Nếu Sương Nguyệt Anh sống thời nay…?

Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Nguyễn Phi Hoàng, mô tả cảnh Nguyễn Đình Chiểu sáng tác, Sương Nguyệt Anh ngồi bên cạnh ghi chép. (ảnh: Tài liệu)
Thời Sự
Thời Sự
Nếu Sương Nguyệt Anh sống thời nay?
Loading
/

Vào năm 2000, tập đoàn công nghệ thông tin Google lần đầu tiên cho ra mắt biểu tượng bằng hình vẽ đơn giản (doodle) kỉ niệm ngày Quốc Khánh Pháp và nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt. Kể từ đó, Google Doodle đã trở thành một sản phẩm tinh thần được đông đảo người sử dụng Google ưa thích, nhằm tôn vinh các vĩ nhân có đóng góp to lớn, các ngày lễ quen thuộc, và các sự kiện lịch sử nổi bật. Đầu Tháng Hai năm 2023, Google Doodle đã tôn vinh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, đúng ngày kỷ niệm 105 năm tờ báo Nữ Giới Chung phát hành số đầu tiên.

Theo cuốn sách “Nữ sĩ tiền phong” của Nam Xuân Thọ do Tân Việt xuất bản vào ngày 25 Tháng Mười năm 1957, Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Xuân Khuê, sinh ngày 21 Tháng Tư năm 1864 và mất ngày 12 Tháng Mười Một năm 1921 tại Bến Tre. Bút hiệu của bà lúc đầu là Nguyệt Anh, nhưng sau khi “đứt gánh nửa chừng xuân”, bà thêm vào chữ “Sương”, thành Sương Nguyệt Anh – nghĩa là Nguyệt Anh góa chồng.

Nội tổ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh là Nguyễn Đình Huy, từng giữ chức thư lại ở Văn hàn ti tại dinh tả quận công Lê Văn Duyệt. Sương Nguyệt Anh là con gái thứ năm (có nơi ghi con thứ tư) của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, một trong những đại thi hào của dân tộc Việt, lừng lẫy với những bài văn tế các nghĩa sĩ và các bài thơ chống chế độ thực dân Pháp, trong đó “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” và “Lục Vân Tiên” là được truyền tụng nhất.

Năm 24 tuổi, Sương Nguyệt Anh sánh duyên cùng phó tổng Nguyễn Công Tính, và có một con gái. Nhưng số phận trớ trêu, Sương Nguyệt Anh đã phải đeo tang chồng, thành góa phụ vài năm sau đó.

Nữ sĩ yêu nước

Không chỉ là một đờn bà “sương cư thủ tiết”, Sương Nguyệt Anh còn là người nặng lòng với dân tộc và tổ quốc. Nhiều bài thơ của bà thể hiện nỗi đau ngậm ngùi, chất chứa của một người rung động trước cuộc sống lầm than của dân tộc mình thời Pháp thuộc.

Vui lòng thánh đế trên xe ngựa

Xót dạ thần dân chốn lửa than

Nước mắt cô cùng trời đất biết

Biển dâu một cuộc nghĩ mà thương

Các bài thơ của nữ sĩ phản ánh hình ảnh người công dân có trách nhiệm với vận mệnh tổ quốc, đặc biệt trong cảnh non nước bốn chia năm xẻ. Sương Nguyệt Anh đã mượn văn thơ để khích lệ người dân, đặc biệt là thanh niên, quan tâm đến thực trạng xã hội và đất nước.

Cái tóc râu mày thì phải vậy,

Nặng bằng non Thái, nhẹ bằng lông.

Đó là hai câu thơ nữ sĩ nhắn gửi giới thanh niên phải biết dùng tài năng để phụng sự cho chính nghĩa.

Khi nhà yêu nước Phan Bội Châu phát động phong trào “Đông Du” vào đầu thế kỷ XX, Sương Nguyệt Anh tích cực ủng hộ tài chính. Mặc dù “Đông Du” bị Pháp đàn áp đẫm máu, nữ sĩ vẫn tiếp tục nỗ lực đóng góp vào các phong trào chống thực dân Pháp.

Tiếng lành đồn xa! Nhiều người biết đến nhân cách và tài năng của Sương Nguyệt Anh. Vì thế, vào cuối năm 1917, nữ sĩ được giới trí thức Sài Gòn mời làm chủ bút tờ Nữ Giới Chung (Tiếng chuông nữ giới). Đây là tờ báo đầu tiên dành riêng cho phụ nữ và cũng là lần đầu tiên một tờ báo do một phụ nữ làm chủ biên.

Tài đức của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh thể hiện qua ngòi bút rắn rỏi trên tờ “Nữ Giới chung” nhắc nhở vai trò của phụ nữ với xã hội, đề cao nữ quyền, phê phán sự phung phí và lười biếng, đặc biệt đề cao tầm quan trọng của tri thức, khuyến khích phụ nữ tiếp xúc với văn hóa phương Tây để mở rộng tầm nhìn. Các ý niệm mới này của Nữ Giới Chung là tiến bộ vào thời đó, thổi một làn gió mới tới đời sống tinh thần của phụ nữ vốn bị Nho giáo ràng buộc chặt chẽ.

Báo Nữ giới chung số 1, ra ngày 1.2.1918

Có thể thấy phương thức “Khai dân trí” của Sương Nguyệt Anh qua tờ Nữ Giới Chung là điều cấm kỵ. Bởi thế, chỉ sau hơn 5 tháng hoạt động với khoảng hơn 20 số báo, tờ báo đã bị nhà cầm quyền thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa vì “nhận thấy ảnh hưởng của Nữ Giới Chung ngày càng to lớn.

Hơn 100 năm Nữ Giới Chung bị đóng cửa

Duy trì chính sách ngu dân bằng cách đốt sách, bóp nghẹt quyền tiếp cận thông tin, và bách hại trí thức, là thủ đoạn hèn độc được các nhà độc tài sử dụng thuần thục. Chẳng hạn như Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn sống các học giả được Sử Ký của Tư Mã Thiên ghi lại. Hoặc sự kiện giới trí thức miền Bắc bị Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) chà đạp danh dự, sỉ nhục nhân phẩm, thậm chí bắt giam vì dám cả gan bày tỏ khát vọng tự do, đặc biệt là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và tự do sáng tác trong phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm vào giữa thập niên 50.

Tờ Nữ Giới Chung của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh bị thực dân Pháp dẹp vào giữa năm 1918 cũng bắt nguồn từ nỗi sợ. Thống trị dân tộc ngu dốt thì dễ dàng và lâu dài hơn một dân tộc có hiểu biết về dân quyền và nhân quyền. Phát biểu của Nguyễn Ái Quốc tại đại hội Đảng xã hội Pháp năm 1920 phản ánh được chính sách ngu dân của thực dân Pháp trong suốt thời gian cai trị: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có.

Sau hơn 100 năm quyền tự do tối thiểu của Sương Nguyệt Anh nói riêng và người Việt nói chung bị nhà cầm quyền Pháp bóp nghẹt hơn sáu thập kỷ, thực trạng Việt Nam hiện tại không tự do hơn là mấy. Mặc dù Việt Nam hiện không chịu sự đô hộ của chế độ thực dân nước ngoài nào, người Việt gần như không có quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức nhân quyền Freedom House, Việt Nam được xếp hạng “không có tự do” nhấn mạnh rằng “quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và hoạt động xã hội dân sự bị hạn chế nghiêm ngặt.Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong bản báo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2021 rằng chính quyền Việt Nam “không tôn trọng quyền tự do ngôn luận” và dùng luật pháp nhà nước để xâm phạm các quyền tự do tối thiểu này.

Cách đây hơn 100 năm, Nguyễn Ái Quốc “tố cáo” thực dân Pháp kiềm kẹp tự do, nhấn mạnh “ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội” người Việt “cũng không có.” Thực ra, lời “tố cáo” này của Nguyễn Ái Quốc cũng là bức tranh thực tại của Việt Nam dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng.

Sau hơn 100 năm, các quyền tự do tối thiểu của người Việt vẫn ngang nhiên bị tước đoạt: làm từ thiện cũng phải xin phép, tổ chức tưởng niệm những người hy sinh trong cuộc chiến biên giới Việt Trung cũng bị bắt bớ, lên tiếng bảo vệ môi trường sẽ được công an “mời” lên phường, làm báo chống tham nhũng sẽ bị tố phản động, lập các đoàn thể sẽ bị quy là thế lực chống phá… Hầu như mọi hoạt động có biểu hiện sự liên kết giữa người dân với nhau đều bị ĐCSVN cấm đoán và ghép tội.

Không có tự do, thì không thể có nghệ thuật, tiến bộ, và hạnh phúc. Sau khi tờ Nữ Giới Chung bị Pháp đóng cửa, Sương Nguyệt Anh đau buồn, cộng thêm bệnh tình đã dẫn tới cái chết của nữ sĩ. Nếu Sương Nguyệt Anh sống ở Việt Nam thời độc đảng, thì số phận của tờ Nữ Giới Chung có lẽ cũng không mấy triển vọng.

Bởi trong thực tế, tất cả các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước đều thuộc sự quản lý của ĐCS. Để được viết về bất kỳ vấn đề xã hội hoặc chính trị nào, thì báo chí phải được sự đồng ý của ban tuyên giáo đảng. Người dân không được phép phản đối tham nhũng, lạm quyền. Nếu ai cả gan lên tiếng, họ sẽ được an ninh tới thăm, kèm theo lời hăm dọa coi chừng bị ‘thế lực thù địch’ xúi giục. Ngược lại, phương thức hoạt động của Sương Nguyệt Anh cách đây 115 năm là khuyến khích người dân quan tâm đến vận nước, đề cao tri thức, và lên án sự phung phí của lãnh đạo. Như thế, “Tiếng chuông nữ giới” của nữ sĩ tiền phong Sương Nguyệt Anh hoàn toàn có khả năng thành “quốc cấm” thời nay, quả chuông bị đập nát bởi đảng cầm quyền trước khi tiếng ngân vang lên thức tỉnh dân tộc.

Phải chăng dân tộc Việt Nam đang đi ngược dòng văn minh?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: