Sài Gòn-Kabul – Bài học dị kỳ (bài hai)

Sự kiện Kabul Tháng Tám 2021 không khỏi không khiến nhiều người Việt liên tưởng đến cục diện Sài Gòn và miền Nam vào Tháng Tư 1975 (ảnh: nik wheeler/Corbis/Getty Images)
Share:

Dẫn Nhập: Sau biến cố 15 Tháng Tám 2021 xảy ra ở Kabul, Afghanistan, số đông người Việt hải ngoại phải nhận ra một điều khó tin nhưng rất hiện thực: Vẫn không thể hiểu được (một cách chính xác) Người Thật/Việc Thật của nước Mỹ là gì? Ngoài những “bài học” được kể ra sau đây từ thực tế lịch sử buộc phải nhận ra – không nhận cũng không được.

Cụ thể năm 1963 với cơn bão loạn chính trị, quân sự ở Sài Gòn được khởi động với những cuộc xuống đường của học sinh, sinh viên, lực lượng Phật Giáo, quân đội mà yếu tố quyết định là dấu hiệu Bật Đèn Xanh từ Tòa Đại sứ Mỹ. Dấu chỉ được xác nhận bởi Công điện số 243 gởi ngày 24 Tháng 8 1963 từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn đến Đại sứ Cabot Lodge ở Sài Gòn. Sự kiện Công điện 243 đã được trình bày rõ ở Bài Học Một.

Hai. Bài Học Thứ Hai

21/- Bài Học Hai tiếp tục trình bày tình thế hỗn loạn tại Sài Gòn với những tướng lãnh sau ngày 2 Tháng Mười Một, lần thanh toán tàn nhẫn Tổng thống Diệm và Cố vấn Nhu. Sau hơn một tháng say men chiến thắng gọi là “cách mạng”, chính phủ của Quốc trưởng Dương Văn Minh, Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ chưa kịp củng cố thì Trung tướng Trần Thiện Khiêm, Tư Lệnh Quân Ðoàn III (Sài Gòn) phối hợp cùng Trung tướng Nguyễn Khánh, Tư Lệnh Quân Ðoàn I (Đà Nẵng), và Ðại tá Nguyễn Chánh Thi tư lệnh phó tổ chức cuộc chỉnh lý 31 Tháng Một 1964, lật đổ chính phủ Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ, bắt giam nhóm tướng lãnh chủ mưu cuộc đảo chánh Tổng thống Diệm trong ngày 1 Tháng Mười Một 1963 với tội danh là chủ trương “trung lập”.

Tuy nhiên, Ðại tướng Minh vẫn được giữ lại làm bù nhìn trong tổ chức “Tam Ðầu Chế” gồm Nguyễn Khánh-Trần Thiện Khiêm-Dương Văn Minh. Trong thực tế, chỉ mình Tướng Nguyễn Khánh hoàn toàn thao túng diễn trường chính trị với lực lượng quân đội làm nòng cốt.

22/- Tướng Khánh tiếp thực hiện nhiều màn ngoạn mục để củng cố quyền lực, như thành hình Hiến Chương Vũng Tàu, lập Tam Ðầu Chế (mới) gồm Nguyễn Khánh-Dương Văn Minh-Phan Khắc Sửu, mời ông Trần Văn Hương làm Thủ tướng; lập Thượng Hội Ðồng Quốc Gia làm cố vấn (bù nhìn) cho chính phủ. Ngày 13 Tháng Chín 1964, nhóm sĩ quan thuộc Ðảng Ðại Việt do Ðại tá Huỳnh Văn Tồn Tư Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ Binh (Cần Thơ) được Trung tướng Dương Văn Ðức Tư Lệnh Quân Ðoàn IV hỗ trợ tổ chức đảo chánh lật đổ Tướng Khánh.

Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh (Huế) bay về Sài Gòn điều động chỉ huy cuộc phản công. Ngày 19 Tháng Hai 1965, Thiếu tướng Lâm Văn Phát, Ðại tá Phạm Ngọc Thảo dựng thêm màn kịch gọi là “Biểu dương lực lượng”. Cuộc biểu dương cũng bị Trung tướng Nguyễn Chánh Thi lúc ấy giữ chức Tư Lệnh Quân Ðoàn I (Đà Nẵng) phối hợp cùng Thiếu tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ dẹp tan. Nhân dịp này, Tướng Nguyễn Chánh Thi với danh nghĩa là Tư Lệnh Quân Ðoàn Giải Phóng Thủ Ðô đã yêu cầu Quốc trưởng Phan Khắc Sửu giải nhiệm Tướng Nguyễn Khánh, buộc Tướng Khánh phải xuất ngoại gọi là trị bệnh.

23/- Ngày 25 Tháng Hai 1965 Tướng Nguyễn Khánh lên đường lưu vong sau hơn một năm khuấy động. Cũng ngày 25 Tháng Hai 1965, bác sĩ Phan Huy Quát thành lập chánh phủ dân sự, nhưng lại bị khối Công Giáo biểu tình chống đối nên cuối cùng, Thủ tướng Quát phải giải tán chính phủ sau gần bốn tháng cầm quyền đầy rối loạn. Đồng thời Quốc trưởng Phan Khắc Sửu cũng nhận thấy vị thế của mình không có thực quyền nên đã cùng Thủ tướng Quát đồng từ chức trao quyền điều khiển quốc gia lại cho quân đội.

Ngày 6 Tháng Sáu 1965 Hội Ðồng Quân Lực nhóm họp phiên khẩn cấp tại Bộ Tổng Tham Mưu, bầu lên một cơ cấu nhận lãnh trách nhiệm điều khiển quốc gia với Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia (Quốc Trưởng); Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ Tư Lệnh Không Quân làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ Tướng). Chế độ quân nhân lấy ngày 19 Tháng Sáu 1965 làm Ngày Quân Lực.

Tổng thống Nixon trong cuộc gặp Tổng thống Thiệu tại Midway ngày 8 Tháng Sáu 1969 để bàn về việc quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam (ảnh: David Turnley/Corbis/VCG/Getty Images)

24/- Tóm lại, chưa đầy hai năm (cuối 1963, đầu 1965) đã có đến ba cuộc đảo chánh, biểu dương lực lượng tranh giành quyền lực; Bộ Tổng Tham Mưu thay đổi đến năm tổng tham mưu trưởng, tính đến 1965, Thiếu tướng Cao Văn Viên là tổng tham mưu trưởng thứ sáu. Cùng lúc, tình hình hỗn loạn chính trị ở Sài Gòn giúp giới lượng định tình hình ở Hoa Thịnh Đốn củng cố (thêm) quan điểm:

Tình hình quân sự Miền Nam quả là quá tồi tệ, không thể “thắng cộng sản” với thành phần tướng lãnh đương quyền! Hóa ra, nhóm người Mỹ nầy (ĐÃ) mau mắn quên (quên hoàn toàn) quan niệm khởi động thảm kịch ngày 1 Tháng Mười Một, 1963: “Phải lật đổ chế độ Diệm để thay thế bằng một thành phần quân nhân” Nhận định của nhóm “phóng viên báo chí trẻ” ở Sài Gòn lẫn giới ngoại giao Mỹ với ảnh hưởng của Phụ tá Ngoại trưởng William Averell Harriman, trong việc quyết lật độ chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm cho bằng được.

Và hệ quả (tất nhiên) của quan điểm này là: Đổ quân chiến đấu vào miền Nam là một yếu tố tối cần thiết để “chiến thắng cộng sản” – Hiện thực chiến lược domino ngăn chặn cộng sản (Cộng sản nào? – chú thích của tác giả PNN) ở Vĩ Tuyến 17 – Biên cương mới của Mỹ! Thêm một lần, những người lập chính sách Mỹ đã quên hẳn một nửa (Phần quan trọng của sách lược domino của Tổng thống/Đại tướng Eisenhower) đã dặn dò kỹ là không được đưa quân chiến đấu vào Đông Dương – Chính phủ Tổng thống Eisenhower đã hành xử do từ quan điểm chiến lược: Không muốn trực tiếp giúp chế độ thực dân Pháp, và tránh đụng độ với Trung Cộng như đã gặp phải ở mặt trận Triều Tiên (1950-1953).

25/- Đến đây phải nhắc lại: Năm 1963, ông Ngô Đình Diệm bị giết là vì ông ấy muốn thực hiện một điều gì (tương tự như cuộc rút quân dự trù 1965 của Tổng thống Kennedy). Tóm lại, chỉ là: “ĐỔ QUÂN VÀO/RÚT QUÂN RA KHỎI VIỆT NAM” chứ không có gì khác! Tổng thống Johnson thực hiện tiếp màn Bi Kịch Lớn/Chiến Tranh Việt Nam của thế kỷ 20 với tác động hậu quả, hệ quả cho tới hôm nay qua thế kỷ 21.

Tổng thống Mỹ chỉ là nhân viên cao cấp nhất của ngành hành pháp thế nên mọi quyết định lớn liên quan đến an ninh quốc gia phải có sự chuẩn thuận của Quốc hội. Biến cố Vịnh Bắc Bộ được hình thành… Ngày 2 Tháng Tám 1964, tàu USS Maddox bị ba phóng thủy lôi của Bắc Việt “tấn công” trong vùng biển quốc tế thuộc Vịnh Bắc Bộ. Ngày 4 Tháng Tám, trận đụng độ thứ hai xảy ra. Quốc hội Mỹ họp khẩn, ngày 7 Tháng Tám 1964 lưỡng viện Quốc hội tuyên cáo Nghị quyết Vịnh Bắc Việt về việc “cộng sản tấn công Mỹ ” với số phiếu áp đảo 88/2 ở Thượng Viện; 410/0 ở Hạ Viện (Robert S. McNamara, IN RETROSPECT, Times Books, New York, 1995. Page 139).

Ngày 15 Tháng Mười 1969: Tổng thống Thiệu cùng quan chức VNCH sau lễ tang tưởng niệm các nạn nhân sự kiện Tết Mậu Thân 1968 (ảnh: David Turnley/Corbis/VCG/Getty Images)

26/- Nhưng cũng chính McNamara – Bộ trưởng Quốc phòng hai đời tổng thống Mỹ (1961-1968) – vào năm 1995 đã đi Hà Nội gặp Võ Nguyên Giáp ngỏ lời than thở ăn năn… Tôi đã lầm! Lầm quá! Cùng với Giáp, ông xác nhận: Cái gọi là cuộc tấn công của Bắc Việt ngày 4 Tháng Tám chỉ là tưởng tượng! Sau nhiều năm điều hành, thực hiện chiến tranh trả giá bằng máu 58,000 chiến binh Mỹ; phòng tuyến Nam sông Bến Hải (xây dựng năm 1966) có tên McNamara Line – 1991, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ/Chủ tịch Ngân hàng Thế giới McNamara có lời (RẤT) thành thật: Tổng thống Johnson và tất cả chúng tôi (trong nội các Johnson) ĐỀU LẦM LẪN (Ibd; Page 143).

Nhưng tại năm 1964 không ai nói với Tổng thống Johnson như thế. Tháng Ba 1965 hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẵng. Không một ai ở Mỹ hoặc ở giữa Sài Gòn phản đối cuộc đổ quân này. Nhắc lại cũng không thừa: Hai Tổng thống Ngô Đình Diệm và Kennedy đã bị thanh toán từ Tháng Mười Một 1963.

27/- Từ hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến với khoảng 2,000 lính tác chiến vào Tháng Ba 1965 thì đến năm 1968, quân số Mỹ ở Việt Nam đã vượt quá 500,000 người. Và hình ảnh Tổng thống Johnson bị miệt thị với danh từ xấu xa nhất tại những cuộc biểu tình trước Điện Capitol.

Một tháng trước khi McNamara từ nhiệm, 36 trong 44 tỉnh lỵ; 5/6 thành phố lớn; 64/242 thị trấn, quận lỵ thành phố miền Nam đồng loạt bị tấn công. Cuộc tấn công khởi đi từ đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân, đêm 30 rạng 31 Tháng Một 1968. Vào thời điểm 1968, chiến tranh Việt Nam đã tạo nên một thất lợi tâm lý trầm trọng trong dư luận nước Mỹ, từ sự kiện ký giả Walter Cronkite có mặt tại Sài Gòn ngay trong Tháng Hai, khi trận chiến đang bùng nổ giữa những đường phố, để sau đó trong buổi phát hình ngày 27 cùng tháng, từ Việt Nam, Cronkite – người có khả năng lèo lái dư luận quần Mỹ – đã mạnh mẽ xác định: “Hơn bao giờ hết, chúng ta có thể nói rằng kinh nghiệm đẫm máu tại Việt Nam sẽ phải mở ra một lối thoát”.

Tương tự như lời thúc giục của McNamara với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong lần viếng thăm Sài Gòn từ 1967: “Chúng tôi cần thương thuyết với Hà Nội để cho cuộc tuyển cử sắp tới (trong năm 1968)”, hoặc của Đại sứ Bunker tại Sài Gòn: “Dư luận Hoa Kỳ đã trói tay tổng thống (Mỹ), thế nên phải có cuộc thương thuyết hòa bình (tại Paris) để chứng tỏ cùng Quốc hội và nhân dân Hoa Kỳ rằng cả Hoa Thịnh Đốn lẫn Sài Gòn đều mong muốn hòa bình”. Tóm lại là PHẢI RÚT QUÂN!

28/- Như vậy chỉ ba năm (1965-1968), Tổng thống Johnson, vào Tháng Tám 1964 khi được Quốc hội Mỹ ủy quyền (gần như tuyệt đối) mở rộng chiến tranh “Chống cộng sản/Cứu nước Mỹ”, nay trở thành Tội Nhân Chiến Tranh! Suy sụp toàn diện, Tổng thống Johnson bỏ cuộc tái ứng cử 1968, nhường diễn trường chính trị lại cho Richard Nixon, đảng Cộng Hòa, người được mệnh danh là “nhân vật nhận chuẩn bị kỹ nhất để làm Tổng thống Mỹ”. Ứng cử viên Nixon ứng cử với con bài chủ – Việt Nam Hóa Chiến Tranh-Rút quân đội Mỹ về nước. Richard Nixon được một nhân vật kiệt xuất làm Cố vấn an ninh quốc gia.

Sài Gòn, ngày 17 Tháng Tám 1972: Tổng thống Thiệu trong cuộc gặp cố vấn Henry Kissinger tại Dinh Độc Lập (Getty Images)

Tiếp giữ chức Ngoại trưởng, Henry Kissinger đoạt thắng lợi hai kỳ ứng cử, với chiến thắng áp đảo trong lần bầu cử năm 1972 với tỷ lệ 49/50 cử tri đoàn. Tổng thống Nixon đạt được hai kỳ tích chính trị-ngoại giao: Ký kết Thông cáo Thượng Hải 1972 với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc đặt nên hòn đá tảng chính trị-ngoại giao Mỹ-Hoa cho TÁM ĐỜI TỔNG THỐNG MỸ TỪ 1972 ĐẾN HÔM NAY mà kết quả là: Tập Cận Bình trong lễ quốc khánh 1 Tháng Mười 2019 tuyên bố chính thức: Năm 2049 sẽ thay thế Mỹ làm bá chủ thế giới.

Riêng việc ký kết Hiệp Định Ba Lê 27 Tháng Một 1973 với cộng sản Hà Nội để có kết thúc Chiến tranh Việt Nam trong Hòa Bình và Danh Dự – Ba nước Đông Dương/Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, 30 Tháng Tư 1975 không có cơ hội phục hồi. Tác giả Larry Berman đánh giá: KHÔNG HÒA BÌNH – KHÔNG DANH DỰ!

29/- Chúng ta kết thúc Bài Học Thứ Hai với sự kiện hôm nay. Hòa Bình/Hiệp Định Ba Lê 27 Tháng Một 1973 tồn tại đến những hai năm, hai tháng. Và nếu “Hòa Bình” phải cơn nguy nan như lúc ấy, 1974-1975 thì ắt phải có lý do – Đấy là Nguyễn Văn Thiệu “một người tuyệt vọng đến độ phát hoảng và đứng đầu danh sách tham nhũng” và dù cho miền Nam có mệnh hệ nào thì “Việt Nam cũng không phải là tận cùng thế giới”!

Tóm lại, chỉ còn đôi lời cam kết qua những lá thư giữa Nixon và Nguyễn Văn Thiệu! Cũng không có gì khó, sẵn vụ năm người Cuba đột nhập vào tòa nhà Watergate của đảng Dân chủ. Hai ký giả Carl Bernstein và Bob Woodward của báo Washington Post được một “ông nằm vùng, phục sẵn trong Bạch Cung, bí danh “Deep Throat” tên thật Mark Felt, phụ tá FBI. Ông này hàng tuần báo cho Washington Post đủ các chi tiết về Nixon, các cố vấn John Mitchell, H. R. Haldeman…

Giằng co một hồi đến 8 Tháng Tám 1974 thì Tổng thống Nixon buộc phải từ chức – Vô hiệu hóa tất cả cam kết với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu! Và ông Thiệu thì đã ra khỏi nước từ 24 Tháng Tư 1975 sau khi gánh tội là kẻ “tham nhũng” gây nên sụp vỡ miền Nam.

Cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Boston, Massachusetts, 1990 (ảnh: Steve Liss/Getty Images)

30/- Sự trùng hợp về thời gian 20 năm trong chiến tranh Việt Nam (1955-1975) lập lại ở Afghanistan vào ngày 15 Tháng Tám 2021 với hình ảnh chiếc trực thăng di tản người Mỹ chạy thoát từ nóc Tòa Đại sứ Mỹ trong lúc phiến quân Taliban chiếm Dinh Tổng thống không tốn một viên đạn, sau khi Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn ra nước ngoài…

Lịch sử lập lại khá chính xác. Trong diễn văn hôm 16 Tháng Tám 2021, Tổng thống Joe Biden cho biết Hoa Kỳ đã chi tiêu hơn $1,000 tỷ để huấn luyện và trang bị cho 300,000 quân của Chính phủ Afghanistan. Nhưng lực lượng này phần đông đã không dám chống lại quân Taliban khi bị tấn công. Nhà lãnh đạo Mỹ trút trách nhiệm lên giới lãnh đạo Afghanistan bỏ cuộc, chạy trốn ra nước ngoài sau khi đã vô cùng tham nhũng!

Năm 1975, Tổng thống Richard Nixon đã thất hứa không trả đũa quân cộng sản Bắc Việt vi phạm Hiệp định Ba Lê, tấn công chiếm đóng Sài Gòn, do Nixon đã buộc phải từ chức sau vụ Watergate! Cũng tương tự, năm 2020, ông Trump không đắc cử thì hứa hẹn bao nhiêu có giá trị gì đâu? Và cũng y hệt đối với Việt Nam trên báo chí Mỹ luôn có nhận định: Quân lực VNCH KHÔNG CHỊU CHIẾN ĐẤU! Thế nên, năm 2021 Tổng thống Biden (cũng) chỉ cần lập lại: “Quân đội Mỹ không thể và không nên chiến đấu trong một cuộc chiến và chết cho cuộc chiến đó, trong khi lực lượng Afghanistan không muốn chiến đấu cho chính họ.” Người dân Mỹ nào phản đối nhận định này?

Đối với người Việt miền Nam, Tổng thống Nixon và nước Mỹ đã đào hố chôn vùi danh dự của một cường quốc vì đã “phản bội” đồng minh qua ký kết Hiệp Định Ba Lê, 27 Tháng Một 1973! Rất may, hôm nay Tổng thống Biden có cựu Tổng thống Trump và cựu Ngoại trưởng Pompeo hứa riêng (gì đó) với Taliban mà thôi!

Bài Thứ Ba đang tiếp diễn!

Phan Nhật Nam

Cali, 19 Tháng Tám 2021 – Ngày cộng sản Việt Nam đánh tráo lịch sử tại Hà Nội, 19 Tháng Tám 1945!

ĐỌC LẠI:

Sài Gòn – Kabul, bài học dị kỳ

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: