HIẾU CHÂN
Khi các nhà xác bị quá tải, quan tài chất thành đống và tang quyến đau buồn trong đơn chiếc – đó mới là phần cay đắng nhất của đại dịch. Ghi nhận của The New York Times, DailyMail từ miền Bắc Ý.
Khoảng nửa đêm thứ Tư ngày 11-03, ông Renzo Carla Testa, 85 tuổi, từ trần vì nhiễm coronavirus tại bệnh viện thành phố Bergamo miền Bắc Ý. Năm ngày sau, thi thể của ông vẫn còn nằm trong quan tài, quan tài thì xếp hàng san sát trong nhà nguyện của một nghĩa trang địa phương mà nghĩa trang thì đã đóng cửa không cho công chúng thăm viếng.
Bà vợ đã chung sống 50 năm của ông, bà Franca Stefanelli, muốn tổ chức cho ông một tang lễ đàng hoàng. Nhưng bây giờ ở Ý, tổ chức tang lễ là bất hợp pháp do cả nước hạn chế các sự kiện đông người để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Mà dù không hạn chế thì bà và các con cũng không thể dự tang lễ của ông bởi vì họ cũng đã nhiễm virus và đang bị cách ly. “Thật là chuyện lạ. Không phải là giận dữ. Đó là sự bất lực,” bà Stefanelli, 70 tuổi, than thở.
Dịch cúm Vũ Hán hoành hành ở Ý – ổ dịch lớn nhất châu Âu – đã khiến các đường phố vắng vẻ, cửa hàng cửa hiệu bị đóng và hơn 60 triệu người Ý gần như bị giam lỏng trong nhà. Những bác sĩ và y tá kiệt sức làm việc ngày đêm để cứu người.
Nhưng thước đo rõ nhất tác động của đại dịch và nỗi đau đớn của con người là những thi thể mà các bệnh nhân tử vong để lại. Ở Ý – quốc gia có dân số già nhất châu Âu – cái giá phải trả rất nặng nề, hơn 3.405 người chết, nhiều hơn cả Trung Quốc. Chỉ trong ngày thứ Năm 19-03 có tới 427 người chết. Nhiều đến mức nhân viên y tế không còn đếm xác nữa. Riêng ở thành phố Bergamo chỉ trong vài ngày đã có 4.300 người bị nhiễm bệnh và mỗi ngày có cả trăm người mất.
Nhà xác của các bệnh viện đã bị tràn ngập. Thị trưởng Bergamo, ông Giorgio Gori, đầu tuần này phải ra lệnh đóng cửa nghĩa trang địa phương, lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ Hai, nhưng ông cho phép nhà quàn của nghĩa trang tiếp tục nhận các cỗ quan tài.
Trong nhà nguyện của Nhà thờ Các Thánh (Church of All Saints) ở Bergamo, tọa lạc bên trong nghĩa trang thành phố đã đóng cửa, quan tài xếp thành từng hàng, san sát nhau, chờ đưa vào hỏa táng. Nhưng nhà hỏa táng của thành phố Bergamo chỉ xử lý được tối đa 24 thi thể mỗi ngày đêm, trong khi số người tử vong vì dịch cúm Vũ Hán cứ tăng từng ngày, theo ông Giacomo Angeloni, quan chức phụ trách nghĩa trang thành phố. Sư huynh MarcoBergamelli, tu sĩ của nhà thờ Các Thánh, nói rằng với hàng trăm người chết mỗi ngày và mỗi thi thể chỉ có một tiếng đồng hồ để hỏa táng, danh sách chờ đến lượt hiện đang rất dài. “Cần có thời gian và người chết thì rất nhiều,” giáo sĩ Marco nói.
Đến giữa tuần này thì không còn chỗ để xếp quan tài mà cũng không hỏa táng kịp, chính quyền thành phố Bergamo phải yêu cầu quân đội Ý giúp đỡ chuyển quan tài người chết đến các địa phương lân cận để hỏa táng. Bức ảnh chụp hàng xe tải quân đội, 15 chiếc phủ bạt, chở theo 70 chiếc quan tài, lặng lẽ rời thành phố Bergamo trong đêm thứ Tư 18-03 được người Ý gọi là “một trong những tấm ảnh buồn thảm nhất trong lịch sử nước Ý”.
**
Một sắc lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban hành trong tuần trước, theo đó các nghi lễ dân sự và tôn giáo, kể cả lễ tang, đều bị cấm để ngăn chặn sự phát tán của coronavirus. Chính quyền cho phép các tu sĩ hành lễ tại các đám tang chỉ có vài người tham dự. Sư huynh Marco nói, trong lễ cầu nguyện ngắn gọn, linh mục chỉ có thời gian an ủi thân nhân người chết, khuyên họ hy vọng và gắn bó với những người cô đơn còn lại. “Bi kịch này nhắc nhở chúng ta hãy yêu thương cuộc sống”, linh mục nói.
Ở làng Zogno lân cận, vị linh mục địa phương quyết định chỉ gióng chuông báo tử mỗi ngày một lần thay vì gióng chuông mỗi khi có một linh hồn ra đi, vì nếu như vậy thì phải gióng chuông suốt ngày. Với nhiều người Ý thật không thể chấp nhận nổi việc người thân mất đi mà không có được tang lễ xứng đáng.
Người chết thì ra đi trong cô đơn quạnh quẽ trong bệnh viện, không có gia đình họ hàng hoặc bạn bè bên cạnh vì thân nhân cũng không được phép đến tiễn biệt vì sợ lây nhiễm. Một tổ chức từ thiện địa phương ở thành phố Brescia miền Bắc Ý có sáng kiến quyên góp máy tính bảng, trang bị cho các bệnh viện để các bệnh nhân dịch cúm Vũ Hán có thể giao tiếp với thân nhân, gia đình – hoặc nói lời trăn trối – với con cháu ở nhà thông qua mạng internet.
Cáo phó của ông Testa được đăng trên tờ báo địa phương L’Eco di Bergamo. Bình thường tờ báo này chỉ dành một trang đăng cáo phó, nhưng nay ngày nào mục cáo phó cũng dài tới hơn 10 trang! “Với chúng tôi, đó mà một tổn thương, một tổn thương cảm xúc,” ông Alberto Ceresoli, biên tập viên của tờ báo, nói. “Những người bất hạnh này chết trong cô đơn, được an táng trong cô đơn. Không có ai nắm bàn tay trong lúc lâm chung, không có ai tiễn biệt ngoài lời nguyện vắn tắt của linh mục. Nhiều người chết có thân nhân, gia đình đang bị cách ly để phòng dịch.” Ông Ceresoli nói thêm.
Ở Fiobbio ngoại ô thành phố Bergamo, xe cứu thương đến đưa ông bố 86 tuổi của Luca Carrara đến bệnh viện vào ngày thứ Bảy; hôm sau Chủ nhật, xe lại đến đưa bà mẹ 82 tuổi vào viện. Ông Carrara, 52 tuổi, bị cách ly ở nhà vì có triệu chứng cúm Vũ Hán nên không thể tới bệnh viện thăm bố mẹ. Đến thứ Ba thì cha mẹ ông mất; và thi thể của họ vẫn còn nằm trong nhà xác chờ đến lượt hỏa táng. “Tôi đau khổ vì họ vẫn còn ở đó. Vẫn cô đơn,” ông Carrara nói.
Ông Luca di Palma, 49 tuổi, nói rằng cha ông, cụ Vittorio, 79 tuổi, mất vào tối thứ Tư. Vì nhà quàn không còn chỗ nên họ cho chở tới nhà ông một chiếc quan tài, vài cây nến, một cây thánh giá và một chiếc máy làm lạnh thi thể để ông đặt quan tài người cha giữa phòng khách. Ông nói không có ai tới viếng tang cả, vì sợ lây nhiễm, dù cha ông chết trước khi xét nghiệm coronavirus và bác sĩ không chịu làm xét nghiệm cho người đã chết. Đến thứ Bảy, ông Palma theo xe chở quan tài tới nghĩa trang Bergamo; ông nói cha ông muốn được hỏa táng nhưng phải chờ tới lượt, chẳng biết chờ tới bao giờ.
Alessandro Bosi, phụ trách hiệp hội các nhà quàn, lại có nỗi lo khác: những nhân viên lo tẩm liệm người chết hầu như không có đủ trang bị bảo hộ. Ngành y tế nói, họ không tin coronavirus có thể lây từ người chết, nhưng ông Bosi cho biết phổi của tử thi vẫn phát ra không khí khi thi thể được di chuyển. “Chúng tôi chỉ còn cách căn dặn mọi người phải hết sức cẩn thận, như khi tẩm liệm những người bị bệnh truyền nhiễm. Nếu chúng tôi không chịu làm thì chỉ còn cách huy động quân đội,” ông Bosi nói.
Toàn bộ cuộc sống xã hội của Ý đã bị đảo lộn vì con virus quái ác, nhất là vùng Lombardy.
Tại Bergamo tuần trước, khi xe cứu thương tới căn hộ của bà Stefanelli và đưa ông chồng Testa của bà vào bệnh viện, đó là lần cuối họ nhìn thấy nhau. Bốn ngày sau, ông Testa mất. Bà nói, bà hy vọng thi thể ông ấy còn được quàn ở nhà thờ Bergamo đến khi bà và các con được hết cách ly và tổ chức lễ tang cho ông. Cái ý nghĩ ông ấy được an táng mà không có mặt bà, không có con cái tiễn biệt, quả là không thể nào chịu đựng nổi.
Nhưng nước Ý đang trong cơn dịch bệnh hoành hành. Làm thế nào khác được. “Đấy mới là điều cay đắng,” bà Stefanelli than!