Tình trạng này đang bùng nổ gần như toàn cầu. Rất nhiều cô gái phải ngậm đắng nuốt cay khi bị người tình cũ tung ảnh và clip “nhạy cảm” lên mạng để “trả thù”. Một cuộc điều tra (*) công phu liên quan vụ việc, vừa được South China Morning Post tường thuật, đã cho thấy một bức tranh rõ hơn…
Laura *, nhân viên văn phòng ở Hong Kong, đã tá hỏa tam tinh khi biết vài video riêng tư của mình bị tung lên mạng. Đó là những clip cũ cách đây cả 10 năm! Những đoạn clip ngắn trên được quay bí mật, hồi cô còn là sinh viên đại học; và người thực hiện là anh bạn cũ. Sau khi tỏ tình bất thành với cô, “anh ấy gọi tôi là con đĩ, rồi anh ta khủng bố tinh thần và ép tôi phải ở bên anh ta” – Laura kể. Đương sự dọa tung video lên các diễn đàn công cộng và trong một nhóm WhatsApp…
Khắp thế giới, có vô số Laura và vô số kẻ bệnh hoạn tương tự người bạn trai cũ của Laura. Trong khi giới chuyên gia và xã hội học cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của việc “bình thường hóa sự không đồng ý” (“normalising non-consent”) thì những nạn nhân phải khổ sở trong việc tìm cách làm thế nào để xóa ảnh và video của họ khỏi các nền tảng trực tuyến. Đến giờ, nhiều quốc gia châu Á vẫn thiếu luật pháp và các quy trình pháp lý đầy đủ để giải quyết vấn đề.
Theo thống kê mới nhất, châu Á-Thái Bình Dương hiện có số người dùng Internet nhiều nhất thế giới, hầu hết là nam giới. Tính đến tháng 1-2021, Trung Quốc và Ấn Độ đứng đầu danh sách, với khoảng (theo thứ tự) 989 triệu và 624 triệu người. Maleka Banu, tổng thư ký tổ chức Bangladesh Mahila Parishad chuyên về nữ quyền, cho biết tỉ lệ người sử dụng mạng tăng nhanh đã dẫn đến sự gia tăng lạm dụng tình dục trực tuyến trên khắp châu Á.
Lạm dụng tình dục bằng hình ảnh (image-based sexual abuse) được các chuyên gia định nghĩa là hành vi sử dụng, chia sẻ hoặc đe dọa phân phối ảnh và video khỏa thân hoặc khiêu dâm không có sự đồng thuận; chẳng hạn quay cảnh quan hệ tình dục; chụp trộm dưới quần áo; quay lén trong phòng thay đồ; và tải những hình ảnh nhạy cảm lên các nền tảng trực tuyến công cộng.
Một nghiên cứu quốc tế được thực hiện bởi bốn nhà nghiên cứu – trong đó có Anastasia Powell, giảng viên công lý và pháp lý tại Đại học RMIT ở Úc; và Adrian J. Scott, giảng viên cao cấp tâm lý học tại Goldsmiths, Đại học London – cho thấy cứ ba người trưởng thành ở Úc, New Zealand và Anh thì có một người từng là nạn nhân của vấn nạn này. Nội dung được chụp hoặc chia sẻ mà không có sự đồng ý của đối tượng có thể dễ dàng tìm thấy trên nhiều mạng xã hội, từ Facebook, Instagram đến Telegram. Trên các trang web khiêu dâm, những hình ảnh này được tải xen kẽ các video chuyên nghiệp, tạo cảm giác giả và thật lẫn lộn, giữa đồng thuận và không đồng thuận…
XVideos hiện là trang web “giải trí dành cho người lớn” được truy cập nhiều nhất và là một trong 10 trang web phổ biến nhất thế giới. Hai tỷ lượt hiển thị toàn cầu hàng ngày của trang này vượt qua cả Netflix hoặc Amazon. Nội dung được gắn nhãn “gái trẻ” là phổ biến, dù trang web cảnh báo rằng việc tải lên, xem hoặc sở hữu hình ảnh khiêu dâm của bất kỳ ai dưới 18 tuổi là bất hợp pháp. Trong một tìm kiếm gần đây, năm trong 15 video đầu tiên trên trang chủ XVideos đều có tiêu đề “thanh thiếu niên” và “nữ sinh”. Một video dài 10 phút – dường như được quay ở Ấn Độ và có hơn 11 triệu lượt xem – với cảnh một phụ nữ bất động trên giường, cho thấy rằng nó có thể được quay lén… XVideos thuộc sở hữu một công ty có trụ sở tại Cộng hòa Czech.
Clare McGlynn, giáo sư luật tại Đại học Durham ở Anh, cho biết rất khó xác định tỷ lệ hình ảnh không có sự đồng thuận là bao nhiêu trên các trang khiêu dâm; và những hình ảnh này mang lại bao nhiêu tiền cho các chủ trang. Clare McGlynn là đồng tác giả một báo cáo trên chuyên san The British Journal of Criminology được công bố vào tháng Tư, với nội dung phân tích các video trên ba trang web khiêu dâm phổ biến nhất ở Anh – Pornhub, Xhamster và XVideos. Cuộc khảo sát – dựa trên dữ liệu lấy từ hơn 150.000 tiêu đề – cho thấy có quá nhiều nội dung bạo lực tình dục, chẳng hạn cưỡng hiếp; và các trang web khiêu dâm phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung của họ, đặc biệt đối với những clip nạn nhân bị quay trộm. Laura – nhân vật nói ở đầu bài – biết quá rõ điều này. Cô đã liên hệ trang web khiêu dâm để gỡ video nhưng tất cả cố gắng đều thất bại.
Nhiều quốc gia không có số liệu thống kê về vấn nạn này và cũng thiếu mạng lưới hỗ trợ nạn nhân. Trách nhiệm thường thuộc về các tổ chức xã hội. Tại Anh, Sophie Mortimer, người quản lý đường dây nóng Revenge Porn, cho biết số người gọi đến để được giúp, liên quan việc hình ảnh nhạy cảm của họ bị phát tán, đã tăng gần gấp đôi vào năm ngoái, lên 3.146 trường hợp. Với các khu vực châu Á như Đài Loan và Hong Kong, có rất nhiều vụ việc mà nạn nhân không dám lên tiếng, với suy nghĩ rằng “càng làm lớn chuyện, càng nhục và chỉ tổ khiến nhiều người biết hơn”. Kiện cáo rất hiếm khi xảy ra. Mà có báo cảnh sát cũng chưa chắc giải quyết được gì.
Sau khi Crystal *, nữ sinh viên 20 tuổi ở Hong Kong, chia tay bạn trai vào năm ngoái, cô liên tục bị tên này đe dọa. Hắn thường xuyên nhắn tin: “Tôi đã chuẩn bị xong mọi thứ” và “Trò vui sẽ đến từ từ”. Crystal quyết định báo cảnh sát. Tên đểu được nhà chức trách mời “hỗ trợ điều tra” nhưng cuối cùng hắn chẳng sao cả. “Tôi hy vọng việc trình báo nhà chức trách có thể giúp ngăn chặn trò dọa nạt nhưng không những không ăn thua gì mà điều này dường như còn gửi cho bạn trai cũ của tôi một tín hiệu rằng những gì anh ta làm là được pháp luật cho phép” – Crystal nói. Cảnh sát cho biết, bằng chứng mà cô có, chẳng hạn các mẩu tin nhắn, là quá yếu để có thể truy tố hắn về tội hình sự.
Tại một số nước, luật pháp đôi khi lại có… hại đối với nạn nhân. Ở Pakistan, nơi có những điều luật “xử lý nghiêm” việc phân phối video hoặc hình ảnh mà không có sự đồng thuận, “theo cách gây hại cho một người”, một số nạn nhân phải đương đầu với các hình thức trả thù khác nhau, sau khi họ đưa vụ việc đến cảnh sát. Những người có hình ảnh bị rò rỉ cũng đối mặt rủi ro cao hơn ở một quốc gia mà các vụ giết người vì danh dự vẫn thường xuyên xảy ra. Tại Indonesia, một số phụ nữ bị phát tán hình ảnh nhạy cảm lại bị… buộc tội theo luật chống văn hóa khiêu dâm đồi trụy của nước này! Còn nữa, nhiều nạn nhân thường đối mặt các phản ứng đổ lỗi và thái độ chỉ trích thậm chí từ chính người thân và đồng nghiệp, kiểu như “đồ hư, đáng đời!”. Kuhan Manokaran, một luật sư ở Malaysia, nói rằng việc giúp thân chủ vượt qua sự xấu hổ và kỳ thị là một thử thách.
***
(*) Cuộc điều tra được đăng mới đây trên South China Morning Post, trong khuôn khổ dự án Những câu chuyện châu Á do Viện Judith Neilson thực hiện, phối hợp cùng các tổ chức-cơ quan truyền thông Korea Times của Hàn Quốc, tạp chí Tempo của Indonesia, Trung tâm báo chí điều tra Philippines và hãng tin ABS-CBN ở Manila.
* Danh tính nạn nhân và những người liên quan đã được thay đổi.