Just Stop Oil nhuộm đỏ kiệt tác $84 triệu của danh hoạ Van Gogh

Ảnh: Just Stop Oil

Chuyện xảy ra lúc 11 giờ sáng (giờ địa phương) 14 Tháng Mười, tại National Gallery ở Trafalgar Square, London. Với mục đích yêu cầu chính phủ Anh quốc dừng tất cả dự án dầu khí mới, hai thành viên của Just Stop Oil đã ném hai lon tương cà hiệu Heinz Tomato lên bức tranh sơn dầu “Sunflowers” nổi tiếng của danh hoạ Vincent van Gogh.

Ảnh: Just Stop Oil

Video trên Twitter của Just Stop Oil cho thấy, đó là hai thanh niên còn rất trẻ, có vẻ “cải trang” là khách tham quan phòng triển lãm. Họ đến trước bức tranh “Sunflowers”, vượt qua hàng rào chắn an toàn, cởi áo khoác ngoài để lộ ra áo thun trắng có dòng chữ “Just Stop Oil”. Rất thản nhiên, hai người trẻ này mỗi người mở một hộp tương cà Heinz Tomato, ném thật mạnh vào bức tranh. Sau đó, họ lấy từ trong người ra chất keo dán, dán bàn tay của họ dính chặt vào bức tường sau lưng.

Một trong hai người biểu tình nói lớn: “Chẳng lẽ nghệ thuật có ý nghĩa hơn cuộc sống hay sao? Hơn cả thức ăn? Hơn cả công lý sao? Quí vị quan tâm đến việc bảo vệ hội hoạ hơn là bảo vệ sự an toàn của trái đất và nhân loại hay sao? Biến đổi khí hậu và biến đổi môi trường sống đang phải trả giá bởi dầu và khí đốt.”

Trong video có tiếng la lớn “Oh my Goh… ai đó hãy gọi bảo vệ ngay.” Hành động của hai người biểu tình diễn ra khá nhanh. Nhân viên bảo vệ của phòng triển lãm chỉ có mặt khi họ đã nói xong nội dung cần nói.

Những người yêu hội hoạ có thể thở phào nhẹ nhõm vì bức tranh “Sunflowers” của danh hoạ không bị thiệt hại do được bao bọc bởi lớp kính trắng. Hai người biểu tình đã bị cảnh sát Metropolitan, London bắt giữ sau đó. Cả hai bị cáo buộc tội hình sự do làm thiệt hại tài sản ở mức nghiêm trọng.

Vào ngày 30 Tháng Sáu vừa qua, một bức hoạ khác của Van Gogh, “Peach Trees Blossom”, được trưng bày ở Courtauld Gallery, cũng là tiêu điểm của nhóm Just Stop Oil. Tuy nhiên, hành động của người biểu tình chỉ dừng lại ở mức dán chặt tay của họ lên mảng tường, nơi treo bức tranh. Những người biểu tình nói, sở dĩ họ chọn “Peach Trees Blossom” vì muốn dùng tỉnh Provence, Pháp – nơi được mô tả trên bức tranh để ám chỉ phần lớn miền Nam châu Âu đang chịu nắng nóng và hạn hán kỷ lục.

Ảnh: Just Stop Oil

Just Stop Oil tiếp tục nhắm đến các tác phẩm hội hoạ được vẽ bằng sơn dầu. Ngày 5 Tháng Bảy, với một chút keo dán và sơn, những người biểu tình đã đến Học viện Nghệ thuật Hoàng gia London – London’s Royal Academy of Arts để gửi thông điệp đến cho chính phủ.

Một nhóm ít nhất là năm nhà hoạt động của Just Stop Oil phun sơn chữ “No New Oil” (Không dầu mới) bên dưới bản sao của bức tranh “The Last Supper” của danh hoạ Leonardo da Vinci. Sau đó họ dán tay vào khung của tác phẩm nghệ thuật này. Bản sao của kiệt tác 500 năm tuổi được cho là của Giampietrino, sinh viên của Da Vinci, và họa sĩ Giovanni Antonio Boltraffio thực hiện.

Ảnh: Kristian Buus/In Pictures/ Getty Images

NPR trích tuyên bố của Lucy Porter, 47 tuổi, cựu giáo viên tiểu học tham gia cuộc biểu tình của Just Stop Oil, cho biết: “Chúng ta phải dừng tất cả dự án khai thác dầu khí mới ngay bây giờ. Chúng tôi sẽ dừng lại việc phá vỡ các tổ chức nghệ thuật ngay khi chính phủ đưa ra tuyên bố có ý nghĩa. Từ đây cho đến lúc đó, chúng tôi sẽ tiếp tục (phá huỷ) để những người trẻ tuổi biết rằng chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể là cho họ, vì họ. Không có gì khác hơn là những gì tôi đang làm bây giờ.”

Ngân sách cho các hoạt động của Just Stop Oil đến từ Quỹ Khẩn cấp Khí hậu (Climate Emergency Fund) có trụ sở tại Los Angeles. Con số tài trợ khởi đầu là $500 ngàn từ người thừa kế Getty Oil Aileen Getty. Nhà làm phim Adam McKay đã đóng góp $4 triệu và tham gia hội đồng quản trị của công ty vào tháng trước, theo NPR.

Mục tiêu của nhóm Just Stop Oil trong các cuộc biểu tình nhắm vào tranh sơn dầu ở phòng triển lãm và các cuộc tuần hành đường phố, là mong muốn chính phủ phải cam kết vô hiệu hoá tất cả các giấy phép và chấm dứt việc thăm dò, phát triển, sản xuất nhiên liệu hoá thạch ở Anh quốc. Thông tin từ NPR cho hay, hồi đầu Tháng Mười, chính phủ Anh đã gia tăng thêm giấy phép cho hoạt động thăm dò dầu khí ở ngoài khơi vùng biển Bắc Hải về phía Đông của nước Anh.

Trên Twitter, nhóm Just Stop Oil cho rằng tình trạng bất ổn kinh tế và khủng hoảng khí hậu mà thế giới đang gánh chịu là do việc khai thác nhiên liệu hoá thạch. Những người tham gia phong trào biểu tình nói rằng họ đang thực hiện phản kháng dân sự bất bạo động trong nỗ lực yêu cầu chính phủ phải lắng nghe và hành động.

Một khảo sát của Carbon Brief cho biết, Vương quốc Anh đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể khiến 13% thu nhập của một hộ gia đình trung bình phải dành cho chi phí điện trong nhà và nhiên liệu cho xe cộ. Điều này xảy ra sau quyết định của Liên minh châu Âu trong việc cấm hầu hết dầu hoả của Nga vào Tháng Mười Hai. Nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân lớn nhất gây ra hiện tượng Trái đất nóng dần lên. Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, khí hậu đã ấm lên hơn 1 độ C, dẫn đến nhiều trận cháy rừng, bão lụt và nắng nóng bất thường.

ĐỌC THÊM:

THE NEXT GEN

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: