Khi Covid-19 tấn công toàn nước Mỹ năm 2020, Tuệ (Tway) Nguyễn, 27 tuổi, cũng vừa tốt nghiệp sau bốn năm học ngành nấu ăn tại California Institute of the Arts. Buổi chiều hôm đó, giữa lúc CA “lock down”, Tuệ quyết định làm món “cơm chiên trứng.” Với những gia vị quen thuộc như cơm, trứng, hành lá, tỏi bằm, và nước mắm cùng với công thức đơn giản, cô quay video chỉ cho mọi người cách nấu món ăn phổ biến của gia đình Việt Nam và đăng lên TikTok.
Cô gái sinh năm 1998 này không ngờ rằng món “cơm chiên trứng” đã nhanh chóng đưa cô đến với sự nghiệp dạy nấu ăn ở thời điểm vàng của mạng xã hội. Tuệ trở thành một cái tên được nhiều người thuộc các dân tộc và độ tuổi khác nhau theo dõi trên TikTok @twaydabae vì phong cách rất riêng của cô: Nhanh và dễ.
Con đường trở thành ‘chef’
Gia đình Tuệ Nguyễn định cư ở Mỹ năm 2006, khi cô tám tuổi. Thế hệ 1.5 của Tuệ Nguyễn trong cộng đồng Việt thường là thế hệ mang trên vai một trọng trách rất lớn: Chuyển tải khao khát của thế hệ cha mẹ trở thành sự thật. Trong trường hợp này, Tuệ chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một “chef” thực thụ. Trở thành một cô gái TikTok-er gốc Việt “triệu view” càng không nằm trong kế hoạch cuộc sống của cô. Lẽ ra, Tuệ phải nộp đơn để học trở thành y tá, theo đúng nguyện vọng của ba mẹ của cô. Nhưng, trong những lần làm tình nguyện viên y tế, cô phát hiện mình không thích hợp với công việc chăm sóc sức khoẻ. Tuệ sợ máu.
“Lúc đó em không biết mình sẽ làm gì. Em chỉ biết là em thích xem mẹ nấu ăn. Em thích nhìn đồ ăn, thích ăn. Mẹ thì không cho em nấu và không cho vào bếp. Chỗ nấu ăn của mẹ là của mẹ,” Tuệ tâm sự với tôi trong cuộc gặp qua Zoom.
Theo lời Tuệ kể, mẹ của em về làm dâu năm bà 24 tuổi. Bà là người nấu ăn chính cho gia đình chồng, và nấu ăn rất ngon. Tuệ được truyền cảm hứng nấu ăn từ chính người mẹ của mình. Cũng chính từ tiêu chuẩn của những món ăn do mẹ nấu, Tuệ có thể thẩm định món nào ngon, món nào chưa đạt khi cô ăn bên ngoài và cả lúc Tuệ nấu ăn bây giờ.
“Thế là, em tự nộp hồ sơ học ngành nấu ăn ở trường California Institute of the Arts mà không nói cho ba mẹ hay. Khi biết chuyện, ba mẹ không vui. Ba em nói rằng nếu em muốn học ngành này thì em phải tự lo tiền học phí, tự lo cuộc sống sinh viên,” Tuệ nói.
Điều đó đã không ngăn cản Tuệ đến với ngành học cô muốn. Tuệ chấp nhận trải qua bốn năm không chu cấp của ba mẹ. Bữa ăn của cô thường xuyên là các món ăn còn dư trong căn-tin của trường học. “Nếu không ai ăn thì họ sẽ bỏ đi,” Tuệ nói, “hoặc em mua một phần cơm của Panda Express rồi chia ra ba phần để ăn trong ngày. Đôi khi em ngủ trong xe luôn vì nếu chạy về nhà rồi sáng chạy lên LA thì xa qua.”
Thế nhưng, Tuệ nói cô không bao giờ giận ba mẹ, vì thật sự “bất cứ em cần cái gì, em về nhà nói với ba mẹ đều được hết.” Đối với Tuệ, đó là con đường mà cô chọn và cô phải làm gì đó để đạt được mục đích cuối cùng.
Nhanh, dễ và hài hoà
Trong sự hiểu biết của Tuệ, và cả kinh nghiệm cá nhân của cô, phần đông những người cha mẹ Việt Nam không chỉ cho con của họ cách đong đếm nguyên liệu thế nào cho phù hợp. “Họ cũng không nói rõ vì sao họ nấu như thế này, thế kia, nên con cái của họ có cảm giác là sẽ làm mọi thứ rối tung lên nếu họ nấu thử,” Tuệ suy nghĩ như thế.
“Do đó, em muốn các món ăn của em chỉ đều rất dễ làm. Em muốn khi xem xong, ai cũng thấy là mình có thể làm được. Khán giả của em phần đông là những người trẻ vừa rời gia đình để vào đại học. Họ xa nhà và sẽ nhớ thức ăn của mẹ nấu. Họ xem video của em xong, họ có thể tự nấu. Họ để lại lời nhắn sau mỗi video là đã giúp họ đỡ nhớ nhà,” cô giải thích về điều gì làm cho cách dạy nấu ăn của cô trở nên “unique.”
Kênh TikTok @twaydabae có cả những khán giả là người thuộc sắc dân khác. Họ lấy chồng Việt Nam nên cần “bày tỏ tình yêu” bằng món ăn thuần Việt. Tuệ nói, thỉnh thoảng cô nhận được tin nhắn với nội dung “tôi nấu theo video chỉ dẫn của bạn, và chồng của tôi anh ấy rất thích món ăn này.”
Ẩm thực là một sân chơi dễ nhưng khó. Dễ vì mọi thứ có thể uyển chuyển theo công thức của chính người nấu. Khó vì người nấu phải biết cân bằng khẩu vị của tất cả mọi người. Mang văn hoá ẩm thực của một quốc gia này phát triển trên một quốc gia khác, càng khó hơn. Tuệ Nguyễn sinh ra ở Việt Nam nhưng cô trưởng thành trong xã hội Mỹ. Khách hàng của cô là thế hệ đồng trang lứa người Mỹ hoặc người Mỹ gốc Việt. Không nhiều trong số đó hiểu được “chai nước mắm là gia vị không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt”. Do đó, để vừa tạo ra nét riêng, vừa không đánh mất nguồn gốc của món ăn, Tuệ phải sáng tạo và dung hoà.
“Dù sao thì em cũng được sinh ra ở Việt Nam. Đến năm tám tuổi em mới sang Mỹ nên em không ngại mùi mắm hoặc nước mắm. Nhưng còn các bạn khác thì sẽ rất khó. Họ khó ăn những món mà mùi vị khác lạ với “chicken nuggets” hoặc “french fries.” Do đó, em phải tìm cách hoà hợp để nấu những món có khẩu vị không quá xa lạ với các bạn đó,” Tuệ nói.
May mắn, Tuệ là một người “rất thích ăn” – theo lời cô tự nhận. Cô thích tìm và thử nhiều món ăn mới lạ mà cô chừng từng ăn qua. Sau đó khi về nhà, Tuệ sẽ nấu lại món đó và tự kiểm duyệt bằng cách đặt câu hỏi “thế này đã được chưa? Có cần gì để ngon hơn không?”
Tuệ kể lại một câu chuyện cũ: “Một hôm em đi ăn ở nhà hàng Ấn. Em gọi món cá và khoai tây chiên (fish and chips). Chúng ta đều biết, “fish and chips” không phải là món của người Ấn nhưng nhà hàng Ấn đó đã làm theo cách của họ rất ngon. Sau đó, khi em về nhà, em đã suy nghĩ và tạo ra món “cá kho fish and chips.”
Từ cảm hứng của những món ăn bên ngoài, Tuệ sẽ suy nghĩ để tạo ra một món ăn mới hoàn toàn mang thương hiệu Tway Nguyễn. “Khi em ở trong bếp, suy nghĩ về món ăn, sáng tạo các công thức mới, em cảm thấy rất thoải mái, như có một sức mạnh rất to lớn trong mình,” cô say sưa nói về công việc mà mình đã đánh đổi rất nhiều để đạt được.
Cuộc hành trình trở thành “chef” của Tuệ Nguyễn đã bắt đầu. Giờ đây, cô cố gắng từng ngày để trở thành một “great chef”. Yêu cầu của Tuệ là “cởi mở, đừng giữ kín những bí quyết của mình và không bao giờ ngừng học hỏi thêm.” Ngoài ra, người “chef” đó phải chứng minh được cho thế giới thấy nguồn gốc văn hoá ẩm thực của mình. Đó là lý do khi tôi hỏi, nếu Tuệ phải nấu một “Peace Party” cho khách mời từ đa chủng tộc thì cô sẽ nấu gì?
Tuệ trả lời: “Em sẽ chỉ nấu món phổ biến truyền thống của người Việt Nam, chọn món thể hiện rõ bản sắc văn hoá của mình. Vì đó là một buổi biểu diễn mà bất kỳ ai cũng muốn có cơ hội nói thật to cho thế giới biết văn hoá ẩm thực của quốc gia mình. Em sẽ nấu canh chua cá kho.” |
***
Đọc thêm: