Loạt công ty và tổ chức đang vận động hành lang quyết liệt để được tiêm vaccine coronavirus.
Giám đốc điều hành Uber viết thư cho Thống đốc New York Andrew M. Cuomo vào tuần trước với yêu cầu: ưu tiên cho các tài xế của họ. Vài ngày sau, chủ tịch công đoàn vận tải lớn nhất New York cũng đề nghị tương tự. Trong khi đó, Hội đồng Thương mại Khách sạn (Hotel Trades Council), nơi vốn có quan hệ tốt trong chính trường, đã thúc giục ủy viên y tế tiểu bang dành ưu tiên cho mình – theo New York Times 20-12-2020.
Thậm chí, một đại cử tri tổng thống đã nói chuyện với thống đốc về việc ai được ưu tiên tiêm vaccine – sau khi cả hai tham gia cuộc bỏ phiếu Đại cử tri đoàn ở New York. Trong số các thủ phủ tiểu bang khắp nước Mỹ, New York từ lâu nổi tiếng là “cứ địa” của các “giao dịch hậu trường”. Vụ việc đang nhốn nháo đến mức một viên chức New York nói rằng đây là một “cuộc chiến lớn” (“a big fight”), dù ông thống đốc Andrew M. Cuomo nhắc đi nhắc lại rằng ở đây chẳng có ưu tiên gì cả, nếu không tính đến những người cần được ưu tiên nhất, gồm bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu và bệnh nhân.
Chính phủ liên bang dự kiến sớm đưa ra các khuyến nghị về những ai được coi là cần thiết. Tuy nhiên, chính quyền các tiểu bang vẫn có quyền quyết định riêng. Tại Colorado, giới chức cho biết nhân viên ngành trượt tuyết sống trong các khu tập trung đông đúc sẽ là nhóm được tiêm sớm. Giới chức y tế Georgia và Arkansas thì đưa công nhân trong các nhà máy đóng gói thịt hoặc chế biến thực phẩm vào danh sách ưu tiên.
Tại New York, đối tượng được chú ý là những người ứng cứu khẩn cấp; trong đó có cảnh sát, nhân viên vận chuyển và những người duy trì lưới điện… Danh sách người đủ tiêu chuẩn ở New York, thuộc nhóm đối tượng cần phải duy trì làm việc trong tình trạng đóng cửa, còn là bác sĩ chỉnh hình, nhân viên chăm sóc cây cảnh đến cả thợ sửa xe đạp. Chính bởi danh sách dài ngoằng rối rắm như vậy nên bà con cứ cãi loạn cào cào và ai cũng cho rằng họ mới đáng được ưu tiên.
Rich Maroko, chủ tịch Hội đồng Thương mại Khách sạn, nêu rằng 35.000 nhân viên khách sạn New York “tiếp tục đặt họ vào tình thế rủi ro trong khi vẫn làm việc suốt thời gian xảy ra đại dịch đến giờ”. Stuart Appelbaum, chủ tịch Nghiệp đoàn Bán sỉ-lẻ Bách hóa, nơi đại diện 40.000 người làm việc ở New York, than rằng ông đã liên hệ với chính quyền nhưng chẳng thấy phản hồi gì. Tình hình quả thật rất nhức đầu.
Chính quyền cho biết họ quyết định dựa trên sự kết hợp nhiều yếu tố, gồm bản chất của ngành và rủi ro sức khỏe từng cá nhân. Robert Mujica, giám đốc ngân sách tiểu bang New York, cho biết tất cả sẽ “liên quan đến số liều mà chúng tôi nhận được nhưng chúng tôi sẽ thực hiện việc đánh giá dựa trên các mức độ khác nhau”, từ ngành nghề đến tuổi tác. Ví dụ, một nhân viên cáp viễn thông 30 tuổi sẽ ít rủi ro hơn một người 90 tuổi sống ở nhà.
Dù vậy, giới doanh nghiệp vẫn chạy đôn chạy đáo để có vaccine. Một số giám đốc điều hành đang lo lắng sự phản đối từ nhân viên nếu họ không được xem là tích cực theo đuổi ưu tiên vaccine, hoặc thậm chí bị “dân chửi” vì không nhiệt tình quan tâm nhân viên. 32BJ SEIU – liên đoàn đại diện giới chủ cho thuê bất động sản New York City – đang yêu cầu rằng các nhà quản lý những cao ốc-văn phòng cho thuê cũng như nhân viên bảo trì phải được tiêm “ngay lập tức”.
32BJ SEIU đại diện cho 175.000 thành viên toàn nước Mỹ. Tony Utano, chủ tịch Liên đoàn Công nhân Giao thông Địa phương 100 (Transport Workers Union Local 100), đại diện cho 40.000 công nhân xe buýt và tàu điện ngầm trong thành phố New York, cho biết ông đã nói chuyện với Patrick J. Foye, chủ tịch Cơ quan Giao thông Đô thị do ông Cuomo bổ nhiệm, về việc tiêm chích. Trong khi đó, những người làm việc trong ngành nông nghiệp khắp nước Mỹ, từ nông dân trồng lúa đến nuôi heo, cũng nói “tớ mới cần được ưu tiên, hiểu chưa!”. Có những người không hiểu. Họ cãi, tôi mới đáng được chích trước. Đó là những y tá trường học, tài xế xe tải, người chăm sóc xác chết và thậm chí người trông coi vườn thú.
Tổ chức Navajo Nation của dân da đỏ đang kêu gào, thay mặt cho 170.000 dân da đỏ ở Arizona, New Mexico và Utah. Hiệp hội bệnh Parkinson Hoa Kỳ cũng tham gia vào cuộc chạy đua “tớ cần được chích trước”. Với Suzanne Rajczi, giám đốc điều hành Ginsberg’s Foods, công ty thuộc sở hữu gia đình ở Hudson, New York, việc đáng làm bây giờ là chứng minh cho các quan chức thấy hơn 250 công nhân của mình đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối thực phẩm cho nhà hàng, bệnh viện, trường học và viện dưỡng lão khắp ngang cùng ngõ hẻm Đông Bắc New York như thế nào…