Nhà sản xuất Northrop Grumman cho biết chuyến bay đầu tiên của B-21 Raider dự kiến được thực hiện vào năm sau, 2023. Trong một thông cáo báo chí, Northrop Grumman công bố oanh tạc cơ tàng hình tiếp theo của Không lực Hoa Kỳ dự kiến ra mắt cuối năm 2022 và các chuyến bay đầu tiên của một máy bay mới thường diễn ra vài tháng sau lễ giới thiệu.
Trong thực tế, loạt thử nghiệm B-21 Raider trên mặt đất đã hoàn thành tại Nhà máy Không quân 42 (Air Force Plant 42) ở Palmdale, California, vào đầu tháng này. Northrop Grumman cho biết bài kiểm tra hiệu chuẩn tải (loads calibration test) là phần quan trọng nhất. Quá trình thử nghiệm liên quan việc định cấu hình các thiết bị của máy bay và xác minh tính toàn vẹn cấu trúc bằng cách đặt máy bay vào các mức độ căng thẳng khác nhau. Theo Northrop, cuộc thử nghiệm hoàn toàn thành công, có nghĩa chiếc B-21 đầu tiên – một trong sáu chiếc đang được sản xuất hoặc thử nghiệm – có thể sẵn sàng thực hiện chuyến bay đầu tiên.
Trước mắt, giai đoạn thử nghiệm trên mặt đất tiếp theo bao gồm việc cung cấp năng lượng, thử nghiệm các hệ thống phụ (subsystem) cũng như phủ sơn tàng hình. Đầu Tháng Ba, Northrop thông báo rằng giai đoạn thử nghiệm trên mặt đất bắt đầu. Sau đó, Northrop tiến hành chạy thử động cơ và thử nghiệm chạy trên đường băng với vận tốc thấp lẫn cao, trước khi B-21 Raider bay lần đầu tiên từ Nhà máy 42 đến Căn cứ Không quân Edwards ở California, nơi diễn ra các cuộc thử nghiệm bay chính thức.
Việc xác nhận chuyến bay đầu tiên của B-21 Raider vào năm 2023 đã cung cấp một số thông tin chi tiết hơn về lịch trình sản xuất B-21 Raider. Ban đầu, Không quân Hoa Kỳ hy vọng thực hiện chuyến bay B-21 đầu tiên vào Tháng Mười Hai 2021 – theo tuyên bố của cựu Phó Tham mưu trưởng, Tướng Stephen Wilson vào năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch không thực hiện được. Tháng trước, Không quân trao Northrop Grumman một hợp đồng trị giá $108 triệu để mua một số vật liệu cần thiết và phụ tùng oanh tạc cơ thường mất nhiều thời gian mới có thể chế tạo xong.
Ngân sách đề xuất của Không quân cho năm tài chính 2023 sẽ bổ sung $1,7 tỷ mua B-21 Raider, tức nhiều hơn $108 triệu được phê duyệt vào năm 2022. Không quân muốn chi hơn $5,2 tỷ cho B-21 Raider vào năm tới. Năm 2019, Không quân Hoa Kỳ đã chọn Căn cứ Whiteman ở Missouri và Căn cứ Dyess ở Texas làm căn cứ thứ hai và thứ ba cho B-21, ngoài Căn cứ Ellsworth ở South Dakota. Không quân Hoa Kỳ dự tính mua ít nhất 100 chiếc B-21 Raider trong khi nhu cầu thực tế có thể đẩy đơn hàng lên tổng cộng 200 chiếc.
__________
B-21 Raider là dự án tuyệt mật của Không quân Hoa Kỳ. Tầm hoạt động cực xa của B-21 giúp Không quân có khả năng tấn công Trung Quốc nếu cần thiết. Với kỹ thuật tiếp liệu nhanh, B-21 Raider có thể tấn công các mục tiêu ở bất kỳ đâu trên thế giới và trở thành xương sống của Không lực Hoa Kỳ. B-21 Raider mang bom hạt nhân B61-12 và hỏa tiễn hành trình hạt nhân AGM-86B – theo chuyên gia quốc phòng Maya Carlin viết trên chuyên san 19FortyFive.
B-21 Raider được đặt theo tên Doolittle’s Raiders – nhóm phi công huyền thoại thời Thế chiến thứ hai. Ngày 18 Tháng Tư 1942, 80 phi công và 16 máy bay ném bom hạng trung B-25 Mitchell đã thực hiện một nhiệm vụ mà nhiều người lúc đó cho là bất khả thi. 80 phi công tình nguyện, do Trung tá Jimmy Doolittle chỉ huy, đã phóng 16 chiếc B-25 từ hàng không mẫu hạm USS Hornet, dù B-25 không được thiết kế để có thể cất cánh từ hàng không mẫu hạm, để thực hiện cuộc đột kích chớp nhoáng trên bầu trời Nhật. Cuộc đột kích dẫn đến nhiều thay đổi cục diện chiến trường đối với quân lực Mỹ không chỉ trong Thế chiến thứ hai mà còn đưa đến những điều chỉnh về tư duy tác chiến.
Ngoài việc tôn vinh các phi công lừng danh trong lịch sử, việc đặt tên nhóm phi công huyền thoại từng tác chiến tại châu Á cho thế hệ oanh tạc cơ mới nhất B-21 Raider cũng muốn hàm ý rằng mặt trận chính của B-21 Raider là châu Á-Thái Bình Dương. Điều đó có nghĩa đối thủ chính của B-21 Raider là Không quân Trung Quốc.