Mỹ: đưa thêm bốn tổ chức truyền thông Trung Quốc vào quy chế ngoại giao

H.C.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm nay (thứ Hai 22-06) công bố đưa thêm bốn tổ chức truyền thông của nhà nước Trung Quốc cơ sở tại Mỹ vào danh sách các cơ quan ngoại giao, hoạt động theo quy chế cơ quan đại diện chính phủ nước ngoài chứ không phải theo quy chế báo chí. Như vậy đã có chín (9) tổ chức tuyên truyền của Trung Quốc bị xếp vào dạng này. Chưa rõ Bắc Kinh sẽ trả đũa như thế nào.

Bốn tổ chức bị thay đổi quy chế gồm Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), Hãng tin Trung Quốc (CNS), Nhân Dân nhật báo (People’s Daily) và Hoàn Cầu Thời báo (Global Times).

CCTV là mạng truyền hình chính của Trung Quốc do nhà nước đầu tư, sở hữu và vận hành. Bộ phận đối ngoại của CCTV, có tên Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc, đã bị đưa vào quy chế ngoại giao hồi tháng Hai vừa qua, cùng với bốn tổ chức khác.

Nhân Dân nhật báo là cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hồi tháng Hai, một đơn vị phát hành của báo này ở Mỹ, có tên là Công ty Phát triển Hai Tian USA, đã bị đưa vào quy chế ngoại giao.

Hoàn Cầu Thời báo là tờ báo tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc, tuy không phải là tiếng nói chính thức của đảng và chính phủ Trung Quốc như Nhân Dân nhật báo, nhưng do Nhân Dân nhật báo sở hữu và điều hành. Tổng biên tập của báo này, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) thường xuyên sử dụng mạng Twitter để công kích chính sách đối ngoại của Mỹ.

Hãng tin CNS là hãng tin quốc doanh lớn thứ hai của Trung Quốc, sau Tân Hoa Xã (Xinhua). Tân Hoa Xã đã bị đưa vào quy chế ngoại giao hồi tháng Hai.

Hồi tháng Hai, Bộ Ngoại giao cũng đã thay đổi quy chế của Tập đoàn Phát hành China Daily (nhật báo đối ngoại bằng tiếng Anh, trực thuộc Nhân Dân nhật báo) và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc.

Theo quy chế cơ quan đại diện chính phủ nước ngoài, các tổ chức này phải báo cáo thường kỳ cho Bộ Ngoại giao chi tiết về nhân sự và danh sách các bất động sản mà họ sở hữu. Ngoài ra, nhân viên của các tổ chức này không được tự ý tiếp xúc, thăm viếng các cơ sở giáo dục đại học, các phòng thí nghiệm và nhiều cơ quan khác của chính phủ Mỹ khi chưa có sự đồng ý của Bộ Ngoại giao.

Đây là động thái mới nhất trong hàng loạt những biện pháp đấu đá qua lại giữa Bắc Kinh và Washington trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Ông David Stilwell, Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương sự vụ, giải thích: “Những tổ chức này không phải là cơ quan báo chí độc lập; chúng thực tế bị kiểm soát bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc… và được biết như là những tổ chức tuyên truyền”. Và theo ông, chính phủ cần làm cho công dân Mỹ thấy rõ đây là những cơ quan tuyên truyền cho chính phủ Trung Quốc. “Những người này không chỉ tuyên truyền. Và để hiểu chính xác họ làm gì chúng ta cần biết họ là ai. Chúng ta cần hiểu những gì đang xảy ra ở đất nước chúng ta”, ông Stilwell nói thêm.

*

Hồi tháng Hai, sau khi Trung Quốc trục xuất ba nhà báo của The Wall Street Journal vì một bài báo có tựa “Châu Á bệnh phu” (Trung Quốc là người bệnh của châu Á), Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa năm tổ chức truyền thông của nước này ở Mỹ vào quy chế ngoại giao. Bắc Kinh trả đũa bằng việc trục xuất 13 nhà báo Mỹ làm việc cho The Wall Street Journal, The Washington Post và The New York Times. Phía Mỹ ra lệnh cắt giảm số nhân viên làm việc cho các tổ chức truyền thông Trung Quốc tại Mỹ từ 160 người xuống còn 100 người.

Những năm gần đây Trung Quốc sử dụng chính sách cấp visa và giấy phép làm việc để gây sức ép với các phóng viên nước ngoài, buộc họ phải tự kiểm duyệt hoặc tránh đề cập tới các đề tài mà Trung Quốc cho là nhạy cảm. Visa vào Trung Quốc của phóng viên đã bị giảm từ thời hạn bình thường là một năm nay chỉ còn ba tháng, thậm chí một tháng, và từ chối gia hạn visa cho những nhà báo mà họ không ưa. Trong khi đó, phóng viên Trung Quốc tại Mỹ vẫn được hưởng visa không thời hạn. Không chấp nhận bất cập này, hồi tháng Năm, Bộ Nội An Hoa Kỳ thay đổi chính sách, người Trung Quốc vào Mỹ hành nghề báo chí, nếu không làm việc cho các tổ chức truyền thông của Mỹ thì chỉ được cấp visa có hiệu lực 90 ngày.

Các động thái siết chặt việc kiểm soát hoạt động của các tổ chức truyền thông Trung Quốc tại Mỹ diễn ra vào lúc quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang hết sức căng thẳng liên quan tới vấn đề nguồn gốc của coronavirus, đại dịch Covid-19, luật an ninh quốc gia cho Hong Kong và nhiều vấn đề khác.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: