“Quân đội không có vai trò thay đổi kết quả bầu cử”

10 cựu Bộ trưởng Quốc phòng cùng lên tiếng về mưu toan thay đổi kết quả bầu cử tổng thống.
Trụ sở Bộ Quốc phòng. Wikipedia

H.C.

“Thời điểm nghi vấn về kết quả bầu cử đã qua rồi, và quân đội không có vai trò thay đổi kết quả đó” – đó là ý kiến chung của cả 10 cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ còn đang sống thể hiện trong một bài “Ý kiến” (Opinion) trên báo The Washington Post chiều nay Chủ nhật 03-01-2021.

Trong một sự kiện hiếm thấy, mười cựu bộ trưởng quốc phòng, từng làm việc trong các chính phủ thuộc Dân chủ và Cộng hòa, gồm các ông Ashton Carter, Dick Cheney, William Cohen, Mark Esper, Robert Gates, Chuck Hagel, James Mattis, Leon Panetta, William Perry và Donald Rumsfeld, đã cùng lên tiếng phản đối Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ, dân biểu Cộng hòa đang ủng hộ những tuyên bố không có cơ sở rằng có gian lận phổ biến trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, đồng thời phản bác mưu toan sử dụng quân đội để can thiệp nhằm đảo ngược kết quả bầu cử mà theo đó liên danh Joe Biden/Kamala Harris thắng với 306 phiếu đại cử tri.

Trong 10 cựu Bộ trưởng Quốc phòng đứng tên đồng tác giả bài báo có hai người từng làm việc dưới quyền Tổng thống Trump là các ông Jim Mattis và Mark T. Esper; và có cựu Bộ trưởng Richard B. Cheney, lãnh đạo Bộ Quốc phòng dưới thời Tổng thống George H.W. Bush (Bush Cha) và sau này trở thành Phó tổng thống dưới thời Tổng thống George W. Bush (Bush Con). Trừ Leon Panetta, William Perry và Ashton Carter là Dân chủ; bảy người còn lại là Cộng hòa.

Bài ý kiến của 10 cựu bộ trưởng được công bố sau khi có tin 11 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ phản đối phiếu cử tri đoàn của một số tiểu bang sẽ được trình ra Thượng viện vào thứ Ba tuần tới bất chấp những nỗ lực pháp lý của Tổng thống Trump nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tại các bang “chiến trường” đều đã thất bại. Bài ý kiến cũng bày tỏ lo ngại rằng ông Trump sẽ cố tìm cách sử dụng quân đội để giúp ông tiếp tục ngồi trong Tòa Bạch ốc dù ông thất cử.

Vài tuần gần đây đã có nhiều nguồn tin nói ông Trump đang xem xét ban hành sắc lệnh “thiết quân luật” (martial law) để có cớ điều động quân đội trấn áp những vụ nổi loạn trên đường phố và đảo ngược kết quả bầu cử. Ông Trump đã viết trên Twitter rằng đó là “tin vịt” (fake news) nhưng một cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông – tướng Michael Flynn, từng bị kết án tù vì man khai với Quốc hội, mới đây được Tổng thống Trump ân xá – đã nói trên truyền hình rằng ông Trump có thể tuyên bố thiết quân luật, bãi bỏ kết quả bầu cử và sử dụng quân đội để tổ chức một cuộc bầu cử mới. Sau phát biểu đó, ông Flynn chẳng những không bị ông Trump “đính chính” mà còn được tổng thống mời vào Tòa Bạch ốc trò chuyện.

Đang có thông tin rộng rãi rằng những người ủng hộ ông Trump – có thể lên tới hàng chục ngàn người – sẽ đổ về thủ đô Washington D.C. biểu tình trước trụ sở Quốc hội trong ngày thứ Ba 06-01 sắp tới để gây áp lực buộc Quốc hội phải tuyên bố ông Trump thắng cử. Đích thân Tổng thống Trump lên tiếng khích lệ những người đó, ông viết tweet “Hãy đến đó. Sẽ rất hoang dại!” Nhiều người lo ngại sẽ có xung đột, thậm chí đổ máu, giữa những người biểu tình – nhất là nhóm cực đoan da trắng thượng đẳng như Pride Boys – với lực lượng bảo vệ trật tự của thủ đô. Cũng có thể điều này đã được dự tính trong kịch bản của ông Trump: gây rối loạn trên đường phố để lấy cớ huy động quân đội, như ông ta đã từng huy động quân đội dẹp tan những đám đông biểu tình trước Tòa Bạch ốc hồi tháng 6-2020, hoặc sử dụng các đơn vị vệ binh không mang quân hiệu trấn áp người biểu tình ở Oregon và Wisconsin trước đây.

Trong bối cảnh như vậy, các tướng lĩnh từng lãnh đạo Bộ Quốc phòng thấy cần thiết phải có tiếng nói. “Đây là một chuỗi hành động rất nguy hiểm, cần phải được cảnh báo trước khi nó xảy ra,” cựu bộ trưởng William Cohen nói về việc sử dụng quân đội chống lại thường dân.Ông Cohen cho biết ông sửng sốt khi thấy người ta bàn việc ban hành thiết quân luật trong thời bình.

Ngoài việc phản đối việc lật ngược kết quả bầu cử, các cựu bộ trưởng Quốc phòng kêu gọi Quyền Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Christopher C. Miller và các quan chức hành chính khác của Bộ “toàn tâm toàn ý” tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chuyển giao quyền lực sang chính phủ của ông Biden. “Đây là yếu tố căn bản của nền dân chủ chúng ta, và nó nằm ngay trong trách nhiệm của các quan chức quốc phòng,” cựu bộ trưởng Chuck Hagel – một người Cộng hòa nhưng làm việc trong chính phủ Dân chủ của Tổng thống Barack Obama – nói về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng bảo đảm một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình.

Toàn văn bài ý kiến của 10 cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tạm dịch như sau:

“Với tư cách cựu Bộ trưởng Quốc phòng, chúng tôi có quan điểm chung về nghĩa vụ thiêng liêng của các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng. Mỗi người chúng tôi đều tuyên thệ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp chống lại mọi kẻ thù trong và ngoài nước. Chúng tôi không thề với một cá nhân hay một đảng phái nào.

Các cuộc bầu cử ở Mỹ và sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình theo kết quả bầu cử là những cột mốc của nền dân chủ chúng ta. Với một ngoại lệ duy nhất và bi thảm khiến nhiều người Mỹ thiệt mạng hơn tất cả các cuộc chiến tranh khác của chúng ta cộng lại, Hoa Kỳ đã có một kỷ lục không thể phá vỡ các cuộc chuyển giao như vậy từ năm 1789, cả trong thời kỳ xung đột đảng phái, chiến tranh, dịch bệnh và suy thoái kinh tế. Năm nay cũng không ngoại lệ.

Cuộc bầu cử của chúng ta đã diễn ra. Các cuộc tái kiểm phiếu và kiểm toán đã được thực hiện. Những vụ kiện tụng thích hợp đã được các tòa án giải quyết. Các thống đốc đã chứng nhận kết quả. Các cử tri đoàn đã bỏ phiếu. Thời gian thẩm vấn kết quả đã trôi qua. Đã đến thời điểm chính thức kiểm phiếu cử tri đoàn theo quy định của Hiến pháp và quy chế bầu cử.

Như các nhà lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng đã lưu ý, “quân đội Hoa Kỳ không có vai trò gì trong việc quyết định kết quả một cuộc bầu cử.” Những nỗ lực lôi kéo lực lượng vũ trang Hoa Kỳ tham gia giải quyết các tranh chấp bầu cử sẽ đưa chúng ta vào một lãnh thổ nguy hiểm, bất hợp pháp và vi hiến. Các quan chức dân sự và quân sự hoặc chỉ đạo hoặc thực hiện một biện pháp như vậy sẽ phải chịu trách nhiệm, bao gồm khả năng phải đối mặt với các hình phạt hình sự, về hậu quả nghiêm trọng mà hành động của họ gây ra cho nước cộng hòa của chúng ta.

Cuộc chuyển đổi, mà tất cả chúng ta đều đã trải qua, là một phần quan trọng của việc chuyển giao quyền lực thành công. Chúng thường xảy ra vào những thời điểm quốc tế không chắc chắn về chính sách và thế trận an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Đó có thể là thời điểm mà quốc gia dễ bị tấn công bởi những kẻ thù tìm cách lợi dụng tình hình.

Do những yếu tố này, đặc biệt là trong thời kỳ các lực lượng Hoa Kỳ đang hoạt động tích cực khắp thế giới, thì cuộc chuyển đổi ở Bộ Quốc phòng càng phải được thực hiện đầy đủ, hợp tác và minh bạch. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher C. Miller và các thuộc cấp của ông – những quan chức chính trị được bổ nhiệm, các sĩ quan và công chức – đều phải tuân theo lời thề, theo luật pháp và tiền lệ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lên nắm quyền của chính quyền mới và phải hết lòng làm như vậy. Họ cũng phải kiềm chế mọi hành động chính trị phá hoại kết quả của cuộc bầu cử hoặc cản trở sự thành công của đội ngũ mới.

Chúng tôi kêu gọi họ, bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất, hãy làm như nhiều thế hệ người Mỹ đã làm trước đây. Hành động cuối cùng này phù hợp với truyền thống và tính chuyên nghiệp cao nhất của các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ cũng như lịch sử chuyển đổi dân chủ ở đất nước vĩ đại của chúng ta.”

(theo The Washington Post)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: