Các tài liệu chứa rất nhiều thông tin về quân đội Ukraine, Nga và gồm các phân tích rất nhạy cảm về Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Bộ Tư pháp vào cuộc
“Tài liệu Ngũ Giác Đài bị lộ trình bày chi tiết khả năng chiến đấu và các lỗ hổng tiềm ẩn của quân đội Ukraine cũng như những nỗ lực rộng rãi của NATO nhằm giúp đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga” – Bộ Tư pháp nêu, trong buổi họp báo ngày 7 Tháng Tư sau khi bắt tay vào việc điều tra vụ rò rỉ nghiêm trọng này. Chính phủ Mỹ cũng đang cố để xác định làm thế nào các tài liệu nhạy cảm lại bị phát tán lên mạng và Kremlin có thể khai thác những gì.
Trong một tuyên bố, Bộ Tư pháp cho biết đã liên lạc với Ngũ Giác Đài và cuộc điều tra đã được mở nhưng không bình luận gì thêm. Cuộc điều tra được tiến hành sau khi các quan chức cấp cao của Mỹ nhận ra phạm vi tài liệu bị rò rỉ rộng hơn nhiều so với ước tính ban đầu.
Đầu ngày thứ Sáu 7 Tháng Tư 2023, tờ The Washington Post đã có hàng chục bức ảnh có vẻ chụp lại các tài liệu mật được biên soạn từ cuối Tháng Hai đến đầu Tháng Ba mà nội dung đề cập đến các cuộc họp báo tình báo quan trọng, những cập nhật chiến trường cấp chiến thuật và các đánh giá về khả năng phòng thủ của Ukraine. Chúng phác thảo khả năng của quân đội Ukraine và Nga kèm theo phân tích sâu của Mỹ về Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Các tài liệu mật đưa lên mạng có nhãn “Bí mật” hoặc “Tối mật” xuất hiện đầu tiên trên Discord, một nền tảng trò chuyện phổ biến của những người chơi game online. Đến thứ Tư, 5 Tháng Tư một số tài liệu đã bắt đầu lan truyền trên bảng tin trực tuyến ẩn danh 4chan và sau đó là ít nhất hai nền tảng truyền thông xã hội phổ biến Telegram và Twitter.
Một ảnh chụp tài liệu thống kê thương vong trên chiến trường cho thấy số binh sĩ Nga thiệt mạng thấp hơn nhiều so với những gì Ngũ Giác Đài công bố. Một ảnh chụp khác lại cho thấy con số thương vong của Nga cao hơn. Vì các tài liệu lộ mật cũng đề cập đến các nguồn tin và phương pháp tối mật mà tình báo Mỹ sử dụng để thu thập thông tin nên các quan chức an ninh Mỹ phải gấp rút lên tiếng báo động.
Người phát ngôn Sabrina Singh của Ngũ Giác Đài cho biết trong một tuyên bố ngắn: “Ngũ Giác Đài đã chuyển vụ việc lên Bộ Tư pháp. Vấn đề đang được xem xét”. Nhưng bà từ chối trả lời khi nào các quan chức mới biết về vụ rò rỉ và chính quyền Biden đánh giá thế nào về tác hại. Một quan chức quốc phòng giấu tên nói:
“Nhiều tài liệu dường như được chuẩn bị trong suốt mùa Đông cho Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và các quan chức quân sự cấp cao khác. Tuy nhiên, nhiều nhân viên và nhân viên hợp đồng khác cũng truy cập dễ dàng nếu có giấy phép an ninh thích hợp. Không rõ ai phát tán các tài liệu này lên mạng, nhưng có đến hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn nhân viên Ngũ Giác Đài có đủ tiêu chuẩn truy cập vào những tài liệu mật trên”.
Các quan chức Mỹ cho biết nhiều tài liệu bị rò rỉ không phải là giả mạo và có định dạng phù hợp với các báo cáo Đánh giá Tình báo Thế giới của CIA (CIA World Intelligence Review) được lưu hành ở cấp cao trong Toà Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao.
Làm phá sản kế hoạch phản công vào mùa Xuân của Ukraine?
Vụ rò rỉ, được tờ The New York Times đưa tin đầu tiên, xảy ra ngay vào lúc Mỹ và NATO mở rộng hoạt động trang bị và huấn luyện các đơn vị Ukraine cho một cuộc tấn công dự kiến vào mùa Xuân nhằm giành lại những phần lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở phía Đông và phía Nam. Vì vậy có mối lo ngại thông tin bị lộ sẽ làm phức tạp kế hoạch đó.
Các tài liệu tiết lộ số lượng vũ khí quân sự phương Tây và những thiết bị đã và sắp đến chiến trường, bao nhiêu binh sĩ Ukraine được huấn luyện để sử dụng chúng và cách Ukraine dàn trận phòng thủ trên không để ngăn chặn một cuộc tấn công của tên lửa Nga. Một tiết lộ nhạy cảm khác cho biết việc tiếp tế đạn 155mm cho các khẩu pháo do NATO cung cấp trở nên quá chậm khiến Ukraine có nguy cơ hết đạn nếu các lô đạn mới không đến kịp (Ngũ Giác Đài không tiết lộ công khai chi tiết mà chỉ nói lấp lửng về số đạn pháo cung cấp).
Các tài liệu cũng có cả đánh giá về chiến trường, đặc biệt là thị trấn Bakhmut, nơi các lực lượng Nga và Ukraine đang rơi vào thế bế tắc suốt nhiều tháng khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Dmitri Alperovitch, Chủ tịch của Silverado Policy Accelerator, nhận định: “Dù số tài liệu rò rỉ không chứa các kế hoạch chiến đấu cụ thể, nhưng cực kỳ hữu ích đối với Kremlin về tư duy chiến lược. Nó thực sự chứa thông tin chiến đấu lớp lang và chi tiết mà các đơn vị sẽ tham gia cuộc phản công sắp tới; từ nhân lực, trang thiết bị đến trình độ huấn luyện. Những chi tiết này rất hữu ích cho chiến thuật phòng thủ của Nga”.
Không chỉ ảnh hưởng đến Ukraine và thuyết âm mưu
Các tài liệu lộ mật dường như được rút ra từ nhiều báo cáo tình báo của các cơ quan khác nhau, không chỉ về Ukraine mà còn nhiều vấn đề khác. Ví dụ, hai trang được cho là “Cập nhật tình báo của Trung tâm hành quân CIA” (CIA Operations Center Intelligence Update) gồm thông tin về các sự kiện liên quan đến Nga, Hungary và Iran.
Rachel E. VanLandingham, cựu luật sư của Không lực Mỹ và chuyên gia về luật quân sự, nhận định: “Bất cứ ai chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ đều phải nhận trách nhiệm xứng đáng. Những vi phạm như thế được xem là một trong những tội ác nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ”.
Hình ảnh của các tài liệu mà The Post có dường như đều đến từ cùng một nguồn. Mỗi trang được in ra trước khi chụp ảnh và đều được gấp làm bốn. Theo Glenn Gerstell, cựu Cố vấn trưởng Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), các tài liệu mật chỉ có thể được in từ máy tính trong một cơ sở an toàn, nơi mỗi thao tác đều được ghi lại bằng điện tử. Ông nói: “Xác định các tài liệu đã được in sẽ thu hẹp đáng kể phạm vi cuộc điều tra. Nhưng ngay cả khi giả sử chúng được in cũng không có nghĩa người in chúng phải chịu trách nhiệm rò rỉ. Có thể người in giữ chúng ở một nơi an toàn nhưng một số ‘nhân viên gián điệp’ hoặc người không được ủy quyền tìm cách tiếp cận và chụp ảnh chúng. Thậm chí chúng bị bỏ quên ở đâu đó một cách cẩu thả!”.
Trước đây, các nhân viên và nhà thầu quốc phòng của chính phủ Mỹ từng phải đối mặt với bản án ngồi tù nhiều năm vì xử lý sai thông tin mật. Trong một vụ án nổi tiếng năm 2018, Reality Winner, một cựu sĩ quan Không lực trước khi trở thành nhà thầu của NSA, đã nhận trọng tội khi chuyển giao bất hợp pháp thông tin quốc phòng và lãnh án 5 năm 3 tháng tù. Bà đã chuyển cho một hãng tin báo cáo về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ vào năm 2016. Ở vụ rò rỉ mới, thuyết âm mưu cũng xuất hiện trong các quan chức của cả Nga lẫn Ukraine. Bên này cáo buộc bên kia cố ý tạo ra hay thổi phồng vụ việc để đánh lừa bên kia.
Mykhailo Podolyak, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trên Telegram: “Nga đang tìm mọi cách tung hoả mù gây hại cho kế hoạch phản công của Ukraine. Đây là chiêu trò quen thuộc của tình báo Nga. Nhưng kế hoạch phản công thực sự của Ukraine vẫn an toàn”. Grey Zone, một kênh Telegram phổ biến do nhóm lính đánh thuê Wagner Nga quản lý lại có thuyết âm mưu khác: “Các tài liệu mật này thực ra là thông tin giả được tình báo phương Tây phát tán để làm cho ban lãnh đạo của chúng tôi lúng túng về cuộc tấn công sắp tới”.
_____________