Bill Gates và đại dịch Covid-19: Những khoảng sáng tối

HIẾU CHÂN

Năm năm về trước ít người nghe theo lời Bill Gates cảnh báo một đại dịch truyền nhiễm. Giờ đây ông đang đẩy mạnh các giải pháp chống dịch dựa trên khoa học để trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng ông cũng gặp không ít khó khăn trong môi trường chính trị bị phân cực sâu sắc.

Trong lúc virus lây lan mạnh, cướp đi hàng trăm ngàn sinh mệnh trên toàn cầu, Bill Gates đã dùng danh tiếng và tài sản của mình để thúc đẩy các giải pháp dựa trên khoa học để đối phó với đại dịch. Hơn hai mươi năm qua ông đã nghiên cứu bệnh truyền nhiễm – một phần của công tác từ thiện của ông; và từ năm 2015 Gates đã cảnh báo về khả năng xảy ra một đại dịch truyền nhiễm, trong các bài nói chuyện, bài đăng tạp chí y khoa và diễn đàn trực tuyến TED Talk. Rồi từ tháng Hai vừa qua, quỹ từ thiện mà ông và vợ ông điều hành đã tặng 250 triệu Mỹ kim để mở rộng việc xét nghiệm coronavirus và tìm cách chữa trị dịch Covid-19 do virus này gây ra.

Tri thức và tài sản

Bốn mươi năm trước, ông Gates đã bỏ dở việc học ở Đại học Harvard để lập công ty Microsoft. Nhưng ông là người ham đọc sách, trong hai thập niên làm từ thiện tập trung vào y tế toàn cầu, ông đã tự học rất nhiều khoa học về các bệnh truyền nhiễm. “Khi tôi bỏ hàng tỷ Mỹ kim vào việc gì đó, tôi có xu hướng đọc rất nhiều về việc đó,” ông nói.

Để làm dự án xóa bệnh sốt rét chẳng hạn, ông đã học để có “kiến thức bách khoa” về con muỗi, về tập quán của chúng và cách chúng truyền bệnh. Khi dịch coronavirus bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc cuối năm ngoái, Gates đã đọc vô số các bài báo y khoa về xét nghiệm, điều trị và vaccine chủng ngừa virus. Ông trò chuyện nhiều với các nhà miễn dịch học, dịch tễ học và khoa học xã hội về biện pháp làm chậm đà lây lan của virus. “Khi Bill tìm hiểu một vấn đề, ông ấy không chỉ muốn hiểu biết khái quát về nó,” ông Brad Smith, từng là chủ tịch Microsoft nói.

Không chỉ ham hiểu biết, Bill Gates là người giàu thứ hai thế giới, với tài sản 105 tỷ Mỹ kim, chỉ kém người hàng xóm Jeff Bezos, ông chủ của tập đoàn Amazon. Ông Gates đã dành phần lớn tài sản vào một quỹ từ thiện do ông và vợ ông, bà Melinda Gates, cùng điều hành; quỹ Gates Foundation có lẽ là quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới, với vốn liếng khoảng 46,8 tỷ Mỹ kim. Hồi tháng Ba vừa qua, ông quyết định từ bỏ chức vụ cuối cùng ở Microsoft để tập trung vào công tác từ thiện.

Cột trụ trong hoạt động của Bill Gates là giải quyết bệnh truyền nhiễm đang hoành hành ở các nước đang phát triển. Quỹ của ông đã tạo ra cả một thị trường thuốc chữa các chứng sốt rét, sởi, sốt phát ban… – những loại thuốc mà ngành dược phẩm ít quan tâm vì không có lời nhiều để tập trung bào chế các loại thuốc cho người dân các nước phát triển, có nhiều lợi lộc hơn.

Tiên tri về một đại dịch

Kiến thức và quá trình hoạt động chống bệnh truyền nhiễm đã đưa Bill Gates đến kết luận rằng một đại dịch truyền nhiễm có thể càn quét khắp hành tinh, giết chết vô số người và hủy hoại các nền kinh tế. “Nếu có một biến cố giết chết hơn 10 triệu người trong một vài thập niên tới thì đó chỉ có thể là một con virus có độ truyền nhiễm cao chứ không phải là một cuộc chiến tranh,” ông nói trong một chương trình TED Talk năm 2015, có ý nghĩa như một lời tiên tri.

Ông lo ngại các chính phủ đã không đầu tư vào các hệ thống ngăn chặn đại dịch theo cách mà họ đã đầu tư ngăn chặn vũ khí hạt nhân. Ông khuyến khích phát triển các hệ thống chăm sóc y tế vững mạnh ở các nước nghèo, nơi mà ông dự đoán đại dịch sẽ bùng phát trước nhất. Ông thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các loại vaccine, các hệ thống xét nghiệm chẩn đoán. Và ông kêu gọi thao diễn các “trò chơi vi trùng”, giống như “trò chơi chiến tranh” để mô phỏng các tình huống xảy ra đại dịch nhằm phát hiện những thiếu sót. “Chúng ta cần phải tiến tới vì thời gian không ủng hộ chúng ta,” ông nói. Bill Gates kêu gọi nước Mỹ dẫn đầu cuộc đấu tranh chống lại một đại dịch có thể giết chết 33 triệu người. Nhưng những lời kêu gọi, thúc giục, cảnh báo của ông gần như rơi vào những lỗ tai điếc!

Năm 2014, lo ngại về tác động của dịch Ebola với người dân toàn cầu, Quỹ Gates đã đầu tư hàng trăm triệu Mỹ kim xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học mà giờ đây đã giúp làm chậm đà lây lan của dịch. Năm 2017, quỹ này tiếp tục góp 279 triệu Mỹ kim cho Viện Đo lường và Kiểm định Y tế thuộc Đại học Washington (IHME). IHME đã phát triển một mô hình dự báo đang được sử dụng rộng rãi để dự báo nhu cầu về số giường bệnh, số máy trợ thở và các thiết bị khác ở từng tiểu bang và ở các quốc gia trên khắp thế giới. Cùng năm nay, Quỹ Gates đóng góp 100 triệu Mỹ kim giúp thành lập Liên minh Những Sáng tạo Sẵn sàng chống dịch (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations, CEPI). CEPI có trụ sở tại Hòa Lan, đang tài trợ cho các nghiên cứu và thử nghiệm vaccine phòng ngừa coronavirus.

Tại Mỹ, dự án nghiên cứu Seattle Flu Study do Quỹ Gates tài trợ theo dõi sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm như bệnh cảm cúm. Khi dịch coronavirus lan tới Seattle đầu năm nay, dự án này – bây giờ có tên mới là Seattle Coronavirus Assessment Network – thực hiện xét nghiệm tìm coronavirus bằng bộ dụng cụ test-kit mà dự án phát triển, trong đó bệnh nhân tự lấy mẫu bệnh phẩm từ mũi hoặc cổ họng, giúp nhân viên y tế khỏi bị phơi nhiễm. Bộ test-kit này đã được Sở Y tế tiểu bang Washington chấp nhận được sử dụng khẩn cấp.

Khi dịch coronavirus lan rộng mọi người thường thấy ông xuất hiện trong các chương trình talk-show truyền hình, trình bày quan điểm về các giải pháp dựa trên khoa học. Công việc trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm cũng tạo điều kiện cho ông làm việc với các chuyên gia hàng đầu như bác sĩ Anthony S. Fauci, giám đốc Viện quốc gia về Dị ứng và bệnh Truyền nhiễm; bác sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y tế quốc gia. Gates nói ông thường giao tiếp với cả hai bác sĩ này. “Tôi đã nói cả với Tony và Francis về những điều họ trông thấy, về những gì chúng ta trông thấy,” Gates nói.

“Bỏ ra hàng tỷ để tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ”

Ông Gates có cơ hội sớm chứng kiến sự phát tán của virus. Các hoạt động ở Trung Quốc của Quỹ Gates giúp ông có được những trải nghiệm đầu tiên về dịch bệnh ở đó, theo lời Mark Suzman, giám đốc điều hành hiện thời của Gates Foundation. Và họ cũng thu thập thông tin từ dự án nghiên cứu Seattle Flu Study liên quan tới sự lây lan của virus ở Mỹ.

“Chúng tôi có trải nghiệm sớm về dịch,” Suzman nói. Và điều đó dẫn tới nhận thức rằng “với tư cách một quỹ từ thiện chúng tôi cần vận động rất nhanh để nhận ra những gì chúng tôi có thể giúp” trong công cuộc chống dịch.

Ngay từ tháng Hai, Quỹ Gates đã cam kết tài trợ 100 triệu Mỹ kim để cải thiện công tác phát hiện, cô lập và điều trị, thúc đẩy việc phát triển vaccine, thuốc điều trị và chẩn đoán, bảo vệ các cộng đồng dân cứ có nguy cơ cao ở châu Phi và Nam Á. Ngày 15-04, quỹ tăng thêm 150 triệu Mỹ kim cho các nỗ lực này.

Ông Gates nhận ra cần phải có hàng tỷ Mỹ kim để xây dựng các cơ sở bào chế và sản xuất vaccine dù một số loại vaccine sản xuất ra sẽ không dùng được. Gates cho rằng, thà mất tiền xây dựng các giải pháp mà cuối cùng không dùng được để có thể sản xuất các loại vaccine thành công, với quy mô lớn và phân phối nhanh chóng ra toàn cầu, dập tắt nạn dịch và chấm dứt hậu quả kinh tế của nó thì cũng là việc có ý nghĩa. Đó là nhu cầu bỏ ra “hàng tỷ Mỹ kim để tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ”, ông Gates nói.

Theo ông Suzman, Quỹ Gates không tài trợ toàn bộ chi phí bào chế vaccine mà chỉ có thể cung cấp tài chánh để nhanh chóng xây dựng các cơ sở sản xuất. “Chúng tôi là một loại vốn liếng đặc biệt. Chúng tôi có thể chấp nhận rủi ro. Chúng tôi là chất xúc tác. Chúng tôi có mặt để hỗ trợ các nguồn vốn tư nhân hoặc vốn công cộng để họ có thể làm tốt công việc,” Suzman nói.

Dù quy mô hoạt động của quỹ Gates rất rộng nhưng hiện nay ông Gates dành phần lớn thời gian cho đại dịch coronavirus, theo lời ông Suzman, tập trung vào các chi tiết kỹ thuật về mô hình dịch tễ học, bào chế vaccine, giá thành sản xuất từng liều thuốc. Ông còn rất lo lắng đến những chuyện tưởng như rất nhỏ như một khi vaccine được sản xuất rộng rãi, hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ liều, thì không biết thế giới có đủ thủy tinh y tế để đúc thành chai lọ chứa các liều thuốc và đưa tới khắp các vùng xa xôi hẻo lánh trên địa cầu này hay không.

Gates vs. Trump

Nhưng Bill Gates không gặp thuận lợi với hệ thống chính trị phân cực của Mỹ và cuộc tranh chấp địa chính trị trên thế giới ngày nay. Một trong những thách thức của ông là những thông điệp mà ông đưa ra thường trái ngược hẳn với những bình luận thiếu căn bản khoa học của Tổng thống Trump. Nhưng ông Gates không trực tiếp phê phán ông Trump, ông chủ yếu vẫn là con người phi chính trị. Có điều, những nghiên cứu ông trích dẫn lại làm mất giá trị những lời tuyên bố của tổng thống. Một ví dụ, ông Trump ca ngợi thuốc ký ninh (hydroxychloroquine) như một “loại thuốc thay đổi cục diện trò chơi lớn nhất trong lịch sử ngành dược” khi được sử dụng kết hợp với thuốc azithromycin. Nhưng Quỹ Gates đã tài trợ một cuộc thử nghiệm lâm sàng loại thuốc hydroxychloroquine, và ông Gates, dựa trên các dữ kiện, viết một bài ngày 23-04 rằng những dấu hiệu ban đầu của cuộc thử nghiệm cho thấy “lợi ích là rất khiêm tốn”.

Ông Gates cũng phản đối kế hoạch của tổng thống hồi đầu tháng Tư, đình chỉ việc đóng góp tài chánh cho Tổ chức Y tế thế giới (WTO) để phản ứng việc cơ quan này xử lý đại dịch coronavirus. “Ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu là một việc nghe chừng hợp lý nhưng nguy hiểm”, ông viết trên Twitter ngày 14-04, và lập luận rằng không tổ chức nào khác có khả năng thay thế cơ quan này. Quỹ Gates là nhà tài trợ lớn thứ hai của WTO sau chính phủ Mỹ. Những phát biểu như vậy của ông Gates làm các chính trị gia bảo thủ coi ông là người đối lập với chính quyền Mỹ trong công cuộc chống dịch.

Tuy vậy, do công tác từ thiện của ông đòi hỏi có sự ủng hộ của các chính phủ ông Gates vẫn cố thiết lập và duy trì quan hệ thân thiện với các tổng thống, thủ tướng và hiếm khi phê phán họ. Từ trước tới nay, Gates vẫn thường gặp gỡ các tổng thống của cả hai đảng, kể cả Tổng thống Trump; ông đóng góp vào quỹ tranh cử của các ứng cử viên Cộng hòa lẫn Dân chủ.

Và ông muốn nước Mỹ lãnh đạo công cuộc phòng chống dịch, cải thiện chăm sóc y tế trên toàn cầu. Trong các cuộc trả lời phỏng vấn ông thường nhắc lại những thành tựu y tế toàn cầu mà nước Mỹ đã thực hiện, chẳng hạn như Tổng thống George W. Bush đã ủng hộ thuốc điều trị bệnh HIV/AIDS khi đại dịch này tàn phá khu vực châu Phi hạ Sahara hai thập niên về trước. “Mọi người hy vọng vào sự lãnh đạo của Mỹ. Đó vẫn là một cơ hội mà chúng ta chưa nắm được,” ông Gates nói. “Khoảng trống đang chờ người Mỹ bước vào và giúp đỡ; vẫn còn cơ hội lớn ở đây,” ông nói.

Đối mặt với thuyết âm mưu

Bill Gates và Gates Foundation của ông từng bị phê phán vì ảnh hưởng quá lớn trong các lĩnh vực y tế toàn cầu và giáo dục công cộng. Những khoản tài trợ rất lớn mà quỹ này đưa ra để ứng phó với các thách thức y tế toàn cầu có nguy cơ làm méo mó cách thức mà các chính phủ chống đỡ các mối đe dọa, khuyến khích họ đặt ra các ưu tiên chỉ để nhằm được nhận tài trợ, theo nhận định của Jeremy Youde, nhà nghiên cứu về y tế toàn cầu của Đại học Minnesota Duluth.

Có một nhóm không ủng hộ Gates: đó là đám côn đồ trên mạng thường cổ xúy thuyết âm mưu rằng đại dịch là do vị doanh nhân tỷ phú này tạo ra và khai thác nó để thu lợi nhuận, dùng nó để thúc đẩy mưu đồ theo dõi toàn cầu, kiểm soát nhân loại. Dòng tin trên Twitter của ông về vụ cắt tài trợ cho WHO đã thu hút tới 75.000 lời bình luận, nhiều người đặt nghi vấn về động cơ và lòng ái quốc của Gates. Những người biểu tình trong các cuộc tuần hành đòi chính phủ chấm dứt biện pháp cách ly trong tuần qua cũng giương các biểu ngữ chống lại Gates.

Một số thuyết âm mưu được chính phủ Nga khuếch đại lên. Nga vẫn thường phát tán các thông tin giả về coronavirus thông qua “các trang web được nhà nước ủy nhiệm”, theo một phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ. Một bài trên trang web của đài truyền hình Zvezda – mạng truyền hình do Bộ Quốc phòng Nga điều hành – hồi đầu tháng Ba đưa tin rằng Gates có vai trò trong việc tạo ra coronavirus.

Biện hộ cho chính phủ Trung Quốc?

Nhưng bản thân ông Gates cũng có những phát biểu gây nhiều tranh cãi, nhất là việc ông biện hộ cho chính phủ Trung Quốc, đưa ra những nhận định không chỉ sai lầm mà còn nguy hiểm.

Trên đài CNN Chủ nhật tuần trước (27-04) ông Gates làm nhiều người ủng hộ ông thất vọng khi ông cho rằng, việc phê phán cách xử lý đại dịch cornavirus của chính phủ Trung Quốc là một “sự xao lãng” khỏi công việc quan trọng hiện nay là chiến đấu chống virus ngay trên đất Mỹ. Ông cho rằng, việc xem xét “thành tích” của chính phủ Trung Quốc như che giấu thông tin về đại dịch, tung tin giả, bịt miệng những người phê phán, ngăn chặn các nỗ lực điều tra quốc tế về căn nguyên của đại dịch vào lúc này… là những việc làm vô ích, “bởi vì nó không tác động đến cách chúng ta hành động hôm nay.” Ông nói Bắc Kinh “đã làm rất nhiều việc đúng ngay từ đầu” và bị phê phán không công bằng, nhưng bây giờ “không phải là lúc bàn luận những chuyện đó,” ông nói.

Nhưng thực tế đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn đang nỗ lực tối đa để giấu giếm thông tin về đại dịch và thất bại của chính họ, và hiện nay họ vẫn tiếp tục làm như vậy. Mới tuần trước Bắc Kinh gây áp lực buộc Liên minh châu Âu phải kiểm duyệt một phúc trình về trách nhiệm của Trung Quốc, đe dọa dùng sức ép kinh tế với Úc nếu nước này tiếp tục kêu gọi điều tra về căn nguyên của đại dịch. Chính sách của đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đe dọa sức khỏe và sinh mệnh của người dân các nước khác.

Ông Gates kêu gọi các chính phủ, hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc, hãy hợp tác để cùng chống lại đại dịch thay vì đổ lỗi cho nhau. Nhưng hợp tác chỉ thực hiện được chừng nào Bắc Kinh thực tâm hợp tác. Cho đến nay Trung Quốc vẫn từ chối không cho phép các chuyên gia quốc tế điều tra những gì đã xảy ra ở Vũ Hán, ngăn cản các nỗ lực tìm kiếm phương pháp điều trị. Chừng nào căn nguyên của dịch chưa được xác định thì con đường truyền nhiễm của dịch chưa thể theo dõi và các thông tin khoa học thiết yếu chưa thể có được. Virus lan truyền từ một khu chợ, một phòng thí nghiệm hoặc một con dơi tình cờ bay qua bầu trời Vũ Hán? Bắc Kinh không cho phép điều tra các kịch bản như vậy trong khi khoa học cần trả lời câu hỏi ban đầu này để dập dịch và ngăn ngừa đại dịch trong tương lai.

Hợp tác với Trung Quốc tìm vaccine chủng ngừa và thuốc chữa dịch Covid-19 là thiết yếu. Nhưng Trung Quốc không chia sẻ các mẫu virus sống ban đầu mà các nhà khoa học quốc tế yêu cầu để nghiên cứu thuốc điều trị. Khi công ty Gilead Science Inc. của California gửi mẫu thuốc remdesivir cho Trung Quốc thử nghiệm lâm sàng hồi tháng 01-2020, một viện nghiên cứu của Trung Quốc lập tức sao chép nó rồi đăng ký quyền sáng chế! Với một chế độ như vậy muốn hợp tác cũng khó.

Hiện nay Mỹ, Úc, châu Âu và nhiều nước khác đang đòi hỏi làm rõ trách nhiệm của Trung Quốc về đại dịch. Đòi hỏi như thế không phải là đổ lỗi mà nếu hành vi của Trung Quốc không bị điều tra và truy cứu trách nhiệm, vẫn được dung túng thì Bắc Kinh sẽ tiếp tục lợi dụng lòng tốt của thế giới. Điều tra đại dịch để dập tắt dịch và ngăn ngừa những thảm họa tương lai không chỉ vì lợi ích của nước Mỹ, của thế giới mà vì cả lợi ích của người dân Trung Quốc.

***

“Tất cả những kiến thức chuyên môn sâu rộng trong 20 năm mà Quỹ Gates tham gia vào lĩnh vực y tế toàn cầu rất thích hợp để áp dụng vào lúc này,” ông Suzman nói. Còn ông Gates thì tin rằng, lời kêu gọi sẵn sàng cho đại dịch sẽ không còn bị bỏ qua nữa. “Tôi nghĩ lần này mọi người sẽ chú ý,” ông Gates nói. Nhưng thuyết phục những người cầm quyền của các cường quốc có khi cũng khó không kém ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm.

(theo Washington Post)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: