“Lập trường của Hoa Kỳ về Yêu sách Biển trên Biển Đông”

Michael R. Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ

Tuyên bố Báo chí – Ngày 13-07-2020

Hoa Kỳ đấu tranh cho một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm nay chúng tôi tăng cường chính sách của Hoa Kỳ ở một phần thiết yếu, có tranh chấp của khu vực đó – biển Nam Trung Hoa [tức Biển Đông Việt Nam]. Chúng tôi nói rõ: Những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở phần lớn vùng Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, chiến dịch hăm dọa của Bắc Kinh để kiểm soát các tài nguyên đó cũng vậy.

Ở Biển Đông, chúng tôi đấu tranh bảo vệ hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải theo một cung cách phù hợp với luật pháp quốc tế, giữ vững dòng chảy thương mại không bị gián đoạn và chống lại mọi mưu toan sử dụng việc cưỡng ép và vũ lực để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi chia sẻ những lợi ích sâu rộng và vĩnh cửu này với rất nhiều đồng minh của chúng tôi và với các đối tác từ lâu đã tán thành một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Những lợi ích chung này đang gặp mối đe dọa chưa từng có trước đây từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). Bắc Kinh đã dùng sự hăm dọa để xói mòn quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển Đông Nam Á, bắt nạt họ phải rời bỏ các nguồn tài nguyên xa bờ, cưỡng bức thiết lập sự thống trị đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế bằng “sức mạnh là lẽ phải”. Cách hành xử của Bắc Kinh đã rõ ràng trong nhiều năm. Năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi ấy là ông Dương Khiết Trì đã nói với các đồng nhiệm ASEAN rằng “Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là những nước nhỏ và đó là một thực tế”. Thế giới quan ăn cướp của Trung Quốc không có chỗ đứng trong thế kỷ 21.

Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý chí của mình lên khu vực này. Bắc Kinh đã không đưa ra được căn bản pháp lý cho yêu sách “Đường Chín Đoạn” trên Biển Đông kể từ khi chính thức công bố nó năm 2019. Trong một quyết định được đồng thuận tuyệt đối ngày 12 tháng Bảy năm 2016, Tòa Trọng Tài được thành lập theo Công ước về Luật Biển 1982 – mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên – đã bác bỏ yêu sách biển của Trung Quốc vì chúng không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Tòa án đã đứng hẳn về phía Phi Luật Tân là nước đã đưa vụ kiện ra trọng tài trong hầu như tất cả các yêu sách của Phi.

Như Hoa Kỳ đã nói trước đây, và như đã được minh định trong Công ước, quyết định của Tòa Trọng Tài là quyết định cuối cùng và có tính ràng buộc về pháp lý với cả hai bên. Hôm nay, chúng tôi thống nhất lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách biển của Trung Quốc trên vùng Biển Đông với quyết định của Tòa Trọng Tài. Đặc biệt là:

    • Trung Quốc không thể khẳng định yêu sách vùng biển một cách hợp pháp – bao gồm mọi yêu sách Vùng Đặc Quyền Kinh Tế (Exclusive Economic Zone, EEZ) hình thành từ đá Scarborough Reef (Bãi Cỏ Rong) và Quần đảo Trường Sa – đối mặt với Phi Luật Tân trong những vùng mà Tòa Trọng Tài xác định là thuộc vùng EEZ của Phi Luật Tân hoặc nằm trong thềm lục địa của Phi Luật Tân. Việc Bắc Kinh quấy nhiễu hoạt động đánh cá và phát triển năng lượng xa bờ của Phi Luật Tân trong các vùng này là phi pháp, mọi hành động của Trung Quốc đơn phương khai thác các tài nguyên này cũng vậy. Theo quyết định có tính ràng buộc pháp lý của Tòa Trọng Tài, Trung Quốc không thể có yêu sách biển hoặc yêu sách lãnh thổ hợp pháp đối với Mischief Reef (Đá Vành Khăn) hoặc Second Thomas Shoal (Bãi Cỏ Mây) – cả hai thực thể này đều nằm hoàn toàn trong vùng thuộc chủ quyền của Phi Luật Tân; Bắc Kinh cũng không được có yêu sách biển hoặc yêu sách lãnh thổ nào sinh ra từ các thực thể này.
    • Vì Bắc Kinh đã không đưa ra được một yêu sách biển hợp pháp và chặt chẽ ở Biển Đông, Hoa Kỳ bác bỏ mọi đòi hỏi của Trung Quốc đối với các vùng biển bên ngoài lãnh hải 12 hải lý phát sinh từ các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong quần đảo Trường Sa (mà không gây thiệt hại cho tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khác đối với các hòn đảo như vậy). Và như thế, Hoa Kỳ bác bỏ toàn bộ yêu sách biển của Trung Quốc trong các vùng biển bao quanh Vanguard Bank (Bãi Tư Chính của Việt Nam), Luconia Shoal (Bãi cạn Luconia của Malaysia), vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Natuna Besar (của Indonesia). Mọi hành động của Trung Quốc quấy nhiễu việc đánh cá và phát triển dầu khí của các nước khác trong các vùng biển này – hoặc đơn phương thực hiện những hoạt động như vậy – là bất hợp pháp.
    • Trung Quốc không có quyền yêu sách biển hoặc yêu sách lãnh thổ đối với (hoặc phát sinh từ) bãi ngầm James Shoal – một thực thể hoàn toàn chìm dưới nước, chỉ cách Malaysia 50 dặm và cách bờ biển Trung Quốc 1000 dặm biển. Bãi James Shoal thường được Trung Quốc viện dẫn để tuyên truyền như là “lãnh thổ cực nam của Trung Quốc”. Luật pháp quốc tế quy định rõ: Một thực thể chìm dưới nước như James Shoal không thể được yêu sách chủ quyền bởi bất kỳ quốc gia nào và không thể sinh ra vùng biển. James Shoal (thường chìm dưới mặt biển khoảng 20 mét) không thể và không bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng không thể xác lập quyền hợp pháp lên vùng biển đó.

Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển Đông như một đế quốc hàng hải của mình. Hoa Kỳ đứng cùng với các đồng minh Đông Nam Á và các đối tác để bảo vệ chủ quyền của họ đối với các tài nguyên xa bờ, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi đứng cùng với cộng đồng quốc tế bảo vệ tự do hàng hải, tôn trọng chủ quyền và bác bỏ mọi hành động nhằm áp đặt “sức mạnh là lẽ phải” ở Biển Đông hoặc một khu vực rộng lớn hơn.

(Bản dịch tiếng Việt của SGN)

Nguồn: https://www.state.gov/u-s-position-on-maritime-claims-in-the-south-china-sea/

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: