Hải quân Mỹ đang phát triển các hệ thống năng lượng có định hướng (directed energy systems) để chống lại các mối đe dọa hỏa tiễn siêu thanh (hypersonic missile) từ Trung Quốc và Nga.
“Hải quân Mỹ đang phát triển các hệ thống năng lượng có định hướng như một biện pháp phòng thủ tiềm năng chống lại hỏa tiễn siêu thanh” – một đô đốc cấp cao của Hải quân Mỹ tiết lộ, đồng thời ông xem những tiến bộ mà Nga và Trung Quốc đạt được trong công nghệ vũ khí siêu thanh là “mối quan tâm đáng kể” đối với Hoa Kỳ. Ngày 25 Tháng Tám, trong một sự kiện tại Quỹ Di sản, Đô đốc Michael Gilday, phụ trách chiến dịch của Hải quân (Chief of Naval Operations) khẳng định: “Việc phát triển các hệ thống sử dụng tia laser năng lượng cao hoặc vi sóng công suất cao để tiêu diệt mối đe dọa của hỏa tiễn siêu thanh là ưu tiên hàng đầu của Hải quân Mỹ. Từ quan điểm phòng thủ, chúng tôi tập trung vào mối đe dọa không thể xem thường của loại hỏa tiễn này”.
Hỏa tiễn siêu thanh, di chuyển với tốc độ gấp năm lần tốc độ âm thanh hoặc nhanh hơn, đặt ra một thách thức đặc biệt lớn cho các hệ thống phòng thủ đánh chặn hỏa tiễn Mỹ đang có. Chúng bay nhanh hơn nhiều so với hỏa tiễn truyền thống và không bay trên quỹ đạo như hỏa tiễn đạn đạo nên rất khó đoán trước đường bay để phát hiện và đánh chặn. Đô đốc Michael Gilday cho biết: “Những tiến bộ mà các đối thủ như Nga và Trung Quốc đạt được trong vũ khí siêu thanh là một mối quan tâm của chúng tôi. Nga và Trung Quốc không chỉ đã có những khả năng đó mà sẽ sớm cải thiện hơn nữa”. Nga từng sử dụng hỏa tiễn Kinzhal siêu thanh trong cuộc chiến ở Ukraine, trong khi Trung Quốc đã thử nghiệm hỏa tiễn siêu thanh vào năm ngoái.
Các hệ thống năng lượng định hướng, sử dụng tia laser hoặc bộ phát vi sóng để phá hủy hỏa tiễn siêu thanh hoặc làm gián đoạn thiết bị điện tử của nó, là một lựa chọn tiềm năng để phòng thủ trước vũ khí siêu thanh. CNN cho biết, trong tháng này, Hải quân Hoa Kỳ đã lắp đặt hệ thống laser HELIOS (High Energy Laser with Integrated Optical-dazzler and Surveilla) của hãng Lockheed Martin trên Chiến hạm USS Preble. HELIOS là hệ thống vũ khí mới nhất trong nỗ lực nhằm trang bị cho lực lượng Hải quân vũ khí có khả năng phòng thủ mạnh hơn. Heidi Shyu, Thứ trưởng Quốc phòng về Nghiên cứu và Kỹ thuật, đánh giá các hệ thống vũ khí năng lượng là một lĩnh vực công nghệ có tầm quan trọng sống còn đối với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
“Trong nhiều năm qua, nói về hệ thống năng lượng có định hướng sử dụng tia laser hoặc bộ phát vi sóng để tiêu diệt mục tiêu, người ta nghĩ ngay đó là ‘sản phẩm khoa học viễn tưởng’, nhưng nay công nghệ này đã phát triển đến mức có thể biến thành thực tế và được dùng cho quân đội” – Shyu nhận định vào đầu năm nay. Năm 2014, Hải quân đã thử nghiệm và triển khai thành công hệ thống vũ khí laser trên tàu USS Ponce ở vịnh Persic. Hệ thống có khả năng sử dụng máy bay không người lái, máy bay nhỏ và tàu thuyền nhỏ. Năm ngoái, Hải quân cũng thử nghiệm một hệ thống laser tiên tiến hơn trên tàu USS Portland.
Hiện Hoa Kỳ đang trong quá trình thử nghiệm các hệ thống hỏa tiễn siêu thanh khác nhau, một số bị trì hoãn do thử nghiệm thất bại. Ví dụ, hệ thống ARRW (Air-launched Rapid Response Weapon) thử nghiệm thất bại ba lần liên tiếp trước khi thành công vào Tháng Tư năm nay. Đến Tháng Bảy, một cuộc thử nghiệm hệ thống Common Hypersonic Glide Body, sản phẩm liên doanh giữa Hải quân và Lục quân, cũng thất bại sau khi xảy ra “điều bất thường” trong lần thử nghiệm đầu tiên của hệ thống. Hỏa tiễn đẩy phóng không thành công.
Nếu không có hỏa tiễn đẩy, Ngũ Giác Đài không thể tiến hành thử nghiệm Common Hypersonic Glide Body. Đô đốc Gilday khẳng định: “Chúng tôi tin việc thử nghiệm Common Hypersonic Glide Body sẽ sớm thành công và Lục quân sẽ là lực lượng đầu tiên được triển khai hệ thống này vào năm tới, trong khi Hải quân có kế hoạch đưa hỏa tiễn siêu thanh lên tàu khu trục vào năm 2025 và tàu ngầm tấn công nhanh (fast attack submarine) vào năm 2028”.
_________