Lời người dịch: Được xem là một trong những chính khách đáng kính trọng nhất lịch sử chính trị Mỹ đương đại, cựu Tổng thống Barack Obama vừa hoàn thành hồi ký A Promised Land (phát hành ngày 17-11-2020). Dưới đây là đoạn trích đăng trên tờ The Atlantic ngày 12-11-2020… Trong quyển sách, ông Obama đã nói về niềm tin chưa hề suy giảm của mình đối với nước Mỹ và người Mỹ, đặc biệt với giới trẻ. Một thông điệp khiến chúng ta phải trầm ngâm suy nghĩ trong giai đoạn đầy biến động và nhiễu nhương trên đất nước này…
Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống, Michelle và tôi đi trên chiếc Không lực Một (Air Force One) một lần cuối về phía Tây cho một kỳ nghỉ bị trì hoãn từ lâu. Tâm trạng chúng tôi trên máy bay buồn vui lẫn lộn. Cả hai chúng tôi đều kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần, không chỉ bởi sức lực đổ ra cho tám năm trước đó mà còn bởi kết quả bất ngờ của một cuộc bầu cử mà một người hoàn toàn đi ngược lại tất cả những gì chúng tôi ủng hộ lại được chọn làm người kế nhiệm.
Tuy thế, sau khi hoàn thành chặng đường dài của cuộc đua, chúng tôi hài lòng khi biết rằng chúng tôi đã làm hết sức mình, và dù có những điều tôi chưa kịp thực hiện với tư cách là tổng thống, nhưng bất kỳ dự án nào tôi kỳ vọng mà chưa kịp hoàn thành chăng nữa, đất nước chúng ta đã ở trong tình trạng tốt hơn so với khi tôi bắt đầu.
Suốt một tháng, Michelle và tôi thức khuya, ăn tối thư thả, đi bộ những quãng đường dài, tắm trong làn nước biển, trân trọng những điều đã có với nhau, vun đắp tình bạn cùng nhau, khám phá lần nữa tình yêu của chúng tôi và hoạch định cho một cuộc hành trình thứ hai ít sôi động hơn nhưng hy vọng sẽ không kém phần kỳ thú. Đối với tôi, điều đó bao gồm việc viết hồi ký tổng thống. Và vào thời điểm tôi ngồi xuống với cây bút và tập giấy màu vàng (tôi vẫn thích viết mọi thứ bằng tay, tôi cho rằng nếu dùng computer thì ngay cả một bản thảo sơ sài nhất của tôi cũng trở nên quá bóng bẩy và sẽ làm cho những suy nghĩ nửa vời bị ngụy tạo là đã hoàn chỉnh), tôi đã có một phác thảo rõ ràng về một cuốn sách trong đầu.
Đầu tiên và quan trọng nhất, tôi hy vọng có thể tái hiện một cách trung thực thời gian tại vị – không chỉ một chuỗi các sự kiện lịch sử được ghi chép lại dưới thời của tôi, cùng với các nhân vật quan trọng mà tôi tiếp xúc – mà còn là lời tường thuật về một số sự kiện chính trị, kinh tế và sự giao thoa văn hóa giúp xác định những thách thức mà chính phủ chúng tôi phải đối mặt, những lựa chọn mà đội ngũ của tôi và tôi đã đưa ra để đối phó.
Khi có thể, tôi muốn mang đến cho người đọc cảm giác trở thành tổng thống Hoa Kỳ như thế nào; tôi muốn vén bức màn ra một chút và nhắc nhở mọi người rằng, ngay với tất cả quyền lực và sự phô trương của chức vụ tổng thống, nó vẫn chỉ là một công việc; chính phủ liên bang của chúng tôi là một doanh nghiệp với nhân lực như bao doanh nghiệp khác; và những người đàn ông và phụ nữ làm việc ở Tòa Bạch Ốc trải nghiệm hàng ngày sự kết hợp của sự hài lòng, thất vọng, xích mích, cùng những rắc rối và thành công nhỏ như mọi công dân khác.
Cuối cùng, tôi muốn kể một câu chuyện có tính cách riêng tư hơn để có thể truyền cảm hứng cho những người trẻ đang cân nhắc cuộc sống phục vụ công chúng: sự nghiệp chính trị của tôi thực sự bắt đầu như thế nào với việc tôi đi tìm một vị trí phù hợp cho công việc; một cách giải thích những khía cạnh khác nhau của di sản được phối hợp bởi những văn hóa khác nhau mà tôi nhận được từ gia đình, và làm thế nào mà tôi đã đem mình ra để thử thách với một thứ cao cả hơn bản thân tôi để rồi cuối cùng tôi có thể xác định một cộng đồng và mục đích cho cuộc đời mình.
Tôi nghĩ tôi có thể viết tất cả những điều đó trong khoảng 500 trang. Tôi dự kiến sẽ thực hiện quyển sách trong một năm. Công bằng mà nói thì quá trình viết không diễn ra như tôi dự định. Bất chấp ý định ban đầu, cuốn sách trở nên dài hơn và phạm vi đề cập trở nên rộng hơn và đó là lý do mà cuối cùng tôi quyết định chia nó thành hai tập. Tôi cay đắng nhận ra rằng một người có năng khiếu viết có thể đã kể lại câu chuyện tương tự một cách súc tích, ngắn gọn hơn (văn phòng của tôi trong Tòa Bạch Ốc nằm sát ngay phòng ngủ của Tổng thống Lincoln, nơi có một bản sao của bài Diễn Văn được ông đọc ở Gettysburg dài 272 chữ được trưng bày trong tủ kính).
Nhưng mỗi lần tôi ngồi xuống để viết, dù để mô tả các giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử, hay cách chính phủ của tôi điều hành cuộc khủng hoảng tài chính, đàm phán với người Nga về kiểm soát vũ khí hạt nhân, hoặc các lực lượng dẫn đến cuộc cách mạng Mùa xuân Arab – tôi nhận ra tôi không có khả năng kể chuyện theo một cách đơn giản.
Tôi thường cảm thấy có nghĩa vụ cung cấp đường hướng cho những quyết định mà tôi và những người khác đã thực hiện. Tôi không muốn chuyển những điều căn bản đó vào chú thích cuối trang hoặc ở phần kết thúc quyển sách (tôi không thích như vậy).
Tôi khám phá ra rằng không phải lúc nào tôi cũng có thể giải thích động lực cho mình chỉ bằng cách tham khảo hàng đống dữ liệu kinh tế hoặc hồi tưởng một cuộc họp căng thẳng để xét qua các tài liệu tuyệt mật ở Tòa Bạch Ốc, bởi vì những điều đó đã được định hình trước đó, qua một cuộc trò chuyện với một người chưa quen biết trong lúc đi vận động tranh cử, một chuyến thăm quân y viện, hay bài học thời thơ ấu mà tôi nhận được từ mẹ tôi lúc còn rất bé.
Nhiều lần trong ký ức trồi lên những chi tiết dường như ngẫu nhiên (như những lần tôi cố tìm một nơi kín đáo để hút thuốc vào buổi tối; khi nhân viên và tôi cười sảng khoái lúc chơi bài cùng nhau trên chiếc Air Force One) đã ghi lại được, bằng cái cách mà các tài liệu lưu trữ không bao giờ có được, những trải nghiệm của tôi suốt trong tám năm tôi sống ở Tòa Bạch Ốc.
Ngoài sự vật lộn để đưa được từ ngữ lên trên trang giấy, điều tôi không lường trước được là diễn biến các sự kiện sẽ diễn ra trong hơn ba năm rưỡi qua kể từ chuyến bay cuối cùng trên Air Force One. Đất nước này đang nằm trong sự khống chế của đại dịch toàn cầu và một cuộc khủng hoảng kinh tế đi kèm, với hơn 230.000 người Mỹ chết, các doanh nghiệp đóng cửa và hàng triệu người mất việc làm.
Trên khắp cả nước, các tầng lớp nhân dân đã đổ ra đường để phản đối cái chết của những đàn ông và phụ nữ da đen không vũ trang dưới bàn tay cảnh sát. Có lẽ điều đáng lo ngại nhất là nền dân chủ của chúng ta dường như đang nghiêng về bờ vực của khủng hoảng – một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ một cuộc cạnh tranh căn bản giữa hai tầm nhìn đối lập nhau về nước Mỹ là gì và phải như thế nào; một cuộc khủng hoảng đã khiến thế lực chính trị bị chia rẽ, tức giận và ngờ vực, đồng thời cho phép những vi phạm liên tục các quy chuẩn thể chế, các thủ tục cho các biện pháp bảo vệ, cùng với việc tuân thủ yếu tố căn bản mà cả đảng Cộng hòa và Dân chủ từng coi là đương nhiên.
Cuộc tranh đấu này tất nhiên không phải mới mẻ. Theo nhiều cách, nó đã xác định các trải nghiệm của người Mỹ. Nó được gắn sâu vào trong các tài liệu lập quốc để đồng thời tuyên bố tất cả mọi người đều bình đẳng nhưng lại có ba phần năm số người đó là nô lệ. Nó được thể hiện trong các ý kiến của những tòa án buổi đầu của chúng ta, như khi chánh án của Hoa Kỳ giải thích thẳng thừng với người Mỹ bản địa rằng các quyền trong việc chuyển tải tài sản của các bộ lạc là không thể thực thi, bởi vì tòa án của kẻ chinh phục không có khả năng công nhận các yêu sách chính đáng của người bị chinh phục.
Đó là một cuộc đấu diễn ra trên các cánh đồng Gettysburg và Appomattox nhưng cũng diễn ra trong hội trường Quốc hội; diễn ra trên một cây cầu ở Selma, Alabama; khắp các vườn nho của California; và xuống các đường phố của New York – một cuộc tranh đấu do binh lính chiến đấu với nhau nhưng thường xuyên hơn bởi các nhà tổ chức công đoàn, những người chịu thiệt thòi, những người khuân vác Pullman, các thủ lĩnh sinh viên, làn sóng người nhập cư và các nhà hoạt động LGBTQ, được trang bị không gì khác ngoài biểu ngữ, tập sách nhỏ hoặc một đôi giày diễu hành. Trọng tâm của cuộc chiến kéo dài này là một câu hỏi đơn giản:
Chúng ta có quan tâm đến việc mang thực tế gần lại với lý tưởng của nước Mỹ hay không? Và nếu vậy, chúng ta có thực sự tin rằng quan niệm của chúng ta về quyền tự quản và tự do cá nhân, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng trước pháp luật, được áp dụng cho tất cả mọi người? Hay thay vào đó, chúng ta cam kết, trên thực tế, không trên quy định, sẽ chỉ dành những thứ đó cho một số ít người có đặc quyền.
Tôi nhận ra có những người tin rằng đã đến lúc loại bỏ huyền thoại – việc xem xét quá khứ của nước Mỹ và thậm chí lướt qua các tiêu đề ngày nay cho thấy lý tưởng của quốc gia này luôn là thứ yếu so với chinh phục và khuất phục, một hệ thống đẳng cấp chủng tộc và chủ nghĩa tư bản dã man, hoặc bằng không thì giả vờ đồng lõa trong một trò chơi đã được gian lận ngay từ đầu.
Và tôi thú nhận rằng đã có lúc trong quá trình viết cuốn sách này, khi suy ngẫm về nhiệm kỳ tổng thống và tất cả những gì đã xảy ra kể từ đó, khi tôi phải tự hỏi bản thân rằng liệu tôi có quá nóng nảy khi nói ra sự thật ngay khi tôi nhận ra nó hay không, có quá thận trọng trong cả lời nói hay việc làm, bị thuyết phục như khi tôi tin vào những gì Lincoln gọi là những thiên thần trong bản chất của chúng ta, nếu như thế thì tôi đã có cơ hội tốt hơn để dẫn dắt chúng ta theo hướng của nước Mỹ mà chúng ta đã mong ước hay không.
Tôi không biết. Điều tôi có thể nói chắc chắn là tôi vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ ước mơ ấy về nước Mỹ – không chỉ vì lợi ích cho thế hệ tương lai của người Mỹ mà còn cho tất cả nhân loại. Tôi tin chắc rằng đại dịch mà chúng ta đang phải trải qua vừa là biểu hiện, vừa là sự gián đoạn đơn thuần trong cuộc hành trình không ngừng hướng tới một thế giới kết nối, một thế giới trong đó các dân tộc và các nền văn hóa không thể không va chạm.
Trong thế giới đó – thế giới của chuỗi cung ứng toàn cầu, chuyển vốn tức thời, mạng xã hội, mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, sự di cư hàng loạt và sự phức tạp ngày càng gia tăng – chúng ta sẽ học cách chung sống, hợp tác với nhau và nhận ra phẩm giá của người khác, bằng không chúng ta sẽ bị diệt vong. Và như thế, thế giới theo dõi nước Mỹ – cường quốc duy nhất trong lịch sử được tạo thành từ những con người từ mọi nơi trên hành tinh, bao gồm mọi chủng tộc, đức tin và tập tục văn hóa – để xem thử nghiệm của chúng ta về dân chủ có thành công hay không, để xem liệu chúng ta có thể làm được điều mà chưa một quốc gia nào làm được hay không. Để xem liệu chúng ta có thể thực sự sống theo ý nghĩa của tín điều chúng ta đặt ra hay không.
Sự phân định vẫn chưa rõ ràng. Tôi cảm thấy được khuyến khích bởi số lượng người Mỹ lập kỷ lục đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tuần trước và luôn tin tưởng vào Joe Biden và Kamala Harris, về tính cách và khả năng thực hiện điều đúng đắn của họ. Nhưng tôi cũng biết rằng không có cuộc bầu cử nào sẽ giải quyết được vấn đề. Những sự chia rẽ trong chúng ta đã quá thâm sâu; những thách thức của chúng ta thật dễ gây nản lòng.
Nếu tôi vẫn còn hy vọng về tương lai, phần lớn là vì tôi đã học được cách đặt niềm tin vào đồng bào của mình, đặc biệt là những người thuộc thế hệ tiếp theo, những người mà niềm tin vào giá trị bình đẳng cho tất cả mọi người dường như là bản chất sẵn có, những người quyết tâm thực hiện các nguyên tắc mà cha mẹ và thầy cô giáo của họ đã nói với họ là đúng nhưng có lẽ những người lớn ấy đã không bao giờ hoàn toàn tin tưởng vào các nguyên tắc đó. Hơn ai hết, cuốn sách của tôi dành cho những người trẻ – một lời mời gọi một lần nữa tái tạo thế giới, và từ sự làm việc chăm chỉ, lòng quyết tâm và một trí tưởng tượng phong phú, sẽ cuối cùng mang lại một nước Mỹ phù hợp với tất cả những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta.
Bản dịch của Thụy Mân, Napa, California, 16-11-2020