EPA tuyên án “tử hình” nhiên liệu hóa thạch, nhưng…

Khói xả ra từ một nhà máy ở Carteret New Jersey, Tháng Tư 2023 (ảnh: Kena Betancur/VIEWpress)

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã “tuyên án tử hình” cho các nhà máy điện sử dụng than đá và nhiên liệu hóa thạch (fossil fuel). Nhưng vấn đề không đơn giản là “muốn giết thì giết”!

Nguyên tắc “bất khả thách thức” của chính quyền Tổng thống Joe Biden là chấm dứt sản xuất điện bằng nhiên liệu và khí tự nhiên (natural gas-fueled electricity). Vào mùa hè năm ngoái, không lâu sau khi Tối cao Pháp viện chặn “Kế hoạch năng lượng sạch Obama” (Obama Clean Power Plan, trong đó buộc phải chuyển các nhà máy điện dùng than đá sang dùng năng lượng tái tạo), tận dụng cơ hội đảng Dân chủ nắm hai viện Quốc hội, EPA thay thế ngay bằng Đạo luật Không khí Sạch (Clean Air Act-CAA) để tiếp tục đạt được mục tiêu đề ra và hơn thế nữa thông qua các “công cụ” khác.

Tuy nhiên, đạo luật mới cũng có thể bị quy là vi hiến và bị Tối cao Pháp viện chặn. Theo Mục 111 của CAA, EPA được phép điều chỉnh tỷ lệ các chất gây ô nhiễm từ những nguồn phát thải cố định như nhà máy sản xuất điện thông qua công cụ: “Hệ thống giảm phát thải tốt nhất đã được chứng minh đầy đủ”. EPA muốn các nhà máy điện đang chạy bằng nhiên liệu hóa thạch phải sớm triển khai các công nghệ thu giữ carbon (carbon capture) và công nghệ hydro xanh (green hydrogen technology), vốn tốn kém hoặc chưa khả thi (có thể không bao giờ khả thi).

Trên thế giới chỉ có một nhà máy than quy mô thương mại thu hồi được carbon để giảm lượng khí thải. Ngoài ra chưa có không có nhà máy nào làm được. Ngay cả khi các nhà máy điện thu hồi được carbon, chi phí phát điện sẽ tăng gấp đôi, khiến chúng kém cạnh tranh hơn so với năng lượng gió và năng lượng mặt trời được trợ cấp.

Hàng ngàn dặm đường ống phải xây dựng để vận chuyển carbon đến các cấu trúc địa chất nơi nó được cất giữ an toàn. Ngoài ra còn có vấn đề không nhỏ về cấp phép. Dù EPA đang xem xét các đơn xin phép xây dựng các cơ sở thu hồi carbon nhưng các đường ống vận chuyển CO2 sẽ luôn gặp những rào cản pháp lý và chống đối giống như từng xảy ra với những đường ống vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên. Ví dụ, nông dân Iowa hiện đang phản đối một đường ống dẫn CO2 từ các nhà máy ethanol đến các mảng địa chất đá ngầm ở Bắc Dakota và Illinois.

Hiểu điều này, EPA muốn thay bằng hydro “khí nhà kính thấp” (low-greenhouse gas) được sản xuất từ năng lượng tái tạo nhưng lại đắt từ ba đến bốn lần! Pha trộn nhiều hydro vào khí đốt cũng làm tăng lượng khí thải NOx và sẽ khiến các nhà máy điện vi phạm một quy tắc khác của EPA. Để giảm NOx, họ sẽ phải lắp đặt turbin mới và các thiết bị khác nhưng đa số còn trong giai đoạn nghiên cứu phát triển!

Không lùi bước, EPA vẫn muốn nhiều nhà máy điện phát thải CO2 phải ngưng hoạt động và đã áp đặt các quy tắc khó vượt qua được cho các nhà máy điện than. Từ Tháng Ba, có thêm ba nhà máy nữa chuẩn bị nghỉ hưu sớm. “Bằng cách trình bày tất cả các quy tắc cùng một lúc – Quản trị viên EPA Michael Regan tuyên bố vào năm ngoái – Chúng ta có cơ hội xem xét tất cả bộ quy tắc để trả lời câu hỏi liên quan đến năng lượng bẩn: ‘Có đáng để chúng tăng gấp đôi sản lượng? Có nên giảm đầu tư vào các nhà máy này? Đã đến lúc cân nhắc lợi hại để chuyển hoàn toàn đầu tư vào một tương lai năng lượng sạch?”.

Nhưng tương lai năng lượng sạch vẫn là chuyện của… tương lai và nhiều công nghệ sạch mà EPA muốn triển khai hiện chưa có sẵn! Việc buộc các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải đóng cửa sớm vẫn còn gây nguy hiểm cho sản lượng của lưới điện và dẫn đến thiếu điện. Dù EPA trấn an là các nhà máy điện nằm trong danh sách phải đóng cửa có từ 7-12 năm để… đóng cửa, nhưng chủ sở hữu vẫn phải tính toán kinh phí chuyển đổi ngay lúc này.

Ngoài ra chiến lược năng lượng sạch “không được bàn lùi” của EPA sẽ không thể tạo ra chút khác biệt nào cho khí hậu trái đất khi Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục sử dụng nhiều than, nhiên liệu hoá thạch và tung hàng trăm, ngàn tấn CO2 vào bầu khí quyển. Ngay cả ước tính giảm phát thải CO2 của EPA trong hai thập niên tới cũng chỉ bằng một phần ba mức giảm ước tính khi khí đốt tự nhiên thay thế than đá từ 2010-2019 – Wall Street Journal cho biết.

Còn nữa, việc chuyển sang năng lượng tái tạo từ nhiên liệu hóa thạch chưa bao giờ được Quốc hội ủng hộ tuyệt đối mà mang tính đảng phái và bị chính trị hoá. Tại Tối cao Pháp viện, phán quyết với năm thuận và bốn chống trong vụ Massachusetts v. EPA là một ví dụ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: