Trong khi cả nước Ấn Độ tiếp tục vật lộn để ngăn chặn Covid-19 và việc đếm xác vẫn xảy ra hàng ngày, đạo sư Baba Ramdev nổi tiếng nhất nước này lại báng bổ khoa học. Và Ấn Độ không chỉ có một đạo sư nhảm. Sự mê tín và truyền thống sùng bái đủ kiểu thánh thần đã mang lại một ngành “kỹ nghệ tâm linh” đầy tai tiếng…
Thế giới của những đạo sư tào lao
Trong một video clip được lan truyền nhanh chóng vào tuần trước, Baba Ramdev cho rằng y học hiện đại chỉ là một thứ “khoa học ngu ngốc và thất bại”, và rằng chính khoa học chứ không phải coronavirus mới là nguyên nhân gây ra cái chết hàng trăm nghìn người (tính đến cuối tháng 5-2021, Ấn Độ đã có 318.895 ca tử vong do Covid). Phát biểu của Baba Ramdev đã gây ra làn sóng phẫn nộ dữ dội. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, Harsh Vardhan, phải lên tiếng. Dù Baba Ramdev rút lại tuyên bố trên nhưng Hiệp hội Y khoa Ấn Độ vẫn dọa kiện đương sự với số tiền khoảng 140 triệu USD trừ phi ông ta thực hiện một video khác để “nói lại cho rõ”.
Trước khi đó vài tuần, Baba Ramdev nói rằng sở dĩ có nhiều người chết vì họ không biết… cách thở. Tháng 6-2020, khi đại dịch bùng nổ và Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia áp dụng lệnh đóng cửa nghiêm ngặt nhất thế giới, Ramdev đã tổ chức một cuộc gặp đông đúc với các “tín đồ” cùng giới báo chí tại một địa điểm gần Haridwar ở bang Uttarakhand để khoe rằng thương hiệu Patanjali Ayurved của ông – dựa theo y học cổ truyền người Hindu – vừa phát triển một phương pháp chữa Covid được gọi là Coronil “được kiểm soát lâm sàng, dựa trên thử nghiệm, dựa trên bằng chứng, [và] dựa trên nghiên cứu”.
Kỹ nghệ buôn thánh bán thần
Chỉ mất một ngày để tuyên bố trên bị lật tẩy, giữa những cáo buộc gian lận. Khi giới chức y tế khẳng định rằng Coronil không phải là phương pháp chữa Covid-19, Patanjali Ayurved vẫn lỳ lợm tiếp tục gây rối loạn dư luận. Từ câu chuyện này, người ta có dịp nhìn lại “nền công nghiệp” thế giới tâm linh ở Ấn Độ, nơi vốn dĩ tràn lan những đạo sư tự phong, nơi nhan nhản thánh thần đủ loại hình hài, nơi đầy dãy những người chữa bệnh bằng tâm linh…
Thương hiệu Patanjali Ayurved của Baba Ramdev chẳng hạn. Được thành lập vào năm 2006, Patanjali không chỉ liên quan tâm linh. Nó tiếp thị mọi thứ, từ mì sợi đến kem đánh răng. Vào thời điểm Narendra Modi lên nắm quyền lãnh đạo Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc Hindu vào năm 2014, doanh thu hàng năm của Patanjali đã sắp chạm ngưỡng 1 tỷ USD; và sau đó vọt lên 1,22 tỷ USD vào năm 2017. Bị phanh phui về thành phần chế tạo lẫn những mánh khóe trong kinh doanh, doanh số Patanjali tụt giảm, dừng lại ở mức khoảng 1,16 tỷ USD trong năm tài chính 2018-2019, với số cửa hàng giảm từ 4.700 xuống còn 1.900 vào năm 2020 – theo Nikkei Asia ngày 30-5-2021.
Tuy nhiên, “thương hiệu cá nhân” của Ramdev dường như không bị ảnh hưởng. Điều này không có gì ngạc nhiên khi Ấn Độ vốn mê mẩn và sùng bái thần thánh và đạo sư. Trong hơn một nghìn năm, đạo sư đã đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa Ấn. Ngày nay, một số đạo sư nổi tiếng có đến với hàng trăm triệu tín đồ. Không chỉ vậy, họ còn xây dựng đế chế tài chính khổng lồ. Thế giới tâm linh Ấn Độ quyến rũ nhiều người từ Á sang Âu. Cuối thập niên 1960, các thành viên The Beatles từng đến thăm đạo tràng của đại sư du già (yoga) Maharshi Mahesh ở Rishikesh. Thập niên 1980, Rajneesh, còn được gọi là Bhagwan Shri Rajneesh và sau đó là Osho, cũng từng làm chấn động thế giới.
Vài gương mặt đạo sư “thánh nổ”
Có ngành gì “một vốn bốn lời” ở Ấn Độ thì đó hẳn là tôn giáo – nhận xét của Harish Bijoor, nhà tư vấn thương hiệu tại Bangalore. “Việc kinh doanh của các đạo sư bắt đầu bằng việc xây dựng thương hiệu. Ý tưởng xây dựng thương hiệu là làm sao có thể đảm bảo rằng một hào quang thương hiệu cụ thể nào đó phải được thêm vào hào quang cá nhân, với số lượng tín đồ đông, để từ đó có thể mang lại doanh thu”. Nói cách khác, tín đồ là khách hàng của thương hiệu.
Tại Coimbatore, thuộc bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ, Isha Foundation là “cơ sở kinh doanh” của Jaggi Vasudev, còn được gọi bằng tên quen thuộc là đạo sư Sadhguru. Ăn nói ngọt ngào, dáng vẻ bóng bẩy và luôn tươi cười, với mái tóc trắng và áo choàng, Sadhguru luôn tạo cảm giác truyền tải một bầu không khí tâm linh nhân hậu. “Kỹ thuật” truyền giảng ưa thích của ông là tổ chức các phiên hỏi đáp với những người nổi tiếng Ấn Độ trước những khán giả trực tiếp đông nghịt. Các khóa học và hội thảo của Sadhguru có hàng ngàn người tham gia. Tất cả đều thu phí.
Chuyên gia thương hiệu Harish Bijoor nói: “Thế giới đạo sư ẩn chứa đầy ý nghĩa thương hiệu, phụ thuộc vào tính cách, đặc điểm và sự lôi cuốn. Xây dựng thương hiệu gần giống với quản lý sự kiện. Vấn đề là tạo ra một thị trường ngách và thống trị thị trường ngách đó. Bất kỳ đạo sư nào mà bạn quan sát cũng có thể thấy yếu tố xây dựng thương hiệu trong đó. Không ai đề cập điều này vì nó mặc nhiên được hiểu là không đúng đắn…”. Vấn đề ở chỗ, “nền kỹ nghệ đạo sư” ngày càng trở nên điên loạn và mất kiểm soát, đặc biệt ở trường hợp “Thánh” Gurmeet Ram Rahim Singh Insan, người sáng lập nhóm xã hội Dera Sacha Sauda. Ngoại hình bảnh bao, ăn mặc sặc sỡ, Gurmeet thích “tự sướng” bằng cách làm phim về mình. Với tài sản ròng khoảng 42 triệu USD, sự nổi tiếng của Gurmeet đã trở nên tai tiếng vào năm 2017 khi ông bị kết tội hiếp dâm và thêm một bản án giết người năm 2019.
Simantini Ghosh, trợ lý giáo sư tâm lý tại Đại học Ashoka của Ấn Độ cho biết: “Tâm linh ở Ấn Độ gắn liền với tôn giáo và thường được đánh đồng với nó. Mọi người hướng về những bậc thầy như vậy để được an ủi từ nỗi sợ hãi bất tận về sự bất an. Họ nghĩ rằng họ đang giao mình cho một thực thể cao hơn để giải quyết hoặc cứu chuộc”. Đó là lý do cho thấy những chuyện nhảm đạo sư và thế giới tâm linh đầy màu sắc dị đoan mê tín ở Ấn Độ sẽ chẳng bao giờ kết thúc và người ta lại tiếp tục chứng kiến những tay đạo sư nhảm nhí tào lao, như Nithyananda chẳng hạn. Thích mặc những chiếc áo choàng màu hạt dẻ đậm, với đầy trang sức vàng chóe, luôn ngồi trên ngai vàng lấp lánh, Nithyananda tuyên bố rằng sức mạnh thần thánh của ông có thể làm cho Mặt trời mọc chậm lại 40 phút, có thể khiến bò và khỉ nói chuyện bằng tiếng Phạn, và có thể giúp con người sống hơn 200 năm. Tương tự “thánh nổ” Gurmeet, Nithyananda cũng bị buộc tội lạm dụng và hiếp dâm trẻ em. Đương sự bỏ trốn khỏi Ấn Độ vào năm 2019 và hiện sống tại một hòn đảo Caribê…