Những “con ruồi trâu” trong Quốc hội Hoa Kỳ

Ảnh: Nathan Howard/Getty Images
Share:

“Những kẻ nổi loạn GOP”, được thúc đẩy bởi phương tiện truyền thông xã hội và tiền bạc đóng góp trực tuyến, cảm thấy được trao quyền để buộc các lãnh đạo của họ không thỏa hiệp với đảng Dân chủ.

Tấn công Chủ tịch Hạ viện, người cùng phe mình

Những ai tưởng một nhóm nhỏ thành viên đảng Cộng hòa (GOP) tại Hạ viện thích chống lại ban lãnh đạo đảng của họ nay “không còn tồn tại” nữa thì họ đã lầm! Lẽ ra “những con ruồi trâu”(gadflies) gây khó chịu này không khó bị vô hiệu hóa; nhưng không ngờ ngày nay, vài con ruồi đã trở thành những gã khổng lồ trong chính trường Mỹ, chi phối các quyết định quan trọng của đa số nhà lập pháp GOP – nhận định của Wall Street Journal.

Những thành viên của nhóm nhỏ “làm loạn” đã sử dụng khá tốt chiến thuật gây rối và hùng biện thu hút sự chú ý của giới truyền thông và quyên góp cho chiến dịch của mình từ những cử tri bị ám ảnh bởi tính đảng phái, mang lại cho họ quyền lực để chống lại ban lãnh đạo đảng và đa số các đồng nghiệp GOP tại Hạ viện của họ.

Khi làm như vậy, “những con ruồi trâu” đã trở thành anh hùng đối với nhiều người trong GOP nhưng lại là biểu tượng của điều mà nhiều cử tri chán nản: Sự phân cực mạnh mẽ trên chính trường Mỹ, nơi các chính trị gia hiếu chiến nhất có thể giữ quyền chi phối trong khi những người theo chủ nghĩa ôn hòa phải vất vả để những ý kiến của họ được lắng nghe.

Nhóm ruồi trâu này đang dẫn đến việc đóng cửa chính phủ diễn ra vào lúc 12g01 sáng Chủ nhật, 1 Tháng Mười, khi ngày thứ Sáu, một số kẻ nổi loạn cứng đầu nhất đã hợp lực đánh bại nỗ lực của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nhằm giữ chính phủ mở cửa thêm 30 ngày nữa.

Sự thất bại của giải pháp cứu nguy giờ chót khiến Hạ viện không thấy “ánh sáng cuối đường hầm” nào để thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn, và ban lãnh đạo GOP cũng khó đạt được thỏa thuận nhân nhượng với Tổng thống Joe Biden và Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát. Thực tế cho thấy, những kẻ “nói không” trong cuộc bỏ phiếu ngày thứ Sáu và những cuộc bỏ phiếu gần đây khác đang sử dụng mạng xã hội và gây quỹ trực tuyến để xây dựng danh tiếng của mình, đồng giải phóng bản thân ra khỏi sự kiểm soát của ban lãnh đạo đảng.

Một pha “biểu diễn quyền lực” của Marjorie Taylor Greene (GOP-Georgia): Khó có thể tưởng tượng đây là một chính trị gia và là dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ (ảnh: Joe Raedle/Getty Images)

Thúc đẩy mạnh mẽ nhất việc đóng cửa là Dân biểu Marjorie Taylor Greene của tiểu bang Georgia, một “con ruồi trâu khủng” tích cực của nhóm thiểu số cực đoan trong Hạ viện. Bà đã kiếm được nhiều tiền vận động tranh cử hơn hầu hết các thành viên GOP Hạ viện khác trong năm 2022, là nhờ những tuyên bố kích động nhiều cử tri trong đảng của bà nổi giận và hùa theo.

Dân biểu Florida Matt Gaetz, một nhân vật chống đối kịch liệt khác ban lãnh đạo GOP Hạ viện (kể cả McCarthy) là một “ngôi sao” trong giới truyền thông bảo thủ, với 2.5 triệu người theo dõi trên nền tảng truyền thông xã hội X (Twitter trước đây). Nếu Dân biểu GOP Matt Rosendale của tiểu bang Montana tranh cử vào Thượng viện như ông ta dự tính, và đắc cử, tấm vé của ông sẽ là “nỗi đau” chứ không phải hạnh phúc cho đảng của mình ở Washington.

Mỗi lần đóng cửa chính phủ (kể từ năm 1977, đã có 10 lần đóng cửa hơn ba ngày) đều kết thúc bằng một thỏa hiệp chính trị hơn là kỹ trị. Nhóm ruồi trâu nằm trong nhóm lớn hơn (nhưng lỏng lẻo hơn) gồm khoảng 20 Dân biểu GOP đang thúc đẩy McCarthy áp lực chính phủ cắt giảm chi tiêu hơn nữa. Những chính sách bảo thủ của họ khiến việc thoả hiệp với đảng Dân chủ rất khó.

Nhóm lớn này đã chặn luật ngân sách được hàng trăm đồng nghiệp GOP tại Hạ viện ủng hộ và không hề tỏ ra có ý định sẽ đồng tình với những thỏa hiệp lưỡng đảng.

“Tôi đang làm mọi thứ trong khả năng để không cho phép độc đảng trong việc làm luật. Trận chiến vẫn tiếp tục” – Matt Gaetz viết trên nền tảng X vào ngày thứ Sáu. Gaetz và một số kẻ nổi loạn khác biện bạch họ đơn giản chỉ đấu tranh “vì trách nhiệm với nền tài chính và nhận ra tầm quan trọng của việc xem xét kỹ từng hóa đơn chi tiêu hàng năm”, thay vì bất cẩn thông qua gói chi tiêu chung khổng lồ được soạn thảo sau cánh cửa đóng kín.

Matt Gaetz (GOP-Florida) – ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images

Nhưng một số đồng nghiệp GOP đặt câu hỏi về động cơ của họ. “Tôi luôn có chút nghi ngờ những đồng nghiệp nói họ bỏ phiếu theo ‘các nguyên tắc không thể vi phạm’ – Dân biểu Dusty Johnson (Cộng hoà-South Dakota), chủ tịch khối Republican Main Street Caucus theo đường lối trung dung, nhận xét – Đối với tôi, dường như một mức độ tự ái nào đó đang cản trở việc hợp tác của họ”.

Theo một số nhà quan sát, để xảy ra tình trạng phân chia cực đoan hiện nay trong GOP là lỗi của ban lãnh đạo đã mất khả năng kiểm soát quỹ tranh cử và phân công như trước đây để buộc những người bất đồng chính kiến phải tuân theo đường lối chung của đảng. Hệ quả là một số thành viên ương ngạnh được phép chi phối một Hạ viện mà GOP chỉ chiếm đa số hẹp.

Một lỗi hệ thống khác là xu hướng dân túy (populism) ở cả hai đảng (nhưng rõ nhất là trong GOP dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump) đã tưởng thưởng cho nhà lập pháp nào muốn lật đổ các thể chế chính trị hiện hữu nhất, cho thể chế đó do chính đảng của họ tạo ra. Họ gọi đây là “tát cạn đầm lầy”.

Bản thân Trump luôn kêu gọi các nhà lập pháp hãy đóng cửa chính phủ nếu tất cả các yêu cầu bảo thủ không được đáp ứng. Sự thay đổi trong cả hai đảng đã dẫn đến thực tế: chỉ một số ít thành viên phải đối mặt với một cuộc bầu cử sơ bộ mang tính cạnh tranh trong đảng.

Trong 21 thành viên GOP phản đối nỗ lực vào phút cuối của McCarthy nhằm thông qua dự luật tài trợ ngắn hạn “cứu đóng cửa”, chỉ có một người (Dân biểu Lauren Boebert của Colorado) chiến thắng sát sao trong cuộc bầu cử sơ bộ, dẫn trước chưa đến 0,5% số phiếu bầu so với đối thủ. Số còn lại đều cách biệt xa, Dân biểu Eli Crane của Arizonacách biệt thấp nhất vẫn hơn 10 điểm. Đó là một GOP mà nhiều người bảo thủ thời xưa không hề thấy.

__________________________

Cựu Thượng nghị sĩ GOP John Danforth, người đại diện cho tiểu bang Missouri trong ba nhiệm kỳ, kết thúc vào năm 1995, nhận định:

“Về cơ bản, chiến thuật của những người theo chủ nghĩa dân túy là gây chia rẽ, kích thích sbất bình và đấu tranh. Họ liên tục khoe khoang sẽ phá vỡ mọi thứ và đến Washington với một chiếc đèn hàn. Nhưng bản chất của chủ nghĩa bảo thủ không phải như thế. Có khác biệt, nhưng vẫn nghiêng về hàn gắn và thỏa hiệp. Những người siêu bảo thủ làm trái với chủ nghĩa bảo thủ và chống lại thiên tài của những người soạn thảo Hiến pháp”.

__________________________

Ban lãnh đạo đảng không còn quyền lực như trước

Cũng các lực lượng cực đoan tương tự bên phe Dân chủ đã thúc đẩy một số đảng viên đảng Dân chủ lọt nhanh vào điểm sáng khi họ đến Washington. Ví dụ, ở tuổi 28, Dân biểu Alexandria Ocasio Cortez của New York trở thành nhân vật gây chú ý trên mạng xã hội và được phe tự do trong đảng yêu thích. Nhờ vậy, bà đã đánh bại một người theo chủ nghĩa trung dung trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2018.

Tuy nhiên, (cựu) Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã thành công hơn trong việc kiềm chế những người cấp tiến trong đảng và thông qua dễ dàng nhiều luật, so với Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm McCarthy, ngay cả khi đảng Dân chủ có tỷ số cách biệt sát sao tương tự tại Hạ viện trong hai năm đầu làm tổng thống của Biden.

Những vấn đề mà McCarthy đang đối mặt còn khó hơn thời Pelosi. Với đa số 221-212 mỏng manh cho GOP tại Hạ viện, ông không thể mất quá bốn phiếu của các đồng nghiệp (trừ khi có sự ủng hộ của đảng Dân chủ).

Theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 221-212  là cách biệt hẹp thứ năm trong lịch sử. Nhưng biên độ hẹp tại Hạ viện không nói lên toàn bộ câu chuyện về lý do tại sao chính phủ luôn ở thế nguy hiểm phải đóng cửa.

Năm 2001, Thượng viện chia đều 50-50 cho hai đảng trước khi nghiêng về đảng Dân chủ với thế đa số mỏng manh, chỉ hơn hai ghế. Tuy nhiên, Thượng viện thời điểm đó vẫn thông qua một khoản cắt giảm thuế lớn, ưu tiên hàng đầu của chính quyền GOP Bush, cũng như thông qua một cuộc cải tổ giáo dục mang tính bước ngoặt có tên “No Child Left Behind”.

Dân biểu Steve Womack (Cộng hoà-Arkansas), một thành viên lâu năm của Ủy ban Thẩm định Hạ viện, cho biết: “Những người tôi gọi là ‘tự do’ đi theo con đường riêng và nhảy theo nhịp điệu riêng ngày càng đông hơn. Các xu hướng bầu cử gần đây cho thấy Washington đã thay đổi như thế nào khi các nhà lập pháp chiến thắng chỉ nhờ duy trì được mối liên kết với các cử tri nòng cốt ủng hộ họ. Các ứng cử viên ngày càng ít phụ thuộc hơn vào đảng mình khi gây quỹ”.

Ví dụ, Marjorie Taylor Greene là người gây quỹ thành công thứ chín trong cuộc bầu cử năm 2022 so với các thành viên Hạ viện hiện nay. 98% số tiền của bà đến từ các nhà tài trợ cá nhân chứ không phải từ các nguồn của đảng, công ty hoặc ủy ban hành động chính trị (thống kê của tổ chức phi đảng phái Open Secrets).

Hình ảnh “hoạt động” trong Quốc hội của Marjorie Taylor Greene (ảnh: Win McNamee/Getty Images)

____________________

Bruce Mehlman, cựu trợ lý GOP tại Quốc hội và là cựu quan chức trong chính quyền của Tổng thống George W. Bush, nói:

“Mạng xã hội đã làm suy yếu cơ cấu quyền lực cũ của Quốc hội. Ngày xưa, bạn cần đảng để quyên tiền, xây dựng danh tiếng và phát triển quyền lực. Hệ thống khen thưởng dựa vào lối chơi đồng đội. Bây giờ, trên bảo dưới không nghe!’ Giờ đây, một cá nhân có thể thoải mái kêu gọi chống lại đảng và nhanh chóng xây dựng lực lượng ủng hộ mình trên toàn quốc với tư cách làkẻ phá rối theo chủ nghĩa dân túy thayquan tâm đến đảng”.

____________________

Tính đảng phái cũng gắn liền với khu vực bầu cử hơn trước. Dữ liệu từ Trung tâm Chính trị (Center for Politics) thuộc Đại học Virginia cho thấy, chỉ có 23 Dân biểu Hạ viện đại diện cho các khu vực bầu cử ủng hộ đảng đối lập làm tổng thống (năm đảng viên Dân chủ và 18 đảng viên GOP), tương đối nhỏ trong những thập niên gần đây. Năm 2000, 86 khu vực bầu cử đã chọn một thành viên Hạ viện từ đảng này và chọn tổng thống của đảng kia. Năm 1984, có 190 khu vực bầu cử làm như thế.

Một số GOP nổi loạn ở Hạ viện có thể đang nhắm tới chiếc ghế cao hơn nhờ “danh tiếng” hiếu chiến và “dám thách thức các thể chế”, những con bài đưa họ đến chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ.

Ví dụ, Matt Rosendale sẽ tranh cử vào Thượng viện từ cánh hữu chính trị chống lại một ứng cử viên được thống đốc GOP của tiểu bang và các thượng nghị sĩ GOP nổi tiếng ủng hộ. Matt Gaetz đang xem xét tranh cử thống đốc Florida, đối mặt với Dân biểu Byron Donalds, người theo xu hướng khác (ông không chỉ bỏ phiếu cho giải pháp tài trợ ngắn hạn vào Thứ Sáu mà còn là nhà tài trợ chính cho dự luật cứu đóng cửa này).

Matt Rosendale (GOP-Montana) – ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images

Ba lần trong năm nay dưới thời McCarthy, Hạ viện do GOP kiểm soát đã bác bỏ “các quy tắc tranh luận phải theo” khi Hạ viện bàn về một dự luật (thường nhận được sự ủng hộ gần như nhất trí của đảng đa số).

Theo các chuyên gia về Quốc hội, đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này trong 20 năm. Dù McCarthy đã thực hiện các bước quan trọng để làm hài lòng phe nổi loạn (chẳng hạn tuyên bố bắt đầu cuộc điều tra luận tội Biden chính thức) nhưng vẫn chưa rõ làm thế nào ông có thể đạt được thỏa thuận chi tiêu với chính phủ Biden mà không khiến các đồng nghiệp “ruồi trâu” kêu gọi mở cuộc bỏ phiếu bãi chức chủ tịch của ông (một điều kiện của phe ruồi trâu để thông qua ghế chủ tịch của McCarthy).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: