Bè phái và tham nhũng trong cuộc chiến Covid-19 ở Trung Quốc

LÊ AN

Tại Trung Quốc, gần như chẳng có gì mà người ta không “ăn” được, kể cả ngay ở thời điểm mà sinh mạng hàng triệu người đang bị đe dọa. Hãng tin AP (3-12-2020) vừa tung ra hồ sơ điều tra đặc biệt về vụ này…

Truyền thống “ăn chia” được phát huy

Báo cáo cho thấy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc đã trao thiết kế bộ xét nghiệm và quyền phân phối độc quyền cho ba công ty ở Thượng Hải mà các quan chức có quan hệ cá nhân với nhau. Cuộc điều tra AP dựa trên loạt phỏng vấn hơn 40 bác sĩ, nhân viên CDC, chuyên gia y tế và những người trong ngành; cùng hàng trăm tài liệu nội bộ, hợp đồng, tin nhắn và email mà AP thu được. Các công ty Thượng Hải – GeneoDx Biotech, Huirui Biotechnology và BioGerm Medical Technology – đã hối lộ CDC để được cung cấp thông tin về dịch bệnh và sau đó là quyền phân phối sản phẩm xét nghiệm, theo hai nguồn tin giấu tên. Giá: Một triệu RMB (146.600 USD) mỗi công ty. Đổi lại, CDC và cơ quan mẹ của nó, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC), đã ngăn cản các nhà khoa học và tổ chức khác thử nghiệm virus bằng bộ dụng cụ tự chế riêng.

Khác với thông lệ trước đây đối với ít nhất hai vụ dịch, NHC yêu cầu các bệnh viện ở Vũ Hán gửi mẫu virus đến các phòng thí nghiệm trung ương dưới quyền của mình. NHC cũng đưa ra yêu cầu xác nhận các trường hợp coronavirus phức tạp hơn, bằng các bộ xét nghiệm do ba công ty Thượng Hải sản xuất. Chính điều này khiến người ta không phát hiện ca nhiễm mới nào được chính quyền Trung Quốc báo cáo từ ngày 5 đến ngày 17 tháng 1, dù dữ liệu truy cứu về nhiễm trùng cho thấy hàng trăm người đã bị nhiễm; đơn giản vì bộ xét nghiệm của ba công ty trên bị lỗi (cho ra kết quả không xác định hoặc âm tính giả).

Không công ty nào trong ba công ty nói trên được chọn sản xuất bộ xét nghiệm coronavirus là có tên tuổi trước đó. BioGerm chính thức được thành lập chỉ hơn ba năm trước; trong khi GeneoDx có ít hơn 100 nhân viên, theo Tianyancha (cơ sở dữ liệu hồ sơ doanh nghiệp Trung Quốc), so với các đối thủ cạnh tranh có hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn nhân viên. Nhưng những gì mà các công ty này thiếu về nguồn lực hoặc kinh nghiệm đã được bù đắp bằng quan hệ.

Những mối quan hệ trong bóng tối

Ngân sách nhà nước cung cấp cho CDC đã đình trệ những năm gần đây và các nhà nghiên cứu ở đó thường có mức lương thấp hơn nhiều so với khu vực tư nhân. Nhiều nhân viên đã rời đi và làm việc cho tư nhân. Trong số những người ra đi có người sáng lập BioGerm, Zhao Baihui, cựu trưởng phòng thí nghiệm vi sinh của CDC Thượng Hải. Các email và hồ sơ tài chính mà AP thu được cho thấy Zhao thoạt đầu thành lập công ty tiền thân của BioGerm thông qua một công ty trung gian vào năm 2012, khi bà Zhao vẫn còn làm việc tại CDC Thượng Hải. Trong 5 năm tiếp theo, bà đã bán bộ xét nghiệm trị giá hàng nghìn đôla cho chính nơi làm việc của mình thông qua người trung gian ngay cả khi bản thân bà phụ trách mua hàng! Sau khi rời CDC năm 2017, Zhao bắt đầu thực hiện loạt hợp đồng béo bở với quan chức chính phủ – chẳng hạn một hợp đồng trị giá 400.000 RMB (60.000 USD) với hải quan Thượng Hải nơi chồng bà làm việc; và một hợp đồng trị giá 55.500 RMB (8.400 USD) với giới chức CDC ở quận Phố Đông, Thượng Hải.

Một trong ba công ty nói trên, GeneoDx, cũng kiếm được bộn từ “quen biết”, vì nó là công ty con của công ty nhà nước SinoPharm, do chính một số thành viên nội các Trung Quốc trực tiếp quản lý! Trước khi coronavirus bùng phát, GeneoDx chủ yếu nhập bộ dụng cụ và mua lại công nghệ nước ngoài để mở rộng kinh doanh thay vì nghiên cứu và phát triển sản phẩm riêng. Tháng 10 năm 2019, GeneoDx đồng tổ chức một hội nghị đào tạo nội bộ của CDC về các bệnh hô hấp tại Thượng Hải. Tan Wenjie, quan chức CDC điều hành khóa đào tạo, sau đó được giao phụ trách phát triển các bộ thử nghiệm. Tiếp đó, tháng 11-2019, công ty giành được hợp đồng bán bộ dụng cụ xét nghiệm trị giá 900.000 RMB (137.000 USD) cho viện nghiên cứu thuộc CDC trung ương của sếp Tan.

Cùng tham dự sự kiện chỉ được mời nói trên còn có BioGerm và một số các công ty khác. Họ sử dụng hội nghị để quảng bá sản phẩm, xóa nhòa ranh giới giữa chính phủ và khu vực tư nhân. Nhân viên CDC trung ương còn được mời tham gia nhóm BioGerm trên WeChat, mà CEO Zhao sau này sử dụng nhóm này để bán các bộ xét nghiệm coronavirus. Công ty thứ ba trong ba công ty hối lộ, Huirui, cũng chẳng xa lạ với CDC. Nó vốn là đối tác lâu năm của Tan Wenjie. Người sáng lập công ty, Li Hui, là đồng tác giả một bài báo với Tan về các xét nghiệm virus vào năm 2012 và cả hai cũng từng đứng tên chung với chú dẫn “cùng phát triển” một bộ xét nghiệm MERS vào năm 2015.

“Ăn” có hệ thống

Bước đầu trong quá trình chế tạo bộ xét nghiệm là lấy mẫu virus và giải mã chuỗi gien của nó. Trong quá khứ, chẳng hạn với H7N9 vào năm 2013, CDC Trung Quốc gửi thiết kế bộ xét nghiệm đến các phòng thí nghiệm toàn quốc chỉ vài ngày sau khi xác định được mầm bệnh. Họ thậm chí gửi các hợp chất hóa học cần thiết để bệnh viện và chi nhánh CDC có thể đưa vào các bộ dụng cụ xét nghiệm của riêng họ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, qui trình như vậy đã không được thực hiện trong vụ coronavirus. CDC đã phát hiện bản đồ gien của virus vào ngày 3 tháng 1. Tuy nhiên, thay vì gửi đến các cơ quan y tế địa phương, lần này, CDC đã giữ lại thông tin về bộ gien lẫn các thiết kế bộ xét nghiệm; rồi “chuyển giao công nghệ” cho ba công ty Thượng Hải!

Về lý thuyết, CDC không có quyền ngăn cản các nhà khoa học thuộc những cơ quan y tế hoặc công ty cạnh tranh lấy mẫu gien virus để nghiên cứu công thức xét nghiệm. Bây giờ, CDC lại làm điều đó! Tiến sĩ Shi Zhengli, chuyên gia nổi tiếng về coronavirus tại Viện Virus học Vũ Hán, đã lấy mẫu bệnh phẩm, tìm ra bộ gien và thực hiện xét nghiệm vào ngày 3 tháng 1. Tuy nhiên, phòng thí nghiệm của bà Shi lại thuộc một cơ quan cạnh tranh với CDC lẫn Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Cuối cùng, CDC cấm bà lấy thêm mẫu và thực hiện tiếp các xét nghiệm. Nhân viên CDC tại các tỉnh cũng được yêu cầu gửi mẫu bệnh phẩm đến các phòng thí nghiệm được chỉ định ở Bắc Kinh thay vì tự làm. Ngày 10-1-2020, qui trình đánh giá bộ thử của ba công ty trên được chuẩn y. Có điều tất cả đều được thực hiện trong bí mật! Hai ngày sau, Ủy ban Y tế Quốc gia kêu gọi nhân viên y tế mua các bộ xét nghiệm từ Huirui, BioGerm và GeneoDx.

Câu chuyện đáng nói ở chỗ không chỉ là tình trạng tham nhũng và hối lộ mà còn là cái chết của nhiều người dân. Một nghiên cứu của các bác sĩ ở Thâm Quyến cho thấy, mẫu từ 213 bệnh nhân vào tháng 2 sử dụng xét nghiệm GeneoDx đã cho thấy tỷ lệ âm tính giả là hơn 30%. Một báo cáo thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3 cho thấy trong số bộ thử nghiệm được chứng nhận vào thời điểm đó, GeneoDx là hoạt động kém nhất, tiếp theo là BioGerm. Ngày 22 tháng 1, Ủy ban Y tế Quốc gia lặng lẽ xóa tên ba công ty ở Thượng Hải khỏi hướng dẫn về coronavirus của họ như những nhà phân phối ưu tiên. Ngày 26 tháng 1, các quan chức đã thiết lập một kênh theo dõi. Cuối cùng, Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia phê duyệt các bộ thử nghiệm từ bảy công ty, bao gồm BioGerm và GeneoDx nhưng không có Huirui.

Trong toàn bộ vụ việc, chẳng ai có thể biết CDC trung ương nói chung và cá nhân Tan Wenjie nói riêng “ăn” được bao nhiêu. Tuy nhiên, vào tháng 9, Tan Wenjie vẫn được bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên của Trung tâm Coronavirus Quốc gia. Chưa hết, trong một buổi lễ được phát trên truyền hình quốc gia, công ty mẹ của GeneoDx đã giành được những lời khen từ đích thân Tập Cận Bình vì những đóng góp “xuất sắc” trong cuộc đấu tranh chống COVID-19, trong đó có việc phát triển bộ xét nghiệm! Phần mình, Huirui giờ đây đang bán các bộ thử nghiệm ở Mỹ Latin…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: