Mỹ cấm vận 89 công ty Trung quốc liên quan tới quân đội

máy bay Trung quốc
Phi cơ phản lực hai động cơ, thân hẹp,loại C919 do tập đàn COMAC sản xuất để cạnh tranh với dòng 737 của Boeing. Quyết định cấm vận của Mỹ sẽ gây khó khăn không nhỏ cho ngành công nghiệp hàng không của Trung quốc. Ảnh Wikipedia.org

H.C.

Chính phủ Mỹ sắp tuyên bố 89 công ty ngành công nghiệp hàng không của Trung quốc có quan hệ với quân đội nước này, hạn chế họ mua sắm nhiều hàng hóa và công nghệ của Mỹ.

Trong một bản tin độc quyền, hãng tin Reuters nói đã nhận được bản dự thảo danh sách các công ty Trung quốc bị cấm vận mà nếu được công bố sẽ làm leo thang xung đột thương mại giữa hai nước, gây thiệt hại cho các công ty Mỹ đang bán các bộ phận và thiết bị hàng không dân dụng cho Trung quốc. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận tin này.

Nổi bật trong danh sách có Tập đoàn Phi cơ Thương mại Trung quốc (COMAC) – tập đoàn hàng không hàng đầu của Trung quốc đang cố gắng cạnh tranh với Airbus và Boeing; và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) và 10 công ty liên quan của nó.

Các công ty Trung quốc này bị Bộ Thương mại Mỹ cho rằng “quân đội là người sử dụng cuối” (military end-user), các nhà cung cấp của Mỹ phải có giấy phép đặc biệt mới được bán thiết bị, linh kiện và công nghệ cho họ, dù đó chỉ là những linh kiện thương mại thông thường.

Quân đội Trung quốc, cùng cách hành xử hung hăng và hiếu chiến của nó, đã gây phản ứng mạnh ở Mỹ. Mười ngày trước, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty, quỹ đầu tư của Mỹ bỏ tiền vào các công ty Trung quốc mà Washington cho là do quân đội Trung quốc sở hữu hoặc kiểm soát.

Hồi tháng Tư, Bộ Thương mại Mỹ đưa ra quy định về “người sử dụng cuối là quân đội” không chỉ tác động tới các lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia Trung quốc, mà áp dụng cho bất kỳ cá nhân hoặc công ty nào góp phần vào việc bảo trì, sửa chữa, sản xuất các thiết bị quân sự, cho dù các cá nhân và doanh nghiệp đó hoạt động dân sự là chính.

Việc hạn chế xuất cảng áp dụng cho rất nhiều loại thiết bị, công nghệ từ phần mềm máy vi tính đến phụ tùng máy bay và động cơ phản lực.

Trong văn bản dự thảo mà hãng Reuters có được, Bộ Thương mại nói việc kiểm soát dòng chảy công nghệ của Mỹ tới các công ty có tên trong danh sách “là điều cốt tử để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”.

Danh sách cấm vận được soạn thảo tại một thời điểm nhạy cảm của ngành hàng không Mỹ khi tập đoàn Boeing đang tìm kiếm sự phê chuẩn của chính phủ Trung Quốc cho dòng máy bay Boeing 737 MAX sau khi các nhà quản lý Mỹ trong tuần trước đã cho phép dòng máy bay này hoạt động trở lại. Vào tháng Ba 2019, Trung quốc là nước đầu tiên buộc dòng máy bay này phải “nằm sân” sau hai vụ tai nạn trầm trọng; và dự tính phải vài tháng nữa Bắc Kinh mới thay đổi lệnh cấm này.

Kevin Wolf, một luật sư về thương mại ở Washington cho biết Bộ Thương mại đã chia sẻ dự thảo quy định với một hội đồng tư vấn kỹ thuật gồm các đại diện của ngành công nghiệp hàng không, nhưng lẽ ra tài liệu này phải được giữ bí mật. Ông Wolf nói thêm rằng, quy định và danh sách có thể sửa đổi và chính phủ Trump có thể không còn đủ thời gian để thực hiện nó, vì quy định cần được phê chuẩn và đưa sang Công báo Liên bang (Federal Register) trước giữa tháng 12. 

Một cựu quan chức Mỹ không muốn nêu tên nói rằng “chỉ riêng việc soạn thảo danh sách này và phổ biến nó đã là một hành động gây hấn”. Một nguồn tin trong ngành hàng không nhận định nó có thể kích thích Trung quốc trả đũa. Hành động này cũng có thể mở rộng cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu, giúp họ thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung quốc. 

Hai tập đoàn lớn của Mỹ, General Electric và Honeywell là nhà cung cấp cho tập đoàn COMAC Trung quốc và có công ty liên doanh với AVIC. Nếu quy định mới của Bộ Thương mại được thực hiện, chắc chắn hai tập đoàn này sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài 89 công ty Trung quốc, danh sách cấm vận còn có 28 công ty Nga, trong đó có tập đoàn Irkut – nhà sản xuất phi cơ MC-21 để cạnh tranh với Boeing.

Danh sách dự thảo nói 117 công ty bị cấm vận này “chưa phải là hết” mà mới chỉ là “loạt đầu tiên”.

Reuters

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: