Tướng sĩ đỏ đen

Share:
(ảnh: Red Minimalist Facebook Post)

Cờ bạc ngày Tết với nhiều người không cốt ăn thua mà chỉ thử vận may đầu năm, niềm vui hòa với tiếng vỡ òa. Những con bài ngày Tết xuất hiện dưới nắng xuân, thứ nắng tinh khiết có thể đổi thay hình ảnh của vạn vật…

Văn hóa truyền thống Việt Nam có khá nhiều bộ môn cờ bạc ngày Tết, từ tam cúc, tổ tôm, bầu cua tới lô tô, bài chòi… Ngoài Bắc trong Nam mỗi nơi đều có những trò chơi cờ bạc ngày Tết. Nói đến cờ bạc có lẽ miền Bắc là nơi xuất hiện những môn cờ bạc đầu tiên thông qua văn hóa cờ bạc của người Hoa du nhập vào Việt Nam. Cờ tướng, tam cúc, tứ sắc thậm chí bài chòi sau nhiều thế kỷ bị Việt hóa đã nghiễm nhiên trở thành thú chơi của người Việt. Ngày Tết quây quần bên bộ bài tam cúc là một trong những hình ảnh thường thấy nhất ở miền Bắc một thời. Tam cúc với người dân đồng bằng Bắc Bộ là thú chơi của tầng lớp bình dân.

Nhà thơ Hoàng Cầm có bài thơ về Cây Tam Cúc nổi tiếng và sau này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:

… Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa

Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì

… Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ

Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em…

… Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi

Em đứng nhìn theo Em gọi đôi.

Tam cúc dễ chơi nên thu hút quần chúng nhiều hơn tổ tôm. Từ con bài cho tới cách chơi, tổ tôm đòi hỏi người chơi phải động não và tính toán nhiều hơn, có lẽ vì vậy mà loại bài này thường dành cho đàn ông. “Làm trai biết đánh tổ tôm / Uống trà Mạn Hảo xem Nôm Thúy Kiều” đã phần nào phân định môn cờ bạc này giữa những con bạc bình dân và trung lưu, giữa phụ nữ và nam giới…

Môn cờ tướng của Tàu khi lưu lạc tới miền Trung thì trở thành tiếng hô lên bổng xuống trầm của anh hiệu trong không gian độc đáo của trò hô bài chòi xứ Quảng. Vào dịp Tết, người ta dựng 9 hoặc 11 cái chòi cao hơn đầu người một chút, chia thành hai bên, mỗi bên bốn hoặc năm chòi, mỗi chòi cao chừng 2-2.5 m, rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương.

Bộ bài để hô bài chòi là bộ bài tam cúc cải tiến, gồm 33 lá, đặc sắc nhất là những cái tên nôm na như: nhứt nọc, nhì nghèo, ông ầm, thằng bí, lá liễu… Hình ảnh được vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán ba con bài, không trùng lặp nhau, mỗi chòi được phát ba con bài này để so với con bài mà anh hiệu sẽ bốc và hô.

Cờ tam cúc

Vào cuộc chơi, anh hiệu, tức người hô thai, xóc ống bài, rút ra một con và bắt đầu hô thai cho tới khi xướng tên con bài lên. Cách hô thai của anh hiệu là cốt lõi cuộc chơi, tùy vào tài năng của anh hiệu để gây tò mò hay gây cười cho người tham dự. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới”, xổ một hồi mõ dài. Khi đó, anh hiệu cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng. Lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng.

Hô bài chòi có lẽ là hình thức “cờ bạc” trong sáng và hồn nhiên trong ngày Tết. Mỗi khi có dịp tổ chức hô bài chòi là cả cái làng háo hức tranh nhau đến chơi. Thú vui bình dân đậm chất cộng đồng này là một nét văn hóa cần lưu giữ.

Nếu miền Trung có bài chòi thì miền Nam có lô tô, một hình thức khác của anh hiệu và hô những câu thai làm người chơi thích thú. Lô tô xuất hiện lúc nào tại Việt Nam thì không có tài liệu nào ghi rõ. Một số ghi chép từ thập niên 1950 đề cập đến lô tô như là một dạng của bài chòi, cho thấy lô tô có thể xuất hiện ở Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 20. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa coi lô tô là một hình thức cờ bạc song không cấm. Năm 1960, tờ nội san Hợp-tác và Nông-tín có nói đến việc kiềm chế các hình thức cờ bạc, trong đó lô tô và bài chòi được cho phép như một ngoại lệ trong dịp Tết.

Lô tô có lẽ xuất hiện từ những xe bán hàng rong, lấy món lô tô trúng thưởng để trao đổi hàng hóa. Những sòng lô tô lộ thiên ấy thường là một gia đình đi chung với nhau trên một chiếc xe thuê bao trọn chuyến. Chiếc xe, được xem là tài sản của họ, dong rủi khắp các nẻo đường, cứ thấy nơi nào có phiên chợ là ghé vào, căng bạt trải hàng hóa xuống đất và mở loa ra hô lô tô như một cách quảng cáo bình dân. Người xem được dụ mua lô tô và phần thưởng sẽ là các món hàng được trả chứ không bằng tiền, thí dụ một cái nồi, vài ký bột giặt, vài cái khăn tắm hay hộp dầu cù là…

(ảnh: HIlkFgFlmnk/Unsplash)

Giống như bài chòi, người hô lô tô cũng được hô lên như hô thai và hấp dẫn hay không là từ cách đặt lời cho từng con số. Cái hay của người quản trò là mỗi ván lô tô hô một kiểu khác chứ không phải chỉ thuộc 99 con số mà thôi. Trí nhớ và cách sáng tạo này giữ chân người xem có khi vài tiếng đồng hồ và vài ngày liên tiếp khi sòng lô tô ghé một địa phương nào đó.

Lương Sơn Bá với Chúc Anh Đài, tình bạn lâu dài trăng thu mà sáng tỏ. Nhưng Lương Sơn Bá có ngỡ đây rằng Chúc Anh Đài là gái giả trai. Nguyên con số 2… 

Tề Thiên Đại Thánh, đánh với Hồng Hài, đại chiến cả ngày, bất phân thắng bại… Là con số 3

Tề Thiên Đại Thánh, đại náo Thiên Cung, làm đứt dây thun, tìm đường chạy trốn… Là con số 4

Công cha chưa trả, nghĩa mẹ chưa đền, em vội cuốn chiếu, cuốn mền theo trai… Là con mười hai (12)…

Trúc xinh trúc mọc bờ ao/ Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh/ Trúc xinh trúc mọc đầu đình/ Em xinh em đứng dưới sình cũng xinh… là con mười chín. Con mười chín (19), con mười chín (19) rồi cờ ra con mấy, mấy gì ra là mấy gì đây…

Con rắn không chân đi năm rừng bảy núi/ Con gà không vú nuôi chín mười con/ Chim quyên xuống đất tìm mồi, thấy em đẹp quá/ Anh đứng ngồi hông yên/ Con sáu chục quyên (60)/ Sáu chục quyên rồi cờ ra con mấy, con mấy gì đây, mấy gì đây….

___________

Tại miền Nam còn nhiều thứ mà ngày Tết không thể thiếu đó là bài tứ sắc, xóc bầu cua, xóc đĩa hay đánh tài xỉu. Bài tứ sắc quen thuộc với người dân nhất vì dễ chơi, dễ nhớ, mà ăn thua cũng nhỏ nên hợp với túi tiền giới bình dân, bất kể đàn bà hay đàn ông, chỉ cần gom đủ bốn người là thành chiếu bạc.

Lá bài tứ sắc làm bằng bìa cứng, hình chữ nhật. Bộ bài chia thành bảy đạo quân (tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã và tốt). Mỗi đạo quân có 16 lá chia đều ra bốn màu xanh, vàng, trắng, đỏ – do vậy có tên là “tứ sắc”. Khác với bài tam cúc vừa có chữ lẫn hình minh họa, bài tứ sắc chỉ có chữ. Khi bắt đầu cuộc chơi, mọi người bỏ ra một số tiền bằng nhau gọi là “đậu chến” và chơi cho đến khi có một người hết tiền (“đứt chến”). Một lần chơi như vậy cũng gọi là “một chến”.

Nếu tứ sắc dành cho người lớn thì “bầu cua cá cọp” là món giải trí được trẻ con hết mình tham gia. Từ tờ mờ sáng mùng một Tết, khi hơi sương còn đọng trên chồi lá và sau khi được ông bà cha mẹ lì xì, bọn trẻ ùa nhau ra đầu ngõ, nơi mấy sòng bầu cua đã chuẩn bị sẵn sàng. Bầu cua là bộ môn dễ gian lận vì khách hàng của chúng đa số là trẻ con. Có sòng bầu cua khoét dưới đáy dĩa một sợi dây móc vào một con xúc xắc bằng giấy và điều chỉnh nó bằng cái gút mà người lắc có thể kiểm soát theo ý mình, vì vậy nên xem như nhà cái đã thắng tới 30%.

Trong ba ngày Tết, những sòng bài nho nhỏ, những tiếng hô lô tô, tiếng hò reo khi thắng làm cho không khí luôn rộn ràng vui nhộn. Ngày nay, những tiệc vui đầy tính cộng đồng này trở nên hiếm dần. Tết thiếu bài bạc giống như trong nhà thiếu cái bánh tét, nhúm hạt dưa hay đĩa củ kiệu… Chúng đồng hành với nhau, tạo nên hình ảnh của Tết, hình ảnh của hạnh phúc và bình yên.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: