Trước thềm năm mới Tết Giáp Thìn, nhóm anh chị em Công ty Người Việt đến thăm nhà dưỡng lão Boarding Care Waiver ở Little Saigon.
“Xuân đã đến rồi reo rắc ngàn hồn hoa xuống đời, vui trong bình minh, muôn loài chim hót vang mọi nơi”, tiếng đàn ca của các anh chị làm khuấy động không khí yên ắng của nơi vốn rấn yên ả vào ngày thường.
Việc sắp đặt được chuẩn bị khá chu đáo cho buổi thăm hai cơ sở của Boarding Care Waver tại thành phố Garden Grove và Anaheim, nào bánh cuốn, bánh giò, mì xào, thạch, trái cây, và quà tặng cho tiết mục “đố vui có thưởng”.
Các bác vui, mình cũng vui!
Nhà báo Doãn Hưng có thân phụ là nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã qua tuổi “bách niên giai lão” vào năm 2023, hiểu tâm lý người già, đề nghị “đến thăm các bác là phải có hát hò, có bày trò, các bác mới vui”. Anh đem theo cây đàn guitar, in sẵn hai bài hát “Ly Rượu Mừng” và “Đón Xuân” để mọi người cùng hát.
Bác Nguyễn Thị Hồng Liễu ngồi chờ chúng tôi ở chiếc ghế sofa đặt ngoài sân Boarding Care Waver ở Anaheim. Hỏi bác bao nhiêu tuổi, bác không nhớ, nhưng sau đó thì kể rõ ràng: “Bác tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh khóa 19, làm ở Tòa Đại Biểu Chính Phủ Miền Đông, qua Bình Dương, tới Biên Hòa, rồi về sài Gòn làm trong Phủ Tổng Thống.”
Bác Hồng Liễu ở Atlanta, Georgia trước khi sang California được vài tháng nay. Ngồi ngắm các chị mặc áo dài Tết, bác móm mém cười, khoe: “Hồi còn con gái, bác cũng đẹp như mấy cô đây. Mặc áo dài eo số 8 đó nhe.”
Theo chị Tố Uyên Phạm, chủ hệ thống ba cơ sở của Boarding Care Waver, hiện thời nơi đây đang có hơn 30 người, trong đó người Việt chiếm hai phần ba, và sinh sống chủ yếu tại Boarding Care #2 tại Anaheim và Boarding Care #2 tại Garden Grove, nơi chúng tôi đến thăm. Còn Boarding Care #1 tại Garden Grove chỉ toàn người Mỹ và người Mễ.
“Cư dân” nhà dưỡng lão này không chỉ ở California mà nhiều bác đến từ nhiều nơi như Washington, New York, Texas, Arizona,… có độ tuổi từ 50 đến 108.
Chúng tôi thắc mắc sao cũng có người ở độ tuổi trung niên? Chị Tố Uyên giải thích: “Ở đây chúng tôi nhận hết người có Medi Medi, SSI, và người được hưởng chương trình IHSS (In-Home Support Services- Chương trình Dịch vụ Hỗ trợ Tại nhà), nhưng nếu ai chẳng có gì, mà bị bệnh, chúng tôi cũng nhận, như trường hợp anh Định Lê, 56 tuổi, bị tâm thần; hay Minh Nguyễn, 50 tuổi, bị hư não, giờ cứ như con nít.”
Theo lời chị Tố Uyên kể, anh Minh có gia đình, một hôm leo lên sửa trong garage, rồi bị té, nằm cả ngày trời không ai hay, đến khi người nhà phát hiện đưa đi nhà thương thì bác sĩ chỉ cứu được sự sống.
Còn với anh Định Lê lại là một câu chuyện khác. Anh bị tù oan. Từ một người khỏe mạnh, lúc ra tù, anh thành người dại, gặp ai cũng sợ, nghe tiếng còi hụ xe cảnh sát thì co rúm người lại.
Tham gia đoàn đi thăm nhà dưỡng lão, chị Kim Xuân Nguyễn, nhân viên Nhật báo Người Việt cho biết đây là lần đầu tiên chị được đi thăm các bác. “Mình thích hát lắm, mà hôm nay còn được hát cho các bác nghe, vui quá!” chị Kim Xuân nói. “Mình cũng cảm thấy chạnh lòng khi nhìn các bác, mà nhớ đến ba mẹ mình nay không còn nữa. Nhưng được nhìn các bác cười tươi, lại thấy vui.”
Cùng đi với chị Kim Xuân là người em song sinh Kim Thu Nguyễn. Cả hai chị em tất bật lo thức ăn, trái cây phục vụ các bác.
Trong khi chờ được phục vụ bữa ăn, bác Katy Nguyễn, 95 tuổi, tâm sự, bác là thiếu tá quân đội VNCH, trước 1975 làm việc ở Đà Lạt, sau đó qua Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình. Bác nói cuộc sống độc thân (bác chưa bao giờ lập gia đình) không làm bác buồn, nhưng từ khi bố mẹ lần lượt ra đi, ký ức ngày xưa thỉnh thoảng lại ùa về, khiến bác nhớ Việt Nam vô cùng, nhất là vào những ngày Tết. “Nhớ lắm cô à, giờ vô đây, chấp nhận chết ở đây thôi,” bác Katy đượm buồn, nói.
Nhưng không lâu sau, khi tiếng đàn, giọng ca của các anh chị vang lên, bác vui trở lại, cặp mắt sáng rỡ, như được sống lại ngày xưa, ngồi nhẩm hát theo bài “Ly rượu mừng”.
Mong các bác ấm lòng
Chị Tố Uyên nói vào ngày thường, thỉnh thoảng cũng có các nhóm bên Công Giáo của chị Mai Anh, và một nhóm Tin Lành đến thăm, mua đồ ăn đến tặng các bác. Ngày nào cũng vậy, sau các bữa ăn rất đúng giờ và đủ chất dinh dưỡng, các bác chỉ có việc xem tivi, tập thể dục, tắm nắng, và… đi ngủ.
Anh chị Tiến Khuất – Hảo Khuất, bạn hữu của Nhật báo Người Việt, nhà ở Lake Forest, dù biết tin trễ vẫn có mặt đúng giờ để được thăm các bác.
Chị Hảo tâm sự: “Ba mẹ mình trước khi mất cũng ở viện dưỡng lão một thời gian, khi đó mỗi lần vô thăm ông bà, mình hay thấy có người đến hát cho các cụ nghe. Bây giờ vợ chồng mình có thời gian, nên cũng muốn qua lời ca tiếng hát, đem niềm vui đến các bác. Mong các bác được ấm lòng, không có cảm giác là mình bị bỏ rơi, sẽ vui và bớt bệnh, vì niềm vui còn bổ hơn liều thuốc chữa bệnh.”
Cư dân lớn tuổi nhất ở Boarding Care Waiver là soeur Maria Mai Trung, 106 tuổi. Trước khi sang Mỹ, soeur chỉ là người đi truyền giáo chứ không thuộc giáo phận nào. Lớn tuổi như vậy mà soeur vẫn ngồi được xe lăn, chỉ có tâm trí thì lúc nhớ lúc quên. Khi hỏi gì thì bảo “làm sao soeur nhớ nổi”, nhưng có lúc soeur lại ngồi nói huyên thuyên bất tận.
Biết trong nhà dưỡng lão có soeur, anh Loan Dương – trưởng một ca đoàn trên San Jose nhờ anh Hưng hát bài “Trong Tay Chúa” do anh sáng tác, như lời cầu chúc bình an đến soeur và mọi người trong năm mới. Anh Hưng nói: “Mình không phải là người Công Giáo, nhưng cứ tối đến, nghe bài hát này là cảm thấy tâm hồn bình an, dễ chìm vào giấc ngủ.”
Bài hát có câu: “Chiều dần khuất, nắng dần phai, sương đêm tìm về chập chùng, đêm thanh vắng, giấc lẻ loi, thương nghe dòng đời nổi trôi. Trong tay Chúa, bao trìu mến, con xin phó linh hồn con, nguyện cầu Chúa giữ gìn con, qua đêm này được bình an.”
Nhưng trước khi “chiều dần khuất”, chúng tôi đã phải chia tay các bác, mà đọng lại trong các mỗi anh chị em cảm giác vui, buồn lẫn lộn.
Vui vì được dịp đem đến các bác một chút hương Xuân, nhưng cũng không khỏi nghẹn ngào, vì biết khi khuất bóng chúng tôi, các bác sẽ buồn lắm. Đành hẹn lại lần sau…