đảo nhỏ bé này họ quá nghèo, thức ăn đa phần là cá biển từ những người đi câu bằng xuồng độc mộc, chiếc xuồng này thật mỏng manh bé tí, trước sau ngồi được hai người.

Họ đi câu từ khuya, đến sáng chỉ được một số cá nhỏ, xâu 3,4 con bằng bàn tay làm một chùm, cá nhỏ cỡ ba ngón tay thì 5,6 con; lớn cỡ bắp tay thì họ bán tính con. Người tị nạn thấy họ chèo xuồng về thì ngoắc ghé vô để mua cá. Người bản xứ chất phát thiệt thà, nào giờ bán xâu cá giá 100 pat thì nói 100 (thí dụ), rồi người tị nạn giành nhau mua, giành giật đến làm lật chìm xuồng câu, ông câu bị nhào xuống biển, chìm mất luôn bao nhiêu xâu cá.

“Cá mất tật mang” nên về sau họ không chèo vào sát bờ, ở xa xa giơ lên mấy chùm cá, ai mua thì cầm tiền lội ra, không đủ cá bán nên giá một xâu từ 100 pat lên dần mỗi ngày, 200, 300 đến 500. Năm trăm pat lúc ấy tương đương 500 đồng Việt Nam trước 1975. Gói thuốc đầu lọc Hero = 100 pat. Gói Commando = 150. Dĩa cơm trắng có một con cá chiên nhỏ = 300. Đại khái thí dụ vậy.

Từ cầu tàu Letung đi thẳng vào xóm là con đường tráng xi măng bề ngang khoảng hơn một thước, đủ cho xe hai bánh chạy ngược chiều, đó là xóm chợ chính, nhà cất dọc hai bên. Đi thêm khoảng 500 mét là cuối xóm, bắt đầu nhà thưa thớt và là đường đất đi dần lên núi. Ngoài đầu xóm, có một tiệm ăn duy nhất, tiệm có cái tủ lạnh chạy bằng dầu lửa, mỗi ngày cung cấp vỏn vẹn được vài vỉ nước đá chỉ dành riêng cho thực khách đặc biệt. Đi qua tiệm ăn vài căn bên kia đường là một quán chạp phô của người Tàu.

Tiệm này trở thành nơi quan trọng nhất, nhất là có bán nước mắm là món ai cũng lo sợ không có khi đi khỏi Việt; nào là nơi đổi đôla lấy tiền Indo; đương nhiên có một số thực phẩm khô rất cần thiết như mì gói, cá mòi, đậu, bột khô, có ít rau quả như rau lang, bí, khoai mì, khoai lang, hành lá v.v… Tiệm này về sau là nơi cung cấp thực phẩm cho toàn dân tị nạn từ các đảo tị nạn xa hơn đổ tới để mua về dự trữ, như Airaya, KuKu, là hai đảo mỗi đảo chứa đến 5, 7 ngàn người lúc đó.

Qua tin tức từ đài BBC (radio người tị nạn mang theo), được biết sau khi các nước nhận người Việt tị nạn họp tại Genève, Thụy Sĩ, đã cùng quyết định chọn đảo Galang của Indonesia làm nơi tập trung cho người vượt biển kể từ Tháng Giêng 1979, không cho vào Mã Lai và Thái Lan nữa, vì số người tị nạn hiện ở hai nước ấy đã quá đông, hai quốc gia này không muốn chứa thêm.

Đó là lý do vì sao tàu của chúng tôi bị hải quân Mã chặn lại và kéo sang hải phận Indonesia, cũng như nhiều thuyền ghe vượt biển sau đó đều cùng chung số phận. Chưa kể tại một số trại ở Mã Lai, chính quyền địa phương cho sửa sang các tàu thuyền của người tị nạn còn tốt, rồi lùa người trong trại lên tàu để kéo qua Indonesia. Do đó, số ghe tàu bị kéo về hướng nhóm đảo Letung Jemaja, bị tập trung nhiều nhất ở Airaya trước, đầy rồi đổ sang đảo KuKu cách đó không xa, một hòn đảo lớn hơn Airaya, nơi đảo này, người tị nạn khi đi vào rừng khám phá ra những ổ súng phòng không của Nhật hồi Đệ nhị Thế chiến còn bỏ lại ở một vài cứ điểm trên đảo Kuku.

Ban đêm ở Berahala ra sao? Những lều, nhà leo lét ánh đèn dầu. Bãi đối diện nhìn sang cầu tàu Letung là nơi vui chơi sinh hoạt về đêm. Người chủ tiệm cà phê bên Letung đã nhanh chóng nhảy qua hòn đảo tị nạn mở ngay một quán lều cà phê. Khi người Việt tị nạn đầu tiên tới Letung, buổi sáng sớm mà tôi nằm tòn teng trên chiếc võng ấy, họ đi tìm quán cà phê thì quán ở đây chỉ bán ca cao là chính. Việt ta bèn trổ tài pha cà phê dợt, truyền nghề ngay tức khắc cho chủ quán để có ly cà phê; dạy luôn phải pha một bình trà dành cho khách “xúc miệng” sau khi đã nhâm nhi thưởng thức ly cà phê, nhấn mạnh là trà cho uống “free” và bắt buộc phải có đối với khách cà phê, không có trà là sorry… mất khách!!

Quán cà phê bán đến 10 giờ đêm. Đối với Letung, 10 giờ đêm là khuya lắm rồi, đối với phe ta thì cũng tạm đủ để ngồi phì phèo điếu thuốc, nhâm nhi tán dóc “bàn chiện” tương lai nào Mỹ, Pháp, Canada, Úc, Đức v.v. Xa xa vào trong thì nhạc cassette văng vẳng nho nhỏ, hoặc vọng cổ hoặc Chế Linh rên rỉ “Sơn trắng đầu ông ngoại”, “Đêm buồn tỉnh lẻ” “Căn nhà ngoại ô”, lâu lâu nghe được mấy bản Trịnh Công Sơn “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về”…

Tôi nằm đu đưa trên chiếc võng dưới ánh sáng lù mù của chiếc “đèn cóc” dã chiến làm bằng cái lon nhôm nước ngọt, bỗng thấm thía và “thương làm sao” từng lời từng chữ Việt Nam trong mấy bản nhạc rỉ rả ấy, “cái” cải lương vọng cổ mình đã bỏ quên, “cái” sên sến mình thường né tránh hay chê bai, giờ đây sao mấy thứ chữ nghĩa bị dè bỉu ấy nó lại tràn trề ý nghĩa và nghe quá hay ho, thấm vào lòng, vào hồn, vào máu, làm cho ngậm ngùi, bâng khuâng, mơ màng, mông lung… giống như đang nhớ về một người tình vừa chia ly cách biệt… Buồn như thế mà không có một điếu thuốc, nỗi buồn càng ray rứt đau đáu làm sao…

Dù sao thì tôi cũng có vài hình ảnh, những ấn tượng đẹp đẽ ngay buổi ban đầu ở Letung. Thứ nhất, ly ca cao và điếu thuốc thơm đầu tiên khi đặt chân lên đảo; thứ hai, sau đêm được tàu hàng chở về Letung, lính hải quân huy động thanh niên lên tàu hàng trở lại đảo Mang Kai để kéo hai chiếc tàu lớn Rạch Giá và Bạc Liêu về Letung.

Sau khi đẩy kéo hai tàu vượt biển ra khỏi đám san hô, các thanh niên bị bắt leo lên hai tàu ấy, riêng tôi, nhanh trí nói láo không biết lội nên trèo lên xuồng nhỏ cùng mấy thủy thủ Indo về tàu kéo, chỉ mình tôi duy nhất nên lên tàu họ xong, tôi được ưu đãi một đĩa cơm trắng có đổ lên mặt một về “cá cơm” nhỏ xíu chiên dòn.

Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa bao giờ ăn được một dĩa cơm ngon đến như thế, ngon đến nhớ đời. Nhưng phải nói hình ảnh đẹp nhất và đầy ấn tượng nhất, là trong lúc lội lên núi lấy nước suối, trên đoạn đường quanh co gai góc ấy, tôi lần đầu tiên nhìn thấy lại nét an bình trên từng ngọn cỏ, từng đóa hoa, từng cành lá. Gợi lại cho tôi thời thơ ấu còn sống nơi đồng nội mà sau đó một lúc, còn thấy những hình chụp đăng trên tờ Thế Giới Tự Do về cảnh thiên nhiên của miền Nam nước Việt.

_________________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: