Chiến dịch giải cứu tập thể ngân hàng thứ ba của Mỹ

Tổng hành dinh First Republic Bank tại San Francisco, California (ảnh: Tayfun Coskun/Anadolu Agency via Getty Images)

Mười một ngân hàng Mỹ gửi $30 tỷ vào First Republic Bank (First Republic) để cứu ngân hàng này. Thoả thuận cấp cứu đạt được là một nỗ lực phi thường nhằm bảo vệ toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ khỏi sự hoảng loạn lan rộng bằng cách biến First Republic thành “bức tường lửa” ngăn chặn những sụp đổ tiếp theo.

Suýt trở thành ngân hàng thứ ba bị vỡ nợ

Các nhà quản lý cho biết động thái nhanh chóng của JPMorgan và những ngân hàng lớn khác thể hiện khả năng phục hồi hệ thống ngân hàng nhiều hơn mọi người tưởng.

Các ngân hàng lớn nhất ở Mỹ đã lao vào giải cứu First Republic với số tiền mặt $30 tỷ trong nỗ lực ngăn chặn sự hoảng loạn rút tiền lan rộng sau hai vụ phá sản ngân hàng gần đây. Khoản tiền này đã giúp duy trì khả năng thanh toán của First Republic và tạo niềm tin. Các giám đốc điều hành (CEO) của các ngân hàng lớn đã họp trong những ngày gần đây để xây dựng kế hoạch giữ vững hệ thống ngân hàng Mỹ và bàn bạc với Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cùng các cơ quan quản lý khác ở Washington, D.C.

Mỗi trong bốn ngân hàng JPMorgan Chase, Citigroup Inc., Bank of America Corp và Wells Fargo & Co đã gửi khoản tiền (không có bảo hiểm) trị giá $5 tỷ vào First Republic.

Morgan Stanley và Goldman Sachs Group Inc đóng góp $2.5 tỷ mỗi ngân hàng, trong khi năm ngân hàng khác (U.S. Bancorp, PNC Financial Services Group Inc, Truist Financial Corp, Bank of New York Mellon Corp và State Street Corp) đóng góp $1 tỷ mỗi ngân hàng.

Trong tuần qua, sau khi SVB và Signature Bank sụp đổ, các ngân hàng lớn bất ngờ nhận được hàng tỷ đôla tiền gửi của những ngân hàng hạng bậc trung “mất tinh thần”, gồm cả First Republic. Nay JPMorgan và những ngân hàng hưởng lợi quyết định gửi lại một số tiền huy động được cho First Republic để cứu nó. Các khoản tiền gửi lại không kèm bất kỳ thỏa thuận đặc biệt nào và quyền lợi cũng giống những người gửi tiền khác của First Republic.

Việc chuyển một số tiền mặt lớn cho First Republic đã giúp ngân hàng này giải quyết các khó khăn tức thời về thanh khoản khi giá cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh và những người gửi rút tháo tiền. Nhưng điều đó không có nghĩa là ngân hàng hết chật vật trong môi trường kinh doanh khó khăn với lãi suất cao hơn và người gửi tiền nhận ra rủi ro cho số tiền gửi vượt quá hạn mức bảo hiểm. Khách hàng quyết định rút tiền hoặc chia tiền cho nhiều ngân hàng để loại bỏ rủi ro. Có vẻ lời trấn an của bà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong phiên điều trần trước Quốc hội vào tuần trước “người Mỹ có thể an tâm tiền gửi của họ luôn sẵn sàng khi họ cần” là chưa đủ đối với những người có quá nhiều tiền để gửi.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen có quá nhiều việc phải làm trong những ngày gần đây (Chip Somodevilla/Getty Images)

Nỗi sợ hãi vẫn còn

Ngày 14 Tháng Ba, bà Yellen bắt đầu nói chuyện với CEO JPMorgan Jamie Dimon về nỗ lực cứu First Republic. Bà cũng thảo luận với CEO một số ngân hàng khác và gặp CEO JPMorgan Jamie Dimon tại Bộ Tài chính vào chiều 16 Tháng Ba.

Tính chung, cổ phiếu của First Republic đã giảm hơn 60% trước khi cấp cứu, trong khi vốn hóa thị trường của nó giảm từ $21 tỷ vào ngày 8 Tháng Ba lúc SVB sụp đổ, xuống còn dưới $5 tỷ. Thất bại của SVB đã làm dấy lên mối lo ngại của người gửi đối với các ngân hàng có khoản tiền gửi không được bảo hiểm lớn.

First Republic phục vụ cho nhóm khách hàng Vùng Vịnh (Bay Area) ở tiểu bang California giống như SVB. Nghe tin SVB sụp đổ, khách hàng hốt hoảng rút hàng tỷ đôla tiền gửi khiến ngân hàng phải tìm cách ngăn chặn làn sóng này trong ngày Chủ nhật 12 Tháng Ba bằng khoản cấp cứu lớn từ Fed và JPMorgan, bơm thêm tổng cộng $70 tỷ vào số thanh khoản khả dụng.

Nguồn tiền của Fed đến từ việc sử dụng cửa sổ chiết khấu (discount window, một chương trình cho vay ngắn hạn mà các ngân hàng có thể sử dụng khẩn cấp để tăng thanh khoản và thường được gọi là “người cho vay cần đến cuối cùng”). Ngày 16 Tháng Ba, First Republic cho biết tuần qua đã phải vay tới $109 tỷ của Fed chỉ trong một đêm!

Hiện tiền gửi được bảo hiểm vẫn ổn định và dòng tiền rút ra đã chậm lại đáng kể. Cổ phiếu của First Republic tăng lại 10% vào sáng 16 Tháng Ba, đảo ngược sự sụt giảm trước đó. Nhưng xếp hạng toàn cầu của S&P vào thứ Tư đã hạ cấp các trái phiếu (bond) của ngân hàng xuống tình trạng rác (junk status) và các nhà đầu tư tiếp tục bán ra, làm tăng thêm sự không chắc chắn.

Tình hình diễn biến nhanh gợi nhớ đến kịch tính của hệ thống ngân hàng Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi Dimon của JPMorgan mua Bear Stearns và sau đó là Washington Mutual. Nhưng sau khi xảy ra các vụ kiện tụng, thua lỗ và áp lực chính trị, ông thề sẽ không bao giờ tham gia thỏa thuận giải cứu do chính phủ lãnh đạo nữa.

First Republic Bank trên màn hình trong sàn chứng khoán New York Stock Exchange (NYSE) ngày 16 Tháng Ba 2023. Giá cổ phiếu nói chung đã giảm vào phiên giao dịch sáng khi các nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về sự ổn định của hệ thống ngân hàng toàn cầu trước vụ sụp đổ Silicon Valley Bank (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

First Republic từng là “giấc mơ” của các ngân hàng bậc trung

Hoạt động kinh doanh và định giá thị trường chứng khoán của First Republic từ lâu đã dẫn đến… sự ghen tị của ngành ngân hàng. Khách hàng của họ là những cá nhân và doanh nghiệp giàu có, chủ yếu ở ven biển. Doanh thu kinh doanh cho vay của ngân hàng xoay quanh việc thực hiện các khoản thế chấp khổng lồ cho những khách hàng như Mark Zuckerberg của Facebook.

Rất ít trong số những khoản vay đó từng khó đòi. Ngân hàng có khoảng $213 tỷ tài sản (asset) và $176 tỷ tiền gửi (deposit) tính đến cuối năm 2022. Lợi nhuận của First Republic tăng khá vào năm 2022, nhưng việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ đã gây hậu quả ngoài dự đoán. Những khách hàng giàu có tỏ vẻ không hài lòng với việc để những khoản tiền khổng lồ trong tài khoản ngân hàng mà không sinh lãi.

Trước đây, hệ thống ngân hàng Mỹ từng cố gắng hợp tác với nhau trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng mang lại nhiều kết quả khác nhau. Năm 1998, quỹ phòng hộ (hedge fund) Long-Term Capital Management thua lỗ nặng nề và hầu hết ngân hàng lớn nhất đều đồng ý bảo lãnh cho quỹ này vì lo ngại rủi ro cho chính họ.

Năm 2008, CEO của quỹ đã thử một cách tiếp cận tương tự để giải cứu Lehman Brothers nhưng không đi tới thỏa thuận nào. Họ cũng thực hiện các bước ít kịch tính hơn để củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính. Đầu năm 2020, khi đại dịch hoành hành, tất cả các ngân hàng lớn nhất bất ngờ tuyên bố sẽ vay từ cửa sổ chiết khấu của Fed.

Họ không cần tiền, nhưng muốn giảm bớt sự kỳ thị vay mượn (borrowing stigma) đối với các ngân hàng lớn. Sau những thất bại của SVB và Signature Bank, nỗi sợ hãi ai có thể là nạn nhân tiếp theo đã tăng lên. Sự lo lắng cũng lan rộng khắp thế giới. Tập đoàn Credit Suisse Group AG, phạm một loạt sai lầm dẫn sự tháo chạy của nhiều khách hàng đã buộc phải bảo đảm một khoản cứu trợ hơn $50 tỷ vào ngày thứ Tư 16 Tháng Ba từ ngân hàng trung ương sau khi giá cổ phiếu giảm xuống mức thấp kỷ lục, Wall Street Journal cho biết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: