Cuộc chiến Ukraine với người Việt ly hương tỵ nạn

Ghi chép của đặc phái viên SGN tại tiểu bang Georgia
Ihor Mazhayev, 54 tuổi, chụp cảnh căn nhà bị quân Nga phá sập ngày 5 Tháng Ba 2022 tại Markhalivka, Ukraine. Ihor Mazhayev mất vợ, cùng đứa con gái 12 tuổi (ảnh: Anastasia Vlasova/Getty Images)

Khi bài viết này được đăng thì cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra ác liệt, khi hai vòng đàm phán không đạt được thỏa thuận nào đáng kể. Đạn bom và giao tranh vẫn cứ vang ầm ầm. Người dân Ukraine tiếp tục hứng chịu tang tóc đau thương mà đoàn quân vô cảm của Putin mang tới. Nhiều thành phố bị tàn phá thảm khốc. Cả triệu người dân Ukraine phải rời bỏ nhà cửa, phố phường thân yêu đi sơ tán tỵ nạn đến những quốc gia lân cận, với phần lớn là trẻ em, người già và phụ nữ…

Chạy giặc, Lviv, Ukraine; ngày 5 Tháng Ba (ảnh: Dan Kitwood/Getty Images)

Theo một bản tin BBC, một số du học sinh châu Phi khi qua biên giới lánh nạn đã bị chặn lại. Theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, khi một đất nước có chiến tranh thì người dân nơi đó không phân biệt màu da, chủng tộc phải được đi lánh nạn. Vậy mà nhiều người không phải công dân Ukraine lại bị từ chối.

Sau năm 1975, khi cộng sản miền Bắc được hậu thuẫn của Liên Xô và Trung Cộng xua quân cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, người dân miền Nam đã phải tìm đường di tản sang thế giới tự do. Nhiều người may mắn đến được Guam rồi được đưa sang California. Sau đó, từ 1976 đến thập niên 1990, rất nhiều người Việt vượt biên tìm tự do và được Liên Hiệp Quốc cấp cho thẻ tỵ nạn.

Tuy nhiên, năm 1992, một số người Việt Nam vượt biển đã bị Cao Ủy Người Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc khước từ, với lý do họ tỵ nạn kinh tế chứ không phải chính trị. Họ bị thanh lọc và đối xử không công bằng tại các trại tỵ nạn ở Hong Kong, Malaysia, Thái Lan và sau đó bị trục xuất về Việt Nam, dù nhiều người không hề muốn trở lại quê nhà sống với cộng sản. Họ thà chết trong trại tỵ nạn. Nhiều trường hợp tự tử trong trại tỵ nạn đã gây chấn động thời điểm đó.

Xác một lính Nga tại Sytniaky, Ukraine; ngày 5 Tháng Ba (ảnh: Anastasia Vlasova/Getty Images)

Khoảng thời gian đó, tôi lo lắng gọi điện về cho một người quen tên Khánh, chồng chị Huệ ở Quảng Nam. Chị cho biết anh Khánh bị trục xuất về Việt Nam từ trại tỵ nạn Hong Kong. Mấy năm ở trong trại vốn thiếu thốn mọi bề, khi về lại nước lại bị chính quyền địa phương trù dập khiến công ăn việc làm không ổn định, cuối cùng anh lâm bịnh và qua đời. Đâu chỉ một mình anh Khánh. Rất nhiều người tỵ nạn ở Thái Lan, Malaysia cũng bị Cao Ủy Người Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc sàng lọc rồi trả về nước. Nhiều người bị nhốt tù; một số người khác thì về quê cày cuốc kiếm sống qua ngày. Cuộc đời u tối, không có tương lai. Con cái họ sau này cũng vậy.

Buổi sáng cuối tuần trước, tôi ghé một tiệm cà phê Việt Nam nằm trên đường Jimmy Cater, thành phố Norcross (tiểu bang Georgia). Phần lớn người đến đây nhâm nhi cà phê trò chuyện là cô chú lớn tuổi. Một số người là cựu sĩ quan VNCH. Có người qua Mỹ từ rất sớm, khi chương trình HO chưa khởi động; có người vượt biên, vượt biển để tìm tự do sau những ngày nằm trong rừng, lênh đênh trên biển… Có người từng đi “học tập cải tạo” nếm cảnh khổ như địa ngục… Cũng có những người tưởng chừng không thể thoát khỏi danh sách thanh lọc và vĩnh viễn không thể đến được bến bờ tự do…

Thấy các chú tranh luận chuyện chiến sự diễn ra tại Ukraine, tôi xin phép ngồi cùng bàn. Chú THN, người đến tiểu bang Georgia này lâu năm nhất, nói:

-Bà mẹ nó, hồi chiến tranh lăn xả đánh đấm tưởng mất mạng mấy lần. Khi tụi Việt Cộng vô, phải đi vượt biên, lênh đênh trên biển mấy ngày, may sao được Mỹ vớt đưa lên Guam… Nhắc lại không biết bao nhiêu là chuyện. Mà cũng còn may hơn nhiều người. Bạn bè tui chết trong rừng thiêng nước độc đếm không xuể. Có người vượt biên thoát rồi lại bị trại tỵ nạn trả về. Đau xót làm sao. Bây chừ dòm cảnh bà con Ukraine kéo nhau, tay bồng tay bế, tay xách nách mang chạy giặc, thấy thương quá…

Một chú ngồi bên cạnh lên tiếng:

-Thằng Putin là tên độc tài khát máu, mộng bành trướng như Tàu cộng.

-Thì bọn chúng cũng cùng trường cùng thầy mà. Thiệt là một lũ khốn nạn.

-Chứ gì nữa. Thằng Mác-Lê, thằng Mao, thằng nào cũng gây oan nghiệt cho thế giới. Thằng Pu, thằng Tập bây giờ cũng rứa. Hai thằng này tai ác không biết từ nào mà tả.

-Mà tại sao nó (Putin) đương không xua quân đi đánh Ukraine vậy?

-Thì nó ôm mộng bành trướng chứ sao! Y như thằng Tập nuôi mộng xâm lược Đài Loan vậy.

-Tui nói thiệt. Tụi cộng sản là một giuộc. Cộng sản Việt Nam cũng vậy, tàn ác với dân không thể tưởng. Mà lại hèn với giặc, coi thằng Putin, thằng Tập như ông cố nội mình vậy…

-Nói đến chiến tranh thấy thương quá. Tui nhớ cảnh chạy giặc hồi 75. Lúc đó nhà tui ở Ban Mê Thuột. Nghe ông Thiệu nói “tái phối trí”, tức là bỏ Trung phần với Cao nguyên, tôi thúc cả nhà chạy vào Sài Gòn. Chỉ ôm theo được vài bộ đồ. Nhà cửa tài sản bỏ hết. Trên đường đi, xác nằm la liệt. Con nít ôm xác mẹ khóc. Vợ ôm xác chồng. Chua xót không biết bao nhiêu mà nói. Dân Ukraine bây giờ cũng vậy chứ gì. Súng đạn ầm ầm ai mà không sợ…

Hàng đoàn người bồng bế nhau chạy đến chuyến tàu lửa lên Kyiv, khi quân Nga tấn công Bucha và Irpin; Irpin, Ukraine, ngày 4 Tháng Ba (ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Nghe các chú nói chuyện, tôi thấy ký ức chiến tranh vẫn còn in đậm trong họ. Ai ai cũng ngao ngán chiến tranh. Thắng hay bại, tung hô hay lầm lũi quay lưng, thì những đổ nát, những cái chết thương tâm của dân thường lẫn binh lính hai bên, sự ray rứt nhớ thương người thân nằm xuống trong đám tro tàn, rồi những cuộc di tản tỵ nạn ồ ạt…, tất cả đều là những hình ảnh kinh khiếp.

-Mẹ bà thằng Putin… Khi đứng dậy chào các chú ra về, tôi vẫn còn nghe vọng lại câu nói ấy. Chú ấy không chỉ tức giận với ông tổng thống Nga. Chú ấy tức giận vì bi kịch chiến tranh mà Putin mang đến cho Ukraine. Chú ấy tức giận vì Putin muốn thể hiện quyền lực của hắn cho thế giới bằng cách đếm xác con người…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: