Khi sợ nhiều thứ không chính đáng, người ta gọi là: Sợ bóng sợ gió.
Vì sợ bóng sợ gió nên nhiều người có phản ứng hơi quá đáng, làm rùm beng chuyện bé xé to, những chuyện mà người ta ví von ” bão trong ly nước “.
Mẹ tôi là đàn bà, nhưng không phải loại “nhi nữ thường tình” như người ta thường nói. Mẹ rất bình tĩnh cư xử trong bất kỳ tình huống nào. Dịch Covid là chuyện lớn, nhưng phản ứng của mọi người ùn ùn kéo nhau đi khuân gạo, nước, giấy vệ sinh để trữ là chuyện khó coi. Thứ nhất thể hiện sự “không biết điều” cho người đến sau, làm người khác xấu hổ lây (với Mỹ).
“Chưa chết đã lo hết phần”, qua xứ tự do vật chất có khi nào thiếu, nhưng vẫn mang theo những kinh nghiệm ngày xưa lúc còn chiến tranh, bị gian thương giấu hàng để lên giá, mỗi khi giao thông trở ngại.
Sống ở Mỹ mấy chục năm, mẹ bảo có bao giờ khan hiếm thứ gì, quá lắm cũng chỉ độ một tuần. Vậy mà hớt ha hớt hải đi thu gom tới mấy chợ. Con mắt to hơn cái bụng. Càng gom được nhiều càng hỉ hả, coi như thành tích vẻ vang, trong khi người khác “đi không về không”. Tới khi chính phủ nới lỏng cho mở cửa thêm, lúc đó mới hỡi ơi. Mấy chục bao gạo, mấy thùng nước mắm, bao nhiêu két nước uống. Còn giấy vệ sinh chất chật cứng, chẳng còn lối đi. Gạo để lâu thì mốc, sinh mối mọt.
Giờ coi như ngậm bồ hòn. Lúc trước thì hỉ hả, giờ im thin thít, khoe ra còn bị chê khùng. Còn nước rửa tay khô, nghe nói có người trữ để bán mấy trăm ngàn chai. Xứ Mỹ mà, chẳng bao lâu mask và nước rửa tay đều phát miễn phí. Vì mọi người ý thức được rằng giữ vệ sinh cho mình, chính là giúp người, tránh lây lan bệnh.
Ngay như bây giờ, vật giá leo thang, mẹ tôi cũng không trữ thực phẩm. Mẹ vẫn nói hà tiện được bao nhiêu mà phải ăn gạo mốc. Thật sự hà tiện tiền mua thức ăn, chẳng thấm tháp gì nếu dính giấy phạt của cảnh sát, vài trăm như chơi. Còn không khi nhà cửa hư hỏng, cũng tốn khẳm tiền.
Sợ quá hoá rồ, vật giá leo thang, bớt tiêu thứ khác, chứ sợ cũng chẳng cứu vãn được gì. Kiến bò chảo nóng chỗ nào cũng như nhau.
Hồi dịch Covid lan truyền, nhiều người có cách đề phòng rất quái đản, lên xe điện ngầm mang theo chai ketchup, rồi xịt chung quanh chỗ ngồi, sợ có ai ngồi cạnh. Mẹ tôi bảo nếu bà là người soát vé, bà bắt phải chùi sạch sẽ mới cho xuống, để coi phát minh quái đản (của mình) gây phiền phức cho ai.
Ngay cả chính quyền và người dân đối phó với dịch bệnh cũng tuỳ theo nhận thức của mỗi người. Ngay trên nước Mỹ, tổng thống bắt (mang mask), nhưng ông thống đốc cho tự chọn. Phép vua thua lệ làng mà, ai không muốn che mũi miệng cũng không bắt buộc.
Có điều bướng bỉnh như anh chàng võ sĩ loại “kiến càng” không tin vaccine thì không nên, lúc nào cũng tự hào có bắp thịt rất mạnh. Tới khi mắc bệnh, cũng không chịu mang máy trợ thở. Con virus đâu thèm đọ sức với bắp thịt của anh võ sĩ, nó đánh cho phổi của anh tan tành, thế là chết queo, hữu dõng vô mưu.
Hay như kiểu giăng kẽm gai không cho ra vô, khoá cửa nhà có người mắc bệnh (F0), người khỏe cũng bị nhốt chung, cũng thuộc loại quái đản.
Rất ít người có giấy phép được đi làm, nhưng nếu được ra khỏi nhà (để đi làm), thì bắt buộc phải đi theo lộ trình quy định. Cháu trên đường đi làm, ghé nhà bà ngoại đưa thức ăn mẹ nấu, chỉ rẽ ngang chút xíu trên lộ trình đi làm, công an khu vực chận lại xét giấy tờ: Sai tuyến đường qui định.
Bị phạt, mức phạt trong thời gian Covid hoành hành rất cao (chắc để mọi người sợ không dám ra đường). Đi chỗ nọ chỗ kia phải có giấy xét nghiệm âm tính, khổ nhất là shipper (giờ tiếng Anh được dùng rất phổ biến, nên ai cũng biết, thay vì gọi ” người giao hàng” dài dòng).
Giấy xét nghiệm chỉ hiệu lực ba ngày, nên lỗ mũi của shipper bị ngoáy đều đều. Không ngoáy thì đói (không được đi), ngoáy thì đau mũi và đau bụng lại tốn tiền.
Hễ có cơ hội moi tiền là mấy ông có chức có quyền, tha hồ tự tung tự tác. Hồi 30 Tháng Tư 75 mấy anh được quấn vòng vải đỏ ở cánh tay, gọi là “đám cờ đỏ“. Đám này dùng để dẹp tụ tập bán chợ trời ở lề đường, hay những người buôn gánh bán bưng. Hễ bắt được, sẽ bị tịch thu “tang vật”, coi như người bán trắng tay. Tang vật có thể là quang gánh hay cái xe bán hủ tiếu (thất nghiệp)… Bây giờ tới dịch Covid, vẫn “bình cũ rượu mới “, hễ ra khỏi nhà là bị phạt. Bây giờ không gọi cờ đỏ nữa, cũng chẳng phải cảnh sát giao thông hay công an, chỉ biết đó là những người” có quyền” đứng (ngoài) đường, đưa giấy phạt.
Đố ai bị (bắt) phạt hay bị xét nhà, dám hỏi “giấy” người phạt mình!
Nhờ có smart phone, bây giờ mọi người gọi ra bất kỳ nước ngoài cũng đều miễn phí. Đã vậy còn thấy mọi người trong nhà, ngoài đường giăng dây, nhưng trong nhà mọi người chen chúc chật cứng. Làm gì có chuyện cách ly, giãn cách xã hội. Đó là chuyện bên ngoài, miễn sao “nhốt” cho dân khỏi ra đường, là xong.
Khốn nỗi, không cho ra ngoài buôn bán thì đói, còn thức ăn nước uống? Trước kia gởi tiền cho thân nhân bên VN rất đơn giản, sẽ có người đưa đến tận nơi. Bây giờ vì dịch, tiền phải bỏ vô “tài khoản” của người nhận. Đi lượm lon, bán hàng rong chẳng ai biết tài khoản là gì? Bây giờ lại tới lượt dẹp “giấy chứng nhận” xài chip, hay con số gì gì đó. Mới xoá nạn mù chữ, đọc lõm bõm được vài chữ, mà bây giờ vì nạn dịch chính quyền không muốn rờ, cầm, giữ giấy tờ cồng kềnh muốn thay đổi mọi thứ. Thật là khốn khổ cho nhiều cụ già, hay người dân lao động ít học.
“Ốm no bò dậy”, đó là câu mẹ thường nói con nhà nghèo khi bị cảm hay cúm, không có tiền mua thuốc, bệnh cũng tự nhiên khỏi. Con Corona hình như cũng vậy, sau một thời gian dài giơ nanh giơ vuốt như ác quỷ Darcula đe doạ mọi người, bây giờ cũng “hết uy”. Có vẻ như nó đã xong “nhiệm vụ” , rút lui vào hậu trường.
Tình hình dịch bệnh đã bớt nghiêm trọng, cầu mong đây cũng là kinh nghiệm để mọi người bình tĩnh đối phó, nếu chẳng may lại có nhiều “sự cố” xảy ra.
Sợ quá hoá rồ, làm nhiều chuyện khó coi.
Hết dịch rồi, phải hết chứ, con Corona phải biến đi cho mọi người xả stress. Mùa Hè mà bị nhốt trong nhà, ai chịu nổi, đã vậy còn che mũi miệng, thiệt bực mình. Bây giờ hầu như tất cả mọi nơi đều dẹp chuyện bắt phải nộp kết quả xét nghiệm.
Âm binh mà lại mang dương tính thiệt ngược đời.
Nhưng coi chừng sợ quá hoá rồ, lại biến thành vui quá hoá điên.
Cẩn thận vô áy náy. Đề phòng vẫn hơn quí vị ơi!