11 tháng Chín – Cuộc vào trận tổng lực của giới truyền thông

Báo chí thế giới cũng tràn ngập tin về sự kiện khủng bố 911 (ảnh: báo chí Mexico tường thuật vụ khủng bố – Susana Gonzalez/Getty Images)

Ngay khi Tháp Bắc Trung tâm thương mại thế giới (WTC) bị tấn công, phóng viên hàng loạt hãng thông tấn và báo chí đã có mặt và họ đã tô đậm bức tranh kinh hoàng của vụ khủng bố dã man nhất lịch sử khủng bố thế giới bằng đoạn phim trực tiếp quay cảnh chiếc máy bay thứ hai đâm vào Tháp Nam WTC. Mình mẩy đầy bụi gạch, họ chen vào đám đông hoảng loạn và phỏng vấn cấp tốc bất kỳ nạn nhân nào trước mặt. Họ trèo lên mái nhà; bám vào bờ tường; leo lên trực thăng chuyên dụng…

Chưa bao giờ giới thông tin Mỹ (cũng như toàn thế giới) hoạt động với công suất tối đa như lần này, kể cả đợt liên quân NATO đánh Nam Tư và chiến dịch Bão sa mạc nhằm xuống Iraq. Chưa bao giờ người ta mua báo nhiều đến vậy, chưa bao giờ lượng thính giả radio nhiều như vậy và chưa bao giờ như lần này khi người ta không dám rời mắt truyền hình bất cứ giờ nào có bản tin thời sự. Hơn 23 triệu người đã bật truyền hình cáp và hàng trăm triệu người xem video qua Internet để nghe bài phát biểu của Tổng thống Mỹ George W. Bush tối ngày 11-9-2001.

Chỉ vài phút sau khi vụ khủng bố xảy ra, Internet bị nghẽn mạch hàng giờ. Bắt đầu từ khoảng 9 giờ tối giờ Việt Nam ngày 11-9 (mươi phút sau khi vụ khủng bố xảy ra), lúc khán giả Việt Nam vẫn còn chú mục theo dõi trận bóng đá Việt Nam-Malaysia tại Sea Games 21, mọi đường truyền Internet tại Việt Nam đều đã tê liệt (đến khoảng 3 giờ sáng VN ngày 12-9 mới truy cập được nhưng sau đó lại nghẽn)… Chiều ngày 12-9 giờ Việt Nam, gần như không quầy bar nhà hàng lớn nào ở Sài Gòn có truyền hình cáp mà không phát sóng vụ khủng bố ở Mỹ…

Ngay sau vụ 11-9, cuộc chạy đua cung cấp những bản tin mới nhất, hình ảnh độc quyền, phỏng vấn độc quyền, nguồn tiếp cận tin độc quyền… đã làm bùng lên không khí cạnh tranh quyết liệt trong làng báo Mỹ. Các tuần báo lớn như Time, Newsweek, U.S. News & World Report và hàng loạt tờ khác đều tung ấn bản đặc biệt. Ít nhất 100 nhật báo ở Mỹ – từ Washington Post, New York Post, Chicago Tribune, Detroit Free Press cho đến Los Angeles Times, Sacramento Bee… đều đồng loạt tung phụ bản vào ngay trưa thứ ba 11-9-2001.

Trang nhất các báo đều phóng to ảnh hai tòa nhà WTC cháy ngùn ngụt với hàng chữ in đậm: “Terror” (Kinh hoàng), “Day of evil” (Ngày của quỷ), “Bastards!” (Bọn khốn nạn!), “Day of infamy” (Ngày nhục nhã), “Pearl Harbor in the U.S.” (Trận Trân châu cảng trong lòng nước Mỹ) và nhiều nhất là hàng tít “America attacked!” (Nước Mỹ bị tấn công!)… Ở góc phố nào tại Manhattan (New York) người ta cũng thấy các thông tín viên tường thuật tại chỗ (anchor). Anchor Harold Dow của chương trình 48 giờ thuộc đài CBS cùng phóng viên camera chạy theo đoàn người hoảng loạn đã tường thuật bài đầu tiên của mình: “Khoảng 200 người đang chạy, tháo bỏ giày dép. Lửa vẫn cháy dữ dội trên hai tòa tháp, như các bạn đang thấy qua màn ảnh nhỏ. Tôi, Harold Dow của CBS, tường thuật trực tiếp từ đại lộ Church ở Manhattan… ”.

Nhà sản xuất CNN Rose Arce lao vào bên trong WTC, leo ngược lên cầu thang khi dòng người tràn xuống trong tiếng la thét hoảng loạn và ghi lại hình ảnh kinh hoàng đang xảy ra… Hàng giờ, hàng giờ, sự tập trung các phóng viên càng đông. CNN cho biết họ gần như tung hết lực lượng của mình. Và những hàng tít khác lại hiện lên truyền hình: “Sad day of US” (Ngày buồn của nước Mỹ); “Despair!” (Tuyệt vọng) và nhiều nhất là “Twin Towers collapsed!” (Tháp đôi đổ sụm!)…

Tháng 1-1991, khi CNN tường thuật qua truyền hình vụ khủng hoảng vùng Vịnh, lượng khán giả xem trực tiếp lúc đó là 10,1 triệu và lần này, số khán giả hơn gấp đôi đã xem Tổng thống Bush đọc diễn văn tại Nhà trắng vào tối 11-9-2001. Các anchor nổi tiếng làng báo Mỹ – Dan Rather của CBS, Peter Jennings của ABC News, Tom Brokaw của NBC – cứ 15 phút lại xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Không khí vụ khủng bố lan khắp thế giới.

Báo Los Angeles Times tung phụ bản đầu tiên kể từ năm 1995 (khi tường thuật vụ vận động viên bóng chày O. J. Simpson can tội giết vợ), với tám trang, in 25.000 bản, phát hành lúc 4 giờ chiều ngày 11-9. Hôm sau, tờ nhật trình Los Angeles Times in thêm 180.000 so với lượng phát hành bình thường; và trưa cùng ngày, họ tung tiếp 50.000 phụ bản. New York Times dành trọn 28 trang quảng cáo, trừ trang quảng cáo cuối cùng ở mặt sau, để tường thuật vụ khủng bố và in thêm 450.000 phụ bản rồi đến ngày 15-9 thì số phụ bản của họ là 900.000 tờ. Al Neuharth của tờ USA Today cho biết thêm tờ Miami Herald cũng dành 20 trang quảng cáo, Washington Post 12 trang và USA Today 10 trang (chưa kể 27 trang khác có tin liên quan)…

Toàn bộ nhân viên tờ Wall Street Journal phải di tản, do tòa soạn nằm đối diện WTC, nên hôm sau họ mới ra báo, in tại South Brunswick gần Princeton tại các xưởng in thuộc công ty mẹ Dow Jones (công ty này cũng có văn phòng trong WTC – như CNN, MSNBC và nhiều hãng thông tấn khác). Tường thuật tin nhưng bản thân các phóng viên cũng là một phần của bản tin.

Rose Arce của CNN kể: “Tôi đang lặng người nhìn qua cửa sổ, cô độc trong căn hộ trống của gia đình nào đó đã hoảng sợ di tản đến độ không khóa cả cửa, thấy đỉnh ngọn tháp bắt đầu sụp. Tôi thấy rõ nhiều nạn nhân từ các cửa sổ tòa tháp cầm mảnh quần áo, tuyệt vọng vẫy về phía mình. Quả cầu lửa lan đến họ ngày càng gần và, như các bạn đã biết, từng người trong họ không còn chịu nổi sức nóng đã tìm cách đập vỡ ô kính và phóng xuống…”. Gần 10 phóng viên cũng đã chạm tay vào tử thần, khi mảnh gạch bê tông rơi cách họ gang tấc. Hãng CBS đã mất ba kỹ thuật viên làm việc tại văn phòng ngay trong WTC…

Thảm kịch kinh khủng nhất lịch sử khủng bố được tường thuật cập nhật từng phút trên Internet. Mọi trang chủ các hãng tin và báo trực tuyến đều tạm xóa hết chuyên mục bình thường và “trang nhất” được dành nguyên diện tích để nói về vụ khủng bố. Theo Los Angeles Times, trang tin MSNBC đã tăng lượng người truy cập lên gấp 10 lần và bất kỳ thời điểm nào cũng có khoảng 400.000 người đang xem MSNBC. CNN trực tuyến có lượng người truy cập lên đến 162,4 triệu trong 24 giờ vào những ngày đầu tiên sau vụ 11-9, so với trung bình 14 triệu lượt người trước đó.

Ngoài tin do chính phóng viên mình thực hiện, nhiều tờ báo lớn đều mua tin lại từ AP, kể cả những tờ hàng đầu như Washington Post, Los Angeles Times, International Herald Tribune, New York Times… Tuy nhiên, sự cạnh tranh hiện rõ khi mỗi tờ báo trực tuyến đều có phần đặc biệt độc quyền.

Theo nhận xét riêng của chúng tôi (Mạnh Kim), CNN trực tuyến (như truyền hình của họ) là nơi đi đầu trong tốc độ cập nhật tin. Trong một số báo trực tuyến theo dõi những ngày đầu tiên sau vụ 11-9, chúng tôi thấy tờ trực tuyến bình luận hay nhất có lẽ là Washington Post, tờ có những tin điều tra độc đáo là Boston Globe, tờ có nhiều ảnh độc đáo là Los Angeles Times, tờ có nhiều nguồn tin tiếp cận độc quyền (như băng ghi âm của các nạn nhân trên bốn chiếc máy bay gọi về gia đình) là Christian Science Monitor, tờ trực tuyến sơ sài nhất (thật bất ngờ) lại là New York Times (báo địa phương New York, nơi xảy ra vụ việc), tờ khai thác nhiều câu chuyện đau lòng kể lại từ các nạn nhân là Baltimore Sun, tờ miêu tả chi tiết nhất việc cứu nạn là USA Today

Khi máy bay trên toàn bộ phi trường khắp Mỹ chưa được phép cất cánh (cho đến ngày 13-9), ấn bản đặc biệt của Time, Newsweek U.S. News & World Report đã được phát hành bằng xe tải (chiều ngày 14-9 giờ VN, ấn bản này của Time đã có tại Sài Gòn). Tuần báo People, lỡ in trang bìa nói về thảm họa cá mập, đã nhanh chóng in thêm 136 trang đặc biệt và trang bìa gấp kẹp vào (chụp cảnh chiếc máy bay thứ hai đâm WTC) để có thể tung ra vào thứ sáu 14-9 với 4 triệu bản.

Ngoài việc lập website đặc biệt và tung phụ bản (mà họ gửi bản in đến các xưởng tại nhiều nước bằng tín hiệu vệ tinh để kịp phát hành khắp thế giới), Time – tuần báo có lượng phát hành cao nhất Mỹ – số đề ngày 24-9-2001 đã in 7 triệu bản. Newsweek với ấn bản đặc biệt gồm 64 trang (không có bất kỳ trang quảng cáo nào) cũng tung ra 2 triệu bản… Brian Duffy, tổng biên tập tờ U.S. News & World Report, kể rằng lúc xảy ra sự kiện, vị chủ bút Mortimer Zuckerman đang ở châu Âu đã điện về ra lệnh phải tung ra bản đặc biệt, “bằng bất cứ giá nào”.

Không chỉ nhật báo hay tuần báo, hàng loạt nguyệt san giải trí nổi tiếng thế giới vốn chỉ nhắm vào chuyện đời tư ngôi sao và các vụ xìcăngđan tình ái lăng nhăng cũng có phản ứng sau vụ khủng bố 11-9. Nguyệt san dành cho phái nam GQ đã thay 60 trang trong ấn bản phát hành tháng 11-2001 và dự tính thực hiện vài phóng sự liên quan vụ khủng bố trong ấn bản tháng 12-2001. Các hiệu chỉnh tương tự cũng xuất hiện tại một số nguyệt san giải trí nổi tiếng khác. Dù không báo nào bỏ qua sự kiện này (thậm chí tuần báo thể thao Sports Illustrated cũng in trang bìa với hàng chữ The week that sports stood still (Tuần lễ thể thao ngưng trệ) nhưng phản ứng của các báo “ăn chơi” đã cho thấy rõ tính nghiêm trọng của sự kiện, nhất là bốn tờ Vanity Fair, People, GQ Esquire – bốn kỵ sĩ của cỗ xe báo chí giải trí thế giới.

Hai ấn bản đầu tiên của People (thành lập năm 1974) từ sau ngày 11-9 đều nói về vụ khủng bố và các đề tài liên quan. Trong ấn bản tháng 12-2001, Esquire dự tính có 10-20 trang liên quan vụ khủng bố 11-9. Vanity Fair (thành lập năm 1913) nguyệt san hàng quí tộc trong làng báo giải trí – cũng có những thay đổi nội dung. Bản tháng 11-2001 của Vanity Fair (theo kế hoạch là chuyên đề về âm nhạc) dự tính có 48 trang liên quan vụ khủng bố cùng hậu quả của nó và bản Vanity Fair tháng 12-2001 dự kiến có khoảng 80% nội dung về vụ 11-9. Trong lịch sử của mình, Vanity Fair chỉ vài lần nhảy vào đề tài thời sự (hai bài viết về Hitler năm 1936) và vụ chiến tranh Việt Nam. Sự kiện đại khủng hoảng Mỹ thập niên 1930 chưa lần nào hiện diện trên các trang báo của Vanity Fair…

Theo Derek Caney của Reuters, các đài truyền hình Mỹ đã mất hàng trăm triệu đôla quảng cáo khi quyết định tường thuật 24/24 giờ diễn biến vụ khủng bố WTC và Lầu năm góc. Jack Myers – chánh chuyên gia kinh tế của công ty nghiên cứu Myers Reports – đánh giá rằng 6 hãng thông tấn (CBS, NBC, ABC, Fox, WB và UPN) cũng như bốn kênh truyền hình cáp (CNN, MSNBC, CNBC, MSNBC) đã mất tổng cộng 40 triệu USD/ngày (chỉ riêng doanh thu quảng cáo) trong hai tuần từ sau ngày 11-9-2001. Lịch chương trình phát sóng thường kỳ cũng thay đổi.

Cả ba mạng thông tấn lớn nhất của Mỹ – NBC thuộc công ty mẹ General Electric Co, CBS thuộc Viacom Inc và ABC thuộc Walt Disney Co – đều hủy gần như toàn bộ lịch phát sóng của mình. Trong cuộc chạy đua căng thẳng, vài sai sót đã xuất hiện. ABC, MSNBC và Fox News đều tường thuật rằng có một vụ nổ bom xe trước trụ sở Bộ ngoại giao Mỹ nhưng tin này không đúng. Có lúc, tin từ các hãng thông tấn lại gây hoang mang cho giới chức Chính phủ Mỹ. 6 giờ chiều 11-9, CNN loan báo có một vụ nổ ở Kabul (Afghanistan).

Chuyện gì xảy ra đây? Phải hơn 30 phút sau giới chức Mỹ mới biết đó chỉ là một vụ choảng nhau nội bộ giữa Taliban và lực lượng Liên minh phương Bắc. Hình thức quen thuộc mời nhân vật tên tuổi cho phỏng vấn độc quyền cũng được các hãng tranh nhau thực hiện. Lần này là các cựu viên chức kinh nghiệm, từng can dự vào các vụ khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và tình hình an ninh nước Mỹ, như James Baker, George Shultz, Sandy Berger, William Cohen, Alexander Haig… Cuối cùng, hình thức truyền thống tăng sức hút công chúng là thăm dò ý kiến cũng được thực hiện. CBS News thăm dò 1.041 ý kiến (76% người Mỹ đồng tình cách xử lý của Tổng thống Bush). NBC News-Wall Street Journal thăm dò 618 ý kiến (80% ủng hộ Bush) và cuộc thăm dò của CNN/USA Today/Gallup cho thấy 94% ủng hộ một kế hoạch chiến tranh trả đũa…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: