Hồi ký Madeleine Albright – những năm tháng ngoại giao sôi động (phần 2)

Bà Madeleine Albright (ảnh: Wally McNamee/CORBIS/Corbis via Getty Images)
Share:
Thời Sự
Thời Sự
Hồi ký Madeleine Albright – “Đảo chính Boutros-Ghali”
/

Kỳ 2: “Đảo chính Boutros-Ghali”

Chỉ thời gian ngắn sau khi nhậm chức Đại sứ thường trực Mỹ tại LHQ, Madeleine Albright đã chứng tỏ năng lực. Trong hồi ký, bà viết…

“Chất phóng xạ” Boutros-Ghali

Ngồi tại bàn làm việc ở New York, tôi đọc mỗi ngày những xung đột mới, các vụ giết người, sự phẫn nộ và vô số lời đe dọa mà phe này dành cho phe kia. Tôi biết khắp nơi đều trông chờ LHQ và Hội đồng bảo an (UNSC) để tìm giải pháp. Chúng tôi không có thời giờ để thở. Tất cả đều khẩn cấp và chúng tôi ra quyết định dựa vào thông tin tốt nhất có được mỗi ngày, chịu ảnh hưởng từ quyết định của hôm trước, tuần trước và năm trước. Chúng tôi tiến từng bước, thỉnh thoảng bước hụt và phải quay lại vị trí cũ. Tại Somalia, chúng tôi đã nỗ lực hết mức. Tại Rwanda, chúng tôi làm quá ít. Tại Haiti và Bosnia, chúng tôi khởi hành lạc hướng… Trong khi đó, xung đột quan điểm giữa Mỹ và LHQ ngày càng lớn. Tôi quyết định hành động.

Năm 1996, tôi thực hiện điều này bằng cách ngăn Boutros Boutros-Ghali tham gia tái tranh cử Tổng thư ký LHQ nhiệm kỳ hai. Bất đồng giữa Washington và Boutros-Ghali mỗi lúc mỗi nghiêm trọng, từ vấn đề Somalia đến giải pháp cho Rwanda. Boutros-Ghali liên tục chỉ trích Mỹ, giúp ông có thể kiếm “điểm” ở các nơi khác nhưng với Mỹ là một bất lợi. Với tư cách Đại sứ thường trực LHQ, trước cuộc chiến Boutros-Ghali nhằm vào Mỹ, tôi khó có thể thuyết phục Quốc hội mình tiếp tục ủng hộ các chương trình nghị sự LHQ.

Ngoại trưởng Madeleine Albright và Tổng thống Bill Clinton trong một phiên họp Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, ngày 7 Tháng Chín 2000 (ảnh: Chris Hondros/Newsmaker)

Điều này không phải không quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh phe Cộng hòa thời điểm đó kiểm soát hoàn toàn Quốc hội, khống chế tất cả vấn đề liên quan LHQ và bắt đầu xem Tổng thư ký LHQ (Boutros-Ghali) là “chất phóng xạ”! Boutros-Ghali khẳng định rằng ông có thể thuyết phục giới nghị sĩ Mỹ bằng cách nói chuyện trực tiếp với họ nhưng mỗi lần ông cố gắng, tình hình trở nên tệ hơn. Phong cách uy quyền của ông chỉ khiến các ông nghị Cộng hòa thêm ghét. Ứng cử viên tổng thống Bob Dole (Cộng hòa) từng biến Boutros-Ghali thành trò cười trên phương tiện truyền thông.

Ở góc độ cá nhân, tôi lấy làm tiếc trước mối bất hòa giữa Washington và LHQ. Tôi kính phục bản thân Boutros-Ghali lẫn vợ ông (Leila). Cuối cùng, tôi quyết định rằng nếu muốn quan hệ Mỹ-LHQ được cải thiện, Tổng thư ký Boutros-Ghali phải ra đi. Điều này có nghĩa Washington sẽ tiến hành một cuộc giao chiến trên mặt trận ngoại giao. Chúng tôi có lợi thế. Với tư cách thành viên thường trực UNSC, chúng tôi có thể bỏ phiếu phủ quyết nhưng điều này đem lại nhiều rủi ro.

Pháp – cũng là thành viên thường trực UNSC – chắc chắn chống lại chúng tôi. Washington sẽ bị buộc tội độc đoán và món nợ mà Mỹ còn thiếu LHQ sẽ được hất vào mặt chúng tôi. Không có dấu hiệu Boutros-Ghali tự nguyện rút lui và luôn có khả năng rằng, một khi khói tan và không khí bớt mùi thuốc súng, chúng tôi sẽ dính vào một kẻ nào đó (ở ghế tổng thư ký LHQ) còn tệ hơn. Trong chuyến bay đến Bosnia với tổng thống vào Tháng Một 1996, tôi đặt vấn đề trên với Bill Clinton và tổng thống đồng ý sự phân tích của tôi.

Warren Christopher yêu cầu tôi thảo kế hoạch bằng văn bản, với hai ý: Nhất thiết thay Boutros-Ghali; đồng thời đề xuất ứng cử viên thay thế, trong đó có một người mà tôi cho là thích hợp nhất: Kofi Annan – viên chức LHQ đầy kinh nghiệm từng lãnh nhiều trọng trách nặng nề. Annan đã đứng đầu chiến tuyến trong việc biến lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ trở thành chuyên nghiệp hóa và là người không bao giờ lảng tránh trách nhiệm khi đối mặt thất bại. Ăn nói nhỏ nhẹ và phong cách duyên dáng, Annan chắc chắn là đối tượng được hoan nghênh trước đối thủ khô khan Boutros-Ghali. Hơn nữa, Kofi Annan là dân châu Phi (Ghana) và điều này có thể giúp chúng tôi không bị mang tiếng hất Boutros-Ghali chỉ bởi ông là đại diện Lục địa đen. Ngoài ra, Kofi Annan có thể nói thứ ngôn ngữ của Molière nên hẳn người Pháp sẽ không làm khó dễ.

Trò chơi chính trị 

Trong nhiều tháng, chúng tôi giữ kín chiến dịch đưa Kofi Annan lên ghế Tổng thư ký LHQ. Cùng lúc, Warren Christopher thuyết phục Boutros-Ghali từ bỏ chiến dịch tái tranh cử và đưa ra một mặc cả: Boutros-Ghali tiếp tục làm thêm một năm sau nhiệm kỳ chính thức, cho đến sinh nhật lần thứ 75 của ông. Tuy nhiên, Boutros-Ghali lại “đòi” thêm nửa nhiệm kỳ (hai năm rưỡi). Giữa Tháng Sáu 1996, Ngoại trưởng Warren Christopher xì nguồn tin liên quan ứng cử viên sáng giá Kofi Annan cho tờ New York Times. Tôi nghe tin khi đang đi từ San Diego đến Los Angeles và biết ngay mình phải làm gì. Điện thoại di động hỏng, tôi dùng điện thoại công cộng liên lạc với các đại sứ LHQ thường trực khác. Đúng như tôi đoán, tất cả đại sứ đều bất mãn.

Chiến dịch của chúng tôi xuất phát không thuận lợi bây giờ càng tồi tệ. Từng hy vọng thuyết phục Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU) không đưa ra ứng cử viên châu Phi nào nhưng chúng tôi đã đợi quá lâu. Với Pháp và Ai Cập hậu thuẫn, 53 quốc gia châu Phi tổ chức hội nghị, tuyên bố ủng hộ Boutros-Ghali đến cùng. Chúng tôi tăng tốc, nhấn mạnh rằng một sự thay đổi ở ghế tổng thư ký sẽ giúp LHQ hoạt động hiệu quả hơn. Phát bản ghi quan điểm cá nhân tại các buổi họp chính thức LHQ, chúng tôi nhấn mạnh mong muốn tìm người đủ năng lực thay thế, “đặc biệt người gốc châu Phi”.

Boutros Boutros-Ghali, 1991 (ảnh: Jean-Michel TURPIN/Gamma-Rapho via Getty Images)

Trong khi đó, Boutros-Ghali vẫn không bỏ cuộc. Nhóm cố vấn Boutros-Ghali khẳng định rằng mục tiêu Washington thật ra chỉ mang yếu tố chính trị liên quan nội bộ chính trường Mỹ, trong bối cảnh mùa bầu cử tổng thống đến gần và rồi chúng tôi chắc chắn thay đổi chủ trương lật đổ ông, một khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có kết quả. Cùng lúc, tôi đưa hết mồi nhử này đến mồi nhử khác cho Boutros-Ghali, trong đó có ghế tổng thư ký Tòa án công lý quốc tế; chủ tịch Francophone (các nước nói tiếng Pháp); và “Tổng thư ký danh dự của LHQ” với một phòng làm việc riêng và phụ trách các chương trình lễ lạc LHQ.

Dù chúng tôi thuyết phục thế giới rằng Boutros-Ghali không nhượng bộ, khiến nhiều ứng cử viên có năng lực khác không có cơ hội xuất hiện, báo chí quốc tế vẫn không mắc bẫy và chỉ trích chúng tôi gay gắt. Báo chí Mỹ cũng không tha. Mùa Thu 1996 đã ngốn hết thời gian và sức lực khi chúng tôi cùng lúc thực hiện hai chiến dịch bầu cử: Chiến dịch tái tranh cử của Bill Clinton và ngăn tái tranh cử của Boutros-Ghali.

Ngày 19 Tháng Mười Một 1996, tôi phủ quyết nghị quyết cho phép Boutros-Ghali tranh cử nhiệm kỳ hai. Với tỉ lệ phiếu 14-1 (14 ủng hộ và 1 chống), cuộc đối đầu mà chúng tôi cố tránh bây giờ trở thành công khai và rõ ràng chúng tôi bị cô lập. Tổng thống Ethiopia Meles Zenawi gửi thư cho Tổng thống Cameroon Paul Biya (lúc đó giữ ghế Chủ tịch OAU), yêu cầu tìm ứng cử viên châu Phi thay thế. Cùng lúc, hành lang LHQ bắt đầu nhốn nháo những cuộc thảo luận quanh việc săn tìm ứng cử viên châu Phi thích hợp – người có thể đáp ứng yêu cầu của Mỹ (ủng hộ cải tổ LHQ); yêu cầu Pháp (nói tiếng Pháp giỏi) và yêu cầu Trung Quốc (không ủng hộ Đài Loan). Cuối cùng, ngày 13 Tháng Mười Hai 1996, UNSC nhất trí đề cử Kofi Annan tranh cử ghế Tổng thư ký LHQ thứ 7…

Trong hồi ký mình (Unvanquished­­ – Bất khả chiến bại), Boutros-Ghali viết rằng trong 5 năm ngồi ghế Tổng thư ký LHQ, ông chỉ phạm một sai lầm: Đồng ý để Chính phủ Ý đưa quân sang Somalia và tất cả sai sót khác đều do Mỹ và phương Tây gây ra. Tôi chưa bao giờ gặp lại Boutros-Ghali từ đó đến nay nhưng một lần, tôi gặp Leila (vợ Boutros-Ghali) tại New York. Khi tôi chưa biết nên làm thế nào cho phải, bà đã ôm chầm tôi, nói: “Bạn yêu, chúng tôi rất nhớ bạn”. Trong thời gian ở cương vị Đại sứ Mỹ tại LHQ, tôi tiếp thu nhiều bài học ngoại giao đáng giá từ Tổng thư ký Boutros-Ghali. Tôi nghĩ rằng mình có thể còn học nhiều hơn từ vợ ông ấy…

____________

Hồi ký Madeleine Albright (1)– 14 bộ vest và một váy đầm

Hồi ký Madeleine Albright (3) – Chiến dịch vận động giành ghế ngoại trưởng

Hồi ký Madeleine Albright (4) – Nghệ thuật làm ngoại trưởng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: