Đảng Dân chủ muốn sửa luật di trú, hợp pháp hóa di dân không giấy tờ

Biểu tình phản đối luật di trú tại Los Angeles ngày 1-05-2006. Ảnh Wikipedia Commons

H.C.

Sau nhiều tuần bàn bạc, hôm nay thứ Năm 18-02, các nghị sĩ Dân chủ và Tòa Bạch ốc đã cho ra một dự luật cải tổ luật di trú của Hoa Kỳ mà nếu được thông qua sẽ có tác động nhiều mặt tới làn sóng di cư từ ngoại quốc vào Mỹ.

Theo đài CBS News, dự thảo dự luật sửa đổi “Luật Quốc tịch Hoa Kỳ” (US Citizenship Act) dài 353 trang, bản tóm tắt dài 66 trang, quy định nhiều vấn đề cả về người di dân đang sống trên đất Mỹ mà không có giấy tờ hợp lệ lẫn người di cư đến Mỹ hợp pháp theo sự bảo lãnh của thân nhân hoặc do yêu cầu của công việc làm.

Trọng tâm của dự luật là đưa ra một chương trình hợp pháp hóa hai bước, theo đó những người đang ở Mỹ theo diện được bảo hộ tạm thời (Temporary Protected Status, TPS) và diện di dân bất hợp pháp (undocumented immigrants) đến Mỹ từ khi còn là trẻ em, sẽ có cơ may được cấp thẻ xanh trở thành thường trú nhân hợp pháp (Legal Permanent Resident, LPR) nếu đáp ứng được một số điều kiện và sau đó ba năm có thể ghi danh thi quốc tịch để trở thành công dân Hoa Kỳ.

Những người thuộc diện di dân bất hợp pháp có thể nộp đơn yêu cầu miễn trục xuất tạm thời (temporary deportation relief), xin giấy phép làm việc (work permit) trong lúc chờ đợi được cấp thẻ xanh và nhập tịch Mỹ – một tiến trình kéo dài không dưới tám năm. Tất cả những người xin hợp pháp hóa này đều phải trải qua việc kiểm tra lý lịch, kiểm tra về an ninh quốc gia, cũng như phải đóng thuế và trả phí xét duyệt hồ sơ.

Ngoài quy định về hợp pháp hóa người di cư bất hợp pháp đang sống trên đất Mỹ, dự luật còn bãi bỏ những hạn chế từ thời Tổng thống Clinton, cấm những người này nhập cảnh trở lại Mỹ trong vòng từ ba đến 10 năm sau ngày bị trục xuất; giới hạn quyền của tổng thống ban hành những lệnh cấm nhập cảnh “trọn gói” bao gồm cả một cộng đồng người di cư căn cứ vào sắc tộc hoặc tôn giáo. Trong các văn bản hành chính về di trú, từ ngữ “người ngoại quốc” (alien) cũng sẽ được thay bằng từ “không phải công dân” (noncitizen) ít mang sắc thái kỳ thị hơn.

***

Một nội dung quan trọng khác của dự luật là mở rộng quy định về di dân hợp pháp, theo đó “hạn ngạch” (cap) visa định cư cho từng nước cấp cho những người đi Mỹ đoàn tụ gia đình hoặc theo yêu cầu công việc sẽ được nâng lên; vợ/chồng, con cái của những thường trú nhân ở Mỹ cũng được coi là “thành viên ruột thịt của gia đình” (immediate family member) được xét cấp visa định cư mà không phụ thuộc vào số visa được phân bổ cho mỗi quốc gia.

Số visa cấp hằng năm cho những người đến Mỹ làm việc (visa H1) sẽ tăng từ 140.000 lên 170.000; số visa của chương trình “đa dạng hóa” (diversity) tăng từ 55.000 lên 80.000 và sẽ dành ra 10.000 visa cho một chương trình thí điểm cấp visa định cư cho những người di cư có khả năng đóng góp vào phát triển kinh tế của các cộng đồng địa phương ở Mỹ.

Chính phủ Biden quan niệm vấn nạn người di cư bất hợp pháp vào Mỹ chỉ được giải quyết rốt ráo khi điều kiện kinh tế và an ninh của một số quốc gia Trung Mỹ – nơi xuất phát các làn sóng di dân – được cải thiện. Vì thế dự luật dành cho chính phủ Biden một khoản ngân sách mỗi năm một tỷ đô la từ năm 2022 đến 2025 để giúp giảm thiểu bạo lực, nạn nghèo khó và tham nhũng ở các nước này. Dự luật cũng yêu cầu thành lập các trung tâm xử lý hồ sơ di cư tại các nước Trung Mỹ, nơi người di cư có thể xin quy chế tỵ nạn để được vào Mỹ một cách hợp pháp.

Ở phương diện phòng ngừa, dự luật yêu cầu Bộ An ninh Nội địa (DHS) áp dụng các biện pháp an ninh biên giới “thông minh”, bố trí ngân sách để mở rộng cơ sở hạ tầng ở những cửa khẩu xuất nhập cảnh đủ để xử lý các trường hợp xin định cư và ngăn chặn tệ nạn buôn lậu ma túy. DHS cũng phải ban hành những hướng dẫn mới liên quan tới các trường hợp người di cư là trẻ em không có người lớn đi kèm, cấm chia tách trẻ em với cha mẹ chúng để buộc họ phải theo đúng luật di cư; thay đổi phương thức giam giữ những người di cư bất hợp pháp đang chờ bị trục xuất v.v… Dự luật dành ra khoảng 30.000 visa mỗi năm cho những nạn nhân của các tội ác trầm trọng có hợp tác hoặc hỗ trợ nhân viên công lực…

**

Dân biểu Linda Sánchez (Dân chủ, California) và Thượng nghị sĩ Bob Menendez (Dân chủ, New Jersey) sẽ trình bày dự luật này tại Hạ viện và Thượng viện. Trả lời báo chí hôm nay thứ Năm, bà Sánchez nói việc thông qua dự luật di trú “sẽ hiện thực hóa hoàn toàn giấc mơ Mỹ” cho hàng triệu người di cư.

Những nội dung kể trên của dự luật phù hợp với quan điểm mà chính phủ Biden công bố tháng trước, được coi như một ưu tiên chính sách đối nội của Tổng thống Biden trong năm đầu cầm quyền.

Tuy nhiên, dự luật có nhiều thay đổi quan trọng này có nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của các nghị sĩ Dân chủ và ít nhất 10 nghị sĩ Cộng hòa trong Thượng viện hay không là chuyện chưa biết trước được. Luật pháp quy định việc thông qua các dự luật về di trú phải có ít nhất 60 phiếu thuận ở Thượng viện.

Phía đảng Cộng hòa cũng đang dự thảo một dự luật sửa đổi về di trú nhắm tăng cường việc thực thi luật pháp ở biên giới, ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp và tệ nạn buôn lậu ma túy vào Mỹ.

Một quan chức cao cấp trong chính phủ nói, Tổng thống Biden cũng đã biết ý định của đảng Cộng hòa và ông sẽ làm việc với cả hai đảng để có được một dự luật sửa đổi thể hiện được quan điểm của cả hai bên. Tổng thống Biden “đang khởi động một cuộc đối thoại về vấn đề an ninh biên giới sao cho hiệu quả và đúng đắn”, quan chức ẩn danh này nói.

(theo CBS News)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: