Chuyện có thật đã xảy ra cách nay 221 năm vào lúc nửa đêm 23 Tháng Ba 1801. Với một đoàn tùy tùng khoảng 12 sĩ quan, hai viên tướng Léonce Bennigsen và Lev Mikhailovich Yashvil tiến vào cung điện Saint-Michel, nơi nghỉ ngơi của Sa hoàng Paul I. Họ muốn ám sát Sa hoàng…
Họ đến trước phòng ngủ của Sa hoàng. Tên lính gác cửa chưa kịp tỏ thái độ bất ngờ vì đám sĩ quan đột nhập lúc đêm khuya thì đã ngã xỉu vì cú đập kiếm lên đầu tung ra bởi bá tước Nicolas Zoubov. Tên lính thứ hai, gác phòng trong, cũng bị hạ gục nhanh chóng. Những kẻ thủ mưu nhìn nhau lần cuối rồi tiến vào khu phòng của Sa hoàng. Bị đánh thức bởi tiếng động, Paul I tìm cách tẩu thoát qua một hầm bí mật dưới sàn nhà dẫn qua khu phòng riêng của hoàng hậu nhưng không may cửa cũng bị khóa. Hoảng hồn, ông ta ẩn mình phía sau tấm màn che to phủ từ trần xuống sàn gỗ.
Phát hiện trên giường không có ai nằm, các kẻ mưu tính ám sát cho rằng mục tiêu đã kịp tháo chạy, nhưng rồi có người đưa bàn tay sờ vuốt tấm chăn trải và thấy nó còn ấm, có nghĩa là “con mồi” còn đâu đây. Tướng Bennigsen ra lệnh lục soát căn phòng to và rồi ông ta phát hiện hai bàn chân không của Sa hoàng lòi ra dưới tấm màn. “Hắn đây rồi!”, ông ta la lên, đám sĩ quan ào đến lôi Sa hoàng ra trước một cái bàn to.
Bá tước Zoubov đặt lên bàn một tờ giấy ghi nội dung rằng Sa hoàng Paul I phải từ khước ngai vàng. Tuy rất sợ nhưng Sa hoàng vẫn hét to: “Không, ta không ký!”. Nhóm âm mưu càng ép, ông ta càng hung hãn, dứt khoát không ký. Họ cần kết thúc nhanh vì nghe vang vẳng tiếng động trong dinh, tức đã có người thức giấc và báo động. Kiếm trong tay, tướng Bennigsen nói với Paul I lần nữa: “Này, bây giờ ông là tù nhân của chúng tôi, thời trị vì của ông đã kết thúc. Hãy ký ngay vào đây, nhường ngai vàng lại cho đại công tước”.
Nhóm sĩ quan này dám ra tay hành động như thế, sát hại con trai của Catherine II, vì tin rằng người này đã trở thành mối nguy hiểm lớn của cả nước Nga. Họ có phần đúng. Ngay sau khi lên ngôi năm 1797, Paul I đã có nhiều hành động quái gở. Để trả thù mẹ vì mẹ đã có ý sẽ truyền ngai vàng cho đứa cháu trai đích tôn là đại công tước Alexander chứ không cho con trai của mình nên Paul I đã ra lệnh phá hủy tất cả những cơ sở mà Catherine II đã cho xây dựng trong thời gian trị vì. Cho rằng hàng ngũ quý tộc Nga đã trở nên hư hỏng, hủ lậu, Paul I ra tay chấn chỉnh: Cấm khiêu vũ điệu waltz (valse) vì nó quá thô tục, thân thể người nam, người nữ cọ sát nhau; cấm mặc quần ngắn; cấm mang giày bốt với phần ống trên cao gấp ngược xuống; cấm đội mũ hình tròn…
Tỏ ra kinh tởm tình trạng hỗn độn xã hội Pháp tiếp sau cuộc Cách Mạng năm 1789, Sa hoàng Nga này cấm mọi người không được nói các từ công dân, câu lạc bộ, xã hội, cách mạnh, phân quyền… Bộ trưởng nào sơ sểnh trách nhiệm là bị đuổi việc ngay lập tức. Và Paul I còn ra lệnh cho đoàn kỵ binh Cosaque tấn công Ấn Độ! Theo sử sách, vị Sa hoàng này là con người quá kênh kiệu, tự cao tự đại quá mức rồi dễ nổi cơn thịnh nộ dù chỉ những chuyện lặt vặt. Ai ai phục vụ quanh ông ta hàng ngày đều khiếp sợ. Và ông ta từng phán: “Ở đất nước Nga này, ai đó chỉ vĩ đại khi được ta nói chuyện và chỉ vĩ đại trong thời gian được nghe ta trò chuyện cùng mà thôi!”. Tóm lại, chỉ sau bốn năm dưới thời Paul I, giới quý tộc Nga rất muốn có ai đó can đảm loại trừ gã khùng điên ấy.
Bá tước Pierre Alexandre Pahlen là Thống đốc cai quản thành phố Saint-Pétersbourg, cùng tướng Bennigsen (người thành phố Hanover) và hai anh em nhà Zoubov từ nước ngoài lánh nạn trở về quê hương, đã họp nhau mưu phản loạn để cứu nước Nga. Cùng tham gia nhóm này là khoảng 50 sĩ quan và nhà quý tộc. Mục đích của họ là loại trừ Sa hoàng Paul I và thay bằng chính con trai Alexander của ông ta. Alexander được báo cho biết và đồng ý với kế hoạch miễn sao cha của anh ta không bị sát hại.
Sa hoàng Paul I chụp lấy tờ giấy từ bỏ ngai vàng mà tướng Bennigsen đưa cho, nhưng thay vì ký, ông ta vò nát rồi ném xuống đất. Platon Zoubov hét to: “Ông không còn là Sa hoàng, Alexander mới là vua của chúng tôi!”. Tức giận vì bị la mắng, Sa hoàng vung tay đấm vào mặt Zoubov khiến cả đám âm mưu giật mình. Họ biết lính canh sắp ập vào, cần hành động thật nhanh, có vài người muốn bỏ chạy nhưng bị Bennigsen giữ lại. “Quá trễ để thay đổi ý kiến, quá trễ để thối lui rồi!”. Tướng Yashvil cũng nói: “Zoubov không nói nữa. Bây giờ ông ta phải ký nếu không ngày mai đầu chúng ta sẽ lìa khỏi thân”.
Paul I không đồng ý. Ông ta vừa chống cự vừa van nài, và nói rất to như để báo động mình đang bị xâm hại. Công tước Nicolas Zoubov đập vào tay Sa hoàng rồi chụp lấy một hũ đựng lá thuốc bằng vàng đúc đập vào đầu Paul I, trúng ngay màng tang bên trái. Sa hoàng ngã gục, bất tỉnh, mọi người hoảng loạn, có người nhào đến chụp cây kiếm ra khỏi tay Zoubov và vài người thì lo vực Paul I lên giường. Cuối cùng kẻ ra tay siết cổ Sa hoàng tắt thở với cái khăn quấn cổ là một anh lính tên là Yakov Skaryatin. Sau này, tướng Bennigsen biện hộ cho mình rằng trong lúc vụ án mạng xảy ra thì ông ta đã ra khỏi phòng để đi lấy cây đuốc chiếu sáng.
Nhóm âm mưu rời khu phòng, nói với mọi người rằng Paul I chết đột ngột sau khi lên cơn động kinh. Nicolas Zoubov chạy đi gọi Alexander, báo rằng bố của anh ta đã mất và nay anh là Sa hoàng. “Đến lúc trưởng thành rồi. Hãy lãnh đạo đất nước!”. Hoàng tử Alexander vội chạy đến phòng của mẹ báo tin. Bà nghe tin dữ xong thì bất tỉnh. Khi tỉnh lại, bà không chịu quỳ gối bái thuần phục con trai nay là tân Sa hoàng.
Alexander chạy qua phòng của bố, dở cái nón che mặt bố ra và phát hiện vết thương lớn nơi màng tang. Nỗi kinh hoàng chợt đến trong sự im lặng hoàn toàn. Mẹ anh quay nhìn anh với vẻ buồn sâu thẳm và một lúc lâu sau mới thốt lên được: “Chúc mừng con, hôm nay còn là tân Sa hoàng!”… Sau cái chết của Paul I, những lệnh cấm quái đản của Paul I được bãi bỏ. Giới sử gia ghi nhận rằng “không có nước mắt” trong đám tang của Paul và mọi người “thực sự vui mừng”. Trong hồi ký của mình, nữ bá tước Golovina đã mô tả những phản ứng mà bà nhìn thấy, về việc các sĩ quan hét lên: “Bây giờ chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta thích!”. Một nhà ngoại giao Áo ở St. Petersburg vào thời điểm đó nhận xét rằng “có một niềm vui chung trước sự thay đổi chế độ, rõ ràng nhất ở thủ đô và các thành phố lớn, đặc biệt trong giới quý tộc và quân đội. Đó là phản ứng trước cái chết của một người từng cai trị Nga”.