Bầu bổ sung Thượng nghị sĩ ở Georgia: Ai đang dẫn trước?

HIẾU CHÂN

Chỉ còn 10 ngày nữa, cử tri tiểu bang Georgia sẽ bầu bổ sung hai thượng nghị sĩ vào Thượng viện liên bang. Cuộc bầu cử này không chỉ chọn người đại diện Georgia trong Thượng viện Hoa Kỳ mà quyết định cán cân quyền lực giữa Dân Chủ và Cộng Hòa, tác động sâu sắc tới tình hình chính trị của nước Mỹ ít nhất trong hai năm sắp tới.

Tham gia ứng cử có bốn ứng cử viên, gồm hai thượng nghị sĩ Cộng hòa đương nhiệm là David Purdue và Kelly Loeffler, đấu với hai ứng cử viên Dân chủ  Raphael Warnock và Jon Ossoff. Bốn người này đã từng tranh tài trong cuộc tổng tuyển cử ngày 03-11 vừa qua, hai ứng cử viên Cộng hòa giành được số phiếu cao hơn nhưng không ai có đạt “quá bán” (hơn 50% tổng số phiếu) nên theo luật của Georgia, tiểu bang sẽ tổ chức bầu cử bổ sung (runoff election) vào ngày 05-01-2021 cho bốn ứng cử viên có nhiều phiếu nhất.

Từ một sự kiện bầu cử thông thường, cuộc bầu cử bổ sung sắp tới của Georgia đột ngột trở nên hết sức quan trọng, thu hút sự quan tâm của toàn nước Mỹ, do biến chuyển bất ngờ của tình hình chính trị: sau cuộc tổng tuyển cử ngày 03-11 vừa qua, số nghị sĩ trong Thượng viện gần đạt tới điểm cân bằng, đảng Cộng hòa chiếm 50 ghế, tạm thời giữ thế đa số, và đảng Dân chủ giành được 48 ghế; còn hai ghế của Georgia vẫn để trống. Nếu cuộc bầu cử bổ sung cho kết quả đảng Cộng hòa giành được một hoặc cả hai ghế thì thế đa số tạm thời của Cộng hòa sẽ thành đa số cố định, Thượng nghị sĩ (TNS) Mitch McConnell (Kentucky) tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo khối đa số Thượng viện đầy quyền năng. Ngược lại, nếu Dân chủ giành được hai ghế thượng nghị sĩ của Georgia thì hai đảng sẽ cân bằng 50-50, mỗi khi gặp trường hợp bỏ phiếu ngang ngửa “bất phân thắng bại” thì Phó Tổng thống Kamala Harris, với tư cách Chủ tịch Thượng viện, sẽ bỏ lá phiếu quyết định phá vỡ bế tắc. Điều đó có nghĩa là Dân chủ giành lại được thế đa số.

Nếu Cộng hòa thắng trong cuộc bỏ phiếu bổ sung ở Georgia và giữ được đa số trong Thượng viện thì chính quyền của ông Joe Biden sẽ gặp không ít khó khăn trong việc thuyết phục Thượng viện chuẩn thuận các quyết định điều hành đất nước, từ việc bổ nhiệm các chức vụ cao cấp trong nội các đến đề ra các chính sách ngoại giao đa phương và nhiều chương trình nội trị khác. Ngược lại, nếu giành được hai ghế TNS của Georgia, đảng Dân chủ sẽ có cơ hội nắm được cả hành pháp và lưỡng viện Quốc hội, chính quyền mới sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn và nước Mỹ có thể tái lập sự ổn định chính trị cần thiết để phát triển.

Trong cuộc bầu cử bổ sung ngày 05-01-2021, cử tri Georgia sẽ bỏ phiếu lựa chọn giữa David Purdue (CH)/Jon Ossoff (DC)Kelly Loeffler (CH)/Raphael Warnock (DC).

  • Ông Purdue, 71 tuổi, là thượng nghị sĩ đương nhiệm, đã hoàn tất nhiệm kỳ sáu năm và được đảng Cộng hòa tiếp tục đề cử. Ông từng là một nhà kinh doanh và là nghị sĩ giàu có nhất trong Quốc hội Hoa Kỳ.
  • Ông Ossoff, 33 tuổi, là một nhà làm phim tài liệu, được đảng Dân chủ đề cử. Ông đã từng ứng cử vào Quốc hội năm 2017 nhưng thất bại. Ông chưa từng trải qua chức vụ dân cử nào.
  • Bà Loeffler, 50 tuổi, là thượng nghị sĩ đương nhiệm nhưng không do cử tri bầu lên mà được Thống đốc Georgia Brian Kemp bổ nhiệm thay một TNS Cộng hòa về hưu vào năm ngoái 2019. Việc cử người thay thế của Thống đốc chỉ có giá trị đến hết nhiệm kỳ nên nếu muốn tiếp tục làm TNS, bà Loeffler phải ứng cử lại. Bà Loeffler có chồng là Jeffrey Sprecher, chủ tịch công ty quản lý thị trường chứng khoán New York.
  • Ông Warnock, 51 tuổi, là mục sư quản nhiệm một nhà thờ của cộng đồng người Mỹ da đen ở Atlanta, Ebenezer Baptist Church, mà lúc sinh thời Mục sư Martin Luther King Jr. thường giảng đạo. Ông Warnock là ứng cử viên da màu duy nhất trong cuộc bầu cử bổ sung này.

Trong tình hình chính trị bị phân cực gay gắt, các ứng cử viên đều vận động tranh cử trên lập trường của đảng mình. Hai ứng cử viên Cộng hòa Purdue và Loeffler là những người trung thành với Tổng thống Trump, đều ra sức ủng hộ những cáo buộc không có chứng cứ về tình trạng gian lận trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, đòi đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống, không công nhận kết quả thắng cử của liên danh Biden/Harris, thậm chí họ đòi Thống đốc Brian Kemp và bộ trưởng hành chánh tiểu bang Brad Raffensperger, đều là người của đảng Cộng hòa, phải từ chức!

Chỗ yếu chung của hai ứng cử viên Cộng hòa là đều bị Bộ Tư pháp cáo buộc giao dịch nội gián (inside trading) trên thị trường chứng khoán để trục lợi. Cáo buộc cho rằng, hai TNS này lợi dụng thông tin mật về sự bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán mà Thượng viện được báo cáo để mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York thu lợi hàng chục triệu đô la mỗi người. Cả hai đều không nhận làm sai và vụ điều tra đã tạm thời bị đình chỉ nhưng phía đảng Dân chủ vẫn nhắc lại để vận động cử tri không bầu cho những người này.

Hai ứng cử viên Dân chủ Ossoff và Warnock đều lên tiếng ủng hộ đường lối của Tổng thống đắc cử Joe Biden, nhất là trong lĩnh vực chính sách y tế và kiểm soát đại dịch Covid-19. Nhưng cả hai ông đều bị đối thủ Cộng hòa cáo buộc là những người “cấp tiến”, theo chủ nghĩa xã hội, thậm chí họ đưa ra những thông tin không thể kiểm chứng như nói mục sư Warnock từng mời Chủ tịch đảng Cộng sản Cuba Fidel Castro (đã chết năm 2016) tới nói chuyện tại nhà thờ của mình trong thập niên 1990, dù khi đó ông Warnock chỉ mới là một mục sư trẻ, chưa có vai vế để mời một chính trị gia như vậy.

Như đã nói trên, trong cuộc tổng tuyển cử ngày 03-11, hai ứng cử viên Cộng hòa giành được nhiều phiếu hơn đối thủ Dân chủ, ông Purdue thậm chí còn giành được nhiều hơn ông Ossoff tới 88.000 phiếu. Và đây là lý do để phía Cộng hòa lạc quan rằng họ sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ sung sắp tới.

Thế nhưng những diễn biến lộn xộn từ sau cuộc bầu cử 03-11 đến nay, xoay quanh việc ông Trump từ chối công nhận thất bại và liên tục tấn công vào tính liêm chính của cuộc tổng tuyển cử, cũng như tính chất quan trọng bất ngờ của cuộc bầu cử bổ sung sắp tới, đã làm cho cử tri cả hai phía thận trọng hơn và không đảng nào dám đoan chắc về thắng lợi cuối cùng trong một cuộc đấu gay cấn đầy kịch tính.

Theo một cuộc khảo sát mới đây của SurveyUSA, thực hiện trong tuần trước (từ 16-21/12) với 800 cử tri được hỏi ý kiến, ở cuộc đấu thứ nhất ông Ossoff (DC) đang dẫn trước ông Purdue (CH) 5 điểm phần trăm, còn ông Warnock (DC) dẫn trước bà Loeffler (CH) 7 điểm phần trăm.

Một căn cứ quan trọng để dự đoán kết quả bầu cử là số tiền đóng góp vào quỹ tranh cử của hai ứng cử viên Dân chủ đã vượt xa các đối thủ Cộng hòa. Báo The Washington Post dẫn số liệu từ Ủy ban Bầu cử Liên bang (Federal Election Commission, FEC) công bố hôm thứ Năm vừa qua cho biết, trong hai tháng từ 15-10 đến 16-12, ứng cử viên Dân chủ Jon Ossoff nhận được 107 triệu USD trong khi ứng cử viên Cộng hòa David Purdue nhận được 68 triệu USD; tương tự mục sư Raphael Warnock nhận được 103 triệu USD còn ứng cử viên Kelly Loeffler nhận được 64 triệu USD.

Đáng chú ý là tiền đóng góp quỹ tranh cử cho thấy cử tri ủng hộ đảng Dân chủ phần lớn là “người nghèo”, chiếm số đông trong xã hội, hơn một nửa số tiền đóng góp cho hai ứng cử viên Dân chủ là những khoản tài trợ dưới 200 đô la mỗi khoản. Trong khi đó tiền ủng hộ đảng Cộng hòa phần lớn là từ những tổ chức vận động chính trị gọi là SuperPAC và các tổ chức phi chính phủ; con số đóng góp dưới 200 USD chỉ chiếm 29% ở quỹ tranh cử của bà Loeffler và 25% ở quỹ của ông Purdue. 

Các tổ chức chính trị và ban tranh cử của bốn ứng cử viên đã chi ra 468 triệu USD để mua quảng cáo và vận động cử tri, theo số liệu của AdImpact, được Washington Post dẫn lại.

*

Ngoài việc vận động đóng góp tiền bạc từ các thành phần dân chúng, cả hai đảng đều đã cử những chính trị gia cao cấp nhất tới Georgia để vận động cho ứng cử viên của đảng mình, với những hiệu quả khác nhau. Tổng thống Donald Trump đã đến Georgia ngay đầu tháng 12 nhưng cuộc vận động của ông chủ yếu tố cáo đảng Dân chủ gian lận bầu cử, khẳng định “thắng lợi bị đánh cắp” của ông. Những cộng sự của ông Trump nhân cơ hội đó lên tiếng kêu gọi cử tri Georgia “tẩy chay” (boycott) cuộc bầu cử bổ sung vì cho rằng việc tổ chức bầu cử ở Georgia “bị bóp méo” dẫn tới việc ông Trump bị thất cử. Mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ đảng Cộng hòa khi hai ứng cử viên thượng nghị sĩ ra mặt chống đối thống đốc và bộ trưởng hành chính tiểu bang, cũng của đảng Cộng hòa, đã đẩy cử tri của đảng này ở Georgia vào tình thế khó xử.

Tại cuộc vận động ở Valdosta, Georgia hôm 6-12 ông Trump đã phải xoa dịu tình hình, ông kêu gọi cử tri Cộng hòa đi bỏ phiếu để không bị rơi vào cái bẫy của các nhà lãnh đạo Dân chủ là bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện và ông C. Schumer, lãnh đạo khối thiểu số Thượng viện. “Câu trả lời cho trò lừa đảo của Dân chủ là không ở nhà. Ở nhà không đi bầu là việc mà Nancy Pelosi và Chuck Schumer muốn các bạn làm,” ông Trump nói với các ủng hộ viên tại Valdosta.

Phía đảng Dân chủ, các ông bà Joe Biden, Kamala Harris và cả cựu tổng thống Barack Obama cũng đã đến Georgia, vận động cử tri bỏ phiếu cho hai ứng cử viên Dân chủ. “Các bạn đã làm điều phi thường hồi tháng 11. Các bạn đã đi bầu đông kỷ lục. Các bạn bỏ phiếu để cải thiện cuộc sống của mọi người dân Georgia, và các bạn đi bầu cứ như cuộc đời bạn phụ thuộc vào đó. Giờ đây các bạn hãy làm lại điều đó trong ngày 5 tháng 1; các bạn hãy đi bầu với con số kỷ lục một lần nữa,” ông Biden nói.

Cho đến giữa tháng 12, đã có 69% cử tri Cộng hòa cho biết họ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử bổ sung, con số này ở đảng Dân chủ là 84%, theo một cuộc thăm dò của đài Fox News.

Nếu coi kết quả thăm dò dư luận trước bầu cử của Fox News và SurveyUSA là những thông tin tin cậy được, và coi tiền đóng góp tranh cử là một dữ liệu tham khảo quan trọng thì đã có thể đoán biết được phần nào kết quả cuộc đua gay cấn và đầy kịch tính sắp diễn ra ở Georgia. Tất cả chỉ còn chờ vào sự lựa chọn cuối cùng của cử tri trong một cuộc bầu cử địa phương nhưng có tầm quốc gia và quốc tế.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: