Những ngày đầu năm, Sài Gòn có không khí luôn làm cư dân đô thị thích thú: Đó là sự tĩnh lặng nhẹ nhàng. Thành phố đột nhiên vắng như chưa từng có những vụ kẹt xe, chưa từng có nhộn nhịp tiếng rao hàng sớm tối… Thành phố như thiếu nữ ngủ trưa, nũng nịu dậy trễ và đón một không khí mới với ai nấy đều tạm gác những muộn phiền đời sống đế vui với ngày đầu năm mới.
Việt Nam hôm nay khác, hay nói cách khác là đời sống truyền thống đã không còn như ngày xưa nữa. Những đêm 30 với những bàn cúng tổ tiên, rồi sáng sớm mặc đồ đẹp đi về nhà thăm nom sức khỏe ông bà cha mẹ, mở lời chúc Tết dường như ngày còn không còn nhiều. Rất nhiều. người trẻ tuổi từ đêm 29 hay 30, họ lên đường đi du lịch ở nước ngoài hoặc những nơi danh lam thắng cảnh trong nước.
Những con phố đi bộ hay tập trung vui chơi thì ngày càng đông đúc. Lệ xuất hành và đi đến chùa thắp mấy nén nhang để cầu sinh quốc thái dân an, cũng không còn nhiều người giữ ý như trước. Đến chùa hôm nay như là điểm để đi chơi, khoe áo mới, gặp nhau chúc tụng, chứ không còn mang ý nghĩa như của ông bà ngày xưa.
Nhưng với người Hoa tại Việt Nam thì lễ nghĩa vẫn như được giữ nguyên. Ngày đầu năm mới, Mùng Một, ở các chùa người Hoa, dễ nhìn thấy cảnh người xuất hành đi chùa rộn rịp. Nhang khói thành kính. Tất cả những cuộc vui, lễ lạc, hồn của ngày Tết còn được giữ lại với một màu sắc rất quen thuộc.
Đường đến các ngôi chùa ở quận 5, quận 11, quận 6… đều đông đúc người gốc Hoa đi lễ và thành kính. Tập tục ngàn đời dù có phai nhạt như vẫn không thể mất đi.
Múa lân và cạnh tranh tài nghệ của các bang hội nghề lân trước các đình và chùa lớn, luôn là một trong những tiết mục mang lại không khí đặc biệt của ngày xuân Âm lịch. Hiện ở Việt Nam không còn nhiều các bang Lân Sư Rồng như trước đây, do đời sống ngày càng khó khăn. Mỗi bang hội như vậy vừa phải làm gia công đầu rồng, may quần áo xuất khẩu, phải luyện tập nâng tay nghề… mọi thứ vất vả hơn xưa rất nhiều. Nhưng nghề truyền đời thì vẫn phải giữ, đó là tâm huyết riêng của người Hoa tại Việt Nam.
Đường phố vắng vẻ, do năm nay ngày nghỉ của người Hoa kéo dài đến mùng 6 mới khai trương đắc lợi. Thế nhưng ở các điểm thờ cúng, lúc nào cũng nhộn nhịp người đến. Có một điều thú vị là dường như cuộc sống và giải trí, sinh hoạt của người Hoa ngày càng khép kín: Họ không tham gia nhiều các chương trình giải trí và tụ tập của nhà nước tổ chức ở Trung tâm Sài Gòn.
Vài hàng buôn bán quen thuộc thì cố giữ khách, buôn bán thưa thớt. Mùng Một được coi là ngày thiêng liêng nghỉ ngơi của người miền Nam nói chung hay người Hoa nói riêng, nhưng đời sống ngày càng khó khăn, việc “xé rào” buôn bán không nghỉ cũng dể tìm thấy trong những ngày xuân, ở phố người Hoa.