Án tử: Chiêu bài của chế độ độc tài

Share:
Một trong những người biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở London, mang hình ảnh chế nhạo Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: May James/SOPA Images/LightRocket via Getty Images
Trải qua bao thời kỳ khác nhau, từ thời phong kiến tới hiện đại, chế độ độc tài chuyên chế ở khắp nơi luôn sử dụng bạo lực như một công cụ để đàn áp phe đối lập và bất đồng chính kiến. Vũ lực trốn dưới danh xưng ‘pháp luật’ dần trở thành công cụ đắc lực giúp các chế độ độc tài duy trì quyền lực cai trị. Cụ thể, án tử đã và đang được chính quyền độc tài Iran, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Myanmar… tận dụng sau các phiên tòa bí mật để hợp pháp hóa việc thủ tiêu đối lập. Sự thiếu minh bạch và bưng bít thông tin của nhà cầm quyền là dấu hiệu để nhận ra động cơ chính trị đằng sau các án tử hình.

Việt Nam

Sau Cách mạng Tháng tám năm 1945, đảng Cộng Sản hay còn gọi là Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh, gọi tắt là Việt Minh, cũng đã liên tiếp thủ tiêu lực lượng đối lập. Trong cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi, học giả danh tiếng Trần Trọng Kim đã kể lại rõ ràng như sau:

“Người không biết phương sách của đảng Cộng Sản thì lấy thế làm lạ, nhưng ai đã hiểu bí quyết của họ là phải đi đến chỗ độc tài, chỉ có những người phục tùng theo mệnh lệnh của mình, chứ không thể có những người đứng ngang với mình mà hợp tác với mình được…Việt Minh bắt những người Việt Nam quốc dân đảng hay những người bị tình nghi vào tra tấn cực hình, có khi họ dùng những cách tàn nhẫn ghê gớm hơn thời Pháp và Nhật cai trị.”

Không chỉ tàn sát phe đối lập, những người đã cùng ‘kề vai sát cánh’ với Việt Minh cũng bị phe cộng sản thủ tiêu tàn nhẫn để độc quyền lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo trụ cột của phong trào cộng sản Đệ Tứ, bao gồm Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, đã bị Việt Minh xử bắn, thậm chí chặt đầu rất dã man. Giáo sư lịch sử và các vấn đề quốc tế của Đại học George Washington, ông Shawn McHale, cho biết ít nhất mười ngàn người đã bị Việt Minh hành hình hoặc ám sát trong giai đoạn cuối 1945.

Ông Lê Đình Kình – “thủ lĩnh” Đồng Tâm, người đã bị công an Hà Nội bắn chết trong cuộc đột kích.

Cách đây khoảng hai năm, vụ cưỡng chế đất ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội đã thu hút sự quan tâm rộng lớn của dư luận trong nước và quốc tế. Nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đã huy động hàng ngàn công an tấn công Đồng Tâm để cưỡng chế đất. Các tổ chức nhân quyền thế giới lúc đó đã mạnh mẽ chỉ trích nhà cầm quyền Việt Nam, vì sử dụng bạo lực quá mức và thiếu minh bạch.

Sau đó, vào giữa Tháng Chín năm 2020, công an Hà Nội đã bắt giam và tuyên án đối với 29 người dân xã Đồng Tâm, trong đó có 2 án tử hình đối ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, đều là con của ông Lê Đình Kình, người đã bị công an Hà Nội bắn chết trong cuộc đột kích trước đó. Hãng tin Reuters dẫn lời bà Ming Yu Hah, Phó Giám đốc Đông Nam Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế, gọi phiên tòa Đồng Tâm là “một phiên tòa bất công trắng trợn.”

Lê Đình Công (trái) – Lê Đình Chức (giữa) – Lê Đình Doanh (phải)

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), lên án: “Những bàn án nặng nề, trong đó có hai án tử hình, tuyên đối với các bị cáo Đồng Tâm không hề gây ngạc nhiên. Cũng giống tất cả mọi cấp tòa xử khác, tòa án Hà Nội không hề độc lập vì hội đồng xét xử phải đưa ra những phán quyết do đảng cộng sản định trước. Nhà cầm quyền Việt Nam đang đi ngược lại để thể hiện bộ mặt cứng rắn nhất có thể với người dân Đồng Tâm. Lý do chỉ vì giới lãnh đạo Việt Nam lo lắng sự phản kháng bất chấp của Đồng Tâm có thể lây lan trừ khi người dân Đồng Tâm bị trừng phạt nghiêm khắc nhất.”

Myanmar

Vào Tháng Bảy năm 2022, Reuters dẫn nguồn từ truyền thông nhà nước Myanmar cho biết họ đã tử hình bằng cách treo cổ bốn nhà hoạt động dân chủ với cáo buộc kêu gọi người dân chống lại cuộc đảo chính của quân đội Myanmar vào đầu năm 2021. Ông Erwin van der Borght, giám đốc khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết: “Những vụ hành quyết này đồng nghĩa với việc tước đoạt mạng sống một cách tùy tiện và là một ví dụ khác về hồ sơ nhân quyền tàn bạo của Myanmar. Bốn người đã bị kết án bởi một tòa án quân sự trong các phiên tòa hết sức bí mật và vô cùng bất công. Cộng đồng quốc tế phải hành động ngay lập tức vì hơn 100 người được cho là đang bị kết án tử hình sau khi bị kết án trong các thủ tục tố tụng tương tự.”

Ông Matthew Smith, giám đốc tổ chức nhân quyền Fortify Rights, nhận định: “Những vụ hành quyết khủng khiếp này là những vụ giết người. Chúng là một phần trong những tội ác liên tục của quân đội Myanmar chống lại loài người và tấn công dân thường.”

Iran

Án tử hình thường được nhà nước Hồi giáo Iran sử dụng để đàn áp và bịt miệng những nhà hoạt động và những người biểu tình phản đối chính phủ. Kể từ giữa Tháng Chín năm 2022, hàng loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra, sau cái chết đầy nghi vấn của một cô gái 22 tuổi, Mahsa Amini, sau khi bị cảnh sát đạo đức của nước này bắt giữ. Cho tới nay các cuộc biểu tình vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh thành, đe dọa nghiêm trọng tới quyền lực của nhà nước Iran kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Sáng sớm thứ Hai, ngày 12 Tháng Mười Hai năm 2022, sinh viên Majidreza Rahnavard, 23 tuổi, đã bị an ninh Iran treo cổ công khai vì tham gia vào các cuộc biểu tình trước đó. Mẹ của Majidreza không nhận được thông báo về vụ hành quyết cho đến sau khi con bà đã qua đời. Mahmood Amiry-Moghaddam, giám đốc Cơ quan Nhân quyền Iran có trụ sở tại Na Uy, cho biết bản án dành cho anh Rahnavard là một tội ác và “tội ác này phải bị trừng phạt bằng những hậu quả nghiêm trọng đối với nhà nước Hồi giáo Iran” đồng thời cho biết thêm rằng có “nguy cơ nghiêm trọng về việc hành quyết hàng loạt những người biểu tình.”

Một người dân biểu tình trước Đại sứ quán Iran ở Lisbon, Bồ Đào Nha, trên tay cầm giấy vẽ ảnh của Mohsen Shekari với một chiếc thòng lọng quanh cổ và danh sách những người bị hành quyết ở nước này. Ảnh: by Horacio Villalobos#Corbis/Horacio Villalobos#Corbis/Corbis via Getty Images.

Ngoại trưởng Cộng hòa Liên bang Đức, bà Annalena Baerbock, tuyên bố: “Cộng hòa Hồi giáo Iran đang đe dọa nhiều người biểu tình hơn bằng án tử hình. Chúng tôi vô cùng lo ngại về việc các chế độ độc tài ngày càng sử dụng án tử hình để đàn áp các nhà bất đồng chính kiến. Họ không thi hành án tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng như giết người – nhưng họ đang sử dụng nó để chống lại những người chỉ đơn giản là thể hiện cảm xúc của họ, bày tỏ quan điểm của họ, hoặc tôn vinh tự do và cuộc sống, bằng âm nhạc và khiêu vũ.”

Các ngoại trưởng thuộc Liên minh châu Âu hôm Thứ Hai đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran về cuộc đàn áp “rộng rãi, tàn bạo” đối với các cuộc biểu tình chống chính phủ, cũng như hành động chuyển giao máy bay không người lái của nước này cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Theo các nhà hoạt động nhân quyền ở Iran, ít nhất 488 người dân Iran đã thiệt mạng kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào giữa Tháng Chín và hàng ngàn người khác đã bị chính quyền giam giữ.

Những người biểu tình bên ngoài Bộ Ngoại giao Đức ngày 12 Tháng 12, 2022 ở Berlin, thắp nến tưởng niệm Majid Reza Rahnavard, 23 tuổi và Mohsen Shekari, 23 tuổi. Cả hai đã bị chính quyền Iran hành quyết bằng phương pháp treo cổ. Ảnh: Sean Gallup/Getty Images

Trước đó, thứ Năm ngày 8 Tháng Mười Hai, an ninh Iran cũng đã treo cổ một thanh niên trẻ, Mohsen Shekari, với cáo buộc làm bị thương một nhân viên bảo vệ trong một cuộc biểu tình chống chính phủ ở Tehran. Thế giới đã lên án mạnh mẽ vụ hành quyết này. Ngoại trưởng Anh nói rằng ông rất “phẫn nộ và thế giới không thể nhắm mắt làm ngơ trước bạo lực ghê tởm do chế độ Iran gây ra đối với chính người dân của họ.”

Nhà cầm quyền Iran đã từng thực hiện các vụ treo cổ công khai trong quá khứ, phổ biến nhất là vào thập niên 1980 trong cuộc thanh trừng hàng loạt những nhà bất đồng chính kiến ​​và sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi năm 2009. Tuy nhiên, các vụ treo cổ công khai rất hiếm hoi trong những năm gần đây.

Ngay cả trước khi các cuộc biểu tình chống nhà nước Hồi giáo Iran bắt đầu vào giữa ThángChín, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã cảnh báo các vụ hành quyết ở Iran ngày càng tăng khủng khiếp, với việc chính quyền đã tử hình ít nhất 251 người trong sáu tháng đầu năm 2022. Tổ chức Ân xá Quốc tế lo ngại rằng nhiều nhà hoạt động đang bị giam giữ ở Iran có thể phải đối mặt với án tử hình, trong đó ít nhất 18 người khác có nguy cơ bị hành quyết liên quan đến các cuộc biểu tình.

Một người mặc áo có biểu tượng của đảng Cộng sản trong cuộc biểu tình chống lại Hiến pháp Tây Ban Nha. Ảnh:Gabriel Luengas/Europa Press via Getty Images

Còn độc tài còn thủ tiêu

Các chế độ độc tài dường như tin rằng thủ tiêu bằng án tử hình là giải pháp hữu hiệu nhằm vĩnh viễn bịt miệng lực lượng đối lập, khiến cho toàn dân phải khiếp sợ và phục tùng chế độ. Trong thế kỷ công nghệ ngày nay, các nhà nước độc tài không công khai ám sát, do lo ngại thế giới dân chủ trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, giải pháp hành quyết đó đang trốn dưới danh nghĩa ‘luật pháp’ và ‘tòa án’ để phán án tử với bất kỳ ai tỏ thái độ bất bình chống đối.

Ngày nào chế độ độc tài còn tồn tại, ở bất kỳ đâu, thì còn tiếp tục gieo rắc tội ác bằng án tử để người dân phải kinh sợ nhằm kéo dài quyền lực cai trị. Như cụ Trần Trọng Kim kể lại trong cuốn hồi ký của mình:

“… tôi thấy chế độ các nước cộng sản giống nhau như in cái chế độ chuyên chế thuở xưa. Người nào nói xấu hay công kích những người cầm quyền của đảng là phải tội bị đày, bị giết. Hễ ai vô ý nói lỡ một câu là bị tình nghi có khi bị bắt, bị đày v…v… thành ra nhân dân trong xã hội ấy lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không biết ai là bạn là thù, mất hẳn sinh thú ở đời, thật trái với lời nói thiên đường ở cõi trần.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: