Little Saigon ở Quận Cam, California, tự hào là nơi tập trung đông người Việt nhất bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nơi này đang trở thành chiến địa của ứng cử viên Jay Chen-đại diện Dân chủ, người đang muốn lật ghế của nghị sĩ đương nhiệm Michelle Steel-đại diện Cộng hòa.
___________
–Cuộc bầu cử giữa kỳ và những lời nói dối
–Sức nóng Tháng Mười Một: Cuộc chiến “ác liệt” của Nancy Pelosi
–Khi Cộng hòa lẫn Dân chủ giành lá phiếu người Mỹ gốc Á
___________
Một ngày Tháng Chín, Jay Chen, trong bộ quân phục Lực lượng Dự bị Hải quân Hoa Kỳ, đến thăm Bảo tàng Việt Nam Cộng Hòa, nơi lưu giữ hiện vật của các cựu binh và thuyền nhân tị nạn. Các ứng cử viên như Jay Chen tranh cử ở một nơi như Little Saiogn không thể không có mặt ở những địa điểm nổi bật trong cộng đồng như vậy.
Họ nhận thức rõ rằng người Mỹ gốc Việt đang là khối bỏ phiếu người Mỹ gốc Á lớn nhất trong khu vực, một khu vực bầu cử có thể đảo chiều kết quả bầu cử. Trong khu vực bầu cử 54 (gọi là “CA-45” – gồm Artesia, Cerritos, Cypress, Fountain Valley, Midway City, Westminster, Garden Grove…) mà Chen đang tranh cử, người Mỹ gốc Việt chiếm đến 16% tổng số cử tri. Các nhóm người Mỹ gốc Á quan trọng khác trong khu vực bao gồm người gốc Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ – cùng chiếm một phần ba tổng số cử tri đăng ký.
Jay Chen là người Mỹ gốc Đài Loan. Anh đang tranh cử với Michelle Steel, người Mỹ gốc Hàn. Cục diện cho thấy đây thật sự là vấn đề chính trị truyền thống của California: Giữa người nhập cư và người lai, nơi chủng tộc và bản sắc chính trị gặp nhau.
Cuộc chiến ở Quận Cam cũng cho thấy sự phức tạp đối với lá phiếu của người Mỹ gốc Á. Nó đang trở thành một trong những cuộc đua Quốc hội được theo dõi chặt chẽ nhất trong mùa bầu cử năm nay và có khả năng sẽ kích hoạt sự suy nghĩ lại đối với các chính trị gia về cách thức truyền thống mà họ khảo sát người Mỹ gốc Á. Trên toàn quốc, người Mỹ gốc Á là một trong những nhóm cử tri phát triển nhanh nhất Hoa Kỳ, với số cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục vào năm 2020.
Với nhóm này, họ dĩ nhiên quan tâm các vấn đề quốc nội, như hầu hết cử tri Mỹ nói chung. Tuy nhiên, họ còn đặc biệt quan tâm đến chính sách đối ngoại, đặc biệt đối với nhóm cử tri thế hệ thứ nhất.
Yếu tố chống Cộng
Sự lựa chọn chính trị trong lá phiếu của người nhập cư gần như luôn dính dáng đến những vấn đề liên quan đất nước quê hương họ. Long Bùi, giáo sư khoa học chính trị tại UC Irvine, người chuyên nghiên cứu về người Mỹ gốc Á, giải thích (dẫn lại từ NPR): “Trung Quốc tiếp tục là vấn đề quan trọng đối với cử tri người Mỹ gốc Việt”. Người Việt nói chung luôn phẫn nộ trước sự tự tung tự tác của Trung Quốc ở biển Đông, cũng như sự hèn hạ của chính quyền cộng sản Việt Nam trước Bắc Kinh.
Một cách tổng quát, đối với những người Mỹ gốc Á từng rời bỏ các quốc gia độc tài, họ thường có khuynh hướng tin tưởng vào đảng chính trị nào ở Mỹ mà họ tin rằng có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với các quốc gia phi dân chủ. “Cộng đồng người Mỹ gốc Việt thực sự chú ý đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với sự bành trướng của Cộng sản Trung Quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi luôn chống Cộng mạnh mẽ” – phát biểu của Trí Tạ, Thị trưởng Westminster thuộc Đảng Cộng hòa, người ủng hộ chiến dịch tranh cử của Michelle Steel.
Nhìn chung, các ứng cử viên tranh cử tại Quận Cam trước nay thường luôn khai thác yếu tố chống cộng và chống Trung Quốc của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Tuy nhiên, bức tranh phức tạp hơn được tưởng. Trong cuộc bầu cử năm 2020, 2/3 người Mỹ gốc Á đã bỏ phiếu cho Joe Biden. Donald Trump bị đẩy ra rìa khi thể hiện luận điệu gián tiếp chống người Mỹ gốc Á, đặc biệt thái độ của ông ta trong đại dịch COVID-19. Dù vậy, cũng trong cùng cuộc bầu cử 2020, Cộng hòa (GOP) lại giật được hai ghế ở California, lật đổ những người đương nhiệm của đảng Dân chủ. Hai phụ nữ Mỹ gốc Á từ Quận Cam đã giành chiến thắng là Michelle Steel và Young Kim.
Trong Quốc hội, Michelle Steel hiện ngồi trong Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (Congressional Executive Commission on China), cơ quan giám sát các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc; trong khi Young Kim (với tư cách nghị sĩ Quốc hội) đưa ra các dự luật như Đạo luật DICTATOR (DICTATOR Act), kêu gọi điều tra sự hỗ trợ tiềm năng của Trung Quốc dành cho Nga trong việc tránh các lệnh trừng phạt liên quan cuộc chiến Ukraine.
Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) đã mở một văn phòng tại Little Saigon vào năm ngoái. Nainoa Johsens, Giám đốc Truyền thông Người Mỹ gốc Châu Á Thái Bình Dương tại RNC cho biết: “RNC đã đầu tư hàng triệu đôla để xây dựng gắn kết với người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương. Chúng tôi đang bám rễ sâu vào cộng đồng, trò chuyện với người dân và giành được phiếu”.
Theo AAPIData, sự ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ đã giảm khoảng 10 điểm phần trăm kể từ năm 2020, mặc dù người Mỹ gốc Á vẫn nghiêng về Đảng Dân chủ. Trong khi kinh tế, giáo dục và tội phạm là vài vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng, phần lớn những người được thăm dò ý kiến cho biết chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ là “rất quan trọng” hoặc “cực kỳ quan trọng” đối với họ, và các cử tri người Mỹ gốc Á vẫn chia rẽ trong quan điểm rằng đảng nào (Dân chủ/Cộng hòa) làm tốt hơn về hai vấn đề này.
Jay Chen đối đầu Michelle Steel
Trong khu vực bầu cử CA-45, điều đó có nghĩa ứng cử viên phải khai thác tối đa tâm lý chống Cộng của những người Mỹ gốc Việt. Mới đây, Michelle Steel đã gửi thư đến các cử tri Little Saigon, nói rằng Chen có thiện cảm với Trung Quốc và là “dân Cộng sản”. Lời “tố cáo” được gửi kèm bức ảnh ngụy tạo chụp Jay Chen cầm bản Tuyên ngôn Cộng sản. Nhóm chiến dịch tranh cử của Michelle Steel còn nói rằng, một thập niên trước, khi có chân trong hội đồng trường học địa phương, Jay Chen đã làm việc với Viện Khổng Tử…
Chen phản đòn khi chỉ ra rằng Michelle Steel đã bỏ phiếu chống lại Đạo luật CHIPS (CHIPS Act), liên quan chương trình đầu tư trị giá hàng tỷ đôla của chính phủ Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ để cản trở tham vọng vươn lên đè Mỹ trên lĩnh vực kỹ thuật của Trung Quốc. Và Steel không “lùi bước”. Mới đây bà đương kim nghị sĩ này phát sóng một video trong đó hai diễn viên đóng vai điệp viên Trung Quốc nói rằng Chen là “một người trong chúng ta.” Video này bị phản ứng dữ dội từ cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Cần nhấn mạnh thêm, đối với người Mỹ gốc Á trẻ hơn, cái gọi là “chính trị quê hương” (“homeland politics”) thật ra không đóng vai trò nào trong các quyết định bầu cử của họ. Nhóm này quan tâm đến các vấn đề xã hội phổ biến ở Mỹ chẳng hạn phá thai và chống phân biệt chủng tộc.
___________
–Cuộc bầu cử giữa kỳ và những lời nói dối
–Sức nóng Tháng Mười Một: Cuộc chiến “ác liệt” của Nancy Pelosi
–Khi Cộng hòa lẫn Dân chủ giành lá phiếu người Mỹ gốc Á
___________