Mỹ-Ấn ký thỏa thuận quân sự đối phó Trung Quốc

H.C.

Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã thay mặt chính phủ Mỹ ký kết một hiệp định quân sự với Ấn Độ hôm nay thứ Ba 27-10 trước khi lên đường sang Sri Lanka trong một chuyến công du nhiều nước Nam Á để thúc đẩy thông điệp chống Trung Quốc của chính phủ Mỹ.

Hiệp định có điều khoản hai nước sẽ chia sẻ thông tin quân sự nhạy cảm thu thập từ hệ thống vệ tinh, vốn được dùng để giám sát các vụ thử nguyên tử, phóng hỏa tiễn đạn đạo, đồng thời điều khiển các hỏa tiễn và phi cơ không người lái của Mỹ.

Đây là bước mới nhất trong hàng loạt hiệp định quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ nhằm chống lại sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng châu Á-Thái Bình Dương. “Nhiều chuyện lớn đang xảy ra khi các nền dân chủ liên kết lại để bảo vệ tốt hơn công dân của cả hai nước, và cả thế giới tự do nói chung,” ông Pompeo nói tại cuộc họp báo chung ở thủ đô New Delhi, theo đài NPR.

Trước đó, hai ông Pompeo và Esper đã hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hai bên đã thảo luận “việc chống dịch Covid-19, hợp tác an ninh và quốc phòng, chia sẻ những lợi ích trong vùng châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Chuyến viếng thăm của hai ông Pompeo và Esper là một phần trong chương trình đối thoại 2+2 thường niên giữa Mỹ và Ấn Độ, trong đó bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước sẽ gặp nhau để bàn về những vấn đề an ninh và đối ngoại mà cả hai nước đều quan tâm. Ngoài Ấn Độ, Mỹ có đối thoại 2+2 thường niên với Úc.

Mỹ từ lâu đã coi Ấn Độ là một tường thành cản trở sự bành trướng của Trung Quốc. Chính phủ Trump đã gia tăng các cuộc tập trận chung với Ấn Độ và thúc đẩy New Delhi mua thêm nhiều vũ khí tân tiến của Mỹ.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên vùng núi cao Hy Mã Lạp Sơn dẫn tới vụ đụng độ làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hồi tháng Sáu đã đẩy quan hệ Trung-Ấn lên mức căng thẳng mới và tạo thuận lợi cho việc siết chặt quan hệ quân sự Mỹ-Ấn.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, Ấn Độ vẫn còn ngại Trung Quốc vì là nước láng giềng có chung 2000 dặm biên giới chưa phân định và có nền kinh tế lớn hơn Ấn Độ nhiều lần dù quy mô dân số tương đương nhau.

Dù ông Pompeo có lời lẽ rất mạnh mẽ khi nói tới Trung Quốc nhưng các quan chức Ấn Độ như Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh và Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar đều không nêu đích danh Trung Quốc để phê phán trong các buổi họp báo. Bộ trưởng Quốc phòng Singh cũng không có câu trả lời dứt khoát khi được hỏi liệu Ấn Độ có ngừng mua vũ khí của Nga và chuyển sang mua vũ khí của Mỹ hay không. “Mua của ai và không mua của ai còn tùy vào các cuộc thương lượng,” ông Singh nói.

Sau Ấn Độ, Bộ trưởng Pompeo đã bay tới Colombo, thủ đô Sri Lanka; sau đó ông viếng thăm đảo quốc Maldives và Indonesia trước khi trở lại thủ đô Washington. Sri Lanka và Maldives đang khốn đốn vì dính vào bẫy nợ của Trung Quốc, do chính phủ các đảo quốc nhỏ này vay tiền để đầu tư các cơ sở hạ tầng không có hiệu quả. Indonesia là nước lớn nhất trong khối ASEAN, vừa đón tiếp chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.

Chủ đề thảo luận của ông Pompeo trong chuyến thăm các đảo quốc vùng Nam Á này cũng là tố cáo các mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, vận động hình thành một liên minh không chính thức để ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo