Doanh nghiệp Mỹ được làm việc với Huawei Trung Quốc

Ảnh minh họa. Nguồn Flickr

HIẾU CHÂN

Trong một sự thay đổi bất ngờ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm nay 16-06 thông báo các công ty Mỹ có thể hợp tác làm việc với tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc để thiết lập tiêu chuẩn cho các công nghệ thế hệ kế tiếp.

Động thái này có ý nghĩa lớn vì các công ty Mỹ được phép cùng với Huawei và các hãng công nghệ khác thiết lập nên cái gọi là những “tiêu chuẩn công nghệ” – tức là những đặc điểm, thông số và quy tắc chi phối hoạt động của các công nghệ then chốt sao cho các thiết bị của nhiều hãng, nhiều nước khác nhau đều có thể tương tác với nhau, đều vận hành suôn sẻ nếu theo đúng tiêu chuẩn.

*

Hầu như toàn bộ các thiết bị công nghệ mà chúng ta sử dụng hàng ngày đều phải tuân theo một số tiêu chuẩn thống nhất, do các tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn công nghệ (ISO) lập ra. Máy điện thoại di động chẳng hạn, hoạt động tốt với mạng Wi-Fi của Mỹ, nhưng cũng có thể hoạt động tốt như vậy khi người dùng đi du lịch sang nước khác và kết nối với mạng Wi-Fi ở nơi đến nhờ tất cả các mạng Wi-Fi đều tuân theo một tiêu chuẩn công nghệ chung.

Từ trước đến nay, các tiêu chuẩn công nghệ quan trọng hầu hết đều được thiết lập dựa trên công nghệ của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nhưng với những công nghệ mới, chẳng hạn như công nghệ viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) hay xe hơi tự lái, chưa từng có tiêu chuẩn trong quá khứ mà thị trường lại có những tay chơi mới như Trung Quốc thì việc thiết lập tiêu chuẩn công nghệ là một cuộc cạnh tranh khá căng thẳng.

*

Công ty Huawei bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào “danh sách đen” (Entity List) từ tháng 05-2019. Các công ty Hoa Kỳ bị cấm giao dịch với Huawei và phải có giấy phép đặc biệt của chính phủ mới được bán linh kiện, phần mềm cho Huawei. Mới đây, chính phủ Mỹ còn gia tăng sức ép, cấm các công ty sản xuất vi mạch bán dẫn bán hàng cho Huawei nếu sản phẩm vi mạch đó được sản xuất bằng công nghệ và thiết bị của Mỹ. Nhưng các công ty Mỹ băn khoăn là với những hạn chế như vậy, họ có được tham gia vào công cuộc thiết lập tiêu chuẩn công nghệ, tham gia vào các tổ chức công nghệ quốc tế mà Huawei cũng là một thành viên hay không.

Quy định mới của Bộ Thương mại làm rõ thắc mắc này, xác định các công ty Mỹ hoàn toàn có thể làm việc với Huawei và các đối tác khác trong những tổ chức xác lập tiêu chuẩn.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross cho biết: “Hoa Kỳ sẽ không nhường quyền lãnh đạo về sáng tạo toàn cầu… Quy định mới này công nhận tầm quan trọng của việc khai thác tài khéo léo của người Mỹ nhằm nâng cao và bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh quốc gia của chúng ta”.

“Bộ Thương mại khuyến khích các ngành công nghiệp Mỹ tham gia đầy đủ và ủng hộ các công nghệ Mỹ được trở thành các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Ross nói thêm.

*

Trung Quốc từ lâu đã bộc lộ tham vọng của họ: không chỉ thiết lập tiêu chuẩn công nghệ cho các sản phẩm tiêu dùng trong nước mà còn thúc đẩy tiêu chuẩn của họ ra toàn cầu. Tập đoàn Huawei thực hiện một nỗ lực của Bắc Kinh thiết lập tiêu chuẩn công nghệ mạng 5G cho toàn thế giới, là một phần trong kế hoạch gọi là “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” (China Standards 2035) – một kế hoạch đầy tham vọng đặt mục tiêu thiết lập tiêu chuẩn công nghệ cho các ngành công nghệ mới toàn cầu trong 15 năm nữa.

Nếu các công ty Mỹ bị ngăn cản, không tham gia vào việc thiết lập tiêu chuẩn công nghệ thì các doanh nghiệp Mỹ có thể mất lợi thế cạnh tranh. Chính vì thế, Bộ Thương mại đã nhanh chóng thay đổi quy định, nới lỏng chính sách hợp tác với các công ty nước ngoài có tên trong danh sách đen, để các doanh nghiệp Mỹ có thể tiếp tục tham gai và đi đầu trong công cuộc thiết lập tiêu chuẩn công nghệ cho những ngành, những sản phẩm sẽ xuất hiện trong tương lai.

“Sự tham gia và lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc thiết lập tiêu chuẩn công nghệ sẽ ảnh hưởng tới tương lai của mạng 5G, xe hơi tự lái, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác,” Bộ Thương mại nói.

Giới kinh doanh công nghệ cũng đồng ý như vậy: “Điều hết sức quan trọng là các công ty Hoa Kỳ phải có mặt ở bàn đàm phán [về tiêu chuẩn công nghệ]. Bị buộc phải nhường chỗ trên bàn đàm phán cho những doanh nghiệp như Huawei thì không làm lợi cho ai cả, trừ Trung Quốc,” bà Naomi Wilson, giám đốc cấp cao về chính sách châu Á ở Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin (ITI) nhận định.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: