Cộng đồng Houston thoát khỏi ‘thế chiến thứ ba’, tình người ở lại

Bài và ảnh: KALYNH NGO

HOUSTON, Texas – Khi bà Kim Phụng bước ra khỏi xe, bà cởi chiếc áo khoác, cất vào trong, sau đó mới đi đến nơi để những chiếc xe đẩy siêu thị. Bà là một trong hàng ngàn người dân Houston đi chợ Hong Kong Mall toạ lạc trên Đại Lộ Danh Vọng – Bellaire Bldv hôm nay. Ngoài trời gần 80 độ F.

Khó mà hình dung, chỉ mới tuần lễ trước, con đường Bellarie Blvd trống trải, im lặng, lạnh lẽo, và cả nguy hiểm. Hong Kong Mall sầm uất nhất khu vực này phải đóng cửa vì không có điện. Người dân không thể ra đường vì thời tiết lạnh dưới âm độ C. Đường xá đóng băng, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thế mà, hôm nay, tất cả dấu vết của một trận thiên tai bất ngờ làm cho Texas không trở tay kịp đã hoàn toàn biến mất.

Như bao người khác đi vào siêu thị Hong Kong hôm nay, bà Kim Phụng mua nhiều thực phẩm, với lý do: “Gần một tuần lễ ăn đồ lạnh, ngủ không được, lo lắng nhà cửa. Tuần này tôi nấu nhiều món ăn nóng, ngon cho gia đình.” Nhà của bà Phụng là một trong hàng triệu nhà khác ở Houston bị mất điện, nước gần ba ngày trong tuần qua. May mắn, nhà của bà không bị bể ống nước – một ảnh hưởng không nhỏ của khí hậu lạnh kỷ lục ở Texas tuần qua.

Ông Minh Nguyễn, chủ tiệm bánh mì cà phê Sài Gòn Phố trong khu thương mại Nha Trang Plaza, khá bận rộn từ khi tiệm của ông mở cửa lại vào ngày Chủ Nhật, 21-2. Ông nói, việc kinh doanh nói chung ở khu vực này đang dần ổn định, nhưng lượng khách vẫn không bằng lúc trước khi có bão. Ông cho rằng: “Vì lúc này, ai cũng phải lo sửa nhà, dọn dẹp.”

Nhận định thêm về tình hình chung của các cơ sở thương mại, ông Minh nói: “Với quan sát của tôi, hôm nay đã bắt đầu trở lại bình thường, nói về việc kinh doanh của các cơ sở thương mại quanh đây. Điện, nước coi như đã cung cấp trở lại 100%. Tuy nhiên, có một trở ngại là nguồn cung cấp tất cả thể loại, nhất là cho các nhà hàng, quán ăn còn bị thiếu, cái có cái không, và lên giá.”

Các mặt hàng như rau, củ, quả vẫn bị thiếu. Theo lời ông kể, có thể những tập đoàn lớn như Walmart, Target, do có nguồn dự trữ hàng hoá nên cuối tuần vừa qua có sữa đển bán cho khách, nhưng hạn chế một người chỉ được hai gallons. Tuy nhiên, đến hôm nay thì đã bán bình thường. Do đó, theo cá nhân ông Minh nghĩ, trở ngại này sẽ “chập chờn” trong tuần lễ này, sau đó sẽ trở lại như trước.

“Những hôm trước ở đây như thế chiến thứ ba, khung cảnh thê thảm. Bây giờ thì đã qua rồi,” ông Minh nói.

Tình người ở lại

Sài Gòn Phố là một trong rất nhiều cơ sở thương mại do người Việt làm chủ đã chủ động “chia ngọt sẻ bùi” với những người khó khăn bất kể màu da, sắc tộc, trong những ngày khó khăn qua. Người Việt Nam có câu “của cho không bằng cách cho.” Ông Minh đã căn dặn những bạn trẻ của Sài Gòn Phố rất kỹ điều ấy. Đó là: “Không từ chối một ai, cho dù họ không ghi danh nhận phần ăn, mình vẫn đưa. Không đủ sẽ tính sau.”

Điều hạnh phúc nhất mà không chỉ ông Minh, còn tất cả nhân viên ở Sài Gòn Phố, và chắc chắn cả những mạnh thường quân khác có được, là “hạnh phúc khi thấy mình mang hạnh phúc cho người khác, dù là nhỏ nhoi.” Ai có thể hạnh phúc hơn người phụ nữ phụ bếp, khi nghe nơi mình làm sẽ phát những phần ăn miễn phí cho người khó khăn, bà nhỏ nhẹ: “Cho tôi góp 50 ổ bánh mì.”

Rất nhiều gia đình ở thành phố Houston nói riêng và Texas nói chung có cùng một tai nạn trong đợt thiên tai vừa qua, đó là bể đường ống nước trong nhà. Theo lời giải thích của anh Hùng Đinh, một thành viên của nhóm HSHT và cũng là admin của trang Facebook HSHT, khi nhiệt độ quá lạnh làm cho nước đông lại thành đá trong đường ống. Nếu người dùng mở vòi nước, lực áp suất tống viên đá đó đi với lực rất mạnh làm cho bể đường ống.

Trong tuần qua, những gia đình bị bể ống nước nhưng không thể tự mình khắc phục thì thông qua Facebook HSHT- nhóm sẽ đến nhà để hỗ trợ, hoàn toàn không lấy phí. Trường hợp nào bị thiệt hại nặng nề, cần phải sửa “nặng” thì giúp “hàn gắn” tạm thời để có nước dùng.

Kể lại, anh Hùng cho biết trường hợp nặng nhất mà nhóm gặp đó là “bể ống nước dẫn đến sụp trần nhà.”

“Nó sụp xuống hết không còn gì là cái trần nữa. Khi đó, phải tắt nguồn nước, dẫn đến không có để dùng. Thêm cái khó nữa, là đôi khi mình thấy nước có chảy ra một chỗ này, mình trám lại, thì nó lại tuôn ra chỗ khác,” anh Hùng nói.

Tuy nhiên, không phải căn nhà nào nhóm cũng có thể sửa được giúp cho bà con. Lý do, theo anh Hùng nói, là vì “nó đã toét hết tất cả các đường ống, không thể nào làm lại được.” Khi cùng một lúc có mấy trăm ngàn căn nhà bị bể ống nước, điều người ta cần làm làm là phải đi mua đồ về sửa. Cung không đáp ứng được cầu đã dẫn đến thiếu nguyên vật liệu. “Do đó, chúng tôi chỉ có thể sửa tạm thời, mang tính ‘dã chiến’ – vài tuần khi thị trường ổn định lại, gia đình đó cần phải gọi những người có ‘license’ để thay hết đường ống nước,” anh Hùng nói.

Hôm nay, nhóm Hiệp Sĩ Houston đã “ai về nghề nấy.” Họ xin được hạn chế “order” sửa chữa vì tất cả mọi người trong nhóm phải đi làm trở lại.

Không chỉ Đại lộ Sài Gòn – Bellaire Boulevard, niềm tự hào của người Việt ở Houston, hôm nay đã trở lại hình ảnh phồn thịnh vốn có của nó, mà những công đường, công viên ở thủ phủ của Houston cũng bừng lại sức sống. Những túi ni-long được dùng để bọc lên các cây to, nhỏ trước sân nhà nhằm tránh rét một tuần trước, nay đã được tháo ra để cây cỏ cùng đón nắng.

Sáng Chủ Nhật, Houston ấm áp với nhiệt độ lý tưởng cho những buổi đi dạo. McGovern Centennial Gardens cũng vì thế mà tấp nập người tản bộ. Bãi cỏ xanh mướt còn đọng lại những giọt sương của cái lạnh còn rơi lại từ đêm hôm trước. Mùi thơm của cỏ ngập tràn trong không khí. Nhiều gia đình thư thả đi tản bộ.Trẻ con chạy nhảy, tha hồ nằm lăn trên mặt cỏ. Có người thì chọn một góc riêng trên thảm cỏ xanh. để đọc sách. Có người vui giỡn với thú cưng. Có người thì rủ nhau ghi lại những hình ảnh đầy sức sống sau một tuần khốn khổ.

Tuy vậy, cũng có nhiều bụi cây, vì không thể chống chọi sau những ngày dài bị đông đá lạnh lẽo, giờ cùng nhau nằm rũ rượi trên mặt đất. Không biết ánh mặt trời những ngày kế tiếp có làm cho chúng đủ sức trỗi dậy lần nữa hay không? Nhưng khu vườn nói chung, là hình ảnh của một Texas đã “hoàn hồn” sau một tuần trong tình trạng “khẩn cấp quốc gia.”

Như người đàn ông gốc Việt ngồi bên cạnh ly cà phê sáng trước quán Sài Gòn Phố đã nói: “Người Việt mình hay lắm. Cho dù thảm hoạ gì thì chén cơm nguội chan nước mắm là cũng qua. Không dễ gục đâu.”

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: