Tản mạn chữ “tấm mẳn”

Minh họa: Peter Hammer/Unsplash

“Tấm mẳn” vốn xuất phát từ Nam bộ, thuở người Việt tìm xuống phía Nam mở cõi… Thuở ban đầu, lúc chưa khai phá, gạo thóc khó khăn, người ta phải gom những hạt gạo gãy, bể thay vì để nuôi gia súc, lại để dành nấu cơm ăn sáng. Hạt gạo đó được gọi là “tấm”, tức hạt gạo khi sàng, giã bị bể đôi hay gãy nát, và người ta cũng có thể hiểu là gạo tấm là hạt gạo bị lọt xuống giần, sàng…

Riêng từ “mẳn”, theo Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Của và tự điển Tiếng Việt thì có hai nghĩa là: Hạt gạo gãy nát và hơi mặn (vị), suy diễn thêm còn có nghĩa “người hẹp hòi” và “món canh nấu mặn”! Gọi người “mẳn tính” là người hẹp hòi hay để bụng những điều nhỏ nhặt”? Đó cũng là những từ Nôm mà người đi khai hoang mở cõi thường dùng, đến nay cũng đã dần bị mai một và thuộc từ “cổ” hay bản ngữ, ít người sử dụng.

Tuy nhiên về món ăn, gạo tấm thì cũng đã phổ biến trên khắp Nam kỳ lục tỉnh, nhiều nơi coi đó là đặc sản với tên gọi là “cơm tấm mẳn” như ở Long Xuyên, Cần Thơ… Cơm được nấu với gạo tấm nhuyễn, chan mỡ hành, và bỏ bì, thịt heo nướng thái nhỏ, trứng vịt khìa nước dừa cũng xắt nhỏ, một ít dưa chua và cả cà chua, dưa leo xắt nhỏ, là món ăn sáng, thơm ngon và chắc bụng của người bình dân, được nhiều người ưa thích. Món ăn sáng lót bụng song nhiều lúc cũng thành món… ăn trưa, ăn tối khoái khẩu của những người bận bịu!

Minh họa: Kiril Dobrev/Unsplash

Không chỉ là để chỉ món ăn, từ “tấm mẳn” cũng được ghép thành “Tình tấm mẳn” như trong truyện ngắn của nhà văn Bình Nguyên Lộc có đoạn đối thoại: “Vợ anh là tình tấm mẳn mà anh còn bỏ được thì tôi sau này sẽ ra gì?” Hay như “Người vợ tấm mẳn” trong thơ của thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà…

Vậy “Người vợ tấm mẳn” có nghĩa là gì? Phần đông người trẻ bây giờ nghe thấy… lạ, rồi hiểu là “người vợ… hẹp hòi”, chi li, tính toán, để bụng từ chuyện nhỏ! Quả thật là rất oan cho “Người vợ tấm mẳn”, người đã được các nhà văn, nhà thơ Nam bộ xưa luôn cổ vũ và ca tụng.

Nếu như từ xa xưa, ông bà ta thường truyền tụng nhau câu: “Tào khang chi thê bất hạ đường. Bần tiện chi giao mạc khả vong” có nghĩa là: “Vợ chồng lấy nhau từ lúc khổ cực, chẳng nên bỏ. Bạn bè kết giao từ thuở hèn, không nên mất”, từ đó mà có từ “người vợ tào khang”. Tào khang nguyên gốc là từ Hán, có ý nghĩa Tào là bả rượu hay còn gọi là hèm; Khang là trấu hay còn gọi là cám gạo. Những thức ăn dành cho heo, nhưng người nghèo khổ cũng có thể dùng làm thực phẩm, giống như tấm mẳn.

Phải chăng cha ông xưa, trên bước đường đi mở cõi cũng muốn tách xa cái gốc từ ngữ bị Hán hóa, mà chọn ra các chữ Nôm có ý nghĩa tương đồng để gọi những người vợ hiền được cưới hỏi trong lúc còn nghèo khó là “người vợ tấm mẳn”, hay những mối tình trong lúc hàn vi, cơ nhỡ là “tình tấm mẳn”. Vợ tấm mẳn, được đặt ngang hàng và cùng nghĩa với vợ tào khang, thể hiện rõ sự tự chủ của cha ông thời mở cõi.

Tiếc thay, trong cuộc sống của người dân, cụm từ “tấm mẳn” lại không thấy đưa vào ca dao, tục ngữ, là vốn văn hóa bình dân lẫn bác học của dân tộc Việt, nên ít người biết và hiểu cặn kẽ về người “vợ tấm mẳn”, trong khi có thể giải thích được ý nghĩa của người “vợ tào khang”!

Dầu sao một thời, ông bà ta đã sống và trân trọng với những từ “tấm mẳn”, “người vợ tấm mẳn”, để xây dựng cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, lâu dài và truyền lại cho con cháu cho đến ngày nay…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: