Theo từ điển, ăn chực là không được mời, nhưng cứ chực bên mâm chờ chủ nhân lên tiếng mời lơi là nhào vô ăn bất kể phẩm giá của mình trước miếng ăn.
Việt Nam vừa chứng kiến một vụ ăn chực “đình đám”, không phải chỉ một hay vài người ăn chực mà cả một “nùi” người chính thức ăn chực có giấy tờ, thông báo hẳn hoi, như vậy mới là chuyện lạ.
Số là trong lần Sea Game 32 vào Tháng Năm sắp tới được tổ chức tại Campuchia, nước chủ nhà hào phóng tuyên bố sẽ chịu tất cả mọi phí tổn cho tất cả các nước có vận động viên tham dự. Chi phí đó bao gồm việc ăn uống, di chuyển nghỉ ngơi hàng ngày. Ngoài miễn phí ăn ở, di chuyển, chủ nhà Campuchia cũng tuyên bố miễn phí toàn bộ vé vào xem lễ khai – bế mạc và các cuộc thi đấu tại SEA Games 32. Bản quyền truyền hình SEA Games 32 cũng được miễn phí toàn bộ.
Phản ứng với tin vui này báo chí Việt Nam vừa hả hê vừa… tự ái! Hả hê vì không phải tốn tiền mà tự ái vì mình là nước lớn lại để cho thằng em bao ăn ở như vậy thì… khó coi quá. Báo Tuổi Trẻ, được xem là tờ báo lớn nhất nước giật một cái tít thật ngon lành: Campuchia miễn phí ăn ở tại SEA Games: Hy vọng “Bao” cho ra “bao”.
Cái tít này ngay lập tức bị cộng đồng mạng cho là đá đểu nước người khi chính mình không ra gì lại còn nghi ngờ lòng tốt của người ta. Nếu nói lòng tốt cũng không hoàn toàn đúng mà đây là cách PR cho đất nước của họ một cách thông minh, một hành động khôn ngoan khiến quốc tế nể mặt khác xa với cách nói “ngạo nghễ” mà báo chí Việt Nam thường dùng.
Sau hai ngày chịu trận không thể biện minh, tờ báo đã rút mấy chữ “Bao” cho ra “bao” chỉ còn lại chữ hy vọng đứng trơ trọi một mình mà không có bổ từ cho rõ nghĩa, hy vọng gì, ai hy vọng và tại sao lại hy vọng? Dòng chữ còn lại: “Campuchia miễn phí ăn ở tại SEA Games: Hy vọng” làm người hiểu chuyện bật cười, thương hại cho tác giả bài báo thì ít nhưng khinh bỉ cho Tổng biên tập tờ báo nhiều hơn. Hai ngày sau đó bài báo lại thêm một chữ nữa “hay và hy vọng” vẫn không sao bổ túc một cách đúng mạch văn của nó mặc dù hình như cả tòa soạn đã vắt óc ra mà nghĩ phương kế dập lửa cộng đồng.
Báo chí Việt Nam nhẩm tính nếu được miễn phí như vậy thì đoàn Việt Nam sẽ tiết kiệm được 12 tỷ chi phí cho cuộc chơi lần này. Con số 12 tỷ không làm ai hào hứng nhưng khi báo chí dẫn lời một quan chức cho biết số người tham dự Sea Game lần này là 1003 người, bao gồm 702 VĐV, 189 HLV, 30 cán bộ, 31 bác sỹ, 38 lãnh đội, 10 chuyên gia. Đây là số lượng đoàn đông nhất của đoàn Việt Nam tại một kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài. Mọi người không những hết hồn mà còn đứng hình luôn, bởi hình ảnh của 1003 người này khi di chuyển cần phải có 20 chiếc xe buýt loại lớn, máy bay thì ba chuyến đầy còn ăn ở thì khỏi nói, một gánh nặng cho Campuchia chứ không phải giỡn chơi!
Đùng một cái, Campuchia lại chính thức lên tiếng nhằm tránh “hiểu nhầm” từ phía Việt Nam, khi ông Tổng thư ký Ủy ban tổ chức SEA Games Campuchia (CAMSOC) – Vath Chamroeun trả lời trên Khmer Times rằng: “Chúng tôi chỉ miễn phí cho Ban huấn luyện, VĐV trực tiếp tham gia tập luyện và thi đấu, còn những người khác đi cùng họ sẽ phải trả tiền”. Và đùng một cái, gần 200 người ăn theo cái bánh miễn phí này chưng hửng thay vì ăn theo cho dễ nghe họ biến thành những người “ăn chực” có giấy tờ!
Thiệt là “đao lòng”, và cũng thiệt là mất mặt. Tính cách ăn chực không hề che giấu khiến người ta khinh bỉ đến nỗi dùng báo chí của họ nhắn tin đến chính quyền Việt Nam nên cẩn thận việc “thụ hưởng” thiện chí của họ. Campuchia là nước nhỏ nhưng lòng tự trọng của họ lớn hơn cán bộ quản lý của Việt Nam nhiều lần. Đáng ra khi nhận được tin này Ban tổ chức Sea Game Việt Nam phải liên lạc với Campuchia để biết chi tiết hơn về nội dung của đề nghị “miễn phí” chứ không phải ồn ào đá đểu người ta rồi móc ngoặc cho thân nhân, cánh hẩu vào danh sách rồi bị người ta vạch mặt một cách “lịch sự”.
Chúng ta quen với nếp nghĩ Campuchia là nước tụt hậu so với Việt Nam nhưng không hề ghé mắt nhìn vào những thành tựu của họ về nông nghiệp, giao thông, giáo dục cũng như an sinh xã hội. Nếu biết được rằng chỉ sau vài thập niên, Phnom Penh đã có những kỳ tích thay đổi đời sống người dân của họ một cách ngoạn mục thì có lẽ Hà Nội sẽ tỉnh ngộ không còn nhìn Hunsen như một con rối dưới sự dẫn dắt của Việt Nam như ngày xưa nữa.
Câu chuyện Sea Game 32 của Campuchia không những làm cho các nước trong khu vực nể trọng mà nó còn giúp tiếng nói của nước này trong ASEAN có trọng lượng hơn mặc dù số tiền bỏ ra của họ không hề lớn. Tính trung bình Phnom Penh phải chi ra $550.000 mỗi ngày thì toàn bộ thời gian của SEA Game 32 cũng không quá hai tuần nên số tiền cũng không thể gọi là nhiều so với một quốc gia, cái nhiều ở đây là thiện chí của nước tổ chức, nó cho thấy tinh thần thể thao đúng nghĩa và đồng tiền bỏ ra cũng đúng nghĩa không kém.
Bài học thấm thía nhất cho Việt Nam: Chớ vội vàng ký giấy cho bọn ăn chực khi chủ nhà chưa ngỏ lời mời.