Hồi ký Madeleine Albright – những năm tháng ngoại giao sôi động (phần 3)

Bà Madeleine Albright, 2012 (ảnh: Pradeep Gaur/Mint via Getty Images)
Share:
Thời Sự
Thời Sự
Hồi ký Madeleine Albright – Chiến dịch vận động giành ghế ngoại trưởng
/

Kỳ 3: Chiến dịch vận động giành ghế ngoại trưởng

Hoàn toàn không như cuộc bầu cử tổng thống hoặc Quốc hội, khi ứng cử viên luôn dùng thủ đoạn tâng bốc thành tích bản thân và miệt thị đối thủ, ứng cử viên một ghế nội các không được phép tiến hành “chiến dịch tranh cử” và càng không được công khai chỉ trích đối phương. Mọi việc được tiến hành thông qua con đường vận động hành lang một cách bí mật, khôn khéo và tế nhị. Và nếu nghĩ rằng việc bổ nhiệm một ghế nội các trong chính trường Mỹ được thực hiện chỉ qua đánh giá năng lực mà không qua quan hệ cá nhân là không đúng. Trường hợp bổ nhiệm chức ngoại trưởng của Madeleine Albright là điển hình. Trong hồi ký, bà Albright tiết lộ…

Những đường dây ngầm

Thời gian làm Đại sứ Mỹ tại LHQ, tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm và được công chúng biết nhiều. Cuối năm 1994, khi Ngoại trưởng Warren Christopher tuyên bố sẽ từ chức, Thứ trưởng Ngoại giao Strobe Talbott nói với tôi rằng tôi là người kế nhiệm thích hợp. Báo chí Mỹ cũng đồn rùm beng, về khả năng tôi có thể được chọn vào ghế ngoại trưởng. Vào ngày Bill Clinton tái đắc cử, Christopher khẳng định việc từ chức của ông. Washington bắt đầu tăng nhiệt, bởi những rì rầm khắp nơi về vài ứng cử viên có triển vọng thay Christopher.

Trên đường dây điện thoại Washington cũng như trong các buổi tiệc chính khách, người ta đoán già đoán non rằng người này có thể đi lên và kẻ kia chắc chắn rớt đài. Báo chí liên tục tung ra bình luận và “dự báo”. Tháng Mười Một 1994, dư luận tập trung vào năm nhân vật. Đứng đầu là cựu thủ lĩnh phe đa số Thượng viện George Mitchell, người từng gây tiếng vang với thành công trong vai trò công sứ đặc biệt cho tiến trình hòa bình Bắc Ireland. Richard Holbrooke cũng là con ngựa đầy hy vọng. Holbrooke từng giữ ghế Trợ lý ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Đông Á thời Jimmy Carter nhưng có lúc gây thù chuốc oán với Hội đồng an ninh quốc gia và sếp tôi Zbigniew Brezinski, quanh đối sách Trung Quốc. Trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 1988, Holbrooke làm cố vấn cho Al Gore.

Bà Madeleine Albright, 1998 (ảnh: David Hume Kennerly/Getty Images)

Hai gương mặt nữa là Thượng nghị sĩ Sam Nunn và Cựu đại sứ Mỹ tại LHQ Thomas Pickering. Sam Nunn có kiến thức rộng về chính sách quốc phòng nhưng không thân Bill Clinton và thậm chí đương đầu trực diện tổng thống ở nhiều vấn đề. Thomas Pickering được đánh giá là một trong những nhà ngoại giao bản lĩnh cao và chuyên nghiệp nhất nhưng không có lợi thế quan hệ chính trường rộng. Người cuối cùng là tôi.

Dù cảm thấy vui khi được nhắc đến trong danh sách ứng cử viên nhưng tôi không kỳ vọng. Tôi biết Tổng thống đồng ý với tôi ở nhiều vấn đề quan trọng và tin cậy tôi có khả năng truyền tải thông điệp ngoại giao cho Chính phủ Mỹ. Tôi có cảm giác Tổng thống đánh giá tôi là cầu thủ giỏi trong đội nhưng tôi không tin chắc liệu Bill có thể nghĩ tôi thích hợp giữ vị trí cao nhất trong Bộ Ngoại giao hay không. Phóng viên New York Times Elaine Sciolino khuyến khích tôi đánh tiếng gạ hỏi Bill, thông qua trung gian Mike McCurry (phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc).

Vài nhà thông thái đảng Dân chủ khuyên tôi từ đầu rằng chớ dại thực hiện chiến dịch vận động. Trong thực tế, tôi chưa khởi động cỗ máy vận động nhưng tin rằng không chắc gì George Mitchell và Richard Holbrooke chịu ngồi yên, bình thản nằm nhà chờ cú điện mời từ Tòa Bạch Ốc. Tôi biết chắc họ sẽ làm điều gì đó để kích hoạt hệ thống những người ủng hộ và bằng hữu.

Trong hậu trường chính trị Washington, việc các quí ông dựa vào hệ thống quan hệ là điều thuộc về “bản năng tự nhiên”. Quan hệ được thiết lập từ những ngày trung học, đại học, các công ty luật (chuyên nghề vận động hành lang – ND) và cuối cùng là các vị Capitol Hill (Quốc hội). Khi sự nghiệp thăng tiến, hệ thống quan hệ được mở rộng. Tình bằng hữu được vun đắp và bồi bổ qua những ly rượu, điếu xìgà, miếng beefsteak, vài hiệp đấu golf…

Đặc ân được trao đổi qua tình bằng hữu và quan hệ thân thích. Vấn đề được giải quyết và thỏa thuận được thu xếp, qua những cuộc điện thoại hoặc đàm luận kín đáo. Trong khi đó, các quí bà cũng có hệ thống đường dây quan hệ riêng, thông qua hoạt động xã hội và công tác từ thiện. Thời trước, các ông tập trung giành giật quyền lực. Các bà tập trung vào mọi thứ, trừ quyền lực. Thập niên 1960, điều này bắt đầu thay đổi, một cách chậm chạp. Kay Graham – cố chủ bút tờ Washington Post – là người tiên phong…

Bà Madeleine Albright trong lễ tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng Hoa Kỳ (ảnh: Diana Walker/Getty Images)

Khi chiến dịch “phi vận động” bắt đầu, hệ thống của tôi tương đối nhỏ so với George Mitchell và Richard Holbrooke nhưng trong đó có nhiều tay súng gộc và thông minh không kém, chẳng hạn Dân biểu Barbara Kennelly và Wendy Sherman. Họ có nhiều nguồn thông tin tuyệt vời và chúng tôi có lúc đi trước đối thủ một bước. Chẳng hạn, có lần, chúng tôi nhận được tin một đối thủ sắp nói với các phóng viên rằng một nữ ngoại trưởng chắc chắn không thể làm việc hiệu quả khi tiếp cận giới lãnh đạo Arab (người Hồi giáo vốn không thích nữ giới tham gia chính trường – ND). Chúng tôi lập tức tổ chức một chiến dịch qui mô nhỏ: Đưa các phóng viên tiếp cận giới ngoại giao Arab tại LHQ và nhận được tín hiệu tích cực rằng họ không xem phái nữ là vấn đề gì nghiêm trọng đối với chính sách ngoại giao.

Ảnh hưởng của Hillary Clinton

Qua “đường dây” riêng, tôi biết thêm một cố vấn thân tín nhất của Tổng thống đã phản đối khả năng bổ nhiệm ngoại trưởng của tôi. Tất nhiên, những kẻ phản đối cũng có quan điểm nhất định. Họ nói rằng tư duy tôi bị ảnh hưởng bởi gốc rễ châu Âu và vài người hoài nghi cả trình độ kiến thức của tôi. Ngoài ra, còn có lời đồn rằng vai trò của Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton ảnh hưởng đáng kể việc bổ nhiệm ghế ngoại trưởng.

Quả đúng là Hillary có ảnh hưởng và tôi chỉ biết điều này vài tháng sau khi chính thức làm sếp Bộ Ngoại giao. Hôm đó, trong Đại sứ quán Mỹ tại đảo quốc Barbados, trước mặt Hillary, Bill Clinton nhắc lại nguyên văn lời vợ: “Chỉ khi chọn Madeleine, anh mới có thể có được người biết chia sẻ những giá trị mình, có khả năng bảo vệ chính sách đối ngoại của anh và là người có thể làm tất cả những gì để phái nữ hãnh diện”.

Càng gần đến ngày công bố bổ nhiệm, tôi càng được Tổng thống lẫn Phó tổng thống liên tục phỏng vấn. Một lần, tôi được gọi vào Phòng Oval, nghe Tổng thống bàn về nhiều vấn đề hóc búa trong chính sách ngoại giao, từ Trung Quốc, Iran, Trung Đông đến quan hệ với cộng đồng Hồi giáo thế giới. Bill không hỏi nhiều và gợi mở để tôi trình bày. Với (Phó Tổng thống) Al Gore, tôi có cảm giác mình trải qua cuộc thi SAT (Scholastic Assessment Test, Thi kiểm tra kiến thức tổng quát trong các trường đại học Mỹ – ND). Khi ra khỏi phòng, tôi thấy “thí sinh” kế tiếp là George Mitchell…

Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen, Ngoại trưởng Madeleine Albright và Tổng thống Bill Clinton trong buổi họp báo về chiến dịch quân sự tại Kososo (ảnh: Dirck Halstead/Getty Images)

Chiều 3 Tháng Mười Hai 1996, tôi ở nhà riêng tại Georgetown, cùng Elaine Sciolino (phóng viên New York Times) và Suzanne George – cô luật sư trẻ và năng động từng giúp hàng triệu công việc trong nhóm cận sự riêng của tôi ở Washington. Chúng tôi lục lại tất cả bài báo mà tôi viết trong sự nghiệp ngoại giao, theo yêu cầu Tòa Bạch Ốc. Đột nhiên, điện thoại reng. Nhân viên tổng đài Tòa Bạch Ốc yêu cầu tôi giữ máy chờ Tổng thống. Trong bảy phút cầm máy, tôi bồn chồn và bụng dạ bắt đầu lộn ngược như thể  đang lộn nhào trên xe đường ray cuốn.

Cuối cùng, đầu dây bên kia, có giọng Tổng thống. Bill hỏi về sức khỏe Vaclav Havel (Tổng thống CH Czech), về Boutros-Ghali và nêu vài bình luận thời sự về châu Âu. Tôi trả lời lịch sự và rồi Bill… gác máy. Thế là hết! Giấc mơ ngoại trưởng tắt ngúm! Hôm sau, Tòa Bạch Ốc lại gọi. Miễn cưỡng, tôi cầm máy, chuẩn bị tinh thần nghe lời từ chối chính thức. Đầu dây bên kia, một viên chức Tòa Bạch Ốc hỏi: “Nếu Tổng thống yêu cầu giữ ghế ngoại trưởng, bà đồng ý không? Có bất tiện không, nếu bà chờ cuộc gọi từ Tổng thống vào 9g sáng mai?”.

Hồi hộp, tôi năn nỉ Elaine Sciolino ngủ lại đêm với mình. Sáng hôm sau, cả hai chúng tôi mặc sẵn bộ váy hồng, ngồi xem tivi trong phòng khách, không dám đi tắm, sợ nhỡ cuộc gọi. 9g rồi 9g15, chuông reng. Hóa ra là nữ dân biểu Wendy Sherman điện hỏi có tin “lành” từ Tòa Bạch Ốc chưa. 9g30, chuông reng, lại một người bạn khác. 9g45, tôi cầm ly càphê, có cảm giác như cả cơ thể mình đang sản xuất chất caffeine. 9g47, chuông lại reng. Elaine cầm máy, chuyển cho tôi, không nói một lời.

“Tôi muốn bà làm Ngoại trưởng cho tôi” – đó là câu đầu tiên của Bill… Tôi gác máy, ôm chầm Elaine và ngồi phịch xuống để đón nhận sự thật rằng cuộc đời mình vừa bắt đầu thay đổi. Tôi nhấc máy, điện cho con, anh chị em và tất cả bạn hữu. Tiếp đó, tôi phóng vào phòng tắm, sửa sang đầu tóc, mặc chiếc váy đỏ, mang dây chuyền và lên xe trực chỉ Tòa Bạch Ốc… Ngày 22 Tháng Một 1997, toàn bộ Thượng viện nhất trí việc bổ nhiệm tôi (tỉ lệ phiếu 99-0) và từ ngày 23 Tháng Một 1997, sau 207 năm, lần đầu tiên một phụ nữ đã trở thành người lãnh đạo Bộ ngoại giao, Ngoại trưởng thứ 64 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ…

Kỳ 4: Nghệ thuật làm ngoại trưởng

________

Hồi ký Madeleine Albright (1)– 14 bộ vest và một váy đầm

Hồi ký Madeleine Albright (2) – “Đảo chính Boutros-Ghali”

Hồi ký Madeleine Albright (4) – Nghệ thuật làm ngoại trưởng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: