Hoa Kỳ đang phải đối mặt với sự gia tăng cùng một lúc dịch bệnh COVID-19, cúm và virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus – RSV), tất cả đều liên quan đến đường hô hấp.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (The Centers for Disease Control and Prevention –CDC), chỉ trong tuần cuối cùng của năm 2023, đã có 29,000 ca nhập viện do COVID-19, biến thể phụ JN.1 mới chiếm gần một nửa trong số đó. Sự gia tăng của các bệnh về đường hô hấp có nguy cơ gây gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải.
CDC cũng ước tính có 14 triệu người nhiễm cúm và có 13,000 người chết, chỉ trong ba tháng cuối năm 2023; ngoài ra số người nhiễm RSV – một bệnh hô hấp chưa có thuốc đặc trị, đang tăng nhanh, mà trẻ em và người cao niên dễ bị nhiễm nhất.
Tình hình dịch bệnh nguy hiểm, đã khiến Cơ quan Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) đã tổ chức hội thảo trực tuyến về vấn đề này trong những ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2024, ngày 5 Tháng Giêng, với các diễn giả được mời là Bác sĩ Benjamin Neuman, thuộc Texas A&M University; Bác sĩ Jose Luis Perez, giám đốc y tế South Central Family Health Center tại Los Angeles và Bác sĩ nhi khoa Manisha Newaskar của hệ thống y tế Stanford Children’s Health.
Các chuyên gia thảo luận về nguồn gốc của JN.1; tình hình ba bệnh dịch xảy ra cùng lúc, nguyên nhân, cũng như cách phòng ngừa và điều trị.
Trước tiên, Bác sĩ Jose Luis Perez trình bày tổng thể về sự bùng phát cùng lúc COVID-19, cúm và sự xuất hiện của RSV. Nhưng không chỉ có thế, bác sĩ Perez cho biết còn có hơn 100 virus khác, trong đó phải kể đến Influenza virus, đếu gây nhiễm trùng đường hô hấp trên, với các triệu chứng ở mũi, họng và mắt, kèm theo sốt và đau cơ, và nhiễm trùng đường hô hấp dưới (LRI) gây viêm phế quản và viêm phổi.
Những loại bệnh này xảy ra thường xuyên hơn vào mùa đông khi mọi người ở trong nhà nhiều hơn do thời tiết khắc nghiệt và trong các dịp lễ cuối năm và đầu năm mới. Thường trong nhà có một người bệnh, sẽ dễ lây sang các thành viên khác, vì virus xâm nhập vào cơ thể con người bằng cách tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh,
Người đã “dính” bệnh, khi ho, hắt hơi mà không che miệng hoặc mũi, sẽ để lại các hạt nhầy trong không khí và trên các bề mặt như mặt bàn, mặt bếp, dụng cụ ăn uống, tay nắm cửa,… Khi người chưa bệnh hít thở không khi chung trong nhà, hoặc chạm vào những bề mặt hay vật dụng đã có hạt nhầy, sẽ bị nhiễm bệnh và virus sẽ xâm nhập qua mũi hoặc miệng.
Khi nhiễm bệnh, các triệu chứng giống như cảm lạnh, ho, sổ mũi, nhức đầu,… Người nhiễm COVID-19 thì có những triệu chứng khác nữa như đau nhức cơ bắp, mệt mỏi, khó thở, mất khứu giác hay vị giác. Người bị nhiễm RSV có triệu chứng như thở dốc và thở khò khè. Bác sĩ Perez cho rằng trẻ em dưới 1 tuổi và người cao niên từ 65 tuổi trở lên rất dễ nhiễm RVS.
Và vì các triệu chứng giống nhau, nên khó phân biệt được người bệnh bị COVID-19 (nhiễm thể mới JN.1), bị cúm, hay bị nhiễm RSV. Tuy nhiên, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước (súp gà), uống thuốc giảm đau, thuốc ho, thuốc sổ mũi.
Riêng về biến chủng JN.1 mới của COVID-19, Bác sĩ Benjamin Neuman cho biết, đây không phải là biến chủng hoàn toàn mới, mà là một trong những loại virus đầu tiên gây bệnh, qua nhiều thay đổi và trở thành biến thể này. Vì vậy, ông cũng khuyến cáo mọi người nên đề phòng trong mùa Đông này, vì ai cũng có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên. Với những người dễ bị LRI (nhiễm trùng đường hô hấp dưới) thường là người bị suyễn, béo phì, người có hệ thống miễn nhiễm yếu như người bệnh tiểu đường, người nhiễm HIV, và người đang điều trị ung thư.
Bác sĩ Perez nhắc lại các cách phòng ngừa các loại virus trên, bất kể loại nào, là đừng tụ họp đông người, đứng gần nhau, mà phải cách xa 6 feet; đeo khẩu trang; rửa tay thường xuyên, nên ở trong nhà nếu không được khỏe, và quan trọng nhất là đi chích ngừa.
Vấn đề được nhiều quan tâm, là hiện tại không có vaccine COVID-19 miễn phí nữa, nhưng người có bảo hiểm sức khỏe, có thể được trả một phần. Các loại vaccine hiện có như vaccine ngừa COVID-19, cho tất cả mọi người từ 5 tuổi trở lên: Pfizer-BioNTech và Moderna – mRNA; Novavax COVID-19, riêng Johnson&Johnson thì không còn có sẵn. Vaccine cúm cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên (chích ngừa hàng năm); Vaccine RSV cho trẻ sơ sinh từ 8 tháng tuổi trở xuống; trẻ em từ 8-19 tháng tuổi có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn và người lớn từ 60 tuổi có bệnh nền.
RSV vẫn là loại virus đáng lo ngại vì chưa có thuốc đặc trị, trong phần trình bày của mình, Bác sĩ Manisha Newaskar cho biết mùa thường có nhiều người nhiễm RSV ở Mỹ là từ Tháng Mười đến Tháng Ba. Theo bà, RSV là lý do gây ra viêm phế quản cấp tính nhiều nhất ở trẻ em.
Trẻ em và người vị thành niên thường gặp triệu chứng như sổ mũi, ho và sốt. Trẻ sơ sinh thì cảm thấy khó chịu, không muốn ăn, khó thở và thở dốc. Những người lớn tuổi từ 60 trở lên và có bệnh nền thường gặp triệu chứng như thở dốc và khó thở.
Theo CDC, mỗi năm có từ 58,000 đến 80,000 trẻ em nhập viện vì bị nhiễm RSV, và 100 đến 300 trẻ em qua đời. Trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi có nguy cơ nhập viện cao nhất. Hầu hết mọi trẻ em bị nhiễm RSV trước 2 tuổi.
Về cách điều trị, tương tự như các bệnh về đường hô hấp khác, Bác sĩ Newaskar cho biết chỉ điều trị bằng những cách hỗ trợ như giảm sốt, hút mũi cho trẻ sơ sinh, cho uống nước nhiều hơn và nghỉ ngơi. Nếu bị bệnh nặng, người bệnh phải nhập viện và được dùng máy trợ thở.
Để phòng ngừa, Bác sĩ Newaskar chỉ ra biện pháp là chích kháng thể palivizumab của hãng Synagis. Chỉ định chích ngừa cho trẻ sinh non trước 32 tuần, người bệnh tim bẩm sinh, người bệnh thần kinh cơ, xơ nang nặng, chích hàng tháng trong mùa RSV (thường từ Tháng Mười đến Tháng Ba).
Chích Nirsevimab (Beyfortus) đã được FDA phê duyệt vào Tháng Bảy năm 2023, bác sĩ khuyên nên cho tất cả trẻ sơ sinh tới dưới 8 tháng tuổi, khi bắt đầu mùa RSV (nếu mẹ của chúng không được tiêm vắc-xin RSV trong lần thứ 3 ba tháng cuối thai kỳ hoặc sinh ra trong vòng 14 ngày kể từ ngày mẹ chích vaccine).
Trẻ 8-19 tháng tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh nặng: bệnh mãn tính, bệnh phổi do sinh non, suy giảm miễn dịch,… Theo Bác sĩ Newaskar, trong các nghiên cứu, hiệu quả của Nirsevimab là ngăn ngừa được 79% liên quan đến RSV; 81% phải nhập viện; và 90% phải nằm ICU. Tuy nhiên, việc triển khai Nirsevimab còn khó khăn, mà rào cản lớn nhất là chi phí – thách thức đối với các cơ sở nhi khoa và bệnh viện để có đủ khả năng tài chính lớn chi phí trả trước, bên cạnh nguồn cung hạn chế từ nhà sản xuất.
Việc chích ngừa RSV cho người lớn tuổi, có hai loại vaccine, gồm: RSVPreF3(Arexvy,GSK) và RSVpreF(Abrysvo,Pfizer), chích một liều duy nhất vào trước mùa RSV mùa thu/đông.