Sinh viên lắp đặt máy bán hàng tự động bán thuốc tránh thai

(minh họa: Getty Images)

Một nhóm sinh viên lắp đặt máy bán thuốc tránh thai khẩn cấp trong khuôn viên trường đại học tại Washington nhằm giúp bạn bè dễ mua hơn.

Aiza Saeed, sinh viên năm cuối, Đại học George Washington rủ bạn bè xuống tầng hầm của một tòa nhà trong trường đại học, nơi có máy bán hàng tự động mới. Ở đó, thuốc tránh thai khẩn cấp được bán với giá $30. Thuốc bảo đảm được giữ ở nhiệt độ thích hợp, cung cấp các thông tin cảnh báo và tất nhiên là còn hạn sử dụng.

Hội Sinh viên Đại học George Washington (GW) khởi xướng sáng kiến này. Theo đó, máy bán thuốc tự động được đặt dưới tầng hầm, khá kín đáo nhằm giúp sinh viên thoải mái hơn khi mua thuốc. Theo The Washington Post, máy này cung cấp các loại thuốc không cần kê đơn, như thuốc tránh thai khẩn cấp, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt và băng vệ sinh. Thuốc được bán với giá cạnh tranh, rẻ hơn so với các quầy thuốc bên ngoài.

Christian Zidouemba, Chủ tịch Hội sinh viên tại Đại học George Washington (GWU), cho biết các chuẩn mực đạo đức, văn hóa đã khiến một số sản phẩm sức khỏe như thuốc tránh thai khẩn cấp trở thành điều cấm kỵ. Tuy nhiên, Zidouemba tin rằng việc tiếp cận chúng là điều quan trọng với sinh viên. “Nhìn chung, phản ứng của đa số sinh viên là cần thứ này trong khuôn viên trường hoặc nơi ở như ký túc xá. Nhưng điều mà các bạn cần hơn, là chi phí rẻ và mua một cách kín đáo,” Zidouemba nói với Washington Post.

Sinh viên lắp đặt máy bán hàng tự động bán thuốc tránh thai. (minh họa: Getty Images)

Thuốc tránh thai khẩn cấp được phòng y tế của trường đại học cung cấp, nhưng không phải lúc nào phòng y tế cũng mở cửa. Sinh viên cũng có thể mua thuốc bên ngoài khuôn viên trường học nhưng phải trả giá cao. Ngoài ra, hầu hết sinh viên đều không có xe hơi, trong khi quãng đường từ hệ thống trường đến các hiệu thuốc lại khá xa.

Neharika Rao, sinh viên năm thứ hai tại GWU, người dẫn đầu dự án này, cho biết việc lắp đặt máy bán thuốc tránh thai tự động trở thành ưu tiên hàng đầu, sau khi Tòa án tối cao Mỹ cho phép các tiểu bang tùy ý quyết định cấm hay cho phép phá thai. Rao và Aiza Saeed khởi xướng dự án bằng cách khảo sát 1,500 sinh viên và nhận được đa số ủng hộ. “Mục tiêu chính mà tụi em đặt ra cho dự án này là giúp xóa bỏ sự kỳ thị xung quanh các biện pháp tránh thai và quyền sinh sản,” Rao nói.

Trong nhiều thập niên qua, các tiểu bang cố gắng hạn chế khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai khẩn cấp bằng cách loại trừ nó khỏi các chương trình trợ cấp y tế hoặc cho phép dược sĩ từ chối cung cấp dịch vụ tránh thai, theo Viện Guttmacher.

Bà Kelly Cleland, CEO của Hiệp hội Tránh thai Khẩn cấp Mỹ, cho biết các máy bán thuốc tránh thai tự động sẽ giúp sinh viên mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm. “GW là trường đại học thứ 32 mà tôi biết có máy bán thuốc tránh thai khẩn cấp. Những nỗ lực như lắp đặt máy bán hàng tự động là một phần quan trọng trong giải pháp giảm thiểu rào cản tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản,” bà Cleland nhận định. “Biện pháp tránh thai khẩn cấp có thể ngăn ngừa mang thai ngay sau khi quan hệ tình dục không an toàn. Đây là một phần quan trọng trong chuỗi chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là khi quyền phá thai đang bị hạn chế tại Mỹ.”

Theo dữ liệu từ CDC Mỹ, khoảng 1/4 phụ nữ nói rằng họ đã sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp vào một thời điểm nào đó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: