Lịch sử hành hình trên ghế điện

Ghế điện trong nhà tù ở Lucasville, Ohio (ảnh: Mike Simons/Getty Images)

Ra đời từ ý tưởng nhân đạo nhưng ghế điện lại trở thành một trong những công cụ hành hình tàn bạo nhất. Ngày 6 Tháng Tám 1890, nhân loại ghi thêm một trang mới vào lịch sử: những tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào cả những lĩnh vực đặc thù như… hành quyết tử tội! Ngày hôm đó, ở Mỹ, lần đầu tiên, một tử tù bị hành hình trên ghế điện.

CUỘC CHIẾN GIỮA HAI DÒNG ĐIỆN

Lịch sử ghế điện có liên quan gián tiếp đến nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison. Trong thập niên 1880, ở Mỹ dấy lên cuộc chiến sôi động giữa hai loại dòng điện – một chiều và xoay chiều. Edison, “cha đẻ” của dòng điện một chiều, luôn bài xích dòng xoay chiều do George Westinghouse phát minh và Nicola Tesla “nâng cấp”. Edison thường tổ chức những cuộc trình diễn giết súc vật bằng dòng điện xoay chiều để thuyết phục công chúng rằng dòng điện ấy vô cùng nguy hiểm, vì thế chỉ nên sử dụng cho việc hành quyết tử tù, còn dòng một chiều của ông an toàn hơn, rất phù hợp cho sinh hoạt gia đình (!).

Cuối thế kỷ 19, xã hội Mỹ vô cùng hào hứng với việc phát minh ra điện, đồng thời hồi ấy cũng dấy lên những tranh cãi về tính nhân đạo trong thực thi án tử hình. Biện pháp treo cổ bị coi là man rợ quá. Rất cần một kiểu hành quyết… ít dã man hơn. Vì thế, ý tưởng thi hành án tử bằng dòng điện được hưởng ứng vô cùng rộng rãi.

Vụ tử hình William Kemmler tại nhà tù Auburn (ảnh: Universal History Archive/Getty Images)

Biện pháp hành hình bằng ghế điện xuất phát từ ý kiến của Albert Southwick, một nha sĩ ở New York. Một lần, Southwick tận mắt chứng kiến ông già giúp việc của mình trong khi say rượu vô tình chạm tay vào chỗ hở trên dây điện từ máy phát điện xoay chiều và bị điện giật chết ngay tức khắc. Sau đó, ông kể lại chuyện này với một người bạn của mình là David McMylan.

McMylan lúc đó là nghị sĩ. Rất ấn tượng với câu chuyện của Southwick, ông bèn đưa chủ đề này ra bàn thảo tại Hội đồng nghị viên New York và đề xuất ý tưởng “hành quyết nhân đạo” bằng dòng điện xoay chiều. “Sáng kiến” này được bàn cãi suốt hai năm ròng, và số người ủng hộ ngày càng tăng. Đặc biệt, Edison là người hăng hái tán thành biện pháp này nhất (với mục đích “dìm hàng” dòng xoay chiều, khiến người dân ghê sợ, xa lánh dòng xoay chiều rồi chỉ mua điện một chiều của ông để sử dụng trong sinh hoạt).

Năm 1888, tại phòng thí nghiệm của mình, Edison tiến hành loạt cuộc thử nghiệm hóa kiếp súc vật bằng điện xoay chiều, mời đại diện chính quyền tới chứng kiến để thuyết phục họ quyết định sử dụng dòng ấy cho việc hành quyết tử tù. Những người ủng hộ dòng xoay chiều trong sinh hoạt ra sức phản đối ý tưởng này nhưng cuối cùng đành bất lực nhìn chính quyền chính thức phê duyệt biện pháp ghế điện trong lĩnh vực thi hành án tử. Ngày 1 Tháng Một 1889, Luật hành quyết bằng điện bắt đầu có hiệu lực tại bang New York. Nhưng phải đến năm 1890, Edwin Davis, một thợ điện tại nhà tù Auburn mới chế tạo thành công chiếc ghế điện đầu tiên…

Ghế điện trong nhà tù lừng danh Sing Sing (ảnh: T. Fred Robbins/Library of Congress/Corbis/VCG via Getty Images)

Ý TƯỞNG NHÂN ĐẠO?

Những người ủng hộ ghế điện cho rằng đây là một biện pháp hành hình có tính nhân đạo cao, vì dòng điện ngay tức thời phá hủy cấu trúc não và hệ thần kinh, do đó tội nhân không phải chịu đau đớn kéo dài. Tội nhân bất tỉnh sau vài phần nghìn giây, như vậy não không thể kịp cảm nhận sự đau đớn.

Ghế điện được làm bằng vật liệu cách điện, có hai tay ngai và lưng tựa rất cao. Trên ghế có nhiều đai da để buộc chặt chân, tay, bụng, ngực và đầu, khiến tử tù không thể giãy giụa. Có một vòng kim loại kết nối với nguồn điện, dùng để chụp lên đầu tội nhân như thể “vòng kim cô”. Ngoài ra còn có những vòng tương tự nhưng nhỏ hơn, dùng để đeo vào bắp tay, bắp chân. Cường độ dòng điện được tính toán sao cho vừa đủ để giết chết tội nhân nhưng không làm cháy sém da thịt.

Trước khi hành quyết, người ta cạo trọc đầu hoặc gần hết tóc của tội nhân với mục đích làm giảm điện trở, tăng cường mức tác động của dòng điện. Tội nhân bị đeo băng đen bịt mắt hoặc trùm kín đầu bằng bao vải đen. Sau khi mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, người thi hành án bắt đầu đóng mạch điện. Theo quy trình đã được phê duyệt, dòng điện được đóng mạch hai lần, mỗi lần một phút, cách nhau 10 giây. Qua thử nghiệm trên súc vật, người ta tính ra rằng tội nhân sẽ chết hẳn sau lần đóng điện thứ hai.

Tuy nhiên, da của mỗi người lại có điện trở suất khác nhau nên mức độ tác động của dòng điện cũng không giống nhau, vì thế có những trường hợp tội nhân vẫn chưa chết hẳn sau hai lần đóng điện đúng quy chuẩn. Thế là nảy sinh vấn đề. Số là theo luật của nhiều bang ở Mỹ, tử tội sẽ được tha bổng nếu không chết sau khi bị hành quyết theo quy chuẩn (treo cổ, xử bắn, đốt điện…) vì một lý do khách quan nào đó như dây treo cổ bị đứt hoặc do đạn không trúng chỗ hiểm chẳng hạn. Để tránh tình trạng tử tội không chết dù bị hành hình trên ghế điện, người ta tranh cãi rất nhiều về việc tăng cường độ dòng điện hoặc tăng thời lượng đóng mạch điện, nhưng cuối cùng vẫn không tìm được giải pháp tối ưu.

Cũng cần nói thêm rằng, tính “nhân đạo” của biện pháp hành hình bằng ghế điện chỉ hoàn toàn là lý thuyết, còn trên thực tế, tội nhân vẫn bị đau đớn quằn quại dưới tác động của dòng điện.

PHẠM NHÂN ĐẦU TIÊN

Có hai ứng viên cho lần hành quyết chính thức đầu tiên bằng ghế điện. Đó là William Kemmler (vì tội đã dùng rìu chặt đầu tình nhân) và Joseph Shapley (vì tội giết chết người hàng xóm). Tuy nhiên, nhờ tài biện hộ của luật sư, Shapley được giảm án từ tử hình xuống chung thân. Như vậy, Kemmler là “nạn nhân” đầu tiên của ghế điện. Ngày 6 Tháng Tám 1890, “dòng điện giết người” chính thức được đưa vào hoạt động tại nhà tù Auburn. Kemmler vốn là trẻ mồ côi, cha mẹ mất sớm do rượu chè bê tha, bản thân lớn lên cũng lang thang cơ nhỡ. Khi lên ghế điện, anh ta chỉ mới 30 tuổi. Các luật sư dựa vào một điều khoản của Hiến pháp Mỹ trong đó quy định “cấm sử dụng các biện pháp hành hình dã man và khác lạ” để xin hủy án tử hình dành cho Kemmler, nhưng mọi luận chứng của họ đều bị tòa bác bỏ.

Cuộc hành quyết đầu tiên đã cho thấy tính nhân đạo của ghế điện chỉ là lý thuyết. Cơ thể của Kemmler quằn quại, co giật mạnh đến mức vị bác sĩ tham gia điều khiển vụ hành hình đã phải yêu cầu ngắt điện sau khi đóng mạch chưa đầy 20 giây chứ không phải một phút như quy định. Ban đầu, người ta tưởng tội nhân đã chết, nhưng ngay sau đó anh ta bỗng cựa mình, cất tiếng rên. Các nhân viên thi hành án quyết định tăng cường độ dòng điện.

Ruth Snyder, một nữ phạm nhân (tội giết chồng) bị tử hình bằng ghế điện (Getty Images)

Ở lần đóng mạch thứ hai, thời gian kéo dài hơn một chút so với quy trình, cụ thể là 70 giây thay vì một phút. Tại vị trí các điện cực tiếp xúc với cơ thể Kemmler, khói bắt đầu bốc lên, mùi thịt cháy bốc lên khét lẹt khắp phòng khiến mọi người phải bỏ ra ngoài cho bớt ngạt thở. Khi trở lại, bác sĩ tiến hành kiểm tra thi thể và xác nhận nạn nhân đã chết…

Có 23 người tham gia chứng kiến vụ hành quyết này và tất cả cùng có chung một nhận xét: Biện pháp hành hình bằng ghế điện quá tàn bạo. Một phóng viên miêu tả trong bài báo của mình rằng tội nhân gần như bị “thui” bằng dòng điện. Có hơi cường điệu đôi chút, nhưng cũng không xa thực tế là mấy, vì trong các văn bản khám nghiệm tử thi, các bác sĩ chính thức xác nhận rằng não của tội nhân bị luộc chín bởi tác động của dòng điện.

Những nhận xét “đáng sợ” của những người tham gia vụ hành hình đầu tiên bằng ghế điện đã làm tăng vọt số lượng người phản đối biện pháp hành quyết này. Mặc dù vậy, ghế điện vẫn được chấp nhận ở nhiều bang và ngày càng được các nhà chấp pháp sử dụng nhiều hơn. Chỉ sau hai thập niên kể từ khi ra đời, ghế điện đã trở thành công cụ hành hình phổ biến nhất khắp nước Mỹ.

BIỆN PHÁP HÀNH HÌNH “TỰ CHỌN”

Ở các nước khác, ghế điện không được ưa chuộng như ở Mỹ. Ngay tại Mỹ, từ thập niên 1970, ghế điện được thay thế dần bằng biện pháp tiêm thuốc độc trong thi hành án tử. Từ năm 1890 đến 1972, có tất cả 4,251 án tử hình được thi hành trên ghế điện; từ 1976 đến đầu thế kỷ 21, có khoảng 160 vụ tử hình bằng ghế điện. Tính đến năm 2021, những tiểu bang được phép thực hiện tử hình bằng ghế điện là Alabama, Florida, South Carolina, Kentucky, và Tennessee. Phạm nhân gần đây nhất được tử hình bằng ghế điện là Nicholas Todd Sutton, vào Tháng Hai 2020, tại Tennessee.

Bản thân biện pháp ghế điện đã trở nên lỗi thời, một phần bởi những rắc rối, phức tạp về mặt kỹ thuật khi thực hiện. Cũng chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện cải tiến ghế ghế điện sao cho biện pháp này trở nên hiệu quả hơn, “nhân đạo” hơn. Hiện tại, những chiếc ghế điện mới nhất cũng đã có hơn 40 năm tuổi. Nhiều nơi vẫn còn sử dụng những chiếc ghế điện được sản xuất cách đây 80 năm! Vì thế, khi thi hành án, chúng thường xuyên bị trục trặc.

Ở một số bang của Mỹ ngày nay, luật cho phép tử tội được lựa chọn biện pháp hành quyết. Phạm nhân Robert Gleason, 42 tuổi, ở bang Virginia, vốn bị kết án chung thân về tội đã bắn chết một nhân viên Cục điều tra Liên bang (FBI) từ năm 2007, đã ao ước được chết trên ghế điện. Để “ước mơ” của mình trở thành hiện thực, hắn đã giết chết một người bạn tù 63 tuổi ở cùng buồng giam, bằng cách nhét tất vào miệng và bịt mũi ông ta bằng một miếng bọt biển tẩm nước tiểu.

Trong khi tòa chưa kịp đưa vụ này ra xử thì Gleason siết cổ giết chết một bạn tù nữa bằng đoạn dây vải xé ra từ tấm đắp. Trong tù, hắn luôn gây sự với cai ngục và dọa tiếp tục giết chết bạn tù nếu “ước nguyện ghế điện” không được đáp ứng. Ngày 16 Tháng Một 2013, Gleason đã được mãn nguyện, với dòng điện 1,800 volt phóng qua người, trên chiếc ghế điện trong nhà tù Greensville Correctional Center. Ngày 24 Tháng Ba 2021, chính quyền tiểu bang Virginia xóa án tử hình. Điều đó có nghĩa Robert Gleason là tử tù được xử bằng ghế điện cuối cùng của bang Virginia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: