Cuộc đời như tiểu thuyết của người con mang nửa dòng máu Việt

Anh Tuấn Tăng.

Câu chuyện của một người con lai mang nửa dòng máu Việt, không khác gì cuốn tiểu thuyết, với những chi tiết tưởng như tô vẽ, nhưng là chuyện thật.

Sau đây là cuộc trò chuyện với anh Tuấn Tăng – một con người sống với “hai bản ngã,” (E. Dubois) Việt và Mỹ, đã cất giữ lửa tình yêu vượt qua nghịch cảnh và hận thù.

Tuổi thơ “dưới đáy cùng xã hội”

Khánh Phương: Lần đầu dự “tiệc âm nhạc” tại nhà anh, tôi có một cảm giác lạ thường về anh. Không phải sự thành công biểu hiện ở quần thể nhà lớn kiên cố và bắt mắt nằm trên đỉnh đồi cao thơ mộng vùng Reading, Pennsylvania, cách thành phố nơi tôi đang ở chừng 30 dặm. Cũng không phải lòng say mê âm nhạc bộc lộ nơi tiếng trống rộn ràng nhóm lửa những điệu Chachacha hân hoan, twist cuồng dại. Trong nụ cười rộng mở và cái nhìn hơi ánh màu cỏ xanh, vẻ lịch thiệp khiêm nhường anh dành cho tất cả bạn hữu đến dự tiệc, có một khát vọng mà chính anh cũng chưa biết nói thành lời: Khát vọng mang mọi người đến gần nhau, vượt khỏi những rào cản vô hình của định kiến, phong tục, tiếng nói. Tuổi thơ của anh như thế nào?

Tuấn Tăng: Tôi sinh năm 1970 tại thôn Đồng Hạnh, xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Lúc đó tôi là đứa bé sơ sinh mới được 7 ngày tuổi, còn chưa có tên, tóc vàng mắt xanh bị đem bỏ ở chợ Cầu, Đà Nẵng. Nhưng chính ông bà ngoại tôi, xót lòng vì tiếng khóc ngằn ngặt của đứa trẻ vô tội, đã quyết cưu mang thêm một sinh linh, dù lúc đó gia cảnh vô cùng ngặt nghèo với chín đứa con.

Tôi lớn lên trong gia đình bên ngoại mà ngỡ mình là đứa con thứ 10, mặc dầu biết mình không giống như chín người “anh chị em” còn lại. Tôi theo họ của ông ngoại mà tôi ngỡ là bố. Học chưa hết lớp Hai, tôi nghỉ ngang để đi làm kiếm miếng cơm bỏ miệng cho chính mình. Ban ngày đi làm mướn bất cứ công việc gì bà con trong làng xã cần tới. Tối đi buông lưới, thả câu rồi thức đêm vớt lưới, thu câu để sớm mai có tôm cá đội đi chợ bán.

Tuấn Tăng và người bảo trợ. Hình chụp Tháng Sáu 1991. (ảnh do nhân vật cung cấp)

Những nhọc nhằn kiếm sống hay đói khát không phải là điều đáng sợ trong suốt tuổi thơ của tôi mà chính là thân phận bèo bọt của một người thấp kém cùng cực nhất trong gia đình, họ mạc, không được quyền quyết định một việc gì của bản thân mới là nỗi khổ tâm tôi phải đối mặt lúc đầu đời. Oan ức không dám ngẩng mặt. Nhiều khi bị đánh đòn chỉ vì người trong gia đình muốn lấy lòng hàng xóm qua mắng vốn tôi trêu chọc con cháu họ. Nhưng đó không phải những trận đòn roi bình thường mà một đứa trẻ có thể phải gánh chịu.

Những trận đòn “nứt thịt, đau không thở được” từ người mà sau này tôi biết là cậu ruột của mình đã cho tôi hiểu thân phận mình chỉ là cái gai trong mắt (kể cả) người ruột thịt, kẻ “dám” giành đi một phần ăn trong cái đời sống vốn đã vô cùng khốn khó, một sinh linh không được bất kỳ ai chờ đón, ngoại trừ để trút nỗi giận dữ của một đời sống đã quá nhiều khổ ải và bất an.

Tôi vẫn còn nhớ một sáng Mồng Một Tết Âm lịch, bàn thờ ông bà ở nhà ngoại với mâm trái cây nhang đèn bỗng nhiên đổ sụp. Không cần truy xét lý do, tôi bị xem là nguyên nhân vì tội “ăn vụng”. Sau đó là trận đòn thừa sống thiếu chết và hình phạt quỳ trên gai mít, hai tay cầm hai miếng xơ mít giơ cao trên đầu, vì mỏi mà trót hạ xuống sẽ tiếp tục bị đánh. Mình mẩy tôi hầu như thâm đen những vết roi như những con đỉa ngày này qua ngày khác, một chân bị yếu hơn chân kia là vết tích của những trận đòn tàn nhẫn phạm cả vào gân chân, khi chỉ là một đứa trẻ.

Vâng, cảm ơn anh đã tâm sự những điều không dễ dàng bộc lộ. Theo tôi thấy, làng quê Việt bị vây kín bởi lề thói gia trưởng, “quyền huynh thế phụ” cho đến tận những năm 1970 đã không dung thứ một đứa trẻ vô tội mà sự có mặt của nó là bằng chứng nỗi hổ thẹn của phối ngẫu dị chủng, đứa con lạc loài của một chủng tộc khác. Sự phân biệt và kỳ thị càng lớn dần và được xem là ứng xử chính thức của cộng đồng với đứa con rơi của “kẻ thù” kể từ sau biến cố mất miền Nam. Theo tôi, đó là hai nguyên nhân chính dẫn đến những tổn thương về tình cảm và thể xác mà anh phải chịu đựng khi sống tuổi thơ đau buồn giữa gia đình và cộng đồng. Nhưng có ai là người đã gây ảnh hưởng tốt với anh không?

Tuấn Tăng: Đó là “bố mẹ” mà sau tôi biết là ông bà ngoại. Dù có đòn roi những khi tôi hư thì ông bà ngoại vẫn là những người cưu mang tôi suốt tuổi thơ. Nếu ở hoàn cảnh như ông bà ngoại tôi nghèo khổ với 11 miệng ăn, chắc gì tôi dám làm một việc như vậy?

Mối tình “bí mật” của người cha

Theo tôi được biết thì việc tìm lại những người cha đẻ cũng như tìm con bị thất lạc của các cựu binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam thường ít thành công. Điều gì đã khiến anh có một động lực lớn và lòng kiên nhẫn ít thấy để tìm được cụ ông thân sinh của mình?

Tuấn Tăng: Trước khi tôi lên đường đi định cư Hoa Kỳ theo diện “con lai,” lúc này mẹ tôi, mà trước đó tôi vẫn gọi là Chị Bốn, mới cho tôi biết sự thật về người cha và thân phận thực của tôi. Thú thực tôi cũng khá bị sốc khi biết sự thật về cha mẹ và bản thân. Nhưng tôi có một thói quen đã ngấm vào máu từ khi còn nhỏ là giấu kín những cảm xúc buồn vui, hờn giận, tủi hổ, và chấp nhận hết những gì là số phận. Tôi được biết bố tôi tên là Noёl B. Stoffel vì ông sinh ra vào một đêm Giáng sinh. Ngay khi đặt chân lên trại tị nạn ở Phi (Philippines) và trong suốt sáu, bảy tháng ở đây để học Anh văn, tôi nhắn tin tìm ông qua các tổ chức giúp tìm người như AOM, nhưng không thành công.

Tôi chỉ có một cái tên của ông và biết ông phục vụ ở Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, bên dòng sông Bạch Đằng (anh Tuấn nhầm với bến Bạch Đằng, sông Hàn). Mẹ tôi và ba tôi làm chung sở. Một ngày khi mẹ tôi lái xe Honda vô sở làm thì ba tôi chạy xe Jeep ngược ra. Ba đụng phải mẹ tôi gãy giò và phải mang mẹ tôi đi bệnh viện. Từ đó hai người quen biết và nảy sinh mối quan tâm. Cuối năm 1969, ba tôi được lệnh phải về nước, lúc này mẹ tôi đang có bầu, sắp sinh tôi. Ba tôi sắp xếp kế hoạch để đưa mẹ tôi theo, dù trước khi gặp mẹ tôi, ông đã có một đời vợ và bốn người con đã lớn. Nhưng vì tình hình chiến sự ba tôi phải đi rất gấp, trước khi một góc Tòa lãnh sự bị chủ động đánh sập để giữ một số bí mật, mẹ tôi đã không đi theo được.

Bài báo tuyên dương cụ ông Noel B. Stoffel, cha của anh Tuấn. (ảnh do nhân vật cung cấp)

Tôi chưa bao giờ quên khát vọng tìm kiếm nguồn gốc họ nội của mình. Vì đâu tôi được đến với cuộc đời này? Nguồn gốc của tôi đẹp hay không đẹp? Dù mang nguồn gốc gì đi chăng nữa thì tôi cũng dành cho cha mình rất nhiều tình yêu. Cũng nhờ may mắn, tôi đã tìm thấy cha ruột và luôn tự hào vì những gì ông đã làm khi phục vụ trong nhà binh cũng như khi ra quân.

-Anh vừa cho tôi biết một điều sâu sắc là khởi đầu của mọi mối quan hệ và sự ra đời của một con người bao giờ cũng là tình yêu, cho dù tình yêu đó phải bị thử thách bằng nghịch cảnh và có những người đã không vượt qua được nghịch cảnh. Xin anh cho biết bằng cách nào anh liên lạc được cha mình?

Tuấn Tăng: Khi đặt chân tới đất Mỹ vào ngày 12 Tháng Sáu năm 1991, tôi vẫn tiếp tục nhờ các tổ chức xã hội tìm tin tức cha tôi, nhưng tất cả những gì mọi người thông báo cho tôi chỉ là ông cụ đang còn sống, nhưng không biết ở đâu trên nước Mỹ. Nhiều người nói muốn tìm được cha phải bỏ tiền thuê thám tử. Lúc đó tôi làm gì có tiền, tiếng cũng lớ ngớ. Tôi gần như chấp nhận vì coi đó là số phận. Cho đến năm 2002, hơn 10 năm sau, khi cùng cha mẹ vợ, vợ và các con tôi về sinh sống tại Reading, Pennsylvania, chúng tôi đi lễ ở Nhà thờ Thánh Saint Paul. Cha sở tại có quen biết một người là ông John, nhận lời tìm giùm người thân. Tôi không ngờ người quen của Cha xứ ở một xứ đạo hẻo lánh lại tìm được thông tin từ những cổng theo dõi của chính phủ (Government Screener) và ông John đã tìm ra tung tích cha tôi.

Cha tôi nhập ngũ năm 1955, sau đó tốt nghiệp trường dạy nghề chụp hình Monmouth ở New Jersey. Ông từng làm việc như hạ sĩ quan hầu cận của Tướng Lục quân Hoa kỳ và của nguyên Tổng thống Dwight D. Eisenhower. Sau hơn 20 năm phục vụ trong quân ngũ, cha tôi nghỉ hưu với cấp bậc M-Sergeant E9 (Master Sergeant, Thượng sĩ nhất cấp cao) ngày 17 Tháng Ba, 1975, được tặng Sao Đồng (Bronze Star) Meritorious Service Medal, và một số huy chương nữa. Nhưng sự thật quan trọng nhất là ông đã qua đời vào đúng Tháng Sáu năm 1991, thời điểm tôi đặt chân tới Hoa Kỳ. Tôi không bao giờ còn được gặp ông.

Có vẻ như người Mỹ quan tâm sâu sắc đến cha anh, ghi lại và tặng thưởng huân huy chương cho những đóng góp của ông nhưng lại gần như không quan tâm đến anh là người con ruột của cụ. Ngay kể cả việc tìm tung tích của cha cũng là do anh tự liên lạc?

Tuấn Tăng: Tôi cũng như mọi người tị nạn khác, đến được đất Mỹ là lao vào kiếm sống để tồn tại. Tìm cha là nguyện vọng của riêng tôi, tôi không trách bất kỳ ai hay cơ quan nào đã không giúp tôi tìm lại cha mình, nhưng vô cùng biết ơn Cha xứ nhà thờ Thánh Saint Paul và ông John, giờ thì Cha cũng đã qua đời.

-Không giống như người Á châu vốn coi trọng quan hệ huyết thống, người Mỹ đối xử bình đẳng, chia đều cực nhọc và tự lập. Cha mẹ hiếm khi để lại tài sản hay chăm sóc con cháu mà để con cháu tự lập thân. Chính vì thế, những người con cháu chăm sóc cha mẹ, ông bà ở Mỹ và ngược lại, được trả lương, trong khi với người Á châu đó là bổn phận tất nhiên. Đây là điều khác biệt. Trường hợp này, chính sách của Mỹ giúp cho người Á châu có thêm điều kiện để làm việc cho xã hội hoặc có thu nhập tối thiểu để hoàn toàn an tâm chăm sóc cha mẹ già. Nhưng sự sẻ chia, kính trọng nhờ sợi dây huyết thống vẫn là nét đẹp văn hóa của người Việt. Chính vì thế mà anh đã tìm mọi cơ hội để nhận gia đình bên nội của mình, phải không?

Tuấn Tăng: Vâng. Đó là đặc điểm Việt Nam của tôi. Khi ông John giúp tìm được cha tôi thì cha đã mất trên 10 năm. Tôi được thăm quê nội lần đầu tiên trong đời. Chỉ còn hai ông chú, hai bà thím, và một bà cô cùng các con cháu anh chị em họ của tôi. Làng Lismore ở tít tắp vùng cực Bắc Hoa Kỳ, Minnesota, một cái làng chỉ có chừng 15 nóc nhà, với một nhà thờ, một cây xăng và một restaurant. Ông nội tôi người gốc Đức, làm nghề thợ mộc, còn bà nội là người Mỹ bản xứ. Tôi vô cùng hạnh phúc khi tìm lại được nguồn cội và bà con của mình.

Nghèo nàn và hẻo lánh là đặc điểm chung không chỉ của làng Đồng Hạnh mà của nhiều nơi khác trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ những năm 2000. Tôi nghĩ, đối mặt với nghèo khó, thiên tai ra sao để sống hạnh phúc mới là điều làm nên khác biệt. Xin thêm một câu hỏi. Anh có bao giờ oán trách những bậc sinh thành ra mình vì đã không đủ dũng cảm thừa nhận, nuôi dạy con?

Tuấn Tăng: Đôi khi tôi cũng có trách giận vì cha mẹ từng muốn bỏ rơi mình. Tôi không trách cha vì hoàn cảnh chiến tranh buộc ông phải như vậy. Tôi cũng hiểu hoàn cảnh của mẹ. Còn mẹ tôi, giá như bà giữ tôi trong vòng tay thì sẽ đẹp và hạnh phúc hơn.

Chef Tuan Tang và Chef Alen chuẩn bị tiệc Thanksgiving trên báo địa phương. (ảnh do nhân vật cung cấp)

Bỏ nghề “chef cook” đi làm phụ hồ

Tuấn Tăng: Tôi qua Mỹ cực lắm chị ơi. Nghề nghiệp đầu tiên của tôi là rửa chén, lau sàn, đổ rác tại Genesee Valley Club, một hộp đêm lâu đời ở New York, thành lập từ năm 1885. Những lúc không phải rửa chén hay lau sàn, tôi lân la xin được làm tà lọt cho line cook sai vặt. Ở trong nhà bếp lớn thường có nhiều đầu bếp nấu cùng một lúc, người nọ kế người kia. “Line cook” là người đứng nấu bếp trên line. Thấy ông bận rộn, tôi phụ mở tủ lạnh lấy món nọ món kia, ông cũng tội nghiệp tôi mà cho phép. Hồi đó tiếng Anh tiếng U của tôi còn lõm bõm, có bữa ổng bảo lấy rau cải tôi lại lăng xăng mang cà rốt ra. Rồi lại bị “chửi”.

Hết rửa chén, lau sàn, tôi được “thăng chức” nhặt rau củ quả, chuẩn bị nguyên liệu. Kế đó được lên làm phụ tá. Hơn một năm sau, tôi được làm line cook. Những “đẳng cấp” khác trong nhà bếp của Genesee Valley Club như “head cook” là người phụ trách một khu vực nấu bếp. Cao nhất còn có Executive Chef. Tôi may mắn được gắn bó với Chef Michael L. Schnupp, quản lý của Genesee, thân thiết như “anh em kết nghĩa.” Khi ông chuyển qua làm Executive Chef tại Depot Restaurant, tôi cũng theo ông. Tôi làm việc ở New York chừng ba năm, sau đó Chef Michael viết thư giới thiệu tôi với Chef Alen ở Reading, Pennsylvania khi đại gia đình chúng tôi cùng chuyển về đó.

Anh Tuấn (bìa phải) cùng vợ và các con thăm cô, các chú thím ở quê nội. (ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh có tin vì anh mang một nửa dòng máu Mỹ nên các Chef dễ đồng cảm với anh và nâng đỡ anh nhiều hơn? Anh có phải là người thành công trong nghề chef cook hay không?

Tuấn Tăng: Cũng có thể các chef Mỹ dễ đồng cảm với tôi. Nhưng không quan trọng bằng việc tôi luôn học hỏi để được biết nhiều thêm ngoài công việc hiện tại và cố gắng làm tốt nhất những gì mình có thể. Nên các chef “tội nghiệp” mà truyền lại tất cả bí quyết trong nghề cho tôi. Tôi từng làm quản lý một hệ thống gồm năm nhà hàng của Chef Alen tại Reading, khoảng đầu những năm 2000, thu nhập của tôi trên $70,000 ngàn/năm.

Nhưng vì làm đầu bếp, tôi không có nhiều thời giờ cho gia đình. Mỗi tối Noёl hoặc Thanksgiving tụi tôi phục vụ tới 2,500 thực khách nên hầu như bỏ lỡ các buổi lễ, cũng là buổi sum họp ở nhà. Gia đình bên vợ tôi người gốc vùng Dốc Mơ, Gia Kiệm, Đồng Nai, là Thiên Chúa giáo toàn tòng nên tôi muốn đem lại niềm vui cho gia đình. Nghỉ việc ở nhà hàng, tôi đi làm phụ xây cất để kiếm $10/giờ. Phụ riết, rồi lại lân la hỏi thăm, ghi chép và tự học trong thực tế để biết được những công việc cốt yếu của nghề xây dựng. Tôi từng được học nghề mộc với ông ngoại và một cậu hồi ở Việt Nam. Bên nội, tính đến tôi là đời thứ năm làm nghề mộc. Nghề mộc cho tôi bước đầu để làm xây dựng nhưng tôi vẫn lo không biết mình có đáp ứng được yêu cầu công việc ở Mỹ hay không.

Nghề xây dựng ở Mỹ quan trọng nhất là nắm được những yêu cầu về luật pháp của việc xây cất. Vấn đề thứ hai là giá thành. Vấn đề thứ ba là đáp ứng được thẩm mỹ và thời trang của khách hàng, mà nó thay đổi theo từng vùng đất và năm tháng. Tôi mở công ty trang trí nội thất Tang Incorporation, mỗi năm làm nội thất cho khoảng 60 căn nhà. Sau đó là công ty Upper Hill Side Property LLC. như hiện thời.

Đi cắt cđ sắm nhạc cụ và tổ chức tiệc âm nhạc

Cuộc sống của anh gắn bó với gia đình bên vợ. Anh có thể kể đôi chút về tình yêu và gia đình nhỏ của anh được không?

Tuấn Tăng: Tôi quen Nguyệt trong lớp học ESL ở New York. Khi đó, tôi thấy một cô gái thường đứng nhìn ra cửa sổ mà ít khi trò chuyện với bạn bè trong những giờ giải lao. Tôi tới làm quen rồi “dính” cô cho tới bây giờ. Chúng tôi làm lễ cưới năm 1993, có một con gái đầu lòng và hai cháu trai. Tôi may mắn có người vợ tốt. Vợ tôi khổ từ nhỏ nên chịu khó, đảm đang. Má vợ tôi một mình đi vượt biên và chừng mươi năm sau bảo lãnh toàn bộ gia đình qua định cư. Hồi mới dọn về Reading, vợ chồng tôi ở chung với ba má vợ trong một căn nhà thuê. Hai vợ chồng và con gái chỉ có một phòng nhỏ, đặt nôi của con, tôi nằm dưới đất.

-Tôi vẫn nhớ hình ảnh anh vừa đánh trống vừa hát. “Tình yêu tìm thấy/ Nguyên vẹn sau đêm bão dông/ Giữa hoang tàn lãng quên/ Nơi cuối đường có em/ Riêng chờ đợi anh. Như chưa hề có những phút lìa xa.” (Chân tình/ Trần Lê Quỳnh). Cách thể hiện ca khúc của anh cho tôi biết nó chỉ có thể là dành cho chị, một người đàn bà có thể vì chồng con mà biết đỡ đẻ cho dê hay giết mổ heo, phụ tá chồng trong việc làm ăn, ủng hộ anh trong mọi quyết định. Anh Tuấn bắt đầu chơi trống và thành lập ban nhạc từ khi nào?

Tuấn Tăng: Tôi được ngồi chơi chung với các anh chị ban nhạc địa phương từ khoảng 20 năm trước. Ban nhạc của tôi, Reading’s Blue Sky mới chơi được chừng 10 năm trở lại đây, cũng chưa phải chuyên nghiệp gì lắm. Nhưng chúng tôi cố gắng đem niềm vui đến cho mọi người.

Đại gia đình bên nội của anh Tuấn. (ảnh do nhân vật cung cấp)

Nói thật, để chơi nhạc phải có cái gì đó trong máu mới theo đuổi được. Tôi mê trống và nhạc cụ từ khi còn ở Việt Nam. Nhưng hồi đó làm gì có điều kiện học nhạc. Khi tôi bắt đầu học việc nghề xây cất, ban ngày đi làm và tự học, ngoài giờ làm việc tự mày mò thực hành, còn các cuối tuần thì đi cắt cỏ. Tôi sắm một xe truck cũ và vài chiếc máy cắt cỏ để thầu sân vườn cho bà con láng giềng, bạn bè. Tiền kiếm được dành để mua nhạc cụ. Bộ trống đầu tiên tôi sắm được là dàn trống cũ của anh Thịnh, người anh rất thương tôi và là người đầu tiên cho tôi được ngồi chơi với ban nhạc của anh. Người thầy dạy tôi về nhạc là anh Hiền.

Tôi muốn gọi những buổi tiệc tại nhà anh là “tiệc âm nhạc” vì phần chính của nó là âm nhạc. Nó mang tính chất cộng đồng và phổ thông, vì không phải chỉ có người ca hay mới được ca. Ban nhạc chơi khá điêu luyện và nhiều khi thăng hoa. Tất cả mọi người đều được chào đón. Phần “tiệc” nghĩa đen được tổ chức theo kiểu Potloct, phong tục của người Mỹ bản xứ. Hành động của anh cũng thường được mọi người nhắc đến, đó là cưu mang một thành viên ban nhạc trong nhà mình khi không may người ấy bị mất nhà cửa. Anh đang người của cộng đồng rồi, có phải không?

Tuấn Tăng: Tôi chỉ cố gắng trong khả năng của mình, mang niềm vui đến cho đời, cho mình và gia đình, tạo niềm vui cho anh chị em trong ban nhạc. Tôi hi vọng mình có thể đem niềm vui cho xã hội. Nước Mỹ đã cho tôi cơ hội thoát khỏi những khổ cực tuổi thơ, cho tôi cơ hội để thành công như ngày hôm nay, cho tôi tự do và không phân biệt đối xử, cho tôi cơ hội thăm quê cha. Tôi sùng mộ nước Mỹ. Bây giờ cộng đồng người Việt cũng đã tốt, nhưng cũng có những người ứng xử thiếu công bằng. Tôi từng đau vì bị người ta suy nghĩ hơi sai về mình. Nhưng tôi không bao giờ vì một người mà đánh giá không tốt về mọi người. Tôi mang nửa dòng máu Việt mà! Tất cả rồi cũng qua, chẳng có gì cay đắng cả.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, Phú Quốc mang đến sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển và các điểm tham quan tuyệt vời. SCMP…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: