H.C.
Tòa Bạch ốc đã kêu gọi Trung Quốc cung cấp dữ liệu từ những ngày đầu tiên bùng phát đại dịch COVID-19, nói rằng Washington “quan ngại sâu sắc” về cách phổ biến các kết quả trong báo cáo COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới.
Cố vấn An ninh quốc gia của Tòa Bạch ốc Jake Sullivan hôm nay thứ Bảy (13-02-2021) ra tuyên bố nói rằng điều bắt buộc là báo cáo phải độc lập và không bị “chính phủ Trung Quốc sửa đổi”; ông nhắc lại những mối lo ngại của chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, người đã quyết định rút ra khỏi WHO cũng vì vấn đề tính độc lập của tổ chức quốc tế này. “Điều bắt buộc là báo cáo này phải độc lập, với những phát hiện của chuyên gia không bị can thiệp hoặc thay đổi bởi chính phủ Trung Quốc”, ông Sullivan nói.
Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc đã phản bác bằng một tuyên bố mạnh mẽ, nói rằng trong những năm gần đây Hoa Kỳ đã làm tổn hại đến hợp tác đa phương và tổ chức WHO, và không nên “đổ lỗi” cho Trung Quốc và các quốc gia khác ủng hộ WHO trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua thứ Sáu nói rằng tất cả các giả thuyết về nguồn gốc của COVID-19 vẫn còn bỏ ngỏ sau khi Washington cho biết họ muốn xem xét dữ liệu từ một phái đoàn do WHO dẫn đầu đến Trung Quốc, nơi virus này xuất hiện lần đầu.
Một phái bộ chuyên gia của WHO vừa trở về sau bốn tuần ở Trung Quốc để tìm hiểu nguồn gốc của đợt bùng phát COVID-19, cho biết họ đã không xem xét kỹ hơn vấn đề liệu virus có bị rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm hay không, điều mà họ cho là rất khó xảy ra.
Chính quyền Trump từ lâu đã cho biết họ nghi ngờ virus đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh cực lực phủ nhận.
Ông Sullivan lưu ý Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhanh chóng đảo ngược quyết định rút khỏi WHO, nhưng nói rằng điều quyết định là phải bảo vệ uy tín của tổ chức này.
“Tái tham gia vào WHO có nghĩa là giữ nó ở các tiêu chuẩn cao nhất. Chúng tôi có mối quan ngại sâu sắc về cách thức phổ biến những phát hiện ban đầu của cuộc điều tra COVID-19 và các câu hỏi về quy trình được sử dụng để tiếp cận chúng”, ông Sullivan nói.
Theo một trong những điều tra viên của nhóm chuyên gia WHO, Trung Quốc đã từ chối cung cấp dữ liệu “thô” (raw data) về các trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên cho nhóm chuyên gia WHO đang thăm dò nguồn gốc của đại dịch, điều này có khả năng làm phức tạp nỗ lực tìm hiểu cách thức bùng phát đại dịch.
Nhóm nghiên cứu đã yêu cầu dữ liệu thô về 174 bệnh nhân mà Trung Quốc xác định được trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch ở thành phố Vũ Hán tháng 12-2019, cũng như các trường hợp khác, nhưng họ chỉ được cung cấp bản tóm tắt, bác sĩ Dominic Dwyer, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm người Úc và thành viên của nhóm WHO, nói với Reuters.
Tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc không đề cập đến vấn đề dữ liệu. Đại diện của WHO đã không trả lời các câu hỏi bình luận.
Để tiến tới, tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, cần tham gia vào một quá trình minh bạch và mạnh mẽ để ngăn ngừa và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, ông Sullivan nói. “Để hiểu rõ hơn về đại dịch này và chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, Trung Quốc phải cung cấp dữ liệu từ những ngày đầu của đợt bùng phát”, ông Sullivan nói thêm.
(Reuters)