Là một trong những học viện quân sự danh tiếng của Hoa Kỳ, là nơi xuất thân của không ít tướng lãnh và chính khách Hoa Kỳ, Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ (United States Naval Academy- USNA) cùng Học Viện Không Quân và Quân Sự West Point là những đại học mơ ước của nhiều học sinh mang tinh thần phục vụ quốc gia và có ý hướng đi theo binh nghiệp.
Việc tuyển chọn huấn luyện những học sinh tài ba và có lý tưởng vào các học viện này có phần khác biệt và khó khăn hơn so với các đại học dân sự, kể cả nhóm Ivy League. Qua câu chuyện của em Thomas Võ Gia Bảo tại Texas vừa được nhận vào Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ, chúng ta có thể biết thêm việc tuyển chọn các sĩ quan tinh hoa tương lai cho Hoa Kỳ như thế nào.
Gặp Võ Gia Bảo bên ngoài, trông em là một thanh niên khôi ngô, tráng kiện hơn trong các hình ảnh tôi đã thấy. Chuẩn bị để đi gym tập thể dục ngay sau cuộc trò chuyện, trong chiếc áo thun màu xanh lính, em đã có dáng dấp một tân binh hơn là một học sinh trung học.
Tất nhiên là vậy, một tay quần vợt và cử tạ có hạng trong đội tuyển trường, cũng như thích chơi trượt tuyết và thể thao, Gia Bảo có đủ thể chất vượt trội như một điều kiện tiên quyết cho sự tuyển mộ vào quân đội, đặc biệt là các học viện quân sự danh tiếng của Hoa Kỳ như Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ (USNA) mà em vừa được thu nhận.
Vẫn mang âm giọng Mỹ như các em gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Mỹ, nhưng bằng một tiếng Việt khá lưu loát đủ trong giao tiếp thông thường, Gia Bảo bắt đầu kể tôi nghe về quá trình nộp đơn và tuyển chọn gắt gao của USNA như thế nào.
Gia Bảo trả lời rằng, có nhiều lý do để em muốn gia nhập quân đội bởi đó là một giấc mơ từ nhỏ của em và trở nên xác quyết hơn khi bước vào trung học. Đầu tiên là em muốn có sự thách thức bản thân về ý chí và thể lực bởi em tin rằng một cá nhân sẽ không thăng tiến nếu không trải qua thử thách, đớn đau.
Mặt khác em muốn tiếp bước cả ông nội lẫn ông ngoại, là những cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã đến Mỹ qua chương trình HO vào đầu thập niên 1990. Em cũng nói rằng con đường binh nghiệp tại Mỹ là một con đường ổn định và nhiều cơ hội cho em và gia đình trong tương lai. Nhưng trên hết, Gia Bảo mang lý tưởng phục vụ quốc gia khi trở thành một sĩ quan Hoa Kỳ.
Có lẽ chính vì vậy mà Gia Bảo đã chuẩn bị và tham gia chương trình huấn luyện quân sự trừ bị học đường của Hải Quân (NJROTC) trong những năm trung học và chơi thể thao, rèn luyện thể lực rất nhiều. Tìm hiểu khá kỹ càng về các yêu cầu thể lực rất cao của Học Viện Hải Quân, Gia Bảo thường xuyên đi gym, tập tạ và mang áo vài chục cân nặng để chạy bộ.
Chính nhờ vậy mà Gia Bảo đã vượt qua cuộc sát hạch thể lực, khi các ứng viên phải hít đất, hít xà, chạy tốc độ và mang áo giáp nặng 40 cân để chạy suốt quãng đường tám dặm đường không nghỉ. Trên một trăm em trong vùng nộp đơn và đã được đề cử vào các học viện quân sự nói chung đã tham gia cuộc kiểm tra thể lực, chỉ có hơn 10 em vượt qua được vòng thể lực này.
Khác với các em gia nhập quân đội sau đó nhận học bổng GI để theo học đại học hay những em đã tốt nghiệp đại học và xin học bổng quân đội để tiếp tục theo học chuyên môn rồi phục vụ trong quân đội theo thời gian cam kết, việc tuyển chọn vào các học viện quân sự như USNA hay West Point đưa ra những yêu cầu rất cao, bởi đây là những nơi huấn luyện các sĩ quan ưu tú thực thụ, có chuyên môn và kỹ năng tác chiến hay có khả năng trở thành cấp lãnh đạo cho quân lực Hoa Kỳ trong tương lai.
Được thành lập năm 1845 tại Annapolis thuộc tiểu bang Maryland, Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ thu nhận các tân sinh viên sĩ quan là công dân Hoa Kỳ trong độ tuổi từ 18 đến 23. Các em phải có thể lực vượt trội, có khả năng toàn diện và tư chất lãnh đạo cao. Các sinh viên được huấn luyện chuyên môn chú trọng về kỹ thuật, toán và khoa học cùng quân sự trong bốn năm trời.
Các sinh viên sĩ quan ra trường với bằng Cử Nhân Khoa Học cùng quân hàm Thiếu Úy, sẽ phục vụ trong Hải Quân hay Thủy Quân Lục Chiến tối thiểu là năm năm. Cựu Tổng thống Jimmy Carter, cố Thượng nghị sĩ John McCain cùng một số tướng lãnh, Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ, phi hành gia NASA… cũng đã xuất thân từ học viện này. Vài năm qua, mỗi năm cũng có hàng chục tân sĩ quan gốc Việt tốt nghiệp học viện.
Trong hàng chục ngàn em học sinh xuất sắc và tự tin mình có đủ khả năng để nộp đơn vào học viện này thì hàng năm USNA chỉ chấp nhận một tỉ lệ vào khoảng 8.5% hồ sơ. Và theo US Naval Institute, trong 20 năm qua, mỗi khóa có khoảng 24% không đủ điều kiện tốt nghiệp. Bởi không chỉ việc sát hạch thể lực và trải cuộc kiểm tra sức khỏe gắt gao mà quá trình chọn lọc chung rồi theo huấn luyện cũng đầy khó khăn, cam go.
Đầu tiên là bộ hồ sơ 30 trang, mà Gia Bảo kể rằng chỉ có hai trang là về học vấn còn lại 28 trang là các câu hỏi và tiểu luận để học viện đánh giá về tính cách, lý tưởng và tinh thần phục vụ cùng tư chất lãnh đạo qua các hoạt động của các học sinh. Thêm vào đó là các thư giới thiệu từ các thầy cô trong trường. Rồi một cuộc kiểm tra về toán và Anh ngữ.
Song song với quá trình xét chọn tại học viện là việc nhận được thư tiến cử từ các vị dân biểu, hay hiếm hoi hơn là từ Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Các học sinh cũng nộp hồ sơ và được xem xét, phỏng vấn. Gia Bảo kể rằng em được Dân biểu Liên bang Marc Veasey trong địa hạt cử tri của em, là địa hạt 33rd, phỏng vấn.
Theo sau là cuộc phỏng vấn do năm sĩ quan cấp tá xuất thân từ West Point. Học Viện Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ thay phiên đặt câu hỏi trong khoảng 90 phút. Cuối cùng là cuộc phỏng vấn với một cựu sĩ quan xuất thân từ học viện, được thực hiện ngay nhà em có cả sự hiện diện của cha mẹ để bảo đảm có sự ủng hộ từ gia đình nếu em được chấp thuận.
Gia Bảo đã có được một hồ sơ học vấn và hoạt động lý tưởng theo các tiêu chí của học viện. Duy trì điểm học 4.0 trong suốt bốn năm trung học với hầu hết các lớp nâng cao (AP), Gia Bảo là Phó Chủ Tịch hội học sinh trong khóa, Thư Ký Hội Học Sinh toàn trường, là Phó Chủ Tịch DECA, một hiệp hội sinh viên học sinh khuyến khích các kỹ năng thương mại và lãnh đạo, là người duy trì trang mạng, hình ảnh, dữ liệu của National Honor Society và Spirit Team, không kể các hoạt động ngoại khóa như tham gia band, đội tuyển tennis, cử tạ của trường hay phụ giúp các thầy cô giáo, dạy kèm các học sinh khác.
Gia Bảo còn giành được giải thưởng quốc gia của DECA, một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận cung cấp các chương trình giáo dục và huấn luyện việc khởi nghiệp cho sinh viên học sinh qua một dự án mang tên Reheats mà Gia Bảo đã tự chế ra loại găng tay sưởi ấm chưa có trên thị trường. Gia Bảo kể rằng, ý tưởng đó đến từ việc giúp cha em sửa nhà trong mùa Đông lạnh cóng mà găng tay thông thường không đủ giúp cho người thợ xây dựng đủ ấm tay hầu tiếp tục công việc.
Nhưng điểm mạnh của Gia Bảo không chỉ với các hoạt động và thành tích nói trên mà việc em từng tham gia chương trình quân sự trừ bị học đường đã cho thấy ý nguyện và sự xác quyết muốn gia nhập binh ngũ đã nằm trong em từ rất lâu. Sau cuộc trò chuyện với Gia Bảo, tôi vào Nha Học Chánh Irving ISD để nghe cuộc trò chuyện về tinh thần và kỹ năng lãnh đạo giữa Giám Đốc Nha Học Chánh và em, sự tự tin, cách trò chuyện cùng suy nghĩ của em quả xứng đáng và đủ phẩm cách để trở thành một sĩ quan ưu tú tương lai.
Cũng trong cuộc trò chuyện này, Gia Bảo thú nhận rằng dù hoạt bát, hoạt động và giao tiếp rất nhiều, em lại là một con người nội tâm. Em ghi ơn cha mình cùng ông nội là những người đã tạo ra những ảnh hưởng về vấn đề học vấn và đời sống của mình. Em cảm ơn mẹ đã thương yêu, giúp đỡ trong nhiều việc như mẹ vẫn thường làm. Chính vì vậy mà vài năm qua, kể từ khi mẹ bị đau tay, Gia Bảo đã thay mẹ lau nhà và giúp cha mọi chuyện trong gia đình như một đứa con ngoan. Gia Bảo không chơi game như phần lớn bạn bè đồng lứa. Đơn giản là em không đủ thời gian và có một tinh thần kỷ luật và tự thắng cao.
Chi phí huấn luyện hay học bổng cho mỗi sinh viên được thu nhận vào Học Viện Hải Quân này là $500,000 cho mỗi sinh viên. Với Gia Bảo, em còn có thêm một học bổng $250,000 dự phòng khác từ Bộ Hải Quân Hoa Kỳ để theo học tại các đại học dân sự, sau đó phục vụ cho quân đội tối thiểu là năm năm, trong trường hợp nếu không được thu nhận vào học viện Hải Quân.
Việc được thu nhận vào Hoa Viện Hải Quân Hoa Kỳ được xem là một thành tích vượt bực và đáng hãnh diện, không chỉ cho bất cứ học sinh hay gia đình nào mà cả cho trường học lẫn Nha Học Chánh địa phương, khi tất cả các nơi này đều gởi thông báo hay tin nhắn chúc mừng ra toàn học khu. Kể cả văn phòng dân biểu tiểu bang trong khu vực 103 của em cũng biết tin và gởi thư chúc mừng. Trường Nimitz High School, nơi em theo học, sẽ tổ chức một bữa tiệc toàn trường để chúc mừng và chia tay Gia Bảo nhập ngũ.
Gia Bảo nói với tôi rằng, ý nguyện của em là tiếp tục học lên Cao Học Điện trong quân đội, phục vụ trên các hạm đội Hải Quân và theo đuổi binh nghiệp ít nhất là 20 năm, thời gian đủ tiêu chuẩn về hưu trong quân đội Hoa Kỳ.
Mọi chuyện chỉ mới bắt đầu và tương lai là điều ở phía trước. Nhưng có thể nhìn thấy ở em một khả năng, phẩm cách và ý chí để trở thành một sĩ quan xuất sắc của quân lực Hoa Kỳ trong tương lai. Những em gốc Việt thuộc thế hệ tiếp nối như Gia Bảo sẽ góp phần định hình lại một cộng đồng gốc Việt một cách tích cực, mạnh mẽ và nhiều tinh thần phục vụ hơn trong tương lai.
Xin chúc mừng Thomas Võ Gia Bảo và gia đình, trường học của em.
_________
Bài và ảnh: Đinh Yên Thảo