Sau loạt biểu thị sức mạnh quân sự có tính răn đe bằng việc tung ra các chiến đấu cơ áp sát Đài Loan, ngày 28-1-2021, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Ngô Khiêm, nói: “Chúng tôi muốn cảnh báo những yếu tố “độc lập Đài Loan” rằng: kẻ nào chơi với lửa sẽ tự thiêu mình và “độc lập Đài Loan” là đồng nghĩa với chiến tranh”. Trong cùng ngày, một “kẻ chơi với lửa” cũng lên tiếng: phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby khẳng định rằng cam kết hỗ trợ quân sự cho sự tự vệ của Đài Loan đối với Mỹ là không hề thay đổi.
Mỹ từng tính ngưng “bảo kê” Đài Loan
Một tuần sau khi tân Chính phủ Joe Biden nhậm chức, có thể thấy chính sách Mỹ đối với Trung Quốc là không hề thay đổi, không chỉ bởi “hiệu ứng Trump” không thể không công nhận mà còn là nhận thức của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ về sự đe dọa nghiêm trọng của Trung Quốc đối với an ninh quốc gia Mỹ. Washington không thể bỏ Đài Loan. Bối cảnh chính trị hiện thời có thể khẳng định điều này. Cần nhắc lại, vấn đề Đài Loan luôn là đề tài tranh luận trong chính trường Mỹ. Không ít lần Mỹ đã nghĩ đến việc ngưng “bảo kê” Đài Loan để mở đường cho một chiến lược ngoại giao với Trung Quốc sao cho mang lại không ít lợi ích kinh tế lẫn chính trị ở mức cao nhất.
Đầu thập niên 1970, bộ sậu Richard Nixon-Henry Kissinger đã tính đến khả năng này. Ít ra chọn con cá to cũng luôn tốt hơn con cá bé. Tuy vậy, sau nhiều cân nhắc, Mỹ đã không bỏ mà còn thắt chặt quan hệ với Đài Loan, qua Đạo luật quan hệ Đài Loan (TRA) năm 1979 với nội dung Mỹ hỗ trợ Đài Loan về mặt quốc phòng để qua đó giúp duy trì khả năng chi phối Mỹ tại khu vực. Qua thời gian, ý tưởng bỏ Đài Loan lại xuất hiện. Năm 2009, viết trên Financial Times, cựu Phó chủ tịch liên quân Hoa Kỳ, tướng Bill Owens, nói rằng TRA đã trở nên lỗi thời và toàn bộ cách tiếp cận Trung Quốc trong chính sách Mỹ cần được tái đánh giá. “Giải pháp” – Bill Owens khẳng định – “là sự tiếp cận trong quan hệ Mỹ-Trung bây giờ phải được thiết kế sao cho không còn rào cản, cạnh tranh, theo dõi dè chừng mà là hợp tác, cởi mở và tin cậy”.
Tương tự, đô đốc Joseph Prueher (nguyên đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cựu tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương) cùng nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Miller (Đại học Virginia) cũng nói rằng sự dính dáng Mỹ đối với Đài Loan, đặc biệt các thương vụ vũ khí, luôn là điểm nhạy cảm trong quan hệ với Bắc Kinh và điều này cần được xét lại. Trên chính trường, thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein cùng thượng nghị sĩ Cộng hòa Richard Lugar cũng thường xuyên phản đối việc bán vũ khí cho Đài Loan…
Một trong những lý do khiến chính sách Đài Loan được yêu cầu tính lại là quan hệ gần gũi hơn giữa Đài Loan với Hoa lục. Hàng chục thỏa thuận kinh tế giữa hai bên đã được ký, đặc biệt Thỏa thuận khung về hợp tác kinh tế (ECFA). Tính đến thời điểm hiện tại (tháng 1-2021), quan hệ kinh tế Hoa lục-Đài Loan vẫn tăng. Các công ty Đài Loan đã đầu tư vào Hoa lục khoảng 60 tỉ USD và hiện có đến một triệu người Đài Loan sống ở Hoa lục. Quan hệ hai bên sâu đến mức, năm 2014, người Đài Loan ào ạt xuống đường biểu tình trong chiến dịch “Hoa Hướng Dương” nhằm phản đối sức mạnh ảnh hưởng Hoa lục lên Đài Loan.
Trong khi đó, Mỹ vẫn tranh cãi gay gắt quanh việc bỏ hay không, hoặc ủng hộ thì mức độ như thế nào là “vừa” để có thể đảm bảo lợi ích chính trị mà vẫn không thiệt hại kinh tế. Cần nhắc lại, suốt năm 2018, Trung Quốc đã tăng tốc gây sức ép lên các tập đoàn đa quốc gia, yêu cầu họ ghi rõ rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc trên các website của họ và nếu không thì “dẹp tiệm”, khỏi làm ăn ở Trung Quốc. Tháng 6-2011, Ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ tổ chức phiên điều trần với chủ đề “Tại sao vấn đề Đài Loan là quan trọng”. Nữ dân biểu Cộng hòa Ileana Ros-Lehtinen (chủ tịch Ủy ban trên) thậm chí nhấn mạnh việc yêu cầu Quốc hội phải đưa thêm luật mới củng cố TRA, trong đó có việc hồi sinh các khoản trong Đạo luật tăng cường an ninh Đài Loan mà Quốc hội Mỹ đã không chuẩn y vào thập niên 1990.
Tuy nhiên, lúc ấy vẫn có ý kiến đi ngược dòng. Thậm chí trước thềm cuộc bầu cử Đài Loan năm 2012, Douglas H. Paal (một chính khách lão làng của Mỹ chuyên về châu Á, với thời gian dài từng “mài mòn chân” khắp nhiều nước khu vực, từng là sĩ quan hải quân tại Nam Việt Nam, học tiếng Nhật tại Tokyo, có bằng thạc sĩ Trung Quốc học và châu Á học từ Đại học Brown, bằng tiến sĩ ngôn ngữ Đông Á từ Đại học Harvard, nguyên giám đốc Viện nghiên cứu Hoa Kỳ về Đài Loan từ 2002-2006) đã chỉ trích quyết liệt ứng cử viên Thái Anh Văn. Paal tin rằng, chủ trương độc lập và thái độ không nhân nhượng Bắc Kinh của bà Thái chỉ khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng và dễ dẫn đến xung đột.
Hiện tại: lưỡng đảng Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan với sự thống nhất chưa từng có
Đến thời Donald Trump, Washington trở nên dứt khoát gần như tuyệt đối về mặt định hình chính sách với việc ủng hộ Đài Loan. Trong báo cáo “Indo-Pacific Strategy Report – Preparedness, Partnerships, and Promoting a Networked Region” mà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố ngày 1-6-2019, Mỹ ngoáy thẳng vào tim Bắc Kinh, khi lần đầu tiên gọi Đài Loan là “quốc gia”, thay vì công nhận lãnh thổ này là một tỉnh của Trung Quốc. Báo cáo trên có đoạn: “Vì các nền dân chủ Ấn-Thái Bình Dương như Singapore, Đài Loan, New Zealand và Mông Cổ là đáng tin, có năng lực cũng như là đối tác tự nhiên của Hoa Kỳ nên cả bốn quốc gia này đều đóng góp cho các sứ mạng của Mỹ khắp thế giới. Họ cũng đang thực hiện những bước tích cực trong việc duy trì một trật tự quốc tế mở và tự do”.
Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Trước đó, cũng có một vụ chưa tiền lệ, khi cố vấn an ninh quốc gia John Bolton gặp một trong những viên chức quốc phòng cao cấp nhất của Đài Loan – Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Đài Loan Lý Đại Duy (David Lee) – vào đầu tháng 5-2019 tại Washington. Đây là cuộc gặp đầu tiên của giới chức an ninh hàng đầu Mỹ-Đài Loan kể từ năm 1979. Tháng 3-2018, Tổng thống Donald Trump phê chuẩn Đạo luật du lịch Đài Loan (Taiwan Travel Act – TTA) với nội dung khuyến khích các cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan. Trước đó, ngoại giao Washington-Đài Bắc bị chi phối bởi Đạo luật quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act-TRA), vốn chỉ cho phép giới chức cấp thấp của Đài Loan gặp Mỹ. Gần một năm sau, tháng 5-2019, Hạ viện Hoa Kỳ lại chuẩn y Đạo luật bảo trợ Đài Loan (Taiwan Assurance Act-TAA). Khuyến khích Đài Loan mua thêm “đồ chơi” quốc phòng cũng như tham gia các tổ chức quốc tế, TAA được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 414/0!
Tháng 3-2018, Tổng thống Donald Trump phê chuẩn Đạo luật du lịch Đài Loan (Taiwan Travel Act – TTA) với nội dung khuyến khích các cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan. Trước đó, ngoại giao Washington-Đài Bắc bị chi phối bởi Đạo luật quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act-TRA), vốn chỉ cho phép giới chức cấp thấp của Đài Loan gặp Mỹ. Gần một năm sau, tháng 5-2019, Hạ viện Hoa Kỳ lại chuẩn y Đạo luật bảo trợ Đài Loan (Taiwan Assurance Act-TAA). Khuyến khích Đài Loan mua thêm “đồ chơi” quốc phòng cũng như tham gia các tổ chức quốc tế, TAA được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 414/0!
Tiếp đó, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ cũng nhất trí thông qua (ngày 22-5-2019) dự luật ủng hộ Đài Loan “tái chiếm” vị trí quan sát viên trong Hội đồng Y tế Thế giới (cơ quan có quyền đề ra các quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới-WHO), nơi đã không mời Đài Loan dự họp kể từ năm 2017 bởi sự cản trở từ Bắc Kinh. Một trong những “minh họa” rõ rệt nhất cho loạt diễn biến nóng hổi trong quan hệ Washington-Đài Bắc là một cơ quan ngoại giao của Đài Loan đặt tại Washington đã được đổi tên, từ “Hội đồng điều phối Bắc Mỹ” thành “Hội đồng Hoa Kỳ vụ của Đài Loan” (“Trú Mỹ quốc Đài Bắc kinh tế văn hóa đại biểu xứ”) vào cuối tháng 5-2019.
Tất cả diễn biến trên cho thấy điều mà John Bolton (trước khi trở thành cố vấn an ninh quốc gia thứ 27 của Hoa Kỳ ngày 9-4-2018) từng nhấn mạnh trong bài bình luận trên Wall Street Journal đăng ngày 17-1-2016:
“Một giải pháp thay thế bây giờ là chơi “lá bài Đài Loan” chống lại Trung Quốc. Mỹ nên khẳng định rằng Trung Quốc phải hủy bỏ việc chiếm hữu lãnh thổ trong đó có việc từ bỏ các căn cứ ở biển Đông, cũng như hủy bỏ việc làm tổn hại môi trường sinh thái mà họ gây ra từ việc xây dựng căn cứ. Trung Quốc được quyền tự do tuyên bố chủ quyền lãnh thổ về mặt ngoại giao, nhưng cho đến khi các cuộc tranh chấp lãnh thổ được giải quyết trong hòa bình với các nước láng giềng thì các nước này cũng như Mỹ cũng có quyền tự do phớt lờ hoàn toàn những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”…
Biden và Đài Loan
Kết thúc bốn năm của Chính quyền Trump, Mỹ đã chuẩn y các thương vụ vũ khí cho Đài Loan với tổng cộng 18,28 tỉ USD – vượt khá xa kỷ lục 13,98 tỉ USD của tám năm Chính quyền Obama. Có một điều ai cũng có thể thấy: cục diện chính trị khu vực chắc chắn sẽ không như hiện nay nếu Trung Quốc đã có thể biến Đài Loan thành một phần chính thức của họ; nếu Đài Loan không còn là lá bài để Mỹ mặc cả với Trung Quốc các vấn đề an ninh khu vực; nếu Đài Loan mất đi vị trí chiến lược như là nút chặn cản trở sự bành trướng Trung Quốc tại biển Đông… Nhận thức này đã thể hiện rõ với sự tiếp nối chính sách cứng rắn dành cho Trung Quốc và chính sách ủng hộ dành cho Đài Loan của Nội các Joe Biden.
Không như nhiều đánh giá sai lầm, Biden không hề nhẹ tay với Trung Quốc. Ngày 25-2-2020, trong cuộc tranh luận bầu cử tổng thống vòng sơ bộ, ông Biden đã gọi Tập Cận Bình là một “tên du côn” (“thug”). Trong phiên điều trần Thượng viện ngày 19-1, (Ngoại trưởng) Antony Blinken khẳng định: có “một cam kết mạnh mẽ và lâu dài của lưỡng đảng đối với Đài Loan” và một phần của cam kết này “là đảm bảo rằng Đài Loan có khả năng tự vệ trước sự xâm lược”. Trong khi đó, Kurt Campbell, người được ông Biden chọn làm “điều phối viên đặc trách Ấn Độ-Thái Bình Dương” thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia – nhân vật từng đến Đài Loan khá nhiều lần – đã có buổi làm việc trực tuyến Đối thoại an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương tổ chức ở Đài Bắc vào tháng 12-2020, trong đó ông “bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ đối tác giữa Đài Bắc và Washington sẽ vẫn bền chặt”, rằng đa số thành viên Quốc hội Hoa Kỳ “hiểu được ý nghĩa sâu sắc của Đài Loan và lợi ích chiến lược của chúng ta trong việc duy trì mối quan hệ bền chặt với Đài Loan”.
Ngày 23-1-2021, ba ngày sau khi ông Biden chính thức nhậm chức, một hải đội khổng lồ với sự dẫn đầu của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đã lù lù xuất hiện ở biển Đông (sau khi 13 chiến đấu cơ Trung Quốc bay vào khu vực nhận dạng phòng không của Đài Loan). Sự có mặt của USS Theodore Roosevelt hẳn nhiên không chỉ thuần túy biểu thị sự tự do hàng hải của hải quân Hoa Kỳ mà còn là ngầm biểu thị “đảm bảo rằng Đài Loan có khả năng tự vệ trước sự xâm lược”, và rằng Mỹ có thể sẵn sàng bảo vệ một “hàng không mẫu hạm” khác. Nếu Guam là một “hàng không mẫu hạm” không thể đánh chìm của quân đội Mỹ xét về quân sự thì Đài Loan là một “hàng không mẫu hạm” nữa của Washington – xét về chính trị, mà thời điểm này hơn bao giờ hết, cần phải đảm bảo nó không thể bị đánh chìm.